Tác giả - Tác phẩm

Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (5 Bis)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,372
  • Ngày đăng: 30/08/2021 09:55:41

ABRAHAM,

                   CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]

 

Carlo Maria Martini

 

Dẫn nhập

Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.

 

Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.

 

Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.

 

    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

CHỈ DẪN THỨ BA

 

Quohélet – Niềm vui tin mừng – Chuỗi mân côi

Ai là Quohélet (Giảng viên)? Ông đại diện những gì? Ông đại diện cho một thứ khôn ngoan tỉnh mộng, hoài nghi, nhưng là một hoài nghi cao thượng, có thể lướt qua những biến cố cuộc đời với nụ cười, vì tin rằng hầu như không có gì tốt đẹp để hi vọng. Ví dụ: “Cái gì đã cong, uốn làm sao nổi, cái gì đã thiếu, đếm thế nào ra?”

 

Một câu khác nhắc nhớ đến hai lần đảo chánh liên tiếp xảy ra trong một quốc gia ở Châu Phi. Một quân nhân bị bắt giam vì đảo chánh, ra khỏi tù lại đảo chánh lần thứ hai và nắm quyền. Giảng viên nói gì? “Người trẻ nghèo mà khôn thì hơn ông vua già mà dại vì không còn biết đón nhận lời khuyên; mặc dầu chàng trai đó có ra khỏi nhà tù để cai trị, hoặc đã sinh ra bần cùng trong vương quốc.” (4, 13-14) Rồi Giảng viên lại diễn tả tình trạng sau đó: “Tôi đã thấy hết thảy những ai bước đi dưới ánh mặt trời đều theo nhân vật thứ hai là chàng trai ấy, người sẽ đứng lên thay thế vua kia. Đoàn dân gồm tất cả những người được chàng trai cai trị, con số họ đông không kể xiết. Tuy vậy, các thế hệ tiếp theo sẽ chẳng thấy phấn khởi gì vì người đó. Điều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.” (4, 15-16) Đó là cách xét đoán những sự việc loài người; hình như người ta không biết điều gì sẽ đến, nhưng lại biết nó kết thúc thế nào.

 

Gay gắt nhưng trong viễn cảnh hi vọng

Giảng viên còn có những câu gay gắt và nghiêm khắc hơn: “Mọi người đều như nhau, cùng chung một số phận: người công chính cũng như đứa gian tà, người tốt cũng như kẻ xấu, người thanh sạch cũng như kẻ ô uế, người dâng của lễ cũng như kẻ không dâng, người tốt lành cũng như kẻ tội lỗi, người thề hứa cũng như kẻ sợ không dám thề hứa.” (9,2) Tất cả đều có giá trị hơn kém: “Được yêu thương hay bị ghét bỏ, con người đâu có biết! Mọi sự đều có thể xảy ra.” (9.1) Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp những câu như: “Mọi sự đều là phù vân, trừ yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Người.” (Gương Chúa Giêsu 1,1); những câu như vậy giúp lèo lái con thuyền đúng hướng và giúp khám phá ra sự khôn ngoan tôn giáo giải thoát độc giả khỏi cái nhìn bi quan về cuộc đời.

 

Hơn nữa, sau những diễn tả cay đắng, đau khổ về tuổi già ở chương 12, là những câu: “Ngoài ra, hỡi bạn là người con của tôi, bạn hãy coi chừng: làm nhiều sách vở có bao giờ đủ, học hỏi cho lắm chỉ thêm mệt xác.” (12, 12). Rồi tác giả kết luận cuốn sách: “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (12,13). Rõ ràng, sau cùng, phó thác trong tay Đấng Quan Phòng là cái nhìn chính yếu đi đến kết luận của ông.

 

Tuy nhiên, có sự quân bình nào đó ngay trong cuốn sách, dù giữa những gì là cay đắng: đó là những đoạn văn đẹp nhất, ngọt ngào nhất, hình ảnh nhất; chúng tạo một ấn tượng khó quên trong trí nhớ. Chúng ta có thể đọc đi đọc lại và thưởng thức cuốn sách chỉ về phương diện văn chương, âm nhạc nữa.

 

Nhìn từ bên ngoài, cuốn sách có một ý nghĩa rộng lớn hơn vì nó được sáng tác vào cuối thời kỳ Cựu ước, nó diễn tả mọi nỗ lực của con người đều nghèo nàn – dù là những nỗ lực mãnh liệt nhất – trước quyền năng thương xót của Thiên Chúa, Đấng thay đổi mọi sự. Nó như một chuẩn bị cho sứ điệp tin mừng về mặt tiêu cực. Con người không làm được điều gì lớn lao, và cũng không có hi vọng gì, nhưng Tin Mừng sẽ sáng tạo và khơi gợi một thế giới mới. Trong bối cảnh kinh thánh, Giảng viên tượng trưng cho sự mệt mỏi của nhà hiền triết sau khi đọc xong tất cả các bản văn, thốt lên: dĩ nhiên, chúng hữu ích, tuy vậy … cho đến ngày lời Thiên Chúa vang lên: Chúa Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.

 

Tự bản chất, Chúa Giêsu còn bi quan hơn

Dưới ánh sáng Tân ước, chúng ta có thể nói sách Giảng viên bi quan rất ít! Nó trình bày sự bi quan quá khéo léo, tinh tế, cao thượng. Đó là sự bi quan của một người không có gì lo sợ, có thể cười chính mình và người khác, bởi vì, tự thâm sâu, người đó chắc chắn có sự quân bình nào đó. Trong khi, sự bi quan của Chúa Giêsu còn cay đắng hơn: “Ôi thế hệ xấu xa và cứng tin! Ta còn phải ở với ngươi đến bao giờ, ta còn phải nâng đỡ ngươi đến bao giờ!”

 

Vì vậy, nếu chúng ta lấy những câu Chúa Giêsu nói như Gioan 6, 26: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” Chúng ta thấy Chúa Giêsu bi quan triệt để hơn, mạnh mẽ hơn, sâu xa hơn Giảng viên; Giảng viên còn thấy sự quân bình trong bi quan, còn Chúa Giêsu thì mất sự quân bình đó, bởi vì Ngài được kêu gọi để chịu đau khổ về tất cả những hệ quả của tội lỗi nhân loại nơi bản thân Ngài. Ngài sẽ trải nghiệm kiếp người, không chỉ như Giảng viên, với sự khờ dại, trẻ con, mù quáng, không thể nuôi dưỡng những dự định lớn lao, nhưng còn trải nghiệm sự ác tâm, ty tiện, tàn ác nữa. Sự bi quan của Chúa Giêsu bùng nổ qua tiếng kêu than trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi! Sao Chúa bỏ tôi!” (Mt 27, 46) vượt xa sự bi quan của Giảng viên vời vợi. Đó là sự kết án con người, kết án hoàn cảnh con người bị cắt rời khỏi Thiên Chúa, một sự bi quan tuyệt đối mà Giảng viên không bao giờ có thể dám diễn tả.

 

Tại sao Giảng viên không thể diễn tả sự bi quan tuyệt đối như Chúa Giêsu? Bởi vì ông còn một chút hi vọng. Hi vọng một chút thì sự bi quan cũng một chút. Sự bi quan tuyệt đối là sự mất quân bình, không còn một chút hi vọng nào. Chúng ta thích cười, đôi khi chế nhạo chính mình khi vẫn còn giữ được một sự quân bình nào đó. Nhưng khi không còn hài ước, không còn cười nhạo chính mình, lúc đó sự quân bình có nguy cơ bị mất, làm chúng ta sợ hãi, hoảng hốt, và lúc ấy chỉ trích, phê phán đưa đến bi quan sẽ lập tức xuất hiện hết sức mạnh mẽ.

 

Những giới hạn bi quan chấp nhận được

Giảng viên còn giữ được sự quân bình nào đó, còn Chúa Giêsu đau khổ đến đánh mất sự quân bình, chấp nhận bị nỗi cay đắng và bi quan cản trở theo mức độ mà Ngài mang trong mình một hi vọng vô biên, hi vọng của chính Thiên Chúa nơi bản thân Ngài. Vì thế, Ngài có thể xuống tận đáy vực thẳm, uống chén đắng bi quan của con người không chừa cặn, bởi vì nơi Ngài, có niềm hi vọng viên mãn của Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể suy nghĩ về chính mình, theo tính cách cá nhân hay theo nhóm. Về cá nhân, chúng ta có thể đi đến sự tự phê bình thực sự và chấp nhận lời phê bình của người khác, dù ác ý, hoặc hết sức gay gắt, miễn là chúng ta tìm được sự quân bình nhờ hi vọng, đức tin, quyền năng Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ tìm cách biện hộ bởi vì sự quân bình nội tâm của chúng ta có vấn đề. Người nào không thể chịu được một mức độ tự phê bình nào đó, nếu sự quân bình của người đó bị rối loạn, sẽ bắt đầu phê bình người khác. Những gì vừa nói về cá nhân, cũng đúng với nhóm. Một nhóm có thể đi đến tự phê bình, nuôi dưỡng sự bi quan kín đáo nào đó; nhưng dù sao, điều đó cũng không giúp đạt tới những câu hỏi và những vấn đề nền tảng.

 

Ví dụ, khi chúng ta chạm trán với một loại phê bình về mình hoặc về nhóm của mình, phê bình giống như Giảng viên, có tính bi quan, không tin rằng thế giới này có gì thay đổi; phê bình hơi hài hước, vừa đứng đắn vừa vui đùa, thì chúng ta còn giữ được thái độ quân bình nào đó. Nhưng khi không giữ được quân bình, như khi chính chúng ta là đối tượng của những phê bình ác liệt, lúc đó lập tức, chúng ta nói rằng: đủ rồi! và rất có thể chúng ta đưa ra những lý lẽ chống lại, nhưng thường là không như vậy, chúng ta sẽ buộc người phê bình phải im tiếng.

 

Tuy nhiên, từ từ, theo mức độ niềm hi vọng ngày một lớn lên nơi chúng ta, chúng ta có thể nghe và chịu được một sự phê bình nào đó, hay tự đặt câu hỏi về mình, không phải để chúng ta thay đổi hoàn toàn từ đầu đến chân, điều này là không thể, nhưng là vì niềm hi vọng càng lớn càng giúp chúng ta xét đoán bản thân với cái nhìn thực tế, theo tính bi quan của con người, của hoàn cảnh và đời sống. Niềm vui tin mừng không phải là vấn đề vui vẻ, thanh thản; mà là khả năng vượt qua những giai đoạn của cái chết với Đức Kitô, nhờ trải qua mọi mức độ khổ đau của con người, với niềm hi vọng là Đức Kitô, một người đã đi đến tận cùng những khổ đau nhân loại, cùng chịu với mình, trong bản thân Ngài, dù có những lúc người đó có cảm tưởng rằng Chúa không cùng chịu với mình nữa. Ở đây, chúng ta chạm tới mầu nhiệm Khổ nạn.

 

Tóm lại, hi vọng ít cho khả năng chịu đựng ít. Hi vọng lớn cho khả năng chịu đựng những phê bình nặng nề, biết thẩm định chúng một cách tự do, vui mừng, không lập tức tự biện hộ, không phản ứng, không đáp lại bằng những lý luận ngược lại vì những lý luận đó chứng tỏ rằng những phê bình – không phải đúng sự thật, có thể là phê bình sai – đã đụng chạm tới những an toàn cần thiết để sống sót, nhưng không có niềm hi vọng đủ đi theo để giữ quân bình. Đó là suy tư giúp chúng ta đào sâu những gì đang suy gẫm: những hiệu quả của kê-rít, niềm vui tin mừng.

 

Bây giờ chúng ta sang một đề tài khác, đơn giản hơn, khiêm tốn hơn, quen thuộc hơn, nhưng cũng mang một tầm quan trọng nào đó.

 

Chuỗi mân côi

Chuỗi mân côi giúp chúng ta chiêm niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu trong bầu khí chiêm niệm và yêu thương. Chúng ta đều biết (bên Tây Phương) cách cầu nguyện này ngày nay đã rơi vào quên lãng, tuy không phải là vấn đề trầm trọng vì có hàng ngàn cách khác thay thế. Tuy nhiên, sẽ rất thú vị để tìm hiểu tại sao chuỗi mân côi đã có tầm ảnh hưởng lớn lao trong bao nhiêu thế kỷ ở Tây phương.

 

Trước hết, phải nhìn nhận rằng lần chuỗi không dễ. Thật là sai lầm khi cho rằng đó là cách cầu nguyện dễ dàng, nhất là vào những lúc mệt mỏi, vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Không đúng vì khi lần chuỗi vào những lúc mệt mỏi, chúng ta sẽ bị phân tâm đủ mọi chuyện, nghĩ tới những gì đã làm và sẽ phải làm. Lần chuỗi vẫn đòi chúng ta phải cầm trí, phải hiện diện trong cầu nguyện.

 

Như “lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”

Lần chuỗi là cách cầu nguyện của những tâm hồn đơn giản, thích hợp với mọi người; theo nghĩa này, lần chuỗi là việc dễ. Có thể nói lần chuỗi là cách phương Tây làm theo phương Đông. Phương Đông có cách cầu nguyện gọi là “của Chúa Giêsu”. Đây là cách nội tâm hoá mầu nhiệm Đức Kitô nhờ lặp đi lặp lại một công thức đơn giản, công thức Đông phương là: “Lạy Dức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót tôi, là kẻ tội lỗi”. Lời cầu nguyện này có bốn phần, được lặp đi lặp lại không ngừng theo những tiết điệu khác nhau, cho đến khi từ trí khôn, nó thâm nhập sâu xa vào tâm hồn. Cách cầu nguyện này đã có ảnh hưởng lớn lao. Có cả một trào lưu văn chương về nó.

 

Cách cầu nguyện theo Tây phương phức tạp hơn. Kinh Kính mừng có tới 10 phần, chứ không phải 4; vì thế lời cầu nguyện dài hơn và cần óc tổng hợp hơn. Cấu trúc kinh Kính mừng cũng là hình thức lặp đi lặp lại với Chúa Giêsu là trung tâm, theo giai thoại của Tin mừng, rồi đến lời cầu khẩn cho chúng ta vào lúc hiện tại và vào giờ chết. Giây phút hiện tại có giá trị cánh chung vì chúng ta luôn ở vào giờ chết trước sự phán xét tuyệt đối của Thiên Chúa. Đúng là lời cầu nguyện phong phú, nhưng có lẽ quá phong phú; vì thế, nó không luôn tạo được ảnh hưởng, tạo được khả thể nội tâm hoá như lời cầu nguyện Đông phương đơn giản hơn rất nhiều.

 

Chuỗi mân côi trong “hình thức rút gọn”

Nếu lời cầu nguyện của Chúa Giêsu theo phương Đông chỉ gồm 3 hay 4 yếu tố ngắn gọn, nhịp nhàng, tại sao chúng ta không rút gọn kinh Kính mừng thành 3 hay 4 yếu tố, rồi lặp đi lặp lại trong bầu khí yên ắng, trầm lặng, tĩnh tâm và hướng đến suy gẫm nội tâm hoá mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhờ lặp đi lặp lại công thức ngắn gọn đó. Ví dụ chúng ta chọn một phần kinh Kính mừng, đọc 10 lần: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, cầu cho chúng con”. Rồi 10 lần khác: “Con lòng bà gồm phúc lạ”; lặp đi lặp lại một cách chậm rãi, thì mầu nhiệm sẽ tự triển nở và nội tâm hoá sẽ được thực hiện một cách tự nhiên. Về kinh Lạy Cha cũng vậy. Chúng ta có thể rút gọn thành một câu thôi: “Xin cho Nước Cha trị đến”; hoặc “xin tha nợ chúng con”; hoặc “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

Đó là sự nội tâm hoá có thể nuôi dưỡng suy tư nhờ tập trung vào một mầu nhiệm. Rất có thể khi từ những lời cầu nguyện ngắn gọn đó, chúng ta có nhu cầu mở rộng ra. Điều chính yếu là dưới sự tác động của Thánh Thần, chúng ta sử dụng những phương thế bên ngoài đã có hàng thế kỷ theo truyền thống, và đã giúp biết bao nhiêu người tiến vào đời sống cầu nguyện sâu xa và chiêm niệm. Đó là lời cầu nguyện có sức mạnh lạ lùng chữa lành lòng trí con người tự nội tâm, lập lại thế quân bình, như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà Đông phương đã làm. Đó là chỉ dẫn vắn tắt về cầu nguyện có thể giúp chúng ta tiến vào các mầu nhiệm của Chúa chúng ta, trong hiệp thông với Mẹ Maria.    

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

 

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 238)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 353)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 417)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 910)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 469)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 460)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 494)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 551)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 517)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 573)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7