Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 718
  • Ngày đăng: 24/01/2024 05:31:33

LỜI QUYỀN NĂNG

Chúa Nhật 4 Thường Niên năm B : Mc 1, 21-28

 

Chúng ta tự hào là mình không bị quỉ ám, vì chẳng làm điều gì xấu. Nhưng những điều vốn không xấu vẫn có thể trở thành ngẫu tượng như tiện nghi, chức tước, quyền hành, địa vị, danh giá…

 

 

Suy niệm

Khi Môsê sắp từ giã cõi đời, ông an ủi dân đừng khóc thương, và cho biết Thiên Chúa sẽ cho nổi lên một vị Ngôn Sứ còn trổi vượt hơn ông để dẫn dắt họ. Đức Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ ưu việt mà Môsê tiên báo. Thánh Marcô không nói rõ Đức Giêsu đã giảng điều gì, nhưng cho thấy “Dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Sở dĩ thánh Marcô không trình bày nội dung giáo huấn, vì muốn chúng ta hướng tới điều quan trọng hơn là chính con người Đức Giêsu.

 

Lúc dân chúng đang tự hỏi về Đức Giêsu, thì có một người bị thần ô uế nhập, giận dữ la lên, vì sợ Chúa đến tiêu diệt, nhưng đồng thời cũng xưng nhận Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Kẻ bị quỷ ám ở ngay trong hội đường là “nơi thánh”, mà vẫn yên hàn như sống trong nhà nó, và chỉ khi gặp “Đấng Thánh”, quỷ mới sợ hãi hét lên và đi ra khỏi đó. Đức Giêsu không dùng phù chú ma thuật. Ngài chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế vâng lời. Với lời nói có sức mạnh linh thiêng, Ngài chứng tỏ quyền lực cao cả của Triều Đại Thiên Chúa mà Ngài loan báo, là một Tin Mừng cho nhân loại.

 

Lời Đức Giêsu phán ra không chỉ là “Lời quyền năng” mà còn là “Lời chân lý”. Ngài không chỉ xua trừ ma quỉ mà còn lột mặt nạ gian trá của chúng, là một thế lực ngụy trang tài tình trên mọi lãnh vực, khiến người ta không còn biết đâu là sự thật, nên chẳng lạ gì đời sống con người trở nên điên đảo, khốn cùng, cả những công trình hiện đại của con người cũng có nguy cơ trở thành nền “văn minh sự chết”. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới bị tung ‘hoả mù’ bởi chủ thuyết tương đối: tôn giáo tương đối, luân lý tương đối, tình yêu tương đối… nơi mà sự thật là ‘bất cứ điều gì bạn muốn’ hay ‘bất cứ điều gì có lợi cho tôi’, đã trở thành phương châm sống của giới trẻ ngày nay. Người ta không biết hay đã quên Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”. Thật ra ngay cả chúng ta nhiều khi cũng thế, dễ tương đối hóa mọi thứ kể cả việc đạo đức, để rồi bị tục hóa bởi lối sống của thế gian.  

 

Xưa nay những người bị quỉ nhập không nhiều, nhưng những người bị quỉ lèo lái thì không ít. Quỉ không giống như những hình tượng ma quái xấu xí như trong các hình vẽ, nhưng thường mang dáng vẻ hấp dẫn. Nó tấn công chúng ta bằng những thủ đoạn rất tinh vi, nhẹ nhàng và ngọt ngào. Cái tinh khôn của quỉ là nắm rõ yếu điểm của từng cá nhân và tập thể. Cái tinh xảo của quỉ là ngụy tạo, luôn cho ta cảm tưởng là mình vững vàng, có sa sút hay vấp phạm đôi chút cũng không sao. Cứ biện minh cho những hành động sai trái của mình, và cứ thế ta dần dần sa vào cạm bẫy, sống dưới sự điều khiển của nó mà vẫn không hay biết.

 

Quỉ là những mãnh lực sự dữ, cố hết sức để kéo ta xa Chúa, đó là mục đích duy nhất của nó. Bằng mọi cách nó chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người, nên nó thường lừa bịp con người bằng những thứ hạnh phúc giả tạo. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra hành tung của nó qua những đam mê và dục vọng, sợ hãi và ghen ghét, ích kỷ và hưởng thụ, cầu an và lười biếng… Chúng ta tự hào là mình không bị quỉ ám, vì chẳng làm điều gì xấu. Nhưng những điều vốn không xấu vẫn có thể trở thành ngẫu tượng như tiện nghi, chức tước, quyền hành, địa vị, danh giá… Cả những cái tốt cũng có thể làm cho ta trở nên kiêu hãnh và dựa vào đó để đánh bóng bản thân. Cái ám nào cũng làm cho ta bị cắt xén, giảm thiểu tự do, và bớt đi chính mình.

 

Tinh vi hơn nữa, có một thứ ám xem ra bình thường, như một phong cách làm việc, nhưng nó khiến ta phải suy tư và khuôn đúc theo một lập trình, không thể sống khác đi được, như một thứ bản năng sinh tồn hay một thứ thói quen xơ cứng. Điều đó khiến ta không còn khả năng đổi mới. Ngoài ra, vẫn luôn có những cách suy nghĩ và lối sống tiêu cực nào đó đang len lỏi vào đời sống chúng ta, nhất là khi đứng trước những va chạm và thử thách. Chỉ khi nhận ra những điều đó, ta mới thấy cần Chúa biết bao, để tiếng nói uy quyền và chân lý của Ngài trục xuất khỏi ta những gì làm ngăn chặn sự sống của Thiên Chúa.

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội nhiễu nhương và nhiều bấn loạn do sự dữ hoành hành. Có bao người bị ám bởi thần ô uế: ô uế bởi tiền bạc, bởi nhục dục và đam mê lợi lộc. Có bao người mang những bệnh trạng nặng nề trong cái nhìn, trong cách nghĩ, trong lối sống, tạo nên một xã hội bệnh hoạn, một xã hội đang hết sức cần đến quyền năng Chúa cứu chữa và giải thoát khỏi mọi mê lầm. Chúng ta cần mang Đức Kitô đến cho họ, nhưng trước hết, bản thân ta cần được tẩy uế hằng ngày để sống trong sự thanh khiết và chân thật trong ơn thánh Chúa.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Hôm nay trong đời sống nhân loại,
vẫn luôn có những kẻ lạc loài,
chẳng tìm được ai mà tin tưởng,
vẫn có bao người đang vất vưởng,
giữa cuộc đời thiếu thốn tình thương.

 

Có những kẻ lại tôn thờ ngẫu tượng,
không biết đường biết hướng về đâu,
tưởng tiền bạc khoái lạc là hạnh phúc,
càng tệ hơn khi chạy theo tình dục,
khiến tâm hồn bị ma quỉ hành hung,
thành ô uế cho tà thần sử dụng.

 

Lại có những kẻ mang thêm bệnh hoạn,
trong lối nhìn lối sống lối nghĩ suy,
và giới trẻ cũng dễ bị hư đi,
khi xây dựng đời mình trong hoang tưởng,
cứ tưởng rằng đời mình mãi ngát hương,
ai hay đâu cũng tới lúc đoạn trường

 

Chúng con xin Chúa dủ lòng thương,
nhìn đến những người đang lạc hướng,
đang sống tha phương những chán chường,
cứu vớt kẻ sa lầy trong nghiệp chướng,
giải thoát ai phải sống cảnh tai ương.

 

Chúng con phải làm gì đó cho họ,
để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa,
nhưng trước tiên cho con thấy bản thân,
đừng để bị khống chế bởi tà thần.
nhưng chuyên cần hy sinh và cầu nguyện.

 

Con trông cậy vào Chúa Đấng uy quyền,
giữ gìn con khỏi những điều ô uế,
biết luôn sống trung trinh lời ước thệ,
vui bước cuộc hành trình về bến quê. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 370)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 359)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 216)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 413)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 272)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 615)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 699)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 258)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 518)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7