Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 MV năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 644
  • Ngày đăng: 12/12/2023 06:50:31

LÀM CHỨNG

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng B. Ga 1, 6-8; 19-28

 

Như Gioan, ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng chính là chứng nhân cho Đức Kitô. Không thể làm chứng nếu không sống trung thực với chính mình và tha nhân.

 

 

Suy niệm

Theo tâm lý chung, ai cũng có nhu cầu muốn khẳng định về chính mình để được người khác công nhận, được quí trọng, nhất là nhu cầu thể hiện bản thân (self – actualization). Đây là nhu cầu cao nhất trong năm nhu cầu cơ bản được hệ thống hóa do Abraham Maslow. Tuy nhiên, nhu cầu này có thể đi quá đà, tạo nên một sự lệch lạc nhân cách, có thể trở thành bệnh hoạn trong thế giới ảo, vì không nhận ra sự thật về chính mình cũng như những giá trị cốt lõi làm nên cuộc sống.

 

Cách riêng là tuổi trẻ, những người thích đánh bóng và tạo hào quang cho mình: hay thổi phồng bản thân mình, muốn nêu cao hơn những gì mình có, muốn biểu hiện hơn những gì mình là, để được mọi người nể nang và khâm phục. Tuổi trẻ sợ nhất và ghét nhất là thấy người khác coi thường mình, nên càng cương cố để thể hiện bản lãnh và đẳng cấp của mình bằng mọi giá. Nhưng càng làm thế lại càng không trung thực với lòng mình, càng trở nên giả tạo với người khác.

 

Nói chung, ai cũng dễ bị áp lực tâm lý do chính mình tạo nên, là sự thúc đẩy muốn thổi phồng bản thân để tìm sự công nhận của người khác. Đó là thái độ “ăn gian”, vì sợ mình không được yêu, không được đánh giá cao, nên cứ phải “trang điểm” cho mình bằng những cung cách hay những thứ bên ngoài như tài năng, bằng cấp, địa vị… thậm chí bằng cả đức độ. Dùng những thứ ngoại thân để thay thế bản thân là điều giả tạo. Sống như vậy là sống ảo. Triết học gọi đó là “vong thân”.

 

Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy một con người trung thực và thẳn thắn trong tính cách và sứ mạng làm chứng cho Đức Giêsu, đó là Gioan Tẩy Giả. Vì thấy ông làm phép rửa trong nước, một nghi thức sám hối đặc biệt, khác với nhiều nghi thức thanh tẩy bên ngoài của các giáo phái thời đó, khiến giới lãnh đạo Do Thái ở Giêrusalem phải sai các vị tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông: Ông là ai? Ông có phải là ông Êlia hay một vị ngôn sứ không? Gioan cho họ biết mình chẳng là ai cả, càng không phải là Đấng Kitô, mà chỉ “là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”, và còn cho họ biết có Đấng cao trọng sẽ đến sau ông.

 

Câu trả lời đã thực phá tan sự hiểu lầm của giới lãnh đạo Do Thái giáo, đồng thời giới thiệu về Đấng cứu thế. Như chúng ta biết, Gioan Tẩy Giả, một con người có uy thế lớn lao trước mặt dân chúng. Đáng lẽ ông phải thừa cơ hội này để lãnh đạo dân Do thái, là những người đang suy tôn và ngưỡng mộ ông như một Đấng cứu thế. Ông đã không làm như thế, trái lại, còn khiêm tốn nói lên sự thật rất nhỏ bé về bản thân mình. Trước bao nhiêu tước hiệu cao quí và lòng kính trọng mà người ta dành cho ông, ông đều phủ nhận. Ông còn tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng đến sau ông là Đức Giêsu.

 

Qua lối sống khổ hạnh, qua tính cách thẳng thắn, và qua lời chứng chân thật. Gioan cho người khác thấy được giá trị chân thực của mình, chỉ là người dọng đường cho Đấng Cứu Thế đến. Hành động như thế, ông mất đi vị thế của mình trong lòng người khác, nhưng ông biết đó chỉ là vị thế mà dân chúng gán cho. Là người sống chân thật nên Gioan mới có thể làm chứng cho sự thật. Sự thật đã giải thoát ông khỏi định kiến của dân chúng và đưa họ đến với sự thật là Đức Giêsu. Khi Ngài xuất hiện, Gioan liền rút lui vào hậu trường. Ông biết mình phải nhỏ xuống để Đức Giêsu lớn lên. Ông nhận mình là tôi tớ để Đức Giêsu là người chủ. Ông đặt mình vào vị trí của cây đèn, để Đức Giêsu là ánh sáng. Ông cho mình là tiếng kêu để Đức Giêsu là Lời hằng sống.

 

Như Gioan, ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng chính là chứng nhân cho Đức Kitô. Không thể làm chứng nếu không sống trung thực với chính mình và tha nhân. Do tính muốn thể hiện hơn những gì mình có, muốn sống hơn những gì mình là, nên chúng ta dễ có khuynh hướng nói quá về bản thân mình, và như thế không còn khả năng phản ảnh về sự thật. Đời Kitô hữu chúng ta cũng cũng chỉ là những áng mây trong bầu trời Thiên Chúa, nhưng khi“Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán biết là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán biết được có Đức Kitô”. (Teilhard de Chardin).

 

Ước chi đời nhân chứng của chúng ta cũng giống như Goan Tẩy giả, dám sống hồn nhiên, đơn sơ, chân thật, nhất là dám nhỏ xuống để Đức Kitô được lớn lên trong lòng người. Ta đừng sợ phải nhỏ xuống, vì khi Đức Kitô lớn lên trong ta thì ta lại được lớn lên trong Ngài. Nhờ vậy, khuôn mặt Đức Kitô lại càng chiếu sáng trên cuộc đời của chúng ta, và qua chúng ta, niềm vui ơn cứu độ lại tỏa lan đến mọi người.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con thấy Gio-an Tẩy Giả thật tuyệt vời,
đã vào đời bằng nếp sống khổ tu,
một thanh niên không màng gì vui thú,
không chạy theo danh vọng hay thành đạt,
không bon chen như bao người trẻ khác,
mà chuyên chăm sống ơn gọi đời mình.

 

Gio-an dám dấn thân cho lý tưởng,
là hiến mình để loan báo tình thương,
nhờ cầu nguyện tìm ra một con đường,
đó chính là con đường làm nhân chứng,
cho Đấng mà ông biết sẽ đến sau,
Đấng đem lại ơn cứu rỗi nhiệm mầu.

 

Lẽ sống của Gio-an là làm chứng,
nên ông đã phủ nhận mọi danh hiệu,
và mọi điều mà người ta gán cho ông,
ông đã tự xưng ra trước đám đông,
mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa,
để dọn đường cho Đấng Ki-tô đến.

 

Dù ông được bao nhiêu người ngưỡng mộ,
không vì thế mà biểu lộ uy quyền,
không chớp lấy cơ hội cách ngang nhiên,
không lợi dụng mọi người như phương tiện.

 

Gio-an còn từ bỏ cách hồn nhiên,
khi để các môn đệ mình theo Chúa,
ông đã sống khiêm nhu và trung thực,
nên lời chứng của ông càng đáng tin.

 

Chúa cũng đã gọi con làm nhân chứng,
nhưng đời con chưa khiêm nhường trung thực,
nên con nói về Chúa chẳng ai tin,
xin cho con tu tập lại đời mình,
biết lo sống một cuộc đời ngay chính,
để danh Chúa được mãi mãi tôn vinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 404)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 394)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 225)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 422)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 279)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 618)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 702)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7