Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 33 TN & CTTĐVN

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,192
  • Ngày đăng: 10/11/2021 06:22:18

NGÀY CÙNG TẬN

Chúa Nhật 33 Thường Niên năm B : Mc 13, 24-32

 

 

Suy niệm

Hôm nay là Chúa Nhật áp chót của năm Phụng vụ, nên Giáo hội  chọn đọc bài Tin Mừng nói về ngày cùng tận. Ngày ấy sẽ đến như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay mô tả rằng: “Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển”. Những hình ảnh ấy khiến cho chúng ta thấy sẽ có một ngày thật khủng khiếp. Nhìn vào những biến cố trong thời hiện đại, phải chăng thế giới này sẽ tận diệt bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử hay vũ khí hạt nhân? Chúng ta biết đây là đoạn Tin Mừng viết theo văn thể Khải Huyền, trong đó những hình ảnh không quan trọng, chỉ là phương tiện để diễn tả một ý tưởng, vì thế cần nhận ra tư tưởng nòng cốt hơn là miên man trong những tình tiết.  

 

Thực ra, những hình ảnh được dùng trong bài Tin Mừng này cũng không phải do Chúa Giêsu đưa ra, nhưng Ngài lấy lại những hình ảnh mà các ngôn sứ quen dùng để nói về ngày cùng tận. Chẳng hạn như một đoạn trong sách Isaia diễn tả ngày ấy như sau:Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa, và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi: Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ”. (Is 60, 19). Các ngôn sứ và cả Đức Giêsu đều không quan tâm ngày cùng tận sẽ xảy ra thế nào, mà chỉ quan tâm đến điều quan trọng nhất là ngày ấy Chúa sẽ đến, sẽ hiển trị đời đời: là một ngày khủng khiếp đối với những kẻ tội lỗi, nhưng là ngày ngập tràn ánh sáng vinh quang, ngày hân hoan vui mừng cho những người công chính ở trước Thiên Nhan Chúa. Người ta vẫn suy đoán về ngày tận thế, nhưng ngày ấy vượt tầm trí của con người, chỉ có một mình Chúa Cha biết mà thôi.

 

Có ngày khởi đầu thì đương nhiên có ngày kết thúc. Ngày kết thúc có thể xem ra như tai nạn hay như hậu quả của một sự hủy diệt nhau, nhưng chúng ta tin ngày ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Đó là một ngày mà Thiên Chúa làm nên một thế giới mới cho nhân loại. Nơi đó, công bằng sẽ ngự trị, hạnh phúc sẽ ngập tràn, và niềm vui sẽ trọn vẹn cho những ai “bền đỗ đến cùng”. Với cái nhìn đầy tin tưởng, Seneca - một nhà tư tưởng lớn của La-mã - đã nói: “Ngày mà bạn cho là cùng tận của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu”.

 

Chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ đến trong vinh quang, nhưng chúng ta biết chắc, để được vào vương quốc ấy, trước tiên bản thân mỗi người phải xét lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ vạn vật, để tiến tới một sự hòa hợp sâu xa hơn. Điều này đòi chúng ta xếp đặt lại cuộc sống mình cho phù hợp với đường hướng và ý muốn của Thiên chúa, đồng thời tích cực dấn thân trong việc xây dựng một gia đình nhân loại đầy tình yêu thương, để  công lý và hòa bình có thể triển nở khắp nơi trên thế giới.  

 

Cha Mark Link viết: “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”. Vì tình yêu là ngôn ngữ và là chất liệu của đời sống trên Thiên đàng, nên chỉ những ai có trái tim đong đầy yêu thương mới được bước vào. Chính lòng từ bi nhân hậu là tấm thẻ căn cước không thể thiếu của những công dân Nước Trời.

 

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định, hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác; bạo lực, xung đột và chiến tranh tàn sát liên hồi dưới mọi hình thức; thực tế 2 năm nay là cơn đại dịch liên tục hoành hành trên thế giới, khiến con người không ngừng lo âu và sợ hãi, hết sức cần một cái gì đó vững chắc để dựa vào. Nhưng rồi chẳng có gì vững chắc trong cuộc đời này, người ta chỉ có thể dựa vào một mình Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, Đấng đã hứa với chúng ta qua Đức Giêsu: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi”. Chúng ta hoàn toàn an tâm vì biết rằng mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa. Ngài đã có chương trình và dự định riêng cho mỗi người chúng ta từ muôn thuở, nên ta cứ sống theo Lời Ngài, vững tâm theo đường lối Ngài. Sống thuộc về Chúa hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ được thuộc về Chúa mai ngày và mãi mãi.

 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Con tin rằng rồi sẽ tới một ngày,
thế giới này sẽ không tồn tại nữa,
tất cả sẽ qua đi chẳng còn gì,
bởi vì tất cả chỉ là tạm bợ,
do duyên cơ hay duyên nợ tác thành,
như phương tiện thi hành thánh ý Cha.

 

Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra,
giống như ngày Giêrusalem bị tàn phá,
Chúa cho biết mọi người phải tránh xa,
nhưng rồi dân chúng vẫn lơ là,
và đúng là tới ngày tan tác cả,
vì đã không nhận ra Chúa viếng thăm.

 

Con tin có ngày tận cùng thế giới,
trước khi Chúa ngự đến trên mây trời,
sẽ có nhiều điềm thiêng và dấu lạ,
khắp trên đất liền và ngoài biển cả,
dân chúng xôn xao vì trời cao chuyển động,
ai cũng hoang mang và lo sợ phập phồng.

 

Nhưng chúng con không hoảng hốt lo âu,
vì đó là giây phút khởi đầu Chúa sắp đến,
con cần phải đứng thẳng ngẩng đầu lên,
để gặp Đấng suốt đời con trông đợi,
trong niềm vui và vinh hiển rạng ngời.

 

Ngày tận thế chẳng biết bao giờ tới,
nhưng chắc có ngày Chúa đến với con,
xin cho con đừng ham mê thế sự,
nhưng sẵn sàng buông bỏ chẳng vấn vương,
để ngẩng đầu đón nhận Chúa tình thương,
là cùng đích đời con cõi thiên đường. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

 

LÀM CHỨNG

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam : Mt 10, 17-22

 

 

Suy niệm

Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng, là họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng đồng số phận với Thầy, bị khinh khi, bị lăng nhục và thù ghét vì danh Thầy”; cuối cùng cũng là sự hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.

 

Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.

 

Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 117 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho khoảng 130.000 các tín hữu đã phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại trải qua 7 thời kỳ cấm đạo, từ năm 1625-1885, nghĩa là kéo dài đến 261 năm. Điều này vừa cho thấy sự ác liệt và thảm khốc của những cuộc bắt đạo, vừa cho thấy sức chịu đựng kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin của cha ông chúng ta, những vị tiên phong hào hùng nêu gương cho con cháu.

 

Thật khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui tươi trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện vì giàu sang sung sướng thì ai cũng muốn được, nhưng vui tươi và sẵn sàng lãnh nhận gian nan, thử thách, đau khổ và cái chết là một điều hết sức kỳ lạ, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng điều này lại rất dễ hiểu đối người Kitô giáo, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt với tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người.

 

Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.

 

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh. Thực tế ngày càng có nhiều giáo phái, nhiều chia rẽ và bất đồng ngay trong lòng Giáo Hội, mất đi sự hiệp nhất dần dần. Tuy nhiên, cũng là những cuộc thanh lọc đức tin cần thiết để thấy được mức độ chín chắn và trưởng thành của đời Kitô hữu, nhưng xem ra đó lại là hậu quả của những cuộc bách hại tinh thần không thể tránh khỏi.

 

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy. Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Bao người công chính bị bách hại,
bao người chân thật
phải tù đày,
chỉ vì dám đấu tranh cho công lý,
dám liên đới và thực thi trách nhiệm.

 

Sống công chính đòi con dám xả thân,
dám hành động vì ích lợi của tha nhân,
dám coi thường quyền lợi của bản thân,
và luôn biết hành động trong sự thật.

 

Trông nhìn lại thời Giáo Hội sơ khai,
các tín hữu phải chịu những họa tai,
vì theo Chúa trên con đường làm chứng,
là yêu thương và tha thứ không ngừng.

 

Bách hại đâu phải chuyện của quá khứ,
mà nay vẫn tiếp diễn bằng nhiều thứ,
như vu khống, chế giễu và phỉ báng,
biến tín hữu thành hạng người lố bịch.

 

Không hẳn chúng con chết vì đức tin,
nhưng sẽ bị lăng nhục vì danh Chúa,
bị coi là kẻ mê muội và yếu đuối,
nên Chúa cần con sống hơn là chết,
để người ta thấy tình yêu là trên hết,
và cũng chính là sự thật vững bền.

 

Xin cho con luôn sống theo ý Chúa,
cho dù phải mất mát thiệt hại nhiều,

nhưng con vui và sẵn sàng nhận chịu,
để chân lý tình yêu chiếu sáng ngời. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên (10/05/2024 21:05:43 - Xem: 334)

Thế giới hôm nay có quá nhiều đau thương mất mát và buồn sầu. Xin cho con trở nên người thông truyền tin vui và bình an.

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Thăng Thiên - 2024 (09/05/2024 21:18:12 - Xem: 462)

Đối với những người “thông minh”, họ không tin vào thế giới mai sau, thiên đàng chỉ là một huyền thoại. Nhưng đối với kitô hữu đó là quê trời vĩnh cửu.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN Chúa lên trời năm B - 2024 (08/05/2024 21:53:16 - Xem: 441)

Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài xa cách chúng ta, mà trái lại, Chúa càng ở gần chúng ta hơn. Khi xưa Ngài hiện diện hữu hình nên hạn chế mình vào một vài nơi chốn, chỉ ở gần bên với một số người.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 6 PS năm B - 2024 (28/04/2024 20:55:01 - Xem: 639)

Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 6 Phục sinh năm B (28/04/2024 19:02:43 - Xem: 647)

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 562)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 500)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 307)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 486)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 346)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7