Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 17/02/2022 – Thứ Năm tuần 6 thường niên. – Tuyên xưng của Phêrô.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,705
  • Ngày đăng: 16/02/2022 08:00:00

Tuyên xưng của Phêrô.

17/02 – Thứ Năm tuần 6 thường niên.

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

 

Lời Chúa: Mc 8, 27-33

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô".

Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó.

Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Tư tưởng của loài người

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Không rõ tại sao Thầy Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ

lên vùng cao phía bắc xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn,

để thăm dò xem dân chúng nghĩ Thầy là ai.

Quan trọng hơn, Thầy muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy:

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy Giêsu đã sống bên các môn đệ từ mấy năm qua.

Họ đã được gọi, được chọn, được theo,

đã được thấy, được nghe, được chạm đến.

Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi!

Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai.

bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ.

Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”

Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.

Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.

Nhiều người Do Thái mong Đấng Kitô đến

để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước.

Câu trả lời của Phêrô cơ bản là đúng.

Thầy đúng là Mêsia, nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.

Bởi lẽ Thầy là một Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại,

chịu mang thân phận đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).

Để vào ánh sáng, Thầy phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.

Dù sao câu trả lời của Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.

Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai.

Thầy sẽ nói rõ chứ không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).

Thầy Giêsu biết rõ đau khổ và cái chết đang đe dọa mình

đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo.

Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.

Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư,

niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,

dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.

Phêrô không thể chấp nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32).

Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã.

Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa,

và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài.

Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.

Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.

Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).

Chúng ta cũng sợ như Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp.

Chúng ta cũng dễ nghĩ theo kiểu người phàm,

chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa (c. 33).

Xin được uốn lối nghĩ khôn ngoan của mình

theo sự điên dại của Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

Suy Niệm 2: Tư tưởng của Thiên Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sau cơn đại hồng thuỷ, Chúa xót xa khi thấy con người bị tiêu diệt, cỏ cây và súc vật biến mất khỏi địa cầu. Cả một cảnh tượng tang thương chết chóc. Chúa chạnh lòng thương. Nên ra lệnh bảo vệ vũ trụ. Truyền con người phải sinh sản cho lan tràn trên mặt đất. Cấm đổ máu con người. và thật cảm động. Chúa ký kết giao ước với cả vũ trụ. Không chỉ với con người. Mà còn với cả súc vật cỏ cây. “Đây ta lập giao ước của Ta với các ngươi, vói dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tầu đi ra, kể cả dã thú”. Ký kết chưa đủ. Chúa còn thề hứa: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau…” (năm lẻ).

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lên đến cực điểm. Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa không trừng phạt con người khi con người tội lỗi. Nhưng lại sai chính Con Một xuống trần chết thay cho loài người. Đền tội con người. Cứu sống con người. Ôi lòng Thiên Chúa bao la ai nào hiểu thấu! Tình thương yêu của Thiên Chúa cao sâu ai nào dò thấu!. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vượt mọi hiểu biết, tính toán, lô-gích của con người. Để bảo vệ sự sống của con người. Con Chúa phải chịu chết. Để cứu sống con người, Con Chúa phải chịu trừng phạt. Vì thế Phê-rô khuyên can liền bị Chúa trách mắng nặng lời: “Xa-tan! Lui ra đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Theien Chúa, mà là của loài người”.

Vì Thiên Chúa quá yêu thương mọi người. Yêu thương cả súc vật cỏ cây. Nên ta cũng phải có tấm lòng của Chúa. Yêu thương mọi người mọi vật. Vì Thiên Chúa trân trọng sự sống của cả con người lẫn súc vật cỏ cây. Nên ta cũng phải trân trọng con người. Không phân biệt giầu nghèo. Vì ‘Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giầu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (năm chẵn).

Xin cho con có tấm lòng của Chúa. Để con yêu thương mọi người, kính trọng mọi người. Trân trọng cả thiên nhiên, súc vật, cỏ cây. Xin cho con có tư tưởng của Chúa. Để con đi vào con đường của Chúa. Hiến thân. Phục vụ. Quên mình.

 

Suy Niệm 3: Ngài là Ðức Kitô

Ðoạn Tin Mừng hôm nay thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt Cêrarê thuộc quyền Philip.

Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo là Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một Tiên tri nào đó. Riêng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.

Nhưng đã đến lúc Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: "Ngài là Ðức Kitô", nghĩa là Ðấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ của ông, thì Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế, khi Phêrô vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Satan.

Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Ðấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài, Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi ngày mà theo Ta". Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ tôn giáo bệnh hoạn, trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta vác lấy thập giá mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.

Có rất nhiều cách để chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập giá bằng cách không tiếp nhận cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập giá khi chúng ta chỉ nhìn một cách bi quan về các biến cố và con người; khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ, trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng giây phút của cuộc sống.

Chúng ta hãy lặp lại lời thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng đinh Thập giá". Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng một thái độ chấp nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một cuộc thăm dò dư luận “bỏ túi”

Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc. 8, 28-29)

Chuyến đi truyền giáo của Chúa Giêsu gần tới giai đoạn chót. Trong hai năm, Người đã rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh họan tật nguyền. Giờ đây, Người muốn kiểm điểm một chút ảnh hưởng hoạt động của Người tới đâu, đồng thời tìm biết quần chúng có dư luận thế nào về Người. Đây là thời điểm quan trọng để Người có thái độ và lập trường mới, bởi lẽ từ trước đến nay, Người vẫn giữ kín và bắt người ta giữ kín không cho ai biết Người là ai. Một mình với các môn đệ, Người liền hỏi các ông: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là Ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Tuy ý kiến khác nhau, nhưng dư luận nói chung đều đồng ý coi Người là một người có sứ mạng của Thiên Chúa. Điều này không thể bị coi thường: quần chúng xếp Người vào hàng những bậc vĩ nhân của lịch sử, là một sứ giả của Thiên Chúa loan báo Đấng Mê-si-a sẽ đến.

Chúa Giêsu muốn đẩy cuộc thăm dò của Người đi xa hơn nữa. Nói lại điều người khác nghĩ thì dễ. Như thế có lẽ là một lối tránh né, một cách che dấu tư tưởng riêng của mình, một cách không muốn dấn thân. Người liền hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời thay cho tất cả: “Thầy là Đấng Kitô”. Vậy là cuộc sống chung của các ông với Chúa Giêsu đã sinh hoa kết trái.

Bộ Thầy “muốn dỡn mặt!”

Các môn đệ đã diễn tả các ông nhận định về Chúa Giêsu như thế nào. Còn Chúa Giêsu lại muốn dẫn các ông đi xa hơn vào mầu nhiệm bản thân Người. Người sắp nói cho các ông hay Người ý thức về chính mình như thế nào: phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết, rồi được sống lại. Người không phải là Đấng Thiên sai mang tính cách chính trị, có nhiệm vụ giải phóng và giành lại nền độc lập cho dân tộc, nhưng là một người tôi tớ đau khổ. Phêrô thấy quá quắt, không chịu nổi rồi. Ông cho Chúa Giêsu là con người suy nhược và quá bi quan. Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách móc: “Bộ Thầy muốn dỡn mặt!”. Lời nói này của Phêrô chứng tỏ nhiều về tình thầy trò thân mật, tính bình dị và cởi mở của Chúa Giêsu. Phêrô tin mình có quyền trách móc Thầy mình. Tới nước này, Chúa Giêsu không thể nhân nhượng được nữa, Người liền nặng lời khiển trách ông: “Satan, lui lại đằng sau Thầy!” Với tư cách là môn đệ, Phêrô đi theo Chúa Giêsu, phải ở vị trí đứng đàng sau Người, nhưng ở đây, ông đã muốn rời chỗ đó, trèo lên đàng trước làm vai trò người chỉ huy. Có nghĩa là ông đã không đi theo Người mà đã đi vào con đường khác với ý của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa coi ông như Satan là kẻ gây cản trở cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Cả chúng ta nữa, Chúa Kitô đều đặt cho chúng ta một câu hỏi quan trọng: Phần con, con bảo Thầy là ai? Thầy có quan trọng đối với con không? Quan trọng không phải chỉ trong suy nghĩ cúa con, mà cũng cả trong đời sống của con nữa? Lời của Ta có được con tuyệt đối tham khảo để biết và thực hành không? Cách chúng ta trả lời những câu hỏi này, sẽ chỉ cho ta biết những ý nghĩ của ta có phải là ý và đường lối của Chúa không.

 

Suy Niệm 5: Cần xác lập mối tương quan cá vị

Trong nghi thức Thánh Tẩy cho người lớn, Giáo Hội mời gọi đương sự tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài cách xác quyết. Chính trong niềm tin mạnh mẽ như thế, mà người anh chị em của chúng ta được gia nhập Giáo Hội của Đức Giêsu để được sự sống đời đời.

Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy một cuộc tuyên tín cá vị được diễn ra tại địa hạt Cêsarê thuộc quyền Philiphê.

Khởi đi từ việc dân chúng có nhiều nhận định về Đức Giêsu sau khi đã chứng kiến những lời giảng dạy khôn ngoan và quyền năng cũng như những phép lạ cả thể Ngài đã làm.

Thấy vậy, Đức Giêsu muốn làm một bài trắc nghiệm các môn đệ về nhận định của dân chúng về Ngài, Ngài hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông nhanh nhảu trả lời rằng: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Đức Giêsu đã bất ngờ hỏi trực diện các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Quá ngỡ ngàng vì không ai nghĩ Đức Giêsu lại hỏi cụ thể như thế! Tuy nhiên, đây là điều cần thiết trong cuộc đời môn đệ, bởi nếu không có niềm xác tín mạnh mẽ, cá vị vào Đấng mà họ tin theo thì e rằng họ sẽ chạy theo hiệu ứng đám đông và đặt ra cho mình những lợi lộc thực dụng thấp hèn.

Phêrô đã thay lời anh em tuyên xưng cách xác quyết: “Thầy là Đấng Kitô”. Đây là lời tuyên tín xác định căn tính Thiên Sai của Ngài. Tuy nhiên, Phêrô và các môn đệ khác cũng chỉ hiểu theo nghĩa giải phóng chính trị mà không để ý hay không hiểu sứ vụ cứu chuộc của Thầy mình, nên ngay lập tức, Đức Giêsu cấm các ông không được loan báo điều này cho ai.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xác tín niềm tin của mình vào Chúa như thánh Phêrô và can đảm đi theo Đức Giêsu khi sẵn sàng trở nên môn đệ trung tín của Ngài.

Dù có gặp phải khó khăn, thử thách và những trào lưu dễ dãi, giảm thiêng và thượng tục, chúng ta vẫn vững tin và trung thành với sứ vụ

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi đã tin theo Chúa thì cũng sẵn sàng và trung thành đi đến cùng con đường mà Chúa đã mời gọi chúng con đi theo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Lavallière Lepaux là một thành viên Thượng Hội đồng Quốc gia Pháp, rất ghét đạo Công giáo và luôn tìm cách công kích. Ông lập một đạo mang tính trí thức mới bao gồm những triết thuyết có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.

Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras: “Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học thức, có huấn luyện, đào tạo mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học mà cả thế giới theo ông?”

Barras trả lời: “Thưa ngài, nếu ngài muốn thiên hạ theo đạo mình, thì ngài để cho người ta đóng đinh ngài vào ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa nhật ngài cố sống lại đi”.

Suy niệm

Chúa Kitô đã đi vào cõi chết và phục sinh khải hoàn như Ngài đã loan báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Lời tiên báo cuộc thương khó với thập giá, sự chết và phục sinh ngay sau khi lời giải đáp về sự việc dân chúng nhìn nhận Ngài là ai. Trong khi dân chúng nghe lời Ngài giảng dạy cùng với việc chứng kiến phép lạ phi thường. Họ coi Đức Giêsu chỉ là một ngôn sứ có quyền phép làm được những dấu lạ hơn người khác như ông Gioan Tẩy giả, ông Êlia hay một tiên tri nào đó.

Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” khi họ đã ở với Ngài đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14). Nhóm Mười hai mà thánh Phêrô đứng đầu trả lời: “Thầy là Đấng “Christos” nghĩa là Kitô”, “Mêssia” trong tiếng Hêbrơ có một nghĩa rất mạnh như biến cố bùng nổ tại Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng mà mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”, được các ngôn sứ đã báo trước.

Dù tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Đấng Mêssia, Phêrô chưa hiểu hết được mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong sứ mạng Mêssia. Theo ông, Đấng Mêssia phải vinh quang, chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến để giải phóng dân tộc Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng cường, bá chủ địa cầu. Cho nên, với Phêrô, Đức Kitô phải được tôn vinh như: Thiên Chúa hùng mạnh, danh Ngài lừng vang trên toàn cõi đất, Người là Đấng Thánh của Israel và nước Người tồn tại đến vô cùng tận (x. Tv 11; Tv 12). Chính vì thế, không thể có việc Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chết nhục nhã như Thầy vừa loan báo, nên Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Satan! đi!”. Vì tư tưởng của Phêrô không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Qua việc sửa trị Phêrô, Chúa Giêsu muốn những suy tưởng viển vông, thụ động của con người cần phải được dẹp bỏ và thanh tẩy trong mầu nhiệm cứu độ.

Đấng Kitô đối diện với thập giá, trên thập giá, Ngài chấp nhận chết để tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, đó là hy sinh vô bờ bến để cứu chuộc nhân loại: “không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chính vì thế, Đấng hy sinh trên thập tự đã làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa được cứu độ.

Xin cho chúng ta ý thức được mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống của chúng ta.

Ý lực sống: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô,

mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá”(1Cr 2,2).

 

Suy Niệm 7: Đức Giêsu là ai vậy?

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Khi đi đến làng Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các tông đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng: người ta cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các ông cho Ngài là ai, thì Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị: giải phóng đất nước, dành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên tín, Ngài liền báo cho họ con đường Thương Khó và Phục sinh của Ngài.

2. Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra  không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.

Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, thủy tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách... nói về Chúa Giêsu.

3. Theo dư luận quần chúng.

Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai”? Các ông đáp liền: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).

Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy Giả... Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.

4. Theo ý kiến các môn đệ.

Đức Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai”? Ông Phêrô đã nhanh nhảu trả lời ngay: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29).

Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.

Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.

5. Theo tiết lộ của Đức Giêsu.

Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra  phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.

Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc  liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux.

Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.

Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras:

- Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông?

Ông Barras trả lời:

- Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày chủ nhật, đồng chí cố sống lại đi.

 

Suy Niệm 8: Câu hỏi về Chúa Giêsu

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần:

a/ Chúa Giêsu dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ phản ảnh có nhiều dư luận hơi khác nhau, nhưng tựu trung mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một ngôn sứ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả Nhóm 12: "Thầy là Đức Kitô".

b/ Sau đó Chúa Giêsu tiên báo về cuộc chịu nạn của mình. Phêrô ngăn cản liền bị Chúa trách nặng nề là Satan.

B.... nẩy mầm.

1. "Người ta nói thầy là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Chúa Giêsu muốn những kẻ tin Ngài phải có một suy nghĩ riêng về Ngài. Người ta nói Ngài là một Đấng hay làm phép lạ, tôi cũng nghĩ theo họ và chạy đến với Ngài để xin phép lạ. Người ta nói Ngài chỉ biết dạy những điều siêu nhiên xa vời nhưng không thể làm cho cuộc sống đời này được hạnh phúc, tôi nghe thế và đức tin bị chao đảo theo. Không, tôi không nên dựa theo dư luận, mà phải có một suy nghĩ riêng của mình và một lập trường riêng của mình. Theo tôi, Chúa Giêsu là ai? Ngài có vai trò nào trong đời tôi?

2. "Con Người phải chịu đau khổ nhiều….." Chúa Giêsu mà tôi tin tưởng là một Chúa Giêsu đi trên con đường thập giá. Tin Ngài thì tôi cũng phải theo Ngài trên con đường thập giá ấy.

"Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi".

3. Phêrô vừa mới được ơn trên soi sáng cho biết Chúa Giêsu là Đức Kitô, nhưng ông chưa hiểu rõ Kitô như thế nào, do đó ông lên tiếng ngăn cản Ngài bước vào con đường thập giá. Điều này có thể thông cảm được. Nhưng tôi đã được biết Đức Kitô từ lâu, thế mà tôi vẫn không chấp nhận con đường thập giá. Tôi nói tôi tôn thờ thập giá nhưng tôi than thở khi phải vác thập giá. Tôi nói tôi theo Đức Kitô, nhưng tôi muốn dừng chân khi Ngài bắt đầu dẫn tôi lên Núi Sọ.

4. "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau 3 ngày sẽ sống lại" (Mc 8,31)

Anh ấy đến với tôi, ồn ào, kiêu hãnh. Và tôi đã thực sự bị chinh phục bởi sự phong lưu sang trọng của anh. Chiều thứ bảy, anh đón tôi đi chơi. Ngồi bên nhau trong quán nước quen thuộc, chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn từng giọt mưa đang rơi nhanh ngoài phố. Một đứa bé ăn xin rách rưới và ướt sũng đến bên anh, chìa đôi tay tím ngắt run rẩy ra trước mặt anh. Anh thản nhiên lắc đầu. Nhìn theo dáng đi xiêu vẹo của đứa bé khuất dần sau làn mưa, tôi chợt nghe như có một cái gì đó đang đổ vỡ trong tâm hồn mình.

Thiên Chúa đến với ta, âm thầm, lặng lẽ, nghèo hèn, giản dị, nhưng chan chứa tình thương. Tôi và các bạn có sẵn sàng đón nhận Người hay còn chờ đợi một Thiên Chúa khác, oai nghi và quyền quý, để rồi lại chợt thấy ngỡ ngàng và hụt hẫng như tôi.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu được mầu nhiệm Thánh giá như nhạc sĩ Văn Cao đã hiểu và nói: "Chúa Giêsu trần trụi trên thập giá. Ngài không có gì nhưng lại có tất cả" (Epphata).

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 04/05/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Chấp nhận lội ngược dòng. (03/05/2024 10:00:00 - Xem: 1,222)

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Sáu 03/05/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính. – Ðến với Chúa. (02/05/2024 10:00:00 - Xem: 3,742)

THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

Thứ Năm 02/05/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Niềm vui được trọn vẹn. (01/05/2024 10:00:00 - Xem: 4,119)

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Tư 01/05/2024 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Giuse thợ. – Người thợ vô danh: Thinh lặng, cầu nguyện và xin vâng. (30/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,717)

Thánh Giuse thợ.

Thứ Ba 30/04/2024 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh. – Hiệp nhất và bình an. (29/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,715)

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Hai 29/04/2024 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Những giới hạn. (28/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,054)

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

+ Chúa Nhật 28/04/2024 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B. – Cây nho nối kết cành nho. (27/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,240)

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,196)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,893)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,690)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7