Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 MV năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,334
  • Ngày đăng: 07/12/2022 16:33:07

DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A : Mt 11, 2-11

 

 

Suy niệm

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia kêu gọi dân chúng hãy vui lên, vì “sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa… Chính Ngài sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,1-6).

 

Như mọi người đương thời, Gioan Tẩy Giả cũng nôn nóng chờ Đấng Mêsia đến. Ông cũng đoán Đấng ấy là Đức Giêsu. Lúc đó Gioan đang bị bắt giam, vì đã công kích hành động vô luân của vua Hêrôđê. Trong tù, Gioan vẫn theo dõi những hoạt động của Đức Giêsu, nhưng ông cảm thấy rất nghi ngại, vì thấy Ngài hành động khác lạ. Gioan đã loan báo một Đấng Mêsia nghiêm minh, đến để trừng phạt và tiêu diệt những kẻ ác, đồng thời đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa” (Mt 3,10). Nhưng khi đến, Đức Giêsu lại không oai phong, không quyền lực, không tiêu diệt kẻ ác, mà còn biểu hiện là một Đấng đầy lòng nhân từ.

 

Gioan như thấy mình thất bại: rao giảng sự công chính nhưng bị xử bất công; loan báo ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Buồn hơn nữa khi không thấy Đấng cứu thế đến giải thoát mình. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu đựng, nhưng ông e sợ mình đã lầm đường và có thể lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai các môn đệ đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không…”. Đức Giêsu không trả lời phải hay không, mà yêu cầu họ về thuật lại cho Gioan những điều họ chứng kiến, cũng là những điều mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

 

Biết được Gioan đang đứng trước thử thách, nên Đức Giêsu đã nhắn gửi: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Ngài khen Gioan “còn hơn cả ngôn sứ nữa”, và xác nhận “chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới”. Hóa ra Đấng Kitô mà Gioan loan báo không phải là vị quan tòa oai nghiêm đáng sợ, nhưng là một Đấng từ bi nhân hậu, đến chữa lành những vết thương nhân loại, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi. Ngài không đến trong hàng ngũ vua chúa quan quyền hay trong cấp lãnh đạo tôn giáo, nhưng Ngài đến trong cảnh nghèo khó, lui tới với những kẻ nghèo hèn, thân thích với những kẻ nghèo khổ. Cũng như Gioan, ai cũng nghĩ Ngài đến với cung cách thần thánh siêu phàm, có ai ngờ Ngài lại là một con người bình dị, thật gần gũi và dễ thương, bạn bè với quân thu thuế và những người tội lỗi. Ngài là Đấng quyền năng, nhưng là quyền năng trong sự yêu thương che chở chứ không phải hủy diệt.“Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12, 20).

 

Gioan giới thiệu các môn đệ và dân chúng đến với Ðức Giêsu, nhưng ông còn phải vượt qua chính mình, phải thanh lọc cái nhìn về Ðấng Mêsia. Chúa không như điều ta tưởng, thậm chí có khi còn ngược với điều ta rao giảng hay nói về Ngài. Chúa luôn mới trong từng câu Kinh Thánh, từng biến cố, từng thời điểm. Ngài là một mầu nhiệm luôn mở ra cho mọi người. Đừng giới hạn Ngài trong những gì ta đã nghe hay đã biết. Vấn đề đặt ra không phải ở Chúa, nhưng ở bản thân của chúng ta. Cần nhận ra sự yếu đuối, bất toàn và nhỏ bé của mình, để đón nhận ánh sáng của Chúa và lớn lên trong sự nhận biết Ngài.

 

Cũng như các tín hữu thời ban đầu, họ hết sức mong chờ Chúa lại đến lần thứ hai. Nhưng chờ hoài chẳng thấy đâu, xem ra họ đã nản lòng. Thánh Giacôbê khuyên họ hãy kiên nhẫn đón chờ ngày Chúa đến, như người nông dân mong chờ mùa gặt (x. Gc 5,7-10). Sự kiên nhẫn giúp thanh luyện đức tin và biểu lộ lòng trung thành, đồng thời tạo điều kiện và thời gian cho kẻ tội lỗi biết hồi tâm sám hối. Chúa không nóng vội trước tội lỗi của ta, thì ta không vội nóng trước lòng nhân từ của Chúa.

 

Mùa Vọng, mùa đón chờ Chúa đến. Chúa đã đến, vẫn đang đến và còn sẽ đến trong vinh quang vào ngày sau hết. Chúa không đến với ta qua những thành công hay danh giá, qua những biểu dương rầm rộ bên ngoài. Ngài đến trong âm thầm lặng lẽ, nhưng đầm ấm tình người. Ngài đến trong một nụ cười khích lệ với bàn tay kín đáo đỡ nâng. Ngài đến trong sự thân thương và gần gũi với ta hơn chính bản thân ta, nhưng có mấy khi ta nhận ra để cảm mến, nhất là để sống tình yêu Ngài đối với mọi người, nhất là những người nghèo hèn. Cần đón nhận Chúa sâu xa, để qua ta Chúa đến với con người hôm nay.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Con cứ tưởng Chúa đến trong quyền lực,
trong oai phong và chiến thắng vinh quang,
để dẹp tan những bọn người gian ác,
làm nên một vương quốc thật huy hoàng.

 

Có ai ngờ Chúa đến chẳng oai hùng,
không trống kèn không tiền hô hậu ủng,
không quần thần không áo mão cân đai,
không giống như những anh hùng khí khái.

 

Quả thật Chúa đã đến quá sơ sài,
trong nghèo khó âm thầm và khiêm hạ,
trong phận người cũng yếu đuối mong manh,
nên chẳng thấy có gì là thần thánh.

 

Cả Gio-an cũng hoang mang nghi ngại,
có thật Ngài là Đấng phải đến không?
Chúa mời gọi hãy nhìn vào hành động,
để biết được đích thực Ngài là ai?

 

Hóa ra Chúa không như điều con tưởng,
thậm chí có những khi còn trái ngược,
thế mới thấy đời con hay ảo tưởng,
tự tạo nên cho mình những thần tượng.

 

Nhìn ngắm Chúa để con được nhận biết,
Ngài luôn sống bằng tình thân nghĩa thiết,
lo cứu chữa cho bao người bệnh tật,
giúp phục hồi thân xác lẫn tinh thần,
đi đến đâu là thi ân đến đấy,
đem an vui cho cuộc sống thế gian này.

 

Xin cho con mỗi ngày nên giống Chúa,
đừng để tâm vào những chuyện hơn thua,
nhưng quan tâm đi đến với mọi người,
làm những gì để cuộc sống đẹp tươi,
lo gieo rắc niềm an vui hy vọng,
hướng con người đến đời sống hiệp thông. Amen.

 

Lm Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 122)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 169)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 204)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 402)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 262)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 607)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 687)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 253)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 512)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7