Tác giả - Tác phẩm

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn

  • In trang này
  • Lượt xem: 442
  • Ngày đăng: 06/04/2024 10:09:20

KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA

VÀ ƯỚC MUỐN[1]

 

Giới thiệu

Trong bài suy tư này, Anselm Grun phân tích rất sâu sắc về ước muốn trong tương quan với kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Theo ông, chính ước muốn là chiếc neo Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta để chúng ta nhớ đến Ngài, biết Ngài vẫn luôn ở với chúng ta.

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và cũng nhờ đó, chúng ta thoát khỏi những lệ thuộc và tránh được những thất vọng khi không đặt hi vọng vào những gì là hữu hạn.

                              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

PHẦN I

Chúng ta không thể có kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong thế giới này, khi cảm thấy Ngài là nền tảng của tất cả mọi sự.

 

Khát vọng của con tim chúng ta là một trong những nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Trong cuộc đời này, mọi người đều mang trong bản thân một ước muốn không gì có thể thoả mãn được. Theo Paul M. Zulhener, rất nhiều người có ý tưởng sai lạc sau đây: “Một hạnh phúc tương đối quen thuộc có thể làm dịu đi ước muốn không gì thoả mãn được.” Ước muốn vô hạn của chúng ta không thể được thoả mãn bởi những đối tượng hữu hạn được. Chúng ta không thể làm dịu nó “bằng cách tích luỹ một số lượng lớn những kinh nghiệm giới hạn trong lãnh vực quyền lực hay trong các tương quan với người khác hoặc tiền bạc”. Zulhener nghĩ rằng ước muốn này không gì khác hơn là cách thế kín đáo Thiên Chúa dùng để “nhắc nhở chúng ta khi chúng ta quên Ngài.”

 

Dù không có kinh nghiệm về Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể ý thức về ước muốn của chúng ta, và ước muốn này giúp chúng ta kiên trì tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ đó, ít ra, trong khát vọng của con tim, chúng ta có thể cảm thấy một Thiên Chúa mà chúng ta không thể hiểu thấu. Có thể nói ước muốn là sự phản chiếu thần linh nơi chúng ta. Khi chiêm niệm nó, chúng ta luôn cảm thấy rõ hơn Thiên Chúa là Đấng nào và chỉ có Ngài mới lấp đầy được ước muốn của chúng ta.

 

Khi đồng hành trong đời sống thiêng liêng, có những người phàn nàn rằng họ không thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Dường như Ngài biến mất. Họ muốn có tương quan với Ngài ngày một sâu sắc hơn; nhưng đối với họ, Ngài quá xa vời. Khi đó, tôi khuyến khích họ ý thức về ước muốn của mình, bởi vì trong ước muốn của con tim họ, họ có thể nhận ra dấu vết của Thiên Chúa và dấu vết này sớm muộn cũng giúp họ nhận ra sự hiện diện của Ngài.

 

Để làm điều này, tôi khuyên họ hãy đặt bàn tay lên trái tim. Điều này giúp họ nhận ra các ước muốn xuất phát từ trái tim là gì một cách dễ dàng hơn. Ở đó, nơi con tim, có ước muốn được liên lạc, ước muốn được yêu thương, ước muốn một Thiên Chúa có thể làm dịu cơn khát sâu thẳm nơi họ. Dù không cảm nhận được Thiên Chúa, họ vẫn có thể nhận ra ước muốn được Ngài yêu thương. Khi ý thức như vậy, họ sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong con tim họ.

 

Ước muốn là chiếc neo Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ để họ biết Ngài ở đó. Ước muốn là cánh cửa rộng mở qua đó, Thiên Chúa đi vào tâm hồn chúng ta. Nhiều người của thời đại ngày nay tìm kiếm điều đó. Họ biết rằng xã hội hiện đại ngày nay, một xã hội hau háu thành tích, không thể lấp đầy những khát vọng của họ. Nhưng họ cũng không coi Giáo hội như là nơi họ có thể tìm thấy câu trả lời cho khát vọng đó. Giáo hội chúng ta ngày nay quá lo lắng cho chính mình đến nỗi không còn nghe thấy tiếng kêu cứu của những con người đang lâm cảnh thất vọng.

 

Theo dòng lịch sử có hai nhà thần học đặc biệt nhạy cảm với lời kêu cứu này và họ đã trả lời bằng những bài viết, đó là Augustinô và Bernard de Clairvaux.

 

Augustinô đã khám phá ra ước muốn của con người qua tất cả những gì ông say mê tìm kiếm. Và ông thấy ước muốn đó không gì có thể thoả mãn được. Ước muốn vô hạn đó có mặt khắp nơi vào thời ông cũng như vào thời đại ngày nay. Ông đã không ngừng chỉ cho người thời ông đối tượng thực sự của ước muốn nơi họ là gì: “Hồn tôi hỡi, không gì có thể lấp đầy bạn nếu không phải là Đấng đã tạo dựng nên bạn. Bất cứ gì khác ngoài Người mà bạn nắm giữ cũng chỉ là khốn khổ, bởi vì chỉ có Đấng đã tạo dựng nên bạn giống hình ảnh Người mới có thể làm bạn thoả mãn. Nếu chúng ta muốn nắm giữ cái gì không tương xứng với Thiên Chúa, thì cái đó sẽ nhạt nhoà và tan chảy qua các kẽ tay của chúng ta. Tâm hồn chúng ta sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi cho đến khi được an nghỉ trong Thiên Chúa.”

 

Bernard (1090-1153) cũng quan sát kỹ những người vào thời đại của ông. Và hoàn toàn giống với Augustinô, ông khám phá ra sự tìm kiếm Thiên Chúa trong cơn khát sở hữu và hiện hữu luôn ngày một nhiều hơn mà không gì có thể dập tắt được: “Mỗi người có trí khôn đều sở hữu nơi họ một ý muốn có thêm mãi cái mà người đó xét là có giá trị và đáng ao ước. Không bao giờ có một cái gì làm người đó hài lòng, bởi vì ngay lúc có được điều đã ao ước, người ấy lại khám phá ra một điều gì đó tốt hơn mà mình còn thiếu… Có những người đã có rất nhiều của cải và sản nghiệp; tuy nhiên, họ vẫn không ngừng mua thêm những cánh đồng mới, và không ngừng đẩy lùi các đường biên giới hạn những gì họ sở hữu. Bạn có thể gặp những người sống trong các lâu đài vua chúa bao la mà hàng ngày vẫn không ngừng tìm mọi cách tậu thêm những chỗ ở mới, xây dựng không mệt mỏi những dinh thự mới, và thay thế những dinh thựu góc cạnh bằng hình tròn, và những dinh thự hình tròn bằng góc cạnh.”

 

Những nhận xét của Bernard luôn đúng với nhiều người của thời đại ngày nay. Họ luôn muốn nhiều hơn, nhưng chẳng bao giờ hài lòng. Ước muốn không gì thỏa mãn này cũng biểu lộ qua cơn khát được quí trọng, cơn khát này đưa chúng ta đến ý muốn chiếm giữ những địa vị luôn cao hơn; và điều đó càng làm cho sự thoả mãn xa vời hơn, để rồi, cuối cùng, đưa đến kiệt sức.

 

Nhưng không phải cứ chạy theo những cảm giác luôn luôn mới là con người có thể lấp đầy những khát vọng của mình. Chính vì thế, phải xem xét nó trên bình diện thiêng liêng, suy nghĩ về nó cho tới khi hoàn thành. Khi ấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa là mục đích tối hậu của những ước muốn và mong mỏi nơi chúng ta. Và chỉ nơi Ngài, chúng ta mới tìm thấy sự nghỉ ngoi cho tâm hồn bất an của mình.

 

Câu hỏi cuối cùng về ước muốn của con người cũng được Ernesto Cardenal bàn tới. Cuốn sách nổi tiếng của ông bắt đầu như sau: “Cái nhìn của mọi hữu thể con người đều có một ước muốn không gì thoả mãn được. Trong đôi mắt của con người thuộc mọi nòi giống, trong cái nhìn của trẻ con, của người già, của các bà mẹ và của những cặp tình nhân, trong đôi mắt của một viên cảnh sát cũng như của một công nhân viên, của nhà thám hiểm cũng như của kẻ sát nhân, của nhà cách mạng cũng như của tên độc tài, và ngay cả trong đôi mắt của một vị thánh, đều ánh lên cùng một tia sáng ước muốn không gì thoả mãn được, cũng cùng một ngọn lửa bí mật, mở ra cũng cùng một vực sâu thẳm, cũng cùng một khát khao hạnh phúc, niềm vui và sở hữu không cùng.”

 

Theo Cardenal, mọi người đều khát khao một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu làm cho đời họ trở nên đáng sống, đem đến cho họ một tính cách độc nhất và một giá trị vô cùng.

 

Từ rất lâu, các thi sĩ đã cảm nhận được ước muốn vô hạn của con người. Khi làm cho ước muốn vô hạn đó lộ ra, họ làm chúng ta thức tỉnh để đặt câu hỏi về Thiên Chúa. “Ước muốn là khởi đầu của tất cả.” Nelly Sachs đã nói như vậy. Bởi vì nhờ ước muốn mà con người đi theo con đường trở nên của riêng mình. Không ước muốn, thì không còn là người. Không ước muốn, con người sẽ tê liệt và đánh mất sức sống. Đối với Joachim Ernst Berendt, sự hiến dâng chính mình là đích điểm của mọi ước muốn: “Ai ước muốn người đó tìm cách dâng hiến chính mình. Ước muốn là khởi đầu của tất cả. Không ước muốn thì sẽ không có gì hoạt động.”

 

Hữu thể con người chỉ có thể lớn lên theo mức độ mà nó dâng hiến chính bản thân, dâng hiến hữu thể đích thực của mình, vượt khỏi cái TÔI của mình, Berendt nghĩ thế.

 

Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã diễn tả quan niệm cá nhân trong bài thơ của mình: Trước khi phái con người đến trong bóng đêm của thế giới này, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một lời đi theo họ trên con đường cuộc đời của họ. Và lới đó như sau: “Nhờ những giác quan của con, hãy ra khơi, đi đến cùng tận của ước muốn nơi con, hãy mặc lấy nó.”

 

Thiên Chúa đã đặt để trong lòng con người một ước muốn lớn lao. Ước muốn đó thúc đẩy họ rảo quanh thế giới rộng lớn để khám phá vẻ đẹp của nó, và tìm kiếm Thiên Chúa trong vẻ đẹp đó và trong tất cả mọi sự. Rilke cổ vũ chúng ta đi đến cùng tận của ước muốn nơi chúng ta, cổ vũ chúng ta tìm kiếm mục đích tối hậu và cổ vũ chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi mục đích đó, một mục đích giúp chúng ta vượt ra khỏi thế giới phàm tục này, để đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

 

Trong một bài thơ khác, ông định nghĩa ước muốn như sau: “Ước muốn là thế này: ở trong mọi sự đang qua đi và không có quê hương trong thời gian”. Ước muốn chính là sống trong sự chuyển động của thời gian mà không thiết lập ổn định ở bất cứ đâu bởi vì chúng ta thuộc về nơi khác, quê hương của chúng ta chính là Nước Trời như thánh Phaolô đã nói: là những người ở trung tâm của thời gian, ước muốn nhắc cho chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể ở nơi mà vĩnh cửu đột nhập vào thời gian, nơi mà vĩnh cửu và thời gian gặp nhau. Tất cả chúng ta đều khát vọng một quê hương. Theo các nhà văn lãng mạn, chúng ta tìm kiếm một “bông hoa xanh”. Novalis, một trong các nhà văn rất nổi tiếng, nói về triết học: “Mọi tư tưởng triết học cũng như mọi tư tưởng thần học, chỉ là một “khẩu hiệu” để trấn tĩnh sự nhớ nhung một quê hương. Và quê hương thực sự của tinh thần chúng ta chính là Thiên Chúa.”

 

Thời đại chúng ta là thời đại ở đó mọi ảo tưởng đều tan vỡ. Chủ trương hoài nghi và chủ trương phê phán tất cả mọi sự là những dấu hiệu cho biết điều đó. Những thị kiến về tương lai đã biến mất và chúng ta dễ hoài nghi về những diễn văn đao to búa lớn. Đối với nhiều người, ước muốn chỉ là ảo ảnh. Ở thời hậu hiện đại này, chúng ta sống không ảo tưởng, chỉ còn một “sau-hậu” (một tương lai) không có hi vọng và không có ước muốn nào, và cũng không có “trước-tiền” nào để tạo nên điều cốt yếu cho ước muốn.

 

Nhưng ngay cả vào thời kỳ tan vỡ ảo tưởng hậu hiện đại, con người cũng không thể thoát khỏi sự ước muốn. Không khó để nhận ra điều đó trong các bài hát ca tụng sự thành công, trong những ước muốn tình yêu sâu xa. Ước muốn nội tâm này được khám phá ra trong những khát vọng và những nhu cầu mà xã hội tiêu thụ khơi gợi ra và luôn muốn lấp đầy.  Mọi ước muốn đều được thương mại hoá. Chúng được che giấu đàng sau rất nhiều thoả mãn giả tạo. Chỉ cần xét đến thành công của tạp chí PEOPLE, nhận ra sự sùng bái các ngôi sao điện ảnh hay thể thao, hoặc sự tò mò bị kích thích bởi triều đình vua chúa là thấy rõ điều đó. Chúng ta yêu thích chính mình khi muốn mình là vua hay công chúa.

 

Phân tích các bảng quảng cáo có lẽ sẽ nói cho chúng ta biết con người ước muốn gì vì chúng bộc lộ những ước muốn thầm kín nhất của con người. Cũng cùng cách thế đó, người ta tìm đến những khát vọng tôn giáo để bán những sản phẩm tốt hơn trong một xã hội nào đó. Đó là con đường đảo ngược với con đường của Augustinô trước đây: ông là người đã phân tích những nhu cầu trần thế nhằm khám phá ước muốn tôn giáo được biểu lộ qua đó; nhưng vào thời đại chúng ta ngày nay, những khát vọng tôn giáo bị lợi dụng và được khai thác để phục vụ một nền chính trị thương mại trần tục.

 

(còn tiếp)

[1] Chuyển ý từ “Ouvre tes sens à Dieu” (Hãy mở các giác quan của bạn cho Thiên Chúa), Anselm Grun, Mediaspaul, Paris 2006, trang 55-76.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 121)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 681)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 550)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 685)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 774)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,026)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,385)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,066)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,747)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,823)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7