Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,182
  • Ngày đăng: 09/11/2021 15:34:28

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

 

Vào Chúa nhật trước Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các thánh Tử Đạo. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về ngày lễ này: làm chứng cho Chúa. Cử hành lễ hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các ngài, sống tinh thần tử đạo mỗi ngày bằng cách chọn Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống, để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.

 

BÀI ĐỌC 1: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29

Bảy mẹ con chịu tử đạo

Trình thuật này được viết một cách khéo léo, với mỗi nhân vật cung cấp một yếu tố khác nhau cho lập luận thần học ủng hộ sự tử đạo. Con số bảy, theo truyền thống Do Thái, tượng trưng cho sự hoàn hảo; theo đó, người đọc có thể coi đây là một gia đình “hoàn hảo”. Câu chuyện, mặc dù có những chi tiết ghê rợn, nhưng mang ý nghĩa xây dựng. Nó nhấn mạnh đến xác tín rằng, tuân thủ luật Chúa quan trọng hơn chính mạng sống. Sự hiện diện của nhà vua đưa thêm sự quan trọng vào câu chuyện. Mỗi người trong số bảy người con trai trình bày một phần của lập luận thần học: (1) thà chết hơn là vi phạm luật Chúa; (2) vua có thể lấy mạng sống họ, nhưng Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại; (3) nhà vua có thể chặt họ ra từng mảnh, nhưng Thiên Chúa sẽ phục hồi tay chân của họ; (4) họ sẽ được phục hồi sự sống, còn nhà vua sẽ bị lấy mất sự sống; (5) Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi dân Ngài, nhưng Ngài sẽ làm cho vua và quốc gia của ông phải gặp tai ương hoạn nạn; (6) họ phải chịu đau khổ vì họ đã phạm tội như một dân tộc. Người mẹ khuyên nhủ các con của mình giữ lòng trung thành với Chúa bằng cách nhắc lại cho chúng quyền năng của Ngài tác tạo và phục hồi sự sống (c. 23). Khi nhà vua dụ dỗ người con út bỏ tục lệ của tổ tiên, bà mẹ quay lại chủ đề về sự sáng tạo và tái tạo của Thiên Chúa để khuyên răn con. Bà lập luận rằng nếu Thiên Chúa đã tạo dựng toàn thể vũ trụ và nhân loại từ hư không thì Ngài cũng có thể phục hồi sự sống cho con người. Người con trai cuối cùng sau đó tổng hợp tất cả các lập luận trước đó, đồng thời bổ sung một lý lẽ mới: cái chết của các vị tử đạo đóng vai trò trong việc chấm dứt những thử thách mà dân Chúa đang phải trải qua. Tử đạo tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người dân. Cuối cùng người mẹ cũng trở thành vị tử đạo.

 

ĐÁP CA: Tv 126

Vui ngày trở về

Tâm tình hân hoan mang tính cộng đồng này có lẽ được hát nhiều nhất ngay sau khi Israel trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon. Các câu 1-3 diễn tả niềm vui sướng mãnh liệt khi được ở trong thành thánh. Tuy nhiên, chỉ có mặt ở Sion là chưa đủ; dân chúng phải cầu xin sự can thiệp của Chúa để mang lại màu mỡ cho đất đai (c. 4) hầu có thể sinh tồn. Các câu 5-6 là một lời hứa tiên tri: làm việc vất vả khi gieo giống sẽ được Chúa chính là Đấng đã đưa họ trở về, ban dồi dào sự sống.

 

Đoạn cuối của Thánh vịnh này tóm lược mầu nhiệm về việc đau khổ sinh hoa trái dồi dào: những gì được gieo vãi trong gian nan đau khổ sẽ được thu gặt trong vui mừng và bình an. Như Chúa đã dạy trong dụ ngôn về hạt giống: nó phải chịu chôn vùi và chết đi để có thể sinh ra bông hạt dồi dào. Phấn đấu chống lại nghịch cảnh và chấp nhận đau khổ theo ý Chúa sẽ nhận được hạnh phúc ngay trong cuộc đời này và cuộc sống mai sau (x. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, buổi tiếp kiến chung ngày 17 tháng 8, năm 2005).

 

Câu: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!” (c. 3) gợi lên những ý tưởng trong lời kinh Magnificat, Đức Maria ca ngợi Chúa đã làm cho người bao điều cao trọng (x. Lc 1,49) (x. GLHTCG 2097, 2619).

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 8,31b-39

Ca tụng tình yêu của Thiên Chúa

Cho đến đoạn văn này chương 8 là đỉnh cao của thư. Đặc biệt, nó trả lời cho câu hỏi nêu lên trong 7,24: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Thưa, Đấng giải thoát chính là Thần Khí (từ ngữ này cho đến bây giờ mới chỉ xuất hiện năm lần, và sẽ xuất hiện hai mươi chín lần trong suốt chương này). Ngài là quyền năng hay sức mạnh của Chúa Giêsu phục sinh tỏ hiện ra trên trái đất này. Các tín hữu đón nhận quyền năng Thánh Thần bằng cách sống kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, một sự kết hợp đã bắt đầu trong Bí tích Thánh Tẩy. Thần Khí đem lại sức sống mà luật Môsê không thể tạo ra.

 

Các câu kết luận (31-39) như là một bài thánh ca ca tụng thực tại chiến thắng, thực tại sống trong Thần Khí. Sứ điệp chính là Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, và các câu diễn tả “Thiên Chúa-ủng hộ-chúng ta” được thực hiện như thế nào. Trong một loạt năm câu hỏi, Phaolô khám phá mức độ an toàn của chúng ta, mức độ vững tâm của chúng ta trước thử thách. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống trải đầy hoa hồng. Câu 35 liệt kê bảy mối nguy hiểm hoặc những gian nan có thể tách chúng ta khỏi tình yêu mà Chúa Kitô dành cho chúng ta. Danh sách này không phải là phóng đại. Nó tổng hợp các cuộc bách hại đa dạng, những đe dọa, và trấn áp mà những người theo Chúa Kitô thường phải đối mặt. Trích dẫn câu 36 từ Thánh vịnh 44,23 thường được các giáo sĩ Do Thái sử dụng để mô tả cuộc tử đạo của người công chính. Tuy nhiên, điểm mấu chốt muốn nói đến sự tích cực, sự vững tâm và an toàn. Không một sức mạnh hay quyền năng nào (cc. 38-39), thậm chí cũng không có quyền lực nào, được nhân cách hóa theo các vì sao (chiều cao...chiều sâu), có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

 

 TIN MỪNG: Lc 9,23-26

Điều kiện để theo Chúa Giêsu

C. 9,23: Không có gì đáng ngạc nhiên khi lời mời gọi của Giêsu bao gồm tất cả các môn đệ. Ai muốn theo (opisō) Đấng Messia chịu đau khổ thì khó có thể mong thoát khỏi đau khổ. Thay vì theo đuổi tham vọng ích kỷ của riêng mình, những người theo Chúa phải từ bỏ chính mình và thậm chí vác thập giá của mình (x. Lc 14,27). Những người nghe Chúa Giêsu giảng hẳn đã quen thuộc với hình ảnh này, vì mỗi ngày họ đều thấy lính La Mã đóng đinh các tử tội trên cây thập giá, theo đó người bị kết án thường vác thập giá đến nơi hành hình. Tuy nhiên, họ khó có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của nó cho đến khi chính Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Khi Chúa Giêsu bị dẫn đi đóng đinh, ông Simôn thành Kyrênê đã thực hiện mệnh lệnh này theo đúng nghĩa đen, vì “thập giá” được đặt trên vai ông để ông có thể “vác nó theo sau” (opisthen) Chúa Giêsu (23,26). Tuy nhiên, việc vác thập giá không phải chỉ dành cho những thời điểm đặc biệt như vậy hoặc cho những trường hợp tử đạo, mà là một công việc hàng ngày - một điểm nhấn chỉ có trong Luca - liên quan đến việc chết đi cho các ước muốn riêng của mình để được thuộc về Đức Kitô trọn vẹn hơn (x. Gl 2,19-20; 5,24).

 

C. 9,24: Ba cụm từ mang ý nghĩa giải thích khai triển giáo huấn này (Lc 9,24-26). Đầu tiên; những người muốn tránh né thập giá để cứu mạng sống của mình thì sẽ mất nó. Nhưng nghịch lý thay những ai đón nhận thập giá, vì vậy mà mất mạng sống vì Đấng Messia, thì sẽ cứu được mạng sống mình (17,33). Nghịch lý này gợi lại lời hứa ban thưởng lớn lao trên trời cho những ai bị ghét bỏ vì Con Người (6,22-23). Sau này, Chúa Giêsu đưa ra nhiều ví dụ hơn về việc mất mạng sống nghĩa là gì, cho thấy rằng những ai từ bỏ các mối quan hệ hoặc của cải vật chất “vì Nước Thiên Chúa” sẽ nhận lại sự đáp trả gấp bội (18,29-30 ).

 

C. 9,25: Thứ hai, cũng không đáng kể gì nếu những người tránh thoát thập giá có thành công đến mức được cả thế giới (x. 4,5-6). Vì “mạng sống con người không được bảo đảm nhờ của cải” (12,15), họ vẫn tự đánh mất chính mình.

 

C. 9,26: Thứ ba, một số người né tránh thập giá vì họ xấu hổ về Đấng Messia đau khổ và những lời của Người. Điều này là bởi vì “lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những người đang trên đà hư mất” (x. 1 Cr 1,18). Tuy nhiên, các môn đệ chân chính, chẳng hạn như Phaolô, “không hổ thẹn về Tin Mừng” (Rm 1,16), họ nhận ra “quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 1,18) trong sứ điệp thập giá của Chúa Giêsu và do đó họ thậm chí còn làm cho thập giá trở thành “niềm kiêu hãnh” của họ (Gl 6,14). Ở đây, Chúa Giêsu cảnh báo những ai xấu hổ về Người rằng, Con Người cũng sẽ xấu hổ về họ khi Người ngự đến trong vinh quang (Lc 12,9). Theo Tin Mừng Luca, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu đề cập đến sự tái lâm của Người (12,40; 17,24; 18,8; 21,27). Đó cũng là sự ám chỉ rõ ràng nhất cho đến nay về nhân vật được đề cập trong Đaniel: “Có ai như một Con Người… / Và Người được ban cho quyền thống trị / vinh quang và vương vị” (Đn 7,13-14). Sự xuất hiện vinh hiển của Chúa Con cùng với sự vinh hiển của Chúa Cha và của các thiên thần đã được báo trước khi Chúa Giêsu sinh ra (Lc 2,9-14).

 

Do đó, cả ba cụm từ đều giải thích việc quyết định đi theo Chúa Giêsu bằng cách vác thập giá của mình là điều không kém phần quan trọng. Ơn cứu chuộc của một người tùy thuộc vào đó!

 

TIN MỪNG: Ga 17,11b-19

Xin thánh hiến các môn đệ

Sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với các môn đệ được trình bày rõ ràng trong lời cầu nguyện này, trong đó bao gồm một số chủ đề thần học căn bản. Trước hết đó là sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, mà Chúa Giêsu muốn chia sẻ với những ai đi theo Người; mối quan hệ giữa sự thánh thiện và sự thật; và sự đối kháng của “thế gian”. Được thực hiện ngay trước khi Chúa qua đời, lời cầu nguyện này mang ý nghĩa sâu sắc.

 

Trong các sách Phúc Âm, Chúa Giêsu thường đề cập đến Thiên Chúa là Cha, một cách gọi chỉ nguồn gốc. Vì xã hội thời của Người có cấu trúc phụ hệ (lấy cha làm đầu) và theo quan điểm nam giới (lấy đàn ông làm trung tâm), hình ảnh người cha được áp dụng cho Thiên Chúa sẽ phổ biến hơn hình ảnh người mẹ. Mặc dù ý nghĩa ẩn dụ về người cha áp dụng cho Thiên Chúa được tìm thấy trong các tiên tri (Is 64,16; Gr 3, 4), nhưng truyền thống này dường như không được phổ biến ở Israel thời sơ khai. Khi xuất hiện, nó thể hiện một mối quan hệ cảm thương giữa Thiên Chúa và toàn thể dân tộc, chứ không đơn thuần một cá nhân. Và cũng cần ghi nhận thêm rằng mối tương giao này không gợi ý rằng dân tộc này được chia sẻ bản tính thần linh với Thiên Chúa. Ngài là cha của họ bởi vì Ngài đã tác tạo họ và bảo vệ họ.

 

Đặc biệt trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu dường như đã sử dụng từ ngữ này một cách thân mật hơn. Mặc dù Người mời gọi các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha” (x. Lc 11, 2), Người không đánh đồng mối tương giao của họ với Thiên Chúa với mối tương giao của Người. Chúa Giêsu luôn nói về “Cha của tôi” (Ga 14, 2; 15,1) hoặc đơn giản hơn, “Cha” (Ga 10,15; 16, 3), nhưng không bao giờ Người nói “Cha của chúng ta”. Mối quan hệ của Người là duy nhất; Người thuộc về Thiên Chúa (Ga 1,1), được Thiên Chúa sai đến (Ga 17,18), và sắp trở về với Thiên Chúa (cc. 11,13). Mặt khác, các môn đệ không phải tự bản tính mà nhờ kết hợp với Chúa Giêsu mà họ được tham dự vào mối quan hệ độc nhất vô nhị này với Thiên Chúa. Thông qua sự kết hợp này, họ được gìn giữ và bảo vệ nhờ danh Thiên Chúa (một chiều kích thuộc bản thể Thiên Chúa).

 

Sự kết hợp này được đặc trưng bởi từ “thánh” (hagios). Chúa Cha là thánh (c. 11); Chúa Giêsu cầu nguyện rằng những kẻ thuộc về Người được thánh hiến (cùng gốc từ tiếng Hy Lạp, c. 17); Người thánh hiến chính mình để họ được thánh hiến trong sự thật (c. 19). Chính lời Thiên Chúa là sự thật, và chính nhờ đón nhận lời của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu mà các môn đệ được tham dự vào sự thánh thiện này.

 

Sau khi phác họa các đường nét của sự kết hợp với Thiên Chúa, Chúa Giêsu nhìn nhận sự phản kháng từ thế gian mà lời Thiên Chúa gặp phải. Chính bởi lời này mà Chúa Giêsu bị thế gian ghét bỏ; và bây giờ, vì cùng một lời đó mà những kẻ theo Người sẽ chịu chung số phận. Khi ở bên họ, Người đã bảo vệ họ — trừ một kẻ là Giuđa. Sự quy chiếu ở đây không phải là mối đe dọa của thế giới tự nhiên mà là chiều kích xã hội của con người đối kháng với Thiên Chúa.

 

Một mối liên hệ rất thú vị được mô tả trong đoạn văn này. Thế giới này đối nghịch với lời Thiên Chúa, với Chúa Giêsu và với các môn đệ. Đây là một thế giới mà cả Chúa Giêsu và họ đều không thuộc về, nhưng Người và họ đều được gửi vào đó. Chúa Giêsu không cầu nguyện để họ được cất khỏi thế gian nhưng được bảo vệ khỏi những điều xấu xa của nó. Chúng ta không được quên rằng đây là thế giới mà Thiên Chúa yêu thương, bất kể tội lỗi của nó (Ga 3,16). Các môn đệ đã được mời gọi đi vào sự kết hợp của Chúa Giêsu và Cha của Người. Bây giờ Chúa Giêsu sắp trở về với Chúa Cha, họ được sai đến thế gian thay cho Người để tiếp tục sứ mệnh mà Người đã khởi đầu.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

        +  GLHTCG 618: Ý nghĩa của vác thập giá

+  GLHTCG 957: Hiệp thông với các thánh

+  GLHTCG 1173, 2474, 1195: Kính nhớ các thánh Tử Đạo

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 158)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 230)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 267)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 225)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 312)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 344)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 328)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 263)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 329)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 269)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7