Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 07/06/2023 – Thứ Tư tuần 9 thường niên. – Người chết sống lại.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,452
  • Ngày đăng: 06/06/2023 10:00:00

Người chết sống lại.

07/06 – Thứ Tư tuần 9 thường niên.

"Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống".

 

Lời Chúa: Mc 12, 18-27

Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ".

Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời.

Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Thiên Chúa của kẻ sống

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi được hỏi về cuộc sống mai hậu,

Đức Khổng Tử đã trả lời đại khái như sau:

chuyện đời này còn chưa nắm hết, nói gì đến chuyện đời sau.

Nhưng chuyện đời sau vẫn là thao thức muôn thuở của con người.

Con người muốn biết sau cuộc sống ngắn ngủi này, mình sẽ đi về đâu.

Đi mà không rõ đích đến thì sẽ đi lông bông vô định.

Tiếc là có người đã tin rằng chẳng có gì sau cái chết!

Nhóm Xađốc cũng thuộc hạng người trên.

Họ là những tư tế Do thái giáo bảo thủ, không chấp nhận các ý tưởng mới

như chuyện người chết sống lại hay sự hiện hữu của các thiên thần.

Trong Kinh Thánh, họ chỉ dựa vào Ngũ Thư, trong đó có sách Đệ nhị luật.

Sách này có nói đến chuyện một người trong họ hàng gần (Đnl 25, 5-10),

phải lấy bà vợ góa không con của anh em mình, để có người nối dõi.

Nhóm Xađốc đã đưa ra một trường hợp hãn hữu và buồn cười (cc. 20-23),

để cho thấy chuyện sống lại là vô lý, và Môsê cũng chẳng tin chuyện đó.

“Khi sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”

Đức Giêsu đã nặng lời chê các tư tế trong nhóm này (c. 24).

Họ đã hiểu cuộc sống đời sau như một thứ kéo dài cuộc sống hiện tại,

nơi đó người ta vẫn cưới vợ, lấy chồng, vẫn sinh con đẻ cái.

Đức Giêsu cho thấy một bộ mặt khác hẳn của đời sau.

Người được sống lại là người bước vào cuộc sống hoàn toàn mới.

Họ sống “như các thiên thần trên trời” (c. 25),

nghĩa là sống trọn vẹn cho việc phụng sự Thiên Chúa,

với một thân xác đã được biến đổi nên giống thân xác Đấng phục sinh.

Nhưng đừng hiểu thiên đàng là nơi mất đi sự ấm áp của tình người.

“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43).

“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).

Tình yêu với Thầy Giêsu và những mối dây thân ái giữa người với người,

chẳng có gì bị phá vỡ, nhưng trở nên hoàn hảo vững bền.

Người ta sẽ không cưới hỏi hay sinh con,

nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng lên một bình diện mới.

Đức Giêsu trưng dẫn sách Xuất hành để minh chứng có sự sống lại.

Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của các tổ phụ Ítraen (Xh 3,15).

Mà người Do thái tin là Ngài không gắn mình với các anh hùng đã chết.

Vậy Abraham, Ixaác và Giacóp phải là những người đang sống,

nghĩa là những người đã chết và đã được phục sinh.

Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau qua kinh Tin Kính.

Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới vật chất và vô tín là điều không dễ.

Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này không làm ta quên đời sau.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa sự sống

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có hai luồng tư tưởng sai lầm. Không tin vào đời sau. Hoặc tin vào đời sau nhưng cho rằng đời sau cũng giống như đời này. Hôm nay Chúa Giê-su bài bác cả hai lập trường sai lầm ấy.

Có đời sau. Vì tại bụi gai cháy đỏ Thiên Chúa nói với Mô-sê: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”. Thiên Chúa đang sống nên mới có thể truyện trò với Mô-sê. Và các tổ phụ cũng đang sống bên nên Thiên Chúa mới khẳng định Người là Thiên Chúa của họ.

Nhưng đời sau không còn giống như đời này. Chúa Giê-su minh định: “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời”.

Chúng ta có bằng chứng vững chắc. Vì Chúa Giê-su đã từ trời xuống. Và đã lên trời. Trở về với Chúa Cha. Người đã chiến đấu với thần chết. “Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”. Đó là niềm hy vọng vững chắc cho ta. Đó là đích điểm ta nhắm tới. Đó là con đường ta phải đi theo. Các thế lực ma quỉ thế gian luôn tìm cách lung lạc niềm tin đó. Nhưng thánh Phao-lô là người loan Tin Mừng Chúa Ki-tô phục sinh. Tin Mừng sự sống. Tin Mừng hy vọng cho nhân loại. Dù ngài phải chịu bắt bớ, đau khổ. Và chịu chết nữa. “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày Người đến” (năm chẵn).

Chính vì niềm tin vào đời sau, nên những người công chính muốn thoát khỏi đời này. Vì thế gian là “thung lũng đầy nước mắt”. Chỉ khi về với Thiên Chúa ta mới được hạnh phúc thật. Tô-bít chịu nhiều đau khổ oan ức ở đời đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin truyền lệnh cho con được giải thoát khỏi số kiếp gian khổ này. Xin để con ra đi vào cõi đời đời”. Còn Xa-ra, quá đau khổ, nhưng không dám tự tử. Vì còn tin vào Chúa. Và vì yêu thương cha mẹ. Nhưng cô chỉ xin Chúa cho được chết đi: “Nên tốt hơn là tôi đừng thắt cổ tự tử, mà phải cầu xin Chúa cho tôi chết đi”(năm lẻ).

Xin cho con vững tin vào Chúa. Vào sự sống đời sau. Để con sống xứng đáng ở đời này. Nhưng không lưu luyến. Và không quá mê mải đời này.

 

Suy Niệm 3: Có sự sống lại

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quý tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.

Thật thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.

Họ đặt ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người Sađốc hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa giỡn với sự thật mà thôi.

Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: "Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob", Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.

Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.

Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.

 

Suy Niệm 4: Góa phụ của những người thuộc nhóm Sa-đốc

Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc. 12, 25-27)

Lòng tin vào sự sống lại đến muộn màng trong Do thái giáo, nhưng vào thời Chúa Giêsu nói chung người ta đã chấp nhận và nhóm những người thuộc phe Xađốc không tin có sự sống lại chỉ là thiểu số. Theo họ thì linh hồn hư nát cùng với thân xác. Phần đông các thành viên nhóm này thuộc giới tư tế và được người ta coi như có tài trong những cuộc tranh cãi lắt léo, nếu không nói là rối rắm như mớ bòng bong, như trường hợp Phúc âm hôm nay, họ đặt ra một vấn đề có một không hai. Vấn đề có vẻ nực cười, nhưng không có ý giễu cợt đức tin. Vấn đề muốn cho thấy sự sống lại là điều khó và phi lý, vì tạo nên những hoàn cảnh phức tạp và khó gỡ ở bên kia thế giới, chẳng hạn như trường hợp người góa phụ của bảy đời chồng này sẽ không biết cuối cùng mình sẽ là vợ của ai trong số họ. Chắc chắn bà ta sẽ không có thể được hưởng niềm vui trọn vẹn, bởi vì trong dân Do thái, người ta coi niềm an vui phu thê là phần thưởng lớn lao. Câu trả lời của Chúa Giêsu phải được đặt trong bối cảnh này: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” Nói cách khác, sự sống của những người đã sống lại không cùng bình diện và tầm vóc với sự sống ở đời này.

Người được phục sinh không phải là một xác chết được sống lại

Nỗi bận tâm của những người thuộc phe Xađốc ở thời nào cũng có, dẫu rằng ngày nay người ta diễn tả không y như trước. “Chúng ta sẽ sống với những người thân của chúng ta sao? Tuổi đời đời là bao nhiêu? Có sẽ thoát khỏi những dị hình dị tật, những khuyết điểm của ta không?” Bảng liệt kê sẽ có thể dài dài đến vô tận. Đã thấy có những người lên mặt mô phạm dám đưa ra những câu trả lời cho tất cả những âu lo này, đang khi tự khởi đầu người ta đã đặt vấn đề không đúng; chúng ta sẽ không phải là những xác chết được sống lại để sẽ tiếp tục sống trên trái đất được sửa sang lại, nhưng là những con người mới trong một thế giới mới.

Phải nhận rằng chính Chúa Giêsu không cho ta biết mấy về tình trạng những người đã được phục sinh. Kiểu nói “giống như các thiên thần trên trời” chỉ có ý nói đến một cách thức hiện hữu khác biệt mà thôi. Nếu Thiên Chúa đã cho là tốt việc giữ yên lặng gần như hoàn toàn về tình trạng của đời sống hưởng phúc mai sau, thì thiết tưởng con người vì không đủ tư cách nên cũng đừng nói gì về đời sống xã hội ở đời sau. Những người đã được tuyển chọn hưởng phúc kia có thăm viếng ta hay không, điều đó chẳng ai biết được hay sẽ biết.

 

Suy Niệm 5: Sống lại rồi sẽ ra sao?

Đã có nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm này hay nhóm khác, nhưng với nhóm Xađốc thì đây là lần đầu tiên. Những người này được liệt vào hàng quý tộc có tiếng là tử tế, nhưng lại theo ngoại xâm.

Họ rất bảo thủ trong lãnh vực tôn giáo. Vì thế, họ chỉ công nhận bộ Ngũ Thư mà thôi. Tất cả các cuốn sách khác đều bị bãi bỏ cả. Vì thế, những lời dạy của các ngôn sứ xuất hiện sau đó thì đều bị họ khước từ và không tin.

Như vậy, chúng ta không lạ gì khi họ chất vấn Đức Giêsu về sự sống lại.

Họ đứng lên hỏi Ngài về việc sự sống lại sau cõi chết khi đưa ra một ví dụ: có một người lấy vợ, rồi chết không con, theo luật, người em kế phải lấy tiếp người phụ nữ ấy để có con nối dòng. Tuy nhiên, cứ lần lượt như vậy cho đến người thứ 7 lấy cô ta mà cũng chết không con, cuối cùng, chính người đàn bà này cũng chết. Vậy sau này, khi sống lại thì cô ta sẽ là vợ của ai trong 7 người chồng đã từng cưới nàng làm vợ?

Khi hỏi như vậy, Đức Giêsu thừa biết ý đồ thâm độc của nhóm này, nên Ngài đã làm cho họ cứng họng!

Trước tiên, Đức Giêsu đã làm họ lúng túng khi chỉ dẫn cho biết sự am hiểu Kinh Thánh của họ quá hời hợt.

Thứ hai, Ngài mặc khải cho họ biết rằng: sự sống con người sau khi chết hoàn toàn khác với sự sống hiện tại. Nếu sự sống hiện tại con người có bổn phận truyền sinh để lưu truyền nòi giống, thì sự sống sau cái chết không còn chuyện đó. Vì vậy, họ đâu còn lấy vợ gả chồng nữa, bởi vì sự sống của họ đã đạt tới sự viên mãn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như sự sống thật đời sau. Cuộc sống đời đời là đích đến chứ không phải dừng lại ở nhu cầu thể xác như khi lưu trú nơi trần gian.

Chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự chết lẫn sự sống, và chỉ trong Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc đích thực.

Vì thế, hãy biết trân trọng nó và biết mua lấy Nước Hằng Sống bằng niềm tin, sự hy sinh và tinh thần dấn thân vì Nước Trời ngay trong cuộc sống thực tại trần thế này.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Lời Chúa và tha thiết thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hiện tại. Xin ban cho chúng con luôn biết tha thiết với những thực tại trên trời, nơi tràn đầy ân sủng, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa Hằng Sống

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên Chúa dựng nên ta để sống, không những sống trong cuộc đời hiện tại, mà còn để sống mãi mãi sau khi sống lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa Hằng Sống và là nguồn mạch sự sống. Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban sự sống cho con. Không những con chỉ sống ngắn ngủi vài chục năm trên cõi đời này, mà con tin Chúa sẽ còn cho con được sống lại để sống mãi mãi bên Chúa.

Lạy Chúa, ai cũng muốn sống và khao khát được sống mãi. Chúng con lập gia đình là để có con cái nối dài sự sống của mình. Luật Mô-sê dạy em phải lấy vợ của anh đã chết mà không để lại con cái, cũng là để có con cái nối dài sự sống. Chúng con biết mình sẽ phải chết nhưng vẫn khao khát được kéo dài sự sống. Chúa là Thiên Chúa kẻ sống, chính Chúa đã đặt vào lòng con nỗi khao khát ấy, và chính Chúa đáp ứng nỗi khát vọng ấy bằng cách cho con sẽ được sống lại với Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, con không muốn đời con chấm dứt với cái chết, nhưng trong đời sống thường ngày, con lại thường lao mình vào cái chết. Xin Chúa giúp con giữ gìn sức khoẻ thể xác bằng cách tránh ăn uống quá độ, tránh nghiện ngập say sưa hoặc chơi bời hưởng thụ. Con cũng xin Chúa cho mỗi người biết tôn trọng sự sống của những người già cả tật nguyền, nhất là sự sống của con người đang chờ ngày sinh ra.

Và trên hết, xin Chúa cho con biết quý trọng sự sống của linh hồn bằng cách giữ mình sạch tội, tuân giữ Lời Chúa và siêng năng rước Chúa Giêsu vào lòng. Như vậy, con tin rằng con sẽ được sống đời đời bên Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống”.

 

Suy Niệm 7: Thiên Chúa của kẻ sống

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đại tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948. Trong bóp (ví) của ông, người ta thấy một tấm thẻ ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau:

“Tôi đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi con tàu đang trương buồm trắng phất phơ trong gió sớm hướng về đại dương. Con tàu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là một dải mây trắng nơi trời và nước hòa lẫn với nhau. Lúc đó có người đứng cạnh tôi thốt lên: “Kìa, con tàu biến mất rồi!” - Biến đi đâu? - Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi! Nó vẫn là cột buồm, là vỏ tàu rộng lớn như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống đến nơi đã định. Kích thước con tàu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải nơi chính nó. Và ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên: “Kìa! Nó biến mất rồi” thì lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đằng kia vang lên đầy hoan hỉ: “Kìa! Nó đến rồi” Và đó chính là lúc chết (M. Link).

Suy niệm

Đối với Thiên Chúa mọi người đều luôn sống và sự chết trần gian chỉ là một sự chuyển tiếp… sang sự sống mới, tươi hơn, sáng hơn.

Nhóm Sađốc là những người có học thức, hầu hết là giàu có và có địa vị cao quý, nhóm này không tin có sự sống lại (x. Lc 20,27) chất vấn Chúa về sự Phục sinh. Họ trích sách Đệ Nhị Luật: “Khi anh em ở chung cùng nhau và một người của chúng chết đi mà không con, vợ của người chết sẽ không được thuộc về chồng khác ngoài nhà. Một anh em của chồng sẽ nhập phòng với nó và lấy nó làm vợ và giữ nghĩa anh em chồng với nó. Và con trai đầu lòng sinh ra sẽ lưu danh người anh em đã chết. Và như vậy tên nó sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25,5-6). Khi trích dẫn đoạn sách Đệ Nhị Luật trên và đã nhân số anh em ruột buộc phải lần lượt lấy người vợ goá đó, lên tới bảy người: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ!”. Sự việc được nêu ra có ý ép buộc Đức Giêsu phải từ chối tin vào sự sống lại mà họ đã chủ trương, để tránh tình trạng vô luân một vợ bảy chồng!.

Đức Kitô tuyên bố: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Nhóm Sađốc vốn là những vị học thức cao, họ dùng lý trí của mình dựa trên thực tại ở đời này để cắt nghĩa và phủ nhận sự tồn tại của Phục sinh. Họ dùng trí óc hạn hẹp mà họ vốn tự hào là trí thức, là lãnh đạo để giới hạn mầu nhiệm Phục sinh mà chính Ba Ngôi Thiên Chúa đồng tham dự để chuộc con người từ tội lỗi, từ cõi chết. Dù là những bậc uyên thâm, trí thức nhưng dựa trên sự lý luận giới hạn, họ đã đóng khuôn niềm tin trong cõi đời ngắn ngủi và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Thật thế, chỉ nguyên sự kiện thân xác Phục sinh của Đức Kitô đã xuyên qua ngôi nhà đóng kín cửa đến với các Tông đồ (Ga 20,19-20), cho ta thấy thực tại Phục sinh không thể giải thích được bằng cách suy luận giới hạn của con người như nhóm Sađốc lý luận. Thực tại Phục sinh thế nào được Chúa Giêsu gói gọn bằng một giải thích: “Được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,36).

Nan giải về việc sống lại được đặt ra chính lúc Chúa Giêsu đang tiến lên Giêrusalem, nơi đó Ngài sẽ đi qua cái chết, mà những người Sađốc chủ trương chết là hết. Nhưng Ngài lên Giêrusalem không phải chỉ để chết, mà để được “rước lên trời” (Lc 9,51). Trong ba lần loan báo về cuộc thương khó, hai lần Đức Giêsu nói rất rõ Người sẽ bị giết nhưng ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy (Lc 9,22) và Người sẽ sống lại (Lc 18,33). Sự Phục sinh của Ðức Giêsu là trung tâm của thông điệp Kitô giáo - không có sự kiện này thì đức tin của chúng ta trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta cũng trống rỗng (1Cr 15,13-14). Thánh Phaolô khẳng định rằng Ðức Kitô Phục sinh “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20).

Đặt trong mầu nhiệm Phục sinh, sự khẳng định của Chúa Giêsu về Thiên Chúa hằng sống trong hành trình tiến về Giêrusalem là giải đáp cho niềm tin sống lại. Niềm tin đó mà Đấng Hằng Sống đang bị chất vấn và bị ép công nhận quyền năng của sự chết: “chết là hết”. Chính trong lúc này, Đấng đó đang tiến về Giêrusalem để đi vào cõi chết, nhưng từ cõi chết Đấng Hằng Sống đó Phục sinh và mở đường cho tất cả nhân loại Phục sinh với Ngài như thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Vì nếu chúng ta tin rằng Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Ðức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Ðức Giêsu” (1Tx 4,14).

Ý lực sống:

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ,

cả những ai tin vào Người Con thì được sống muôn đời” (Ga 11,25-26).

 

Suy Niệm 8: Có sự sống lại chăng?

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Câu trả lời của Chúa Giêsu trước vấn nạn kẻ chết sống lại của nhóm Sađốc cho thấy, cái nhìn của họ về cuộc sống đời sau còn quá hạn hẹp. Họ không hiểu ý nghĩa của sự phục sinh hàm chứa trong câu Kinh thánh: Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Nếu tin Thiên Chúa hằng hữu, thì phải tin con người có cuộc sống đời sau. Họ không chấp nhận sự kiện con người sẽ sống lại, vì họ không chịu tìm hiểu Kinh thánh.

2. Tin mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên của Chúa Giêsu và nhóm Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Đối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên, khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.

3. Nhóm Sađốc đã tranh luận với Chúa Giêsu về sự sống lại. Để chế nhạo sự sống lại, nhóm Sađốc bịa ra câu chuyện tưởng tượng là có 7 anh em trai, người thứ nhất kết bạn, nhưng chết mà không trối hậu, người thứ hai lấy người góa phụ đó, rồi cũng chết không con, người thứ ba cũng vậy. Cả 7 người lấy người vợ góa đó đều chết cả và đều không có con, thế thì ngày sống lại, người góa phụ đó sẽ là vợ của ai?

Đáp lại, Chúa Giêsu đã mạc khải một chân lý tràn trề hy vọng: Sau cuộc sống trần gian chóng qua này con người sẽ được phục sinh, được biến đổi thành như các thiên thần và vẫn tiếp tục sống. Đó là nền tảng của giá trị con người. Giá trị ấy được Chúa Giêsu nêu bật khi nói: “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”.

Thiên Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào, tức là được tham dự sự sống vĩnh cửu của Ngài. Sự sống ấy chính là lời đáp cho những khắc khoải, khát vọng không ngừng của con người. Chính vì thế mà sự sống lại trong ngày sau hết phải là sức đẩy của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.

4. Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần”, nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quí hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế.

5. Kiểu nói “giống như các thiên thần” có ý khẳng định rằng: việc kẻ chết sống lại không phải là trở lại đời sống trần thế, nhưng là một sự tái tạo dựng, không thể tưởng tượng được, một biến đổi tận căn của hữu thể nhân linh. Giáo huấn này dạy về tình trạng của những kẻ sống lại được kết thúc bằng sự khẳng định: “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,36), điều này làm cho họ sinh ra trong tình trạng thiên quốc, là tình trạng của các thiên thần (St 6,2).

6. Truyện: Suy nghĩ của một bào thai

Một bác sĩ sản khoa nọ đã viết nên một câu chuyện rất hay.

Chuyện kể rằng: một lần nọ, bác sĩ ấy đã thử nói chuyện với một bào thai. Bác sĩ nói:

- Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.

Nghe vậy, bào thai phản ứng:

- Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.

Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai tự thắc mắc:

- À, nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này mãi ư? Tay sẽ làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống, chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều, nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi! Vâng, chúng ta đang sống trong trần gian và niềm tin Chúa muốn dạy ta hôm nay là: Chắc chắn có một cuộc đời khác nữa sau cuộc sống trên trần thế này.

 

Suy Niệm 9: Cuộc sống sau khi sống lại

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

1. Những đối thủ mà hôm nay Chúa Giêsu phải gặp là những người Sađốc, giới Tư tế. Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên đặt ra câu chuyện: một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ “thế huynh, “ để cho thấy sống lại là một sự lố bịch.

2. Trả lời họ Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào:

- Không giống như cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và bởi thế không cần có vợ chồng.

- Cuộc sống ấy “giống như các thiên thần”: Nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa.

Suy gẫm

1. Những người phái Sađốc tuy là tư tế nhưng không quan tâm đến những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ. Để bảo vệ những đặt quyền đặc lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ.

Họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xác thịt thì càng yếu về tinh thần.

2. Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “Như các thiên thần” nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài việc yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Xin Chúa giúp con càng ngày càng bớt sống cho vật chất thế gian, để thêm sống vì Chúa và cho Chúa.

3. Thiên Chúa không để con người sống mãi mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật tức là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế.

4.”Quả vậy khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng có lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mc 12, 25)

Lời Chúa hôm nay như choáng ngợp lòng con.

Con cảm thấy lòng mình mở ra cho vô hạn và bước đi trên con đường thênh thang, con đường một chiều dẫn đến sự sống, sự sống tràn đầy và mãi mãi.

Từ đó, con cảm nhận rằng: con bất toàn nhưng đời đời là nhịp nối đưa con đến hoàn thiện. Những cố gắng hôm nay sẽ theo con trên con đường đến đích. Những ước mơ nhỏ bé là mầm phóng cho những dự tính lớn lao. Những gặp gỡ yêu thương sẽ có ngày tái ngộ.

Lạy Chúa, xin cho niềm hy vọng ấy chiếu sáng cuộc đời con.

 

Suy Niệm 10: Cuộc sống đời sau

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Tin Mừng kể lại nhiều lần, người Do Thái tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng họ đều gặp phải cảnh: gậy ông đập lưng ông. Hôm nay, họ lại tìm cách bày trò để gài bẫy Chúa một lần nữa. Theo bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thì họ muốn chế nhạo Chúa về việc tin vào sự sống lại, tức là đụng đến tín điều Phục Sinh.

Để làm công việc này, họ bày ra một câu chuyện tuy khó xảy ra trong thực tế nhưng lại rất hợp lý về phương diện lý luận và luật pháp. Câu chuyện thế nào thì chúng ta đã được nghe.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu đã cho họ thấy hai điểm:

- Một là, quan niệm của họ về cuộc sống mai hậu còn quá thô sơ và không hiểu tí gì về quyền năng của Thiên Chúa: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? (Mc 12,24)

- Hai là họ không nhận ra được ý nghĩa của sự Phục Sinh được hàm chứa trong câu Thiên Chúa tự xưng mình là Thiên Chúa của các Tổ phụ: Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Mc 12,27).

Và lại một lần nữa, Chúa bịt miệng họ một cách hết sức ngoạn mục.

Đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu bị nhạo cười. Người ta đã từng cho người là khùng, là điên, là bị quỉ ám. Mãi đến khi gần chết trên Thánh Giá mà quân lính hành hình Chúa vẫn còn nhạo cười Ngài: “Để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! Nó đã cứu được kẻ khác mà nay lại không cứu được mình!” (Mt 15,31).

2. Ngày nay, cũng chẳng khác gì ngày xưa. Cũng có một số người không tin vào sự tồn tại của chính mình ở đời sau. Họ đang sống như chỉ có đời này. Họ đang hưởng thụ không biết mệt mỏi. Họ sống như chỉ có một mình mình, không cần biết đến ai, không cần để ý xem tương lai mình sẽ ra sao… Thậm chí có lúc họ còn cho những người tin vào đời sống mai hậu là ngu dại.

Thế nhưng, thực tế có như vậy hay không thì mỗi người phải tự mình suy xét lại.

Người ta đã đọc thấy trên mộ của một người ở nghĩa trang: “Đây là nấm mồ của một người dại dột, đã sống mà không biết tại sao mình sống”.

Nhà triết học Diogenes ngày xưa đã viết: “Trong tất cả mọi sự, hãy nhìn đến cùng đích cuộc đời của mình”.

Một bác sĩ sản khoa nọ đã viết nên một câu chuyện rất hay. Chuyện kể rằng: Một lần nọ, bác sĩ ấy đã thử nói chuyện với một bào thai. Bác sĩ nói:

- Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.

Nghe vậy, bào thai phản ứng:

- Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác nữa. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.

Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai tự thắc mắc:

- À, nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này mãi ư? Tay sẽ làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống, chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Vâng, chúng ta đang sống trong trần gian và niềm tin Chúa muốn dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: Chắc chắn có một cuộc đời khác nữa sau cuộc sống trên trần thế này.

Chúa đã từng nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2).

Như vậy, cuộc đời trên trần gian này không khác gì bào thai cũng đang sửa soạn cho một cuộc đời thực sự sẽ đến. Cuộc sống hôm nay của chúng ta cũng là chuẩn bị cho cuộc sống sau này trên Nước Trời. Cũng như mắt, chân và tay của bào thai chuẩn bị cho cuộc đời sắp đến, thì sự có mặt của mỗi người trên trần thế cũng đang chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

Thánh Phaolô: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,2)

Lạy Chúa, xin cho con được luôn hướng lòng lên Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 678)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,102)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,562)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,086)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,407)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,041)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,027)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới