Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 661
  • Ngày đăng: 18/01/2024 17:41:56

ĐI THEO TIẾNG GỌI

Chúa Nhật 3 Thường Niên năm B : Mc 1, 14-20

 

Nếu sám hối là bước thứ nhất, thì tin vào Tin Mừng là bước thứ hai của cuộc cách mạng bản thân. 

 

 

Cầu nguyện

Chuyện xưa kể có một vị vua đi thăm những miền xa xôi của đất nước mình, khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng lên đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú. Cả triều đình bất bình, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Nhưng rồi có một vị quan dũng cảm cho vua biết, không cần phải tiêu tốn ngân khố và khổ công như vậy. Chỉ cần cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình là xong. Vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị đó, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời. Nhờ biết lắng nghe và thay đổi ý riêng mà nhà vua không gây khốn khổ cho dân, lại còn góp phần đem lại ích lợi cho mọi người.

 

Ai cũng mong cuộc sống được thăng hoa, an bình, tốt đẹp, nhưng luôn đòi hỏi người khác phải thay đổi chứ không ý thức mình phải đổi thay. Mình không đổi thì đừng mong người khác đổi. Đừng than trách sao lòng người còn những xấu xa gian tà, hay sao thế giới không thấy được một ngày bình yên? Câu trả lời ở nơi mỗi người: Tâm bình, thế giới bình. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.

 

Thay đổi chính mình trong ngôn ngữ của Tin Mừng là thành tâm sám hối “metanoia”: có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng. Nói cách khác là bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn, lành thánh hơn; bỏ việc phục vụ mình một cách ích kỷ để phục vụ cộng đồng hay phục vụ Chúa. Cuối cùng là bất cứ quyết định hay đổi mới nào, dù làm theo cách nào, thì cũng phải đưa ta tới gần Chúa hơn.

 

Trong bài đọc thứ nhất, Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân sám hối, vì đầy những người xấu xa, tội lỗi, đáng bị trừng phạt. Giona tìm mọi cách để tránh né, nhưng cuối cùng cũng phải đi. Kết quả là dân thành đã ăn năn sám hối, từ bỏ đời sống xấu xa và được Chúa thứ tha (x.Gn 3,1-5.10). Sứ điệp nòng cốt và khẩn thiết của Gioan Tẩy Giả cũng là kêu gọi dân chúng tỏ lòng sám hối qua việc chịu phép rửa để được ơn tha tội (Mc 1,1-8), hầu đón nhận Nước Trời (Mt 3, 1-2).

 

Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu cũng đã thẳng thắn tuyên bố:Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng…”Ở đây Đức Giêsu liên kết việc sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là kho tàng chân lý, là sức mạnh linh thiêng. Thiếu niềm tin này, thì sám hối trở nên mơ hồ và mất đi định hướng nền tảng. Tin Mừng chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua con người Đức Giêsu, mà ta phải dõi bước theo chân Ngài suốt đời.

 

Nếu sám hối là bước thứ nhất, thì tin vào Tin Mừng là bước thứ hai của cuộc cách mạng bản thân. Cũng như những cuộc cách mạng xã hội, sau khi phục hồi và tiến tới giai đoạn mới trong sự phát triển thì người ta đề xướng chương trình mới, kế hoạch mới, lý thuyết mới, chế độ mới. Chế độ mới thường được tuyên truyền, quảng cáo rất hấp dẫn để lôi cuốn quần chúng. Nhưng lịch sử đã cho thấy: trải qua bao nhiêu chế độ từ nông nô, phong kiến đến quân chủ, từ dân chủ, cộng hòa đến xã hội chủ nghĩa; chế độ nào cũng chỉ tạm thời rồi sụp đổ, vì nảy sinh ra độc tài, bất công, tham nhũng, tha hóa. Không tin vào Tin Mừng là lý do chính khiến các chế độ loài người trở thành tàn tệ và theo nhau mà sụp đổ. 

 

Sau lời mời gọi sám hối, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Họ đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một cuộc sống mới. Tiếng gọi Các anh hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Đây không phải là lời kêu gọi dành riêng cho đời sống tu trì, mà dành cho từng Kitô hữu. Giống như các môn đệ xưa trước khi theo Chúa thật sự, chúng ta luôn tất bật với những lo toan đời thường, vẫn mãi mê với công ăn việc làm, đang miệt mài theo đuổi những ước mơ. Nhưng tiếng Chúa mời gọi vẫn âm thầm vang lên tự cõi lòng, hay qua những biến cố của cuộc sống. Hãy để cho mình còn biết lắng nghe và đáp trả, đừng quá tiếc nuối và bám víu vào những thành công tạm bợ. 

 

Chúa muốn biến chúng ta “thành những kẻ lưới người”, muốn ta chia sẻ sứ mạng là đồng cam cộng khổ với Ngài trong chương trình cứu độ. Ngài muốn chúng ta can đảm làm một cuộc đổi đời, là định lại hướng đi theo những giá trị mới của Tin Mừng. Và Chúa Giêsu là giá trị trên mọi giá trị, đòi ta dám từ bỏ mọi sự khi cần, để đặt Chúa lên trên tất cả. Sự nghiệp đích thực của chúng ta không phải là sự nghiệp đời này, mà là sự nghiệp đời sau, sự nghiệp Nước Trời. Điều đó tùy thuộc vào mức độ mà ta đã góp phần và tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa từ hôm nay.

 

Cầu nguyện                 

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã kêu 
gọi con đi theo Chúa,
một lời nói 
xem ra thật nhẹ nhàng,
nhưng 
với cả tình yêu thật chứa chan,
một câu nói 
diễn tả rất gọn gàng,
nhưng là 
một ân ban thật cao cả.

 

Lời mời gọi làm tim con bỡ ngỡ,
Chúa đi vào đời con thật bất ngờ,
vì con đang mê say cuộc sống này,
nên con phải dây dưa và chọn lựa,

không mau mắn như những môn đệ xưa,
vì vẫn lấy đời này làm điểm tựa.

 

Bỏ thì thương mà vấn vương thì tội,
nhưng thật ra vấn đề không phải tội,
mà con cứ mù mờ sống thế thôi,
rồi 
có khi con cảm thấy bồi hồi,
khi Chúa là Tình Yêu bị từ chối,
con thấy mình y như người phản bội.

 

Theo Chúa đòi hỏi con lòng sám hối,
phải can đảm làm một cuộc đổi đời,
vì Chúa muốn cho 
con thành người mới,
phản 
chiếu tình yêu Chúa thật rạng ngời.

 

Dù biết bản thân con nhiều hèn yếu,
và kém tài kém đức thiếu đủ điều,
nhưng con tin 
rằng Chúa sẽ dắt dìu,
chỉ cần con 
biết tha thiết mến yêu.

 

Xin cho con quyết tận tình đáp trả,
vì thật ra lỗ lã chẳng bao nhiêu,
mà Chúa sẽ cho con lại rất nhiều,
nhưng chính Chúa mới là điều con muốn. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 388)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 378)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 219)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 415)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 275)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 616)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 699)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7