Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 28/03/2023 – Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay. – Vai Trò Của Ðấng Messia.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,804
  • Ngày đăng: 27/03/2023 10:00:00

Vai Trò Của Ðấng Messia.

28/03 – Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay.

"Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".

 

Lời Chúa: Ga 8, 21-30

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".

Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"

Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".

Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".

Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Giương cao Con Người lên

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).

Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.

Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.

Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.

Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.

Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.

Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.

Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.

Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác

của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.

Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.

Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.

Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.

Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.

“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).

Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.

Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,

ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.

Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.

Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.

“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,

tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.

Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.

Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.

Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.

“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,

nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).

Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.

“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…

Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…

Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).

Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.

Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).

Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.

Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,

thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,

bao lâu tùy ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát

nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng

có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

của những người đã yêu mến Cha,

đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

nói lên lòng tin của con

vào những lời hứa của Cha,

lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,

và yêu Cha chỉ vì Cha,

chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

là ánh sáng cho đêm tăm tối,

nhờ đó con không còn coi khổ đau

như một tai họa hay một điều vô lý,

nhưng như một dấu chỉ cho thấy

con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen. (Karl Rahner)

 

Suy Niệm 2: Thượng giới và hạ giới

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu nói mà người Do thái không hiểu. Hôm nay Chúa cho biết lý do: Vì Chúa thuộc thượng giới còn người Do thái thuộc hạ giới.

Hạ giới thuộc về đất thấp. Thượng giới thuộc về trời cao. Hạ giới tầm nhìn hạn hẹp. Thượng giới tầm nhìn vô biên. Hạn giới kiến thức nông cạn. Thượng giới hiểu biết khôn lường. Nhất là Chúa Giêsu đã nghe Chúa Cha nói và chiêm ngưỡng những việc Chúa Cha làm. Người chỉ nói những gì nghe thấy nơi Chúa Cha.

Hạ giới sống theo xác thịt. Thượng giới sống the Thần khí. Người Do thaisống theo xác thịt. Dù được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ, trở thành con người tự do. Nhưng trong sa mạc họ vẫn nhớ củ hành củ tỏi bên Ai cập. Họ mơ ước được miếng ăn ngon dù phải chịu nô lệ.

Họ giống như loài rắn lúc nào cũng bò sát mặt đất tầm thường. Để cảnh báo họ Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết họ. Ai sống theo xác thịt sẽ phải chết. Họ khóc lóc kêu xin. Chúa truyền Mô-sê làm con rắn bằng đồng treo lên. Ai nhìn lên con rắn treo trên ngọn cây sẽ được sống.

Treo con rắn lên là treo thói hư tật xấu. Treo dục vọng xác thịt lên. Để không còn sống theo dục vọng xác thịt nữa. Như thánh Phao lô nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô”. Đóng đinh xác thịt là không còn sống cho mình nữa. Nhưng chỉ sống cho Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá. Trần trụi chịu treo lên, Chúa Giêsu là gương mẫu dứt bỏ mọi ràng buộc của xác thịt trần gian. Người chiến thắng mọi cám dỗ về danh, lợi, thú. Người hoàn toàn tự do. Vì thế khi bị treo lên là Người chiến thắng và được tôn vinh.

Chúa mời gọi ta hãy treo mình cùng với con rắn đồng. Treo dục vọng xác thịt ta lên. Để ta không còn sống cho bản thân. Chỉ sống cho Chúa.

Khi được giương lên, Chúa muốn kéo ta lên với Chúa. Xin cho tôi biết thắng mọi cám dỗ của dục vọng xác thịt trần gian. Để tôi được kéo lên cùng Chúa. Lên trong Thần Khí. Lên thượng giới. Thuộc về Nước Trời.

 

Suy Niệm 3: Vai Trò Của Ðấng Messia

Bài Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.

Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.

Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao. Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói. Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây. Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người. Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.

Lạy Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời và là nguồn gốc của mọi sự. Xin ban cho con ơn biết cộng tác với Chúa và với anh chị em trong việc thăng tiến con người và thế giới, góp phần đưa con người và thế giới về với Chúa, về với nguyên thủy nguồn gốc của mọi loài mọi vật.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tin Nhận Chúa.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Cụ Alexis đã viết thư cho mình 35 năm trước. Đúng ngày được 60 tuổi, cụ mở thư ra đọc: “Bạn thân mến, mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn, kể từ hôm nay, bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. 60 năm đã qua và kể như đời bạn đã xế chiều, dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém hơn trước nhiều.

Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp sức lực vào phúc lợi chung. Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn.

Nhưng không phải rút lui để tìm nhàn hạ. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của 60 năm đầy nụ cười và nước mặt của bạn cho đàn em, và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ Thiên Chúa được vinh danh hơn. Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng theo sức bạn, theo tuổi bạn.

Bạn hãy chuộc lại những thời gian bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Ngài.

Bạn hãy dành quãng đời còn lại để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác. Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về Nhà Cha mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng thoát ly địa vị và của cải trần gian.

Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy sống đẹp lòng Chúa, vui lòng gia đình và bạn bè. Hãy quyết tâm mãnh liệt, hãy thực hiện nghiêm túc, hãy kết hiệp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ân sủng và bình an của Chúa ở cùng bạn”.

Thành tâm thiện chí của cụ Alexis đáng chúng ta suy nghĩ. Thực hiện thánh ý Chúa từng giây phút hiện tại là gì, nếu không phải là tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, để đừng chết trong tội lỗi.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng “Ta là”, đồng thời mạc khải mầu nhiệm Tử nạn của Ngài để lôi kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa. Mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu cũng mạc khải mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu, thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Một Ngài xuống trần, để cứu rỗi chúng ta. Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cần phải chiêm ngắm và dâng lời cảm tạ để nhờ đó đời sống chúng ta được canh tân đổi mới.

 

Suy Niệm 5: Nếu các ông không tin

Đức Giêsu lại nói với họ:

“Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết.

Nơi tôi đi các ông không thể đến được.”

Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: Nơi tôi đi các ông không thể đến được?

Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.

Các ông thuộc về thế gian này; Còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. (Ga. 8, 21-23)

Một Tin mừng đầy nghịch lý đối với bản chất loài người như trong đoạn văn của Thánh lễ hôm nay.

Một lần nữa, Đức Kitô thử giúp những người biệt phái cố chấp cứng lòng tin hiểu về Người.

Người là ai? Người đang bị họ tìm cách loại trừ bằng bất cứ giá nào, nhưng Người sẽ ra đi theo ý Người, khi Người muốn. Người bị họ tố cáo là kẻ tội lỗi, nhưng Người không khó chịu gì về lời họ, còn họ sẽ bị chết vì lời họ. Người sẽ về trời, còn họ vẫn ở dưới đất. Người sẽ bị họ treo trên thập giá, họ tưởng thế là đã trừ diệt được Người mãi mãi, trái lại khi họ treo Người lên, Người lại vinh quang đời đời.

Đức Kitô nói: “Nếu các ông không tin, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Người điều gì Người nói như vậy, vì Người là Thiên Chúa như Chúa Cha.

“Nếu các ông không tin …”. Vậy chỉ cần tin vào Thiên Chúa này thì được cứu độ, dù có vẻ nghịch lý đối với các ông. Hoàn toàn là thế. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận một chút ánh sáng, thì sẽ được Người soi sáng cho ta thấy tỏ tường về Người. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp Phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người bái phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như vinh quang phục sinh.

Nói khác đi, nếu chúng ta không tin Người, thì cũng không còn tin vào Thiên Chúa. Người trở nên một hữu thể vô danh vô tích sự mà thế giới ngày nay cho rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã chết rồi.

Nếu chúng ta không tin vào Đức Giêsu Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ đúc ra thần tượng khác để thờ vì người ta không thể sống vô thần được, dù người ta nói mình sống không cần thần thánh nào cả. Chúng ta sẽ giống như nhiều dân tộc, qua lịch sử của loài người, chế tạo ra những thần tượng. Họ thờ nhân vật thay Thiên Chúa của mặc khải, thờ những minh tinh màn ảnh, bóng đá, ca sĩ thay Đức Giêsu Kitô. Thật quá trớn.

G.F

 

Suy Niệm 6: Đức tin và đời sống

Tin Mừng hôm nay, tác giả Gioan đề cập đến chuyện Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ về cùng Cha và những lời tiên tri cho những ai không tin Ngài.

Khi nói đến việc Ngài sẽ trở về cùng Cha, những kẻ chống đối Ngài không thể hiểu nổi. Ngược lại, họ nghĩ rằng Đức Giêsu tự tử. Lối nói này cho thấy họ mỉa mai Đức Giêsu, vì khi nói đến tự tử, ấy là nói đến nơi sâu thẳm, đau khổ dành cho những người khước từ sự sống bằng việc tự tử. Khi nói như thế, họ tự cho mình quyền không thể tin nổi Đức Giêsu vì Ngài sắp đi vào chỗ chết một cách bi đát!

Khi thấy họ phản ứng như vậy, Đức Giêsu đã nói cho họ biết Ngài bởi đâu mà đến và suy tưởng của họ do đâu! Đồng thời Ngài nói tiên tri về số phận của những kẻ cứng đầu do không tin, Ngài nói: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết".

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học sau cho đời sống đạo của mình:

Thứ nhất, hạnh phúc đích thực tùy thuộc vào chuyện chúng ta tin Chúa hay khước từ Ngài. Tin thì được sống vĩnh viễn và khước từ thì trầm luân muôn đời.

Thứ hai, chúng ta được Thiên Chúa trao ban cho nhiều cơ hội tốt, bổn phận là phải làm cho cơ hội ấy trở nên hữu ích cho phần hồn của mình và tha nhân. Nếu không biết nhạy bén để đón nhận cơ hội Chúa ban, hoặc vì coi thường và khinh dể thì sẽ bị luận tội nặng nề hơn những người không biết.

Ngày nay, chúng ta được học hành nhiều về Chúa, nhận biết có Thiên Chúa, nhưng có sống theo điều mình đã tin hay không mới là quan trọng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật, tránh chuyện môi miệng thì cầu kinh mà lòng không yêu mến. Thật vậy, không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là thực hành những gì Lời Chúa dạy thì mới được vào.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mãnh liệt và một đời sống đầy lòng mến. Xin cho đời sống và những điều chúng con tin được hòa quyện với nhau thành một. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu không thuộc thế gian này. Người là Đấng Hằng Hữu từ nơi Chúa Cha mà đến để dạy ta sự thật và cứu ta khỏi chết. Cần tín nhiệm vào Người để khỏi chết trong tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao tôn giáo dầy công đi tìm Thiên Chúa. Họ phải vất vả lắm mới biết được đôi điều mờ nhạt về Thiên Chúa. Trong khi ấy, Chúa đã đến giữa loài người chúng con để dạy cho chúng con biết sự thật về Thiên Chúa tình yêu. Đó là sự thật hoàn hảo và vững chắc, bởi vì Chúa là Thiên Chúa Hằng Hữu từ cung lòng Chúa Cha mà đến, để tỏ cho chúng con thấy khuôn mặt thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa rất sống động và đầy lòng yêu thương. Con hết lòng cảm tạ tri ân Chúa.

Lạy Chúa, chỉ vì yêu thương và muốn giải phóng chúng con khỏi vòng u mê của tội lỗi nên Chúa đã tỏ mình cho con. Xin Chúa giúp con sống xứng đáng với tình thương Chúa bằng cách bước đi theo chân lý của Chúa. Chân lý của Chúa sẽ đưa con vào tận cung lòng Chúa Cha để được trọn tình yêu của Người. Chân lý của Chúa cũng sẽ giúp con bước đi giữa đời trong bình an, trong niềm vui và hy vọng. Xin Chúa đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa Cha luôn ở với Chúa vì Chúa luôn làm những điều đẹp Ý Cha. Ước gì con luôn biết làm những điều đẹp lòng Chúa để được Chúa ở cùng và ban tràn đầy ơn phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con được mãi mãi trung thành với Tin mừng của Chúa và tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc đời theo Chúa. Xin cho con biết mở rộng lòng để đón nhận Lời Chúa và biết quảng đại sống theo Lời Hằng Sống. Xin cho con có một tâm hồn sẵn sàng rộng mở như Samuen. “Lạy Chúa, xin hãy phán dạy vì tôi tớ Chúa đang sẵn sàng lắng nghe”. Amen.

Ghi nhớ: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

 

Suy Niệm 8: Tin nhận Chúa Giêsu - Tin nhận Chúa Cha

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: “Dành cho người nào xứng đáng nhất”.

Sau đó, ông quy tụ tất cả tướng lĩnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.

Cuộc viễn chinh đã hoàn tất một cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lĩnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philpphê và nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất”.

Suy Niệm

Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa Cha.

Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình cho con người, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”.

Cho nên, người tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu độ nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các tông đồ: Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ Trời xuống thế…

Chính niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô - hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đem ơn cứu độ cho nhân loại, sẽ làm cho chúng ta được biến đổi để vươn lên tới Thiên Chúa.

Sống trong Mùa Chay, chúng ta duyệt xét lại lòng mình theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối vì niềm tin vào Đức Kitô chưa mạnh mẽ. Một niềm xác tín mãnh liệt vào Tin Mừng, trung tâm chính là Đức Giêsu Kitô - con Thiên Chúa, Đấng đã bị “gương cao” trên thập giá, đem ơn cứu độ, cứu độ duy nhất cho chúng ta.

Ý lực sống: ”Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống đời đời” (Ga 3,14-15).

 

Suy Niệm 9: Tình thương và tội lỗi

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoại tình, Đức Giêsu ở lại Đền thờ và trong khi tranh luận với người Do thái, Ngài đã báo trước cái chết và ơn cứu rỗi của Ngài.

Qua câu chuyện con rắn đồng trong Cựu ước, Đức Giêsu cho họ biết chính Ngài là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

2. Ngài là ai? Một lần nữa, Đức Kitô muốn cho những người biệt phái hẹp hòi và cứng lòng biết Ngài là ai? Và Đấng mà họ muốn loại trừ bằng mọi giá nhưng Ngài lại thong dong đi lại theo ý mình. Đấng mà họ lên án lả kẻ tội lỗi khi mà chính họ sẽ chết trong tội lỗi của mình, và Ngài không ngại gì nói cho họ biết điều ấy. Đấng sẽ lên trời, trong khi đó họ sẽ ở lại dưới đất. Đấng mà họ sẽ treo cao trên thập giá, ngỡ rằng có thể loại bỏ Ngài mãi mãi, nhưng ngược lại, họ đã nâng  Ngài lên vinh quang, cho đến muôn đời.

Đức Kitô nói: “Nếu các ông không tin, các ông sẽ mang tội lỗi mà chết”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm điều gì nhưng chỉ nói điều Cha đã dạy, vì Ngài là Thiên Chúa cũng như Cha Ngài.

3. “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta Hằng hữu”.

Sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Đức Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được“giương lên cao” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32). Con Người được giương lên cao, nghĩa là Đức Giêsu sẽ bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn cứu chuộc qua khổ giá, mà Ngài nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Ngài.

Theo chiều ngang, với cách nói Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là cùng phải đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ (Theo Hiền Lâm).

4. Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem lại sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.

Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta. Ngài không để ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm đẹp lòng Ngài”.

Cho nên, người tin nhận Đức Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu chuộc nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các Tông đồ: Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ trời xuống thế.

5. Vì thế, khi chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về bóng tối của tội lỗi vẫn còn rình rập trong cuộc sống chúng ta. Đó là hai điều chúng ta cần suy nghĩ nhiều trong Mùa Chay và nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.

Ngoài ra, hãy sống đạo thực thụ chứ đùng mang tên là Kitô hữu mà lại có cách sống phản lại với danh hiệu cao quí đó. Chúng ta hãy cố gắng là “chứng nhân” của Chúa trong cách sống, đừng bao giờ thảnh “phản chứng” kẻo làm ô danh Chúa và Hội thánh của Ngài.

6. Truyện: Đừng trở thành phản chứng.

Trong chương trình buổi tối của một đài truyền hình Hoa kỳ, một cô gái điếm đã được mời phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên truyền hình.

Cô gái ấy trang điểm thật diêm dúa và tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên.

Chợt nhìn thấy trên cổ của cô gái có đeo một  dây chuyền bằng vàng với một cây Thánh giá nhỏ, người phóng viên thay đổi đề tài để hỏi cô gái.

Anh ta hỏi: “Tôi thấy cô có đeo một Thánh giá nhỏ ở trên cổ. Hẳn cô là người có tôn giáo đúng không”?

Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm. Có lẽ đây là một vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một chút do dự, cô ta liền trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người mình như dấu chỉ của người có đạo?

Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi khá lâu, rồi cô trả lời với những lời lẽ thú tội: “Lúc còn nhỏ tôi có đạo. Nhưng đó là chuyện rất lâu rồi”.

 

Suy Niệm 10: Khi nào các ông đưa Con Người lên cao

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng: Khi đó dân do thái đang đi trong sa mạc. Vì khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống.

2. Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người do thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

B.... nẩy mầm.

1. Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng. Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.

2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều:

- Thấy tội lỗi của mình

- Thấy tình thương của Chúa

- Thấy giá trị của đau khổ

- Thấy ơn cứu độ

- Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ v.v.

3. Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với bà:

- Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó?

- Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí tên và lãnh tiền.

- Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu độ, mà là công lao của Con Thiên Chúa trên núi Can vê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí tên và lãnh nhận (Góp nhặt)

 

Suy Niệm 11: Biết nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu nói với những người Do Thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai” (Ga 8,28). Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vậy, khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng nếu biết nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ “được” cứu độ. Ngược lại, ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.

Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:

Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên Thập Giá, tôi dừng lại và đề nghị:

- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi Thập Giá

Nhưng người ấy trả lời:

- Hãy để cho tôi yên. Hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi. Hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập Giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.

Tôi liền hỏi người ấy:

- Ông muốn tôi làm gì cho ông?

Người ấy trả lời:

- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: “Có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá”.

Vâng, có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá. Người đó chính là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.

Trong thư thứ nhất gửi cho Giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô đã nói về Thập Giá rất hay: “Thật thế, lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng tôi là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa”. (1Cr 1,18)

Thánh Phêrô cho biết thêm: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương để anh em được chữa lành”. (1Pr 2,24)

2. Nhìn lên Thập Giá, ta có thể thấy rất nhiều điều:

Thấy tội lỗi của mình.

Thấy tình thương của Chúa.

Thấy giá trị của đau khổ.

Thấy ơn cứu độ.

Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ

Thánh Phanxicô Assisi đã nói rất hay về vấn đề này: “Không phải quỉ dữ đã đóng đinh Ngài trên Thập Giá; chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Ngài vào Thập Giá; và còn đang đóng đinh Ngài nữa, nếu bạn cứ thích thú ở mãi trong thói xấu và tội lỗi của bạn”. (T.Phanxicô Assisi, khuyến dụ 5,3).

Trong tuyển tập ngụ ngôn của hai anh em người Đức vào thế kỷ thứ 19, người ta đọc được câu chuyện có nội dung như sau:

Hai cha con nọ đã thỏa thuận ngầm với nhau là người con được tự do làm bất cứ điều gì nó muốn. Chỉ có điều là mỗi khi nó làm một hành động xấu thì nó phải đóng một cây đinh vào cánh cửa. Ngược lại, khi làm được một hành động tốt thì nó có quyền nhổ một cây đinh đi.

Chưa đầy một năm, cánh cửa không còn một chỗ nào trống để đóng đinh vào được nữa. Người con chợt nhận ra cuộc sống quá xuống dốc của mình. Nó mới hồi tâm và quyết định tu sửa. Không đầy một năm sau, mọi cây đinh đều lần lượt được gỡ ra khỏi cánh cửa. Ngày cây đinh cuối cùng được tháo gỡ khỏi cửa người cha sung sướng chạy đến ôm lấy đứa con của mình. Ông vui mừng đặt trên trán đứa con những nụ hôn hạnh phúc. Thế nhưng, thật là lạ lùng, không những đứa con không tỏ ra một cảm xúc vui sướng nào mà còn đẩy người cha ra và khóc òa lên. Người cha ngạc nhiên thốt lên:

- Tại sao con khóc? Tất cả mọi cây đinh đã được nhổ ra khỏi cánh cửa, con không cảm thấy hạnh phúc vì đã sống tốt đẹp hơn sao?

Đứa con thổn thức:

- Thưa cha đúng thế, nhưng cho dầu những cây đinh đã nhổ đi rồi, nhưng chúng vẫn còn để lại những cái lỗ trên đó.

Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng như thế. Chúng ta đã chạy đến tòa cáo giải. Chúng ta đã tin là Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta không thể vượt qua được những “Mặc cảm tội lỗi”. Chính những mặc cảm này nhiều khi dày vò chúng ta. Mỗi lần như thế chúng ta hãy nhớ lại tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin lấy niềm vui của Người

mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

và trở thành mối dây yêu thương,

bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 218)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 2,492)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,861)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Ba 16/04/2024 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh. – Bánh trường sinh. (15/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,874)

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Hai 15/04/2024 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Đấng Thiên Sai. (14/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,750)

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 14/04/2024 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B. – Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh. (13/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,490)

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 13/04/2024 – Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh. – Bến bờ bình an. (12/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,227)

Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Sáu 12/04/2024 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá. (11/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,886)

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Năm 11/04/2024 – Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh. - Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ. – Tình yêu thương. (10/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,895)

Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Tư 10/04/2024 – Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh. – Đi rao giảng Tin Mừng. (09/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,134)

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7