Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 29/03/2023 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,703
  • Ngày đăng: 28/03/2023 10:00:00

Ðức Tin Chân Chính.

29/03 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

"Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do".

 

Lời Chúa: Ga 8, 31-42

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: "Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi". Họ thưa lại Người: "Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói "Các ngươi sẽ được tự do"?".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi". Họ đáp lại: "Cha chúng tôi chính là Abraham!" Chúa Giêsu nói: "Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!" Họ lại nói: "Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!"

Chúa Giêsu nói: "Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Sự thật sẽ giải phóng các ông

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ)

Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng.

Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do.

Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,

mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng.

Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới.

Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình,

và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.

Tự do mãi mãi là khát vọng của con người.

Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.

Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu.

Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham,

nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33).

Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác.

Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34).

Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham.

Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu.

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi…các ông sẽ biết sự thật

và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32).

Tự do đến từ chính con người của Ngài:

“Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).

Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40).

Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40).

Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân.

Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự.

Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi

mà tự sức mình không sao thoát ra được.

Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.

“Giả như các ông là con cái ông Abraham,

hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39).

Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi,

vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).

Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu

thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa.

Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.

Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng

từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa,

từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng,

để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2 : Nô lệ và tự do

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Do thái cho rằng mình tự do. Thực sự họ sống trong nô lệ. Vì họ không sống trong sự thật. Họ bị lầm lạc.

Họ lầm tưởng mình tự do. Nhưng họ đã phạm tội. Phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Sống dưới ách ma quỉ. Bị dục vọng trói buộc. Chỉ có Chúa Giê-su tự do. Vì Chúa là Đấng Thánh. Chỉ khi nào người Do thái được Chúa giải phóng khỏi tội lỗi họ mới có tự do. “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội…Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do”.

Họ lầm tưởng mình là con cháu Áp-ra-ham. Nhưng thực sự không phải. vì Áp-ra-ham luôn lắng nghe và tuân hành ý Chúa. Còn họ thì không: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm”.

Họ lầm tưởng họ là con Thiên Chúa. Nhưng không phải. Vì họ không yêu mến Chúa Giê-su là Đấng Cha sai đến: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến”.

Sống trong lầm lạc. Họ nô lệ cho sự lầm lạc. Họ ở ngoài Thiên Chúa. Cần phải có sự thật giải phóng họ mới được tự do. Chúa Giê-su chính là sự thật. Vì Người luôn ở trong Thiên Chúa.

Giống như Đa-ni-en và các bạn. Họ tự do. Vì họ luôn ở trong Thiên Chúa. Nên dù bị trói họ vẫn thảnh thơi. Có bị ném vào lò lửa, họ vẫn tự do. Đi lại ca hát chúc tụng Thiên Chúa. “Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì”. Họ tự do vì không chịu sống trong lầm lạc. Không chịu khuất phục trước cường quyền, Không sợ cả cái chết. Chính Na-bu-cô-đô-no-so là người bị nô lệ cho dục vọng và sự lầm lạc của mình.

Mùa Chay là mùa giải thoát. Ăn chay là để vượt thoát khỏi sự lầm lạc. Khỏi dục vọng. Khỏi ý riêng. Để ta được ở trong Thiên Chúa. Ở trong sự thật. Ta được tự do. Tâm hồn tự do khi ta trói buộc được xác thịt. Khi thả lỏng dục vọng ta sẽ bị mất tự do.

Lạy Chúa xin dùng sự thật giải phóng chúng con.

 

Suy Niệm 3: Ðức Tin Chân Chính

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong bài Tin Mừng vừa đọc lại trên đây, số thính giả nghe Chúa Giêsu nói được thu gọn lại trong vòng những kẻ đã tin Người, và Chúa Giêsu đã khởi đi từ lòng tin này để mời gọi họ tiến xa hơn nữa bằng cách ở lại trong Lời của Người, nghĩa là bằng cách sống những gì Người truyền dạy để trở thành môn đệ của Người, và một khi trở thành môn đệ của Người, họ sẽ bước đi trong sự thật và được sự thật giải phóng khỏi vòng mê muội của tội lỗi. Tuy đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng những thính giả này vẫn chưa thay đổi được lối suy nghĩ chỉ dựa trên đời sống trần tục của họ. Khi nghe Chúa Giêsu nói đến việc giải phóng, họ nghĩ ngay tới tình trạng của những người nô lệ phải làm tôi mọi cho chủ, mà họ thì đang làm chủ chính mình, họ có làm tôi mọi cho ai đâu mà cần được giải phóng. Xét về mặt trần thế thì họ suy nghĩ rất đúng, nhưng Chúa Giêsu đâu muốn đề cập đến tình trạng nô lệ hay tự do về mặt xã hội. Người muốn nói với họ về sự tự do đích thực của những người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi.

Sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người là xóa bỏ quyền thống trị của sự dữ trên mặt đất này và mang lại cho loài người cuộc sống tự do, xứng với danh hiệu con cái Thiên Chúa. Họ xưng mình là con cái ông Abraham, là dòng dõi của một dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ ngoại bang. Thế nhưng, cuộc sống của họ đang bị ràng buộc bởi vô số xiềng xích của ma quỉ, họ tự do bên ngoài, còn bên trong thì vẫn nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi. Sự thừa kế dòng dõi ông Abraham không đương nhiên biến họ thành những con người lương thiện công chính. Muốn trở nên công chính, họ cần phải làm một cuộc đổi đời, phải tẩy trừ cái ác ra khỏi lòng mình và cương quyết tiến lên trên đường trọn lành, có như thế, họ mới thực sự trở nên con cái ông Abraham và là những con người tự do đích thực.

Phần chúng ta đây, chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng không làm nên thực chất, cái áo không làm nên thầy tu, chỉ có danh nghĩa bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Ðức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói "xem quả biết cây", chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.

Lạy Chúa, nhiều lúc con cảm thấy yên tâm vì mình là người có đạo. Con có đạo như có một cuốn sách hay có một cái máy truyền hình, khi nào con cần hoặc khi nào con thích thì con mở ra xem, khi nào không cần thì con để yên ở đó, nhưng Chúa đâu muốn những người chỉ có đạo mà không sống đạo.

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm lựa chọn đứng vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, một sự lựa chọn dứt khoát dẫn tới việc dấn thân quyết liệt cho điều mình lựa chọn. Xin cho con đừng chỉ hài lòng với danh xưng là người có đạo mà thôi, nhưng phải là một người sống đạo thực sự.

 

Suy Niệm 4: Chân Lý Sẽ Giải Thoát.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Khi thi hành nhiệm vụ khâm sứ Tòa thánh tại Bulgari, Đức cha Roncali nhận được một bức thư của một linh mục chỉ trích ngài về mọi mặt. Đọc thư xong, Đức cha Roncali không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị linh mục kia. Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức Hồng Y, rồi đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan XXIII. Nhân dịp về Rôma yết kiến vị Tân Giáo Hoàng, vị linh mục cũng ghi tên đi theo phái đoàn và được đặc ân tiếp kiến riêng Giáo Hoàng. Vị linh mục đó thuật lại như sau:

Trong lúc đứng ở phòng khách đợi phiên vào triều yết Đức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ đến bức thư năm xưa và thầm nghĩ mấy chục năm qua rồi, chắc giờ đây Ngài không còn nhớ nữa đây. Đang suy nghĩ miên man thì cánh cửa mở ra, cha thư ký dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Đức Thánh Cha niềm nở bắt tay và mời tôi ngồi. Ngài ân cần thăm hỏi công việc mục vụ của tôi, của Giáo phận, và nhắc đến các bạn ở Bulgari. Câu chuyện vẫn diễn ra trong bầu khí thân tình. Bỗng Đức Thánh Cha đưa tay lấy cuốn Kinh Thánh và từ từ mở ra và trong đó có bức thư của tôi, ngài dịu dàng nói: “Con đừng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Kinh Thánh và hàng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế, cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái mới tin vào Ngài. Lòng tin của họ chưa được trọn vẹn và Ngài đề nghị những biện pháp để củng cố niềm tin đó, như sống theo lời Chúa, chấp nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, phát triển mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, các người Do Thái không đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa, họ tự phụ cho mình là con cái của Abraham và do đó không cần ai dạy thêm điều gì nữa, cũng chính vì thế họ không thể tiến xa hơn trên con đường đức tin.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Lòng mến Chúa phải tuyệt đối. Chúa dạy không ai có thể làm tôi hai chủ. Con làm tôi mấy chủ? Mỗi ngày dành riêng ít phút thinh lặng để sống đời nội tâm. Con chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn của các hành động của con, thì sẽ thế nào? Con chỉ có một của ăn là Thánh ý Thiên Chúa, nghĩa là con sống và lớn lên bằng ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh sống vui, ngoài ý Chúa con sẽ chết. Con chỉ có giây phút đẹp nhất, đó là giây phút hiện tại. Đời con sẽ tuyệt đẹp nếu từng giây phút con tin vào Lời Chúa và thực hiện thánh ý Ngài”.

Ý Chúa muốn cho mỗi ngừoi chúng ta trong hiện tại là trở thành những người con thảo, hãy để lời Chúa thấm nhập và hướng dẫn cuộc sống chúng ta.

 

Suy Niệm 5: Thiên Chúa hay các thần tượng

Vậy Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người:

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi;

các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”

Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời:

“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. (Ga. 8, 31-34)

Nếu quả thật lập trường của chúng ta là phục vụ chỉ một Thiên Chúa và chỉ yêu mến Ngài thôi, thì lúc đó trái tim chúng ta có còn bị chia sẻ và gắn bó với nhiều thần tượng trần thế này không? Phải thú nhận rằng, tất cả chúng ta nhiều hoặc ít vẫn còn thờ thần tượng khác, như kinh tế, tiền tài, quyền lực, danh vọng, tiện nghi, thú vui, chỉ kể ba thứ trong đó nhiều thứ khác nữa. Chắc chắn chúng chống lại Thiên Chúa và chống lại cả chúng ta, buộc chúng ta phải thú nhận rằng trong những sự kiện đó đã làm chúng ta xa phụng sự một mình Thiên Chúa rồi. Chúng ta đã là đầy tớ của nhiều thứ, song chúng ta vẫn bào chữa như người Do thái rằng: “Chúng tôi là dòng giống Áp-ra-ham không bao giờ chúng tôi là nô lệ của ai”.

Như Si-rác, Mi-sác và Áp-đê-na-gô, chúng ta có bổn phận phải từ chối phục vụ bất cứ thần tượng nào, nếu đó không phải là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Và này, Người là ai mà có thể dẫn dắt chúng ta ngày nay được như thế. “Vậy nếu Người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự tự do”. Chỉ mình Đức Giêsu Kitô mới chống lại các thần tượng các thời đại và có thể làm cho tâm thức trở lại và khám phá thấy sự khác biệt giữa hai lối sống: tự do hay nô lệ. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta phải biết dùng của cải Thiên Chúa đã dựng nên, chứ đừng làm nô lệ cho của cải. Nếu không, chúng ta không được giải phóng.

Chúng ta biết rằng: Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đó là chân lý làm cho chúng ta được tự do mà mỗi người phải tự trả lời trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi thực hiện được điều kiện này, trái tim chúng ta mới có thể gắn bó thực sự với việc phục vụ Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

G.F

 

Suy Niệm 6: Phạm tội là làm nô lệ cho tội

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối chất giữa Đức Giêsu và người Dothái.

Trước tiên, Đức Giêsu khẳng định cho họ biết rằng: nếu họ ở trong Lời của Ngài, tức là sự thật thì họ thuộc về Ngài và trở thành môn đệ, bằng không sẽ trở thành nô lệ cho tội và bị truất phế bất cứ lúc nào!

Khi xác định như thế, Đức Giêsu cảnh báo sự kiêu ngạo tự phụ của người Dothái. Bởi vì họ luôn nghĩ rằng mình thuộc hạng người ưu tuyển, dân riêng, nên có đặc quyền đặc lợi trước mặt Thiên Chúa và không ai có quyền đụng tới họ.

Tiếp theo, Ngài đã vạch trần sự giả tạo nơi người Dothái khi họ dựa vào tổ phụ Apraham và an tâm vì được đảm bảo bởi uy tín của tổ phụ, nhưng lại hành động ngược lại với những gì Apraham đã làm khi xưa. Vì nếu Apraham xưa kia có lòng mộ mến và sẵn sàng nghe lời các tiên tri, thì dân này lại đang tìm cách loại trừ vị tiên tri vĩ đại là chính Đức Giêsu.

Cuối cùng, nếu đọc tiếp đoạn Tin Mừng này, từ câu 44 tiếp theo..., chúng ta thấy rõ Đức Giêsu tuyên bố thẳng thừng là họ không thuộc về Thiên Chúa mà thuộc về ma quỷ.

Ngày nay vẫn còn nhiều người tin một đàng, làm một nẻo. Có nhiều người tự xưng là đạo gốc, nhưng những hành vi của họ nơi chợ búa, ngoài đồng ruộng hay nơi đường phố thì ngược lại với những gì họ tự hào và tuyên xưng trong nhà thờ.

Lý do, họ không để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn, mà chỉ ở trên đầu môi chóp lưỡi mà thôi.

Xin Chúa ban cho chúng ta hiểu và yêu mến cũng như siêng năng tuân giữ Lời Chúa để được thuộc trọn về Ngài. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu đến để mạc khải sự thật

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa đến để mạc khải sự thật. Ai tin và sống theo lời sự thật ấy, sẽ được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi và được tự do trong cuộc sống làm con cái Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi con đứng trước một món nợ, trước một cám dỗ, con thường bị ma lực của đồng tiền, của danh vọng và lạc thú lôi cuốn. Con không còn đủ sáng suốt và tự do để chọn lựa. Khi thỏa mãn những đam mê của con, con tưởng mình như được tự do. Nhưng lạy Chúa, chính những đam mê ấy đã ràng buộc con. Bao nhiêu lần con được ơn Chúa soi sáng để thoát khỏi ách nô lệ ấy, vậy mà con vẫn chưa thoát được. Cảnh nô lệ tội lỗi ngày càng đẩy con xuống vực sâu. Càng tự do thỏa mãn đam mê, con lại càng ích kỷ và nô lệ. Lạy Chúa, xin cứu con.

Chỉ có Chúa mới thấy rõ giá trị của từng sự vật và hoàn toàn tự do để chọn lựa từng sự vật theo giá trị đích thực của nó. Chúa đã chọn lựa ý Cha hơn là ý riêng của mình. Chúa chọn đau khổ, nhục nhã trên thập giá hơn là vinh quang trần gian… Chúa hoàn toàn tự do để chọn lựa điều tốt nhất. Và nhất là, Chúa đã chịu chết như một nô lệ để giải phóng con và trả lại tự do cho con.

Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian để mạc khải sự thật cho con biết chỉ có Thiên Chúa là Cha nhân hậu và mọi người là anh em với nhau. Đó là điều cao cả nhất, còn tất cả các sự vật khác chỉ có giá trị khi nó giúp con sống tốt trong tương quan với Chúa và với anh chị em con.

Vì vậy, xin Chúa giúp con đừng bao giờ lệ thuộc vào bất cứ vật nào ngoài lệ thuộc Tình yêu và Thánh Ý Chúa Cha. Con muốn nô lệ Chúa để được tự do thật sự. Xin giúp con chỉ hưởng dùng tạo vạt khi nào chúng giúp con tìm vinh quang Chúa và phần rỗi cho con và cho anh chị em con. Xin dạy con quý trọng tự do được trả giá bằng Máu Thánh Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

 

Suy Niệm 8: lại trong tình yêu của Thầy

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói: “Thưa Cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp. Cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu?”

Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo?”

“Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi còn ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén dĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp”, anh sinh viên đáp.

Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.

… Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói: “Cha có nhận ra con không?”

“Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”, vị linh mục đáp.

Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói: “Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô”.

Suy Niệm

Ðức Giêsu nói: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. “Ở lại trong Đức Kitô”, “ở lại trong Lời Ta (Thầy)” hay “ở lại trong tình yêu của Thầy”, sự gắn bó sâu thẳm với Thầy - một thực tại thiêng liêng khi đón nhận Đức Kitô hằng sống, đón nhận Lời chân thật của Thầy, nghiền ngẫm và sống Lời đó trong tận thâm cung lòng mình. Kết hiệp mật thiết với Thầy, người môn đệ sẽ được Thầy chỉ cho biết được sự thật về Thiên Chúa và về con người, và sự thật là nguồn mạch để giải phóng:

Giải phóng khỏi sợ hãi: Vì có Chúa cùng đồng hành, chúng ta không sợ gì.

Giải phóng khỏi bản ngã vì Chúa Giêsu sẽ tái tạo ta thành con người mới, hợp với ý Ngài.

Giải phóng khỏi bận tâm thế gian: Môn đệ Chúa không bận tâm điều người ta nói, vì họ chỉ nghĩ đến thánh ý của Thiên Chúa qua Lời.

Giải phóng khỏi tội lỗi: Thân phận con người mỏng giòn khó mà không phạm tội, nhưng ơn Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng tội lỗi.

Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự tự do mà Ðức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Ðức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa - con của tự do.

Thật thế, chính Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn tới sự tự do đích thực: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Ngài là ánh sáng đã chiến thắng bóng tối đem lại tự do cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá, tiêu diệt sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta.

Chúng ta giục lòng tin vào Chúa bằng cách lắng nghe và đón nhận Ngài, xin Ngài giải phóng chúng ta bước đi trong tự do của Ngài, từng ngày và mọi ngày trong cuộc đời.

Ý lực sống: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17).

 

Suy Niệm 9: Nô lệ và tự do

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đã nói: Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc  vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Đức Giêsu, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.

2. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phả làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do. Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Giải phóng cho chúng ta tự do... Sự  tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Đức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta  với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.

3. Khi nguyên tổ Adong-Evà phạm tội lỗi nghịch cùng Chúa, ma quỉ đã đem tội lỗi vào trần gian. Và khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỉ. Tự sức mình con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu độ. Đức Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đem con người trở nên con cái tự do. Đức Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).

4. Muốn được sống tự do, muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều, như nhà văn Shakespeare nói: “Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại”. Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan. Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời: “Con chẳng có tội gì”!

Hồi học ở Đại chủng viện, cha giáo Phụng vụ có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật:

Một thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh nói:

- Con chẳng có tội gì.

Ngài hỏi anh ta có chơi gái hay không? Anh ta trả lời cách tỉnh bơ:

- Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.

Ngài nói:

- Anh có biết là tội lỗi điều răn thứ sáu không?

Anh ta cãi lại:

- Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà!

5. Chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống  hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh này?

6. Truyện: Muốn có đời sống đẹp.

Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói: “Thưa cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp, cha có thể chỉ cho con  biết phải tìm ở đâu “?

Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo”?

Anh trả lời: “Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi con ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén đĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.

Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.

... Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói: “Cha có nhận ra con không”? Cha nói: “Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”.

Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói: “Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô”.

 

Suy Niệm 10: Giải thoát

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Lời Chúa hôm nay đặt vấn đề “giải thoát”:

1. Bài đọc 1: Ba thiếu niên Sidrach, Misach và Abdênagô bị ném vào lò lửa. Vua Nabucôđônôsor bảo họ thờ lạy các thần Babilon thì họ sẽ được giải thoát. Họ không nghe vua, nhưng lại kêu xin Thiên Chúa và Ngài đã giải thoát họ.

2. Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết điều gì trói buộc họ khiến họ làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát khiến họ được tự do. Điều trói buộc họ thành nô lệ là tội, nhất là tội tự mãn mình là con cháu Abraham nhưng không làm theo gương Abraham là mở rộng cõi lòng để tin vào Thiên Chúa và Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Điều giải thoát cho họ được tự do là nghe lời Chúa Giêsu để biết Sự Thật, “Sự thật sẽ giải thoát con người”.

B. Suy Niệm (...nẩy mầm)

1. Bạn đang kẹt trong một tình thế rắc rối và muốn thoát ra. Có nhiều cách: dùng sức để đấu tranh, dùng mưu để đánh lừa, dùng tiền để mua chuộc…Có lẽ bạn sẽ thoát, nhưng chỉ tạm thời. Lòng bạn sẽ phập phồng lo lắng không biết lúc nào sẽ bị lôi trở lại tình thế rắc rối đó. Chỉ có một cách giải thoát bạn một cách thực sự, đó là sự thật: hãy bình tĩnh nhận định tình thế để thấy rõ sự thật của mình và của người và hai bên cùng nhau giải quyết thẳng thắn.

2a. Muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về những lỗi lầm và khuyết điểm đó.

2b. Khi Đức Cha Roncalli làm khâm sứ toà thánh tại Bungari, Ngài nhận được một bức thư của một vị Linh mục chỉ trích về Ngài nhiều mặt. Đọc xong bức thư, Ngài không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị Linh mục kia. Thời gian trôi qua Ngài được thăng chức Hồng Y, rồi đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan XXIII. Có lần vị Linh mục kia được Đức Giáo hoàng tiếp kiến. Vị Linh mục rất lo lắng, sợ Ngài trách về chuyện cũ. Nhưng Đức Gioan XXIII không trách mà còn nói: “Cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Thánh kinh và hằng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con” (Mỗi ngày một tin vui).

3a. Không gì trói buộc con người chúng ta chặt bằng tội lỗi. Không gì giải thoát chúng ta, ban cho chúng ta tự do trọn vẹn bằng sự thật chứa đựng trong Lời Chúa.

3b. Thấy một thổ dân Phi Châu đang đọc sách, một người buôn Châu Âu hỏi xem anh đang đọc gì. Anh ta trả lời: “Đọc Thánh kinh”. Nhà buôn buồn cười nói: “Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi!”. Người Phi Châu đáp: “Nếu ở đây mà Thánh kinh lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi!”.

 

Suy Niệm 11: Xin cho con biết Chúa và biết con

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Lời Chúa hôm nay nói về vấn đề "giải thoát":

Ba thiếu niên Sidrach, Misach và Abdênagô bị ném vào lò lửa, nhưng kêu xin Thiên Chúa và Người  đã giải thoát các em.

Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phải làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do.

Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do là nghe Lời Chúa để biết Sự Thật, "Sự thật sẽ giải thoát anh em" (Ga 8,32).

Tạp chí kinh tế Viễn Đông mới đây có ghi lại chuyện tự nộp mình rất đáng khâm phục của một tên cướp như sau: Một đêm nọ, vì quá mỏi mệt với cuộc sống chui lủi, tên cướp khét tiếng đã ra đầu thú. Trước thái độ hồ nghi của viên công an trực, tên cướp đã chỉ vào vết sẹo để khẳng định rằng, chính mình đã từng bị lực lượng an ninh tầm nã trong mấy tháng qua. Mặc dầu làm thế nhưng viên công an vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhất định không cho anh vào khám, còn kẻ cướp thì dứt khoát không chịu bỏ đi. Phải đợi đến sáng hôm sau, các viên chức công lực mới nhận diện được người mà họ đã truy nã trong mấy tháng qua. Tên cướp cho biết, anh đã kiệt sức vì cuộc chạy trốn. Hằng đêm anh không thể ngủ yên. Dù chỉ là tiếng chó sủa, hay ngay cả tiếng gà gáy cũng làm anh phải giật mình. Bước vào phòng giam, tên cướp nhìn vào viên công an trực của đêm hôm trước với vẻ đắc thắng.

Muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều như nhà văn Shakespeare nói: "Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại." Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan.

Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời "Con chẳng có tội gì".

Hồi tôi học ở Đại Chủng Viện, cha giáo Phụng vụ của tôi có kể cho chúng tôi một câu chuyện có thật. Một người thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh ta nói:

- Con chẳng có tội gì.

 Ngài hỏi có đi chơi gái hay không. Anh ta trả lời cách tỉnh bơ:

- Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thuờng.

Ngài nói:

- Anh có biết đó là tội lỗi điều răn thứ sáu hay không?

Anh ta cãi lại:

- Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà! 

Hãy tập cho mình có thói quen biết nhìn nhận những yếu đuối bất toàn của mình và biết sống khiêm nhường. Chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể có được cuộc sống thanh thản và bình an, không bị thế gian, ma quỉ và xác thịt quậy phá.

Đời Chiến Quốc, có vua nước Sở là Chiêu Vương gặp loạn phải trốn ra nước ngoài. Lúc ấy có người hàng thịt dê tên Duyệt chạy theo.

Khi Chiêu Vương trở về lấy lại được lãnh thổ, nhà vua tưởng thưởng cho những người đi theo, trong đó có cả anh hàng thịt dê nữa.

Trong lúc ai cũng vui mừng nhận lãnh, thì anh chàng bán thịt dê lại từ chối. Anh khiêm nhường tâu với vua rằng:

- Khi đức vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay đức vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là đủ rồi, đâu dám mong thưởng gì hơn nữa.

Chiêu Vương cố ép, người bán hàng thịt dê lại cố từ.

- Đức vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Đức vua lấy lại được nước, không phải là do công của tôi, nên tôi không dám nhận phần thưởng.

Chiêu Vương bảo:

- Vậy thì để ta sẽ đến chơi nhà ngươi.

Người hàng thịt dê nói:

- Theo phép nước, người nào có công to thì mới được trọng thưởng, vua mới đến nhà. Nay tôi tự xét mình không đủ trí mưu giữ được nước, không đủ dũng cảm để làm cho giặc phải lui. Quân giặc vào nước, tôi phải lánh nạn chạy theo vua, như vậy đâu phải chủ ý theo vua. Nay vua bỏ phép nước đến nhà tôi, tôi e thiên hạ chê cười chăng?

Chiêu Vương nghe nói, ngoảnh lại bảo quan đại phu Tư Mã Tử Kỳ:

- Anh này tuy làm nghề ti tiện mà giải bày nghĩa lý rất cao. Nhà ngươi làm thế nào mời được anh ta ra nhận chức Tam Công cho ta.

Thấy vậy người bán hàng thịt dê nói:

- Tôi biết chức Tam Công là quý, quý hơn cửa hàng thịt dê, bổng lộc lại nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê, nhưng tôi đâu dám nhận để nhà vua mang tiếng gia ơn không phải nghĩa. Vậy xin cứ cho tôi được giữ nghề cũ.

Nói xong, người bán hàng thịt dê lui ngay.

Lạy Chúa, xin cho con được biết con và biết Chúa, biết con chẳng là gì và biết Chúa là tất cả để con biết luôn sống khiêm nhường và tin tưởng nơi Chúa. Xin cho con biết tự hạ, để chỉ nghĩ đến Chúa mà thôi. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 21/04/2024 – CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ – Mục tử tốt lành. (20/04/2024 10:00:00 - Xem: 1,568)

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 2,603)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,759)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,784)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,110)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Ba 16/04/2024 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh. – Bánh trường sinh. (15/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,954)

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Hai 15/04/2024 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Đấng Thiên Sai. (14/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,802)

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 14/04/2024 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B. – Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh. (13/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,565)

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 13/04/2024 – Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh. – Bến bờ bình an. (12/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,261)

Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Sáu 12/04/2024 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá. (11/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,911)

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7