Tác giả - Tác phẩm

Các anh em linh mục yêu quí của tôi (bài cuối)

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,231
  • Ngày đăng: 19/03/2023 13:50:25

“À MES FRÈRES PRÊTRES”

“Các anh em linh mục yêu quí của tôi”

 

Giới thiệu

Các bài sau đây được chuyển ý, thích nghi và cập nhật từ một số các bài giảng của ĐGH Phanxicô. Các bài giảng này được thu thập trong cuốn “À mes frères prêtres” - “Các anh em linh mục yêu quí của tôi”[1]. Các bài này được dùng để suy niệm ban sáng dịp tĩnh tâm năm 2022 của các linh mục giáo phận Long Xuyên, và đã được phản hồi cách rất tích cực.

 

Đây là những bài suy niệm dành riêng cho các linh mục, tuy nhiên, cũng rất hữu ích cho các tu sĩ, cũng như giáo dân, nhất là những người dấn thân trong công cuộc tông đồ của Giáo hội, miễn là biết áp dụng cách thích hợp cho mình.

                                              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 4 (bài cuối)

NHỮNG ĐẮNG CAY TRONG CUỘC ĐỜI LINH MUC[2]

 

Dịp này, tôi muốn nói với anh em (linh mục), về một kẻ thù rất khéo léo lẩn tránh và ẩn núp, như một loại cộng sinh, từ từ, chậm rãi, đánh cắp niềm vui của ơn gọi mà chúng ta đã được kêu gọi trước đây. Tôi muốn nói tới nỗi đắng cay liên quan đến đức tin, giám mục và anh em linh mục trong linh mục đoàn. Chúng ta biết tồn tại những căn nguyên và hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, những đắng cay trên được rút ra từ rất nhiều cuộc gặp của tôi với một số anh em linh mục.

 

Cần minh định hai điều: 1/ những dòng này là kết quả từ lắng nghe các chủng sinh và linh mục thuộc các giáo phận khác nhau ở Ý và không được gán cho bất cứ hoàn cảnh đặc thù nào; 2/ Đa số các linh mục mà tôi biết thì hài lòng trong cuộc sống và coi những đắng cay là một phần trong đời sống bình thường của linh mục, không phải là thảm kịch. Tôi thích để những gì đã nghe vang vọng lên hơn là nêu ra chủ kiến của mình về vấn đề này.

 

Nhìn thẳng vào những đắng cay và đối diện với chúng, giúp chúng ta cảm nhận được bản tính con người mỏng dòn của mình. Và nhờ vậy, chúng ta nhớ rằng, xét như là linh mục, chúng ta không được kêu gọi để trở nên những con người quyền lực, mà là những con người tội lỗi, được thứ tha và được sai đi. Thánh Irênê thành Lyon đã nói đến điều đó: “Cái gì không được đảm nhận thì không được cứu chuộc”. Hãy để cho những đắng cay này chỉ cho chúng ta con đường để thờ lạy Chúa, tin tưởng Chúa sâu xa hơn và giúp chúng ta, một lần nữa, trải nghiệm sức mạnh của một người đã được Chúa xức dầu với lòng thương xót (Xem Lc 15,11-32). Như thánh vịnh đã nói: “Ngài đã biến đổi tang chế của con thành vũ điệu, tang phục của con thành trang phục của hân hoan. Ước gì tim con không im tiếng, nhưng hân hoan yến tiệc với Ngài.” (Tv 29, 12-13).

 

Những vấn đề với đức tin

“Phần chúng tôi, chúng tôi hi vọng đó là Ngài” Hai môn đệ đi Emmaus đã chia sẻ với nhau (Lc 24,21). Một hi vọng bị dập tắt là căn nguyên nỗi đắng cay của họ. Nhưng điều phải suy nghĩ là: Có phải Chúa làm chúng ta thất vọng hay đúng hơn chính chúng ta đã lẫn lộn giữa hi vọng với những mong đợi của mình? Thực sự, niềm hi vọng của kitô giáo không làm thất vọng và không làm thất bại. Hi vọng không phải là tin rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hơn, nhưng tin rằng mọi sự xảy ra đều có ý nghĩa của nó dưới ánh sáng Phục sinh. Nhưng để có niềm hi vọng của kitô giáo – như thánh Augustinô đã dạy Proba – phải sống một đời sống cầu nguyện phong phú. Chính ở đó, ở đời sống cầu nguyện, mà chúng ta học cách phân biệt giữa hi vọng và những mong đợi.

 

Ngày nay, tương quan với Thiên Chúa - hơn là với những thất bại trong mục vụ - có thể là nguyên cớ sâu xa của nỗi đắng cay. Đôi khi, hình như Chúa không tôn trọng những mong đợi của một đời sống tràn đầy và dư dật mà chúng ta đã có ngày chịu chức linh mục. Đôi khi, tuổi thiếu niên bất đắc chí không giúp chúng ta vượt qua được những giấc mơ hi vọng. Vì là linh mục, có lẽ chúng ta “quá tốt” trong tương quan với Thiên Chúa và không bao giờ có tình huống ngẫu nhiên nào đó chúng ta chống đối Chúa trong cầu nguyện, như thánh vịnh gia rất thường làm – không chỉ cho họ mà còn cho dân Chúa -; chính các thánh vịnh cũng đã bị “kiểm duyệt” và chúng ta khó có thể có một linh đạo chống đối làm của mình. Bởi đó, chúng ta rơi vào chủ nghĩa hoài nghi: bất mãn và một chút thất vọng. Chống đối đích thực - của người trưởng thành – không phải là chống lại Thiên Chúa nhưng là đối diện với Ngài, bởi vì điều đó xuất phát từ sự tin tưởng vào Ngài: người cầu nguyện là người nhắc lại cho mình Thiên Chúa là ai và điều gì xứng với danh xưng của Ngài. Chúng ta phải thánh hoá danh của Chúa, nhưng đôi khi, chính các môn đệ đánh thức Chúa và nói với Ngài: “Chúng con sắp chìm mà Chúa không làm gì sao?” Như vậy, Chúa muốn chúng ta trực tiếp can dự vào vương quốc của Ngài. Không phải như người đứng ngoài nhìn mà là người tham dự cách tích cực.

 

Đâu là sự khác biệt giữa mong đợi và hi vọng? Mong đợi phát sinh khi chúng ta muốn cứu cuộc đời chúng ta: chúng ta thấy mình khó tìm được những bảo đảm, những phần thưởng, những thăng tiến … Khi chúng ta nhận được cái mình muốn, chúng ta có cảm tưởng rằng không bao giờ mình chết nữa, và sẽ luôn là như thế! Bởi vì chính chúng ta là điểm qui chiếu.

 

Hi vọng thì phát sinh trong tâm hồn khi tâm hồn quyết định không bảo vệ mình nữa. Khi tôi nhận biết những giới hạn của mình, và nhận biết rằng mọi sự không bắt đầu mà cũng không kết thúc với tôi, khi đó, tôi nhận ra tin tưởng quan trọng biết chừng nào. Kịch sĩ Lorenzo Scupoli dạy điều đó trong “Cuộc chiến tâm linh” (Combat spirituel): chìa khoá của trận chiến nằm trong chuyển động đúp xảy ra cùng lúc: không tin vào mình, mà tin tưởng vào Thiên Chúa. Không phải vào lúc không còn gì để làm, tôi mới hi vọng; nhưng là lúc tôi ngừng không còn làm khó cho chính mình nữa. Hi vọng của tôi dựa trên giao ước: Thiên Chúa đã hứa với tôi và nói với tôi, ngày tôi được chịu chức linh mục, rằng cuộc đời tôi sẽ tràn đầy, được trọn vẹn và với sự niềm vui của Tám Mối Phúc; chắc chắn là không tránh được những nghịch cảnh - giống như mọi người – nhưng đẹp đẽ. Đời tôi sẽ có hương vị nếu tôi sống tinh thần Phục sinh, chứ không phải do mọi sự xảy ra như tôi mong đợi.

 

Và ở đây, chúng ta hiểu một điều nữa: chỉ lắng nghe lịch sử để hiểu những tiến trình này thì không đủ. Còn phải lắng nghe lịch sử và cuộc đời chúng ta dưới ánh sáng Lời Chúa. Hai môn đệ Emmaus đã vượt qua nỗi thất vọng khi Đấng Phục sinh mở tâm trí họ để họ hiểu Kinh thánh. Như vậy đó: mọi sự tốt đẹp hơn không chỉ vì chúng ta thay đổi bề trên, hay sứ vụ, hay chiến thuật, nhưng bởi vì chúng ta được Lời Chúa an ủi. Ngôn sứ Giêrêmia đã thú nhận: “Lời Ngài là niềm vui của con, là sự ngọt ngào của lòng con.” (15,16).

 

Nỗi đắng cay – không phải là lỗi lầm - phải được đón nhận. Nó có thể là một dịp tốt. Nó cũng có thể cứu độ bởi vì nó là tiếng vang báo động nội tâm: hãy để ý, bạn đã tự làm chủ cho sự an toàn của mình, bạn đang trở nên một người có “tinh thần không hiểu biết và lòng bạn chậm tin”. Nên nhớ, có buồn sầu lại dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chúng ta hãy đón nhận nó, đừng nổi giận chống lại chính mình. Buồn sầu có thể là điều tốt. Ngay cả thánh Phanxicô cũng trải qua kinh nghiệm đó, ngài nhắc lại cho chúng ta trong chúc thư của ngài (xem Các nguồn tài liệu Phaxicô, 110). Nỗi đắng cay sẽ biến thành sự dịu ngọt, và những dịu ngọt dễ dãi, thuộc thế gian sẽ biến thành đắng cay.

 

Những vấn đề với giám mục.

Tôi không muốn dùng tài hùng biện, mà cũng không muốn tìm con dê tế thần, cũng không tìm cách bảo vệ mình và những người thuộc về mình. Nơi chung, luôn có những bề trên mắc lỗi, đừng trầm trọng hoá. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi, dù lớn, dù bé. Vào thời buổi ngày nay, chúng ta có cảm tưởng đang hít thở bầu khí chung (không chỉ giữa chúng ta với nhau) của sự tầm thường, một tầm thường không rõ ràng; bầu khí này không giúp chúng ta dễ dàng phán đoán. Nhưng thực tế là có rất nhiều đắng cay trong đời sống linh mục đến từ những thiếu sót của giám mục.

 

Tất cả chúng ta đều trải qua kinh nghiệm về những giới hạn và thiếu sót của chính mình. Chúng ta phải đương đầu với những tình thế mà trong đó, chúng ta biết rằng mình đã không được chuẩn bị một cách tương xứng… Nhưng càng lên cao trong phục vụ và trong sứ vụ thì chúng ta càng bị soi bởi hàng ngàn hàng vạn cặp mắt; lúc đó, những thiếu sót sẽ trở nên rõ ràng hơn và gây nhiều tiếng động hơn. Tương quan giữa chức vị và dư luận đương nhiên là như vậy, có thể tốt có thể xấu.

 

Những thiếu sót nào đây? Ở đây, không nói đến những khác biệt khó tránh về những vấn đề quản lý hay những đường lối mục vụ. Những khác biệt đó có thể chấp nhận được và là một phần của cuộc sống trên trái đất này. Bao lâu Đức Kitô chưa là tất cả mọi sự trong mọi người thì mọi người đều tìm cách áp đặt ý mình trên mọi người! Chính Ađam bị phế truất ở trong chúng ta và khiến chúng ta như vậy.

 

Vấn đề thực sự làm cho cay đắng không phải là những khác biệt (và có lẽ cũng không phải là những sai lầm: một giám mục cũng có quyền sai lầm như mọi thụ tạo khác!), nhưng đúng hơn trong những nguyên do rất trầm trọng và làm bất ổn đối với các linh mục.

 

Trước hết, có thể nói đến một sai lệch quyền bính mềm (dérive autoritaire soft): chúng ta không chấp nhận những ai có suy nghĩ khác mình. Nói tóm lại, chúng ta xếp họ vào loại bất mãn. Sự tự tin bị chôn vùi bởi quá ham mê áp đặt những chương trình. Sự tôn thờ sáng kiến thay thế cho điều chính yếu: một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Coi sáng kiến là chính yếu có nguy cơ trở nên tiêu chuẩn của hiệp thông. Nhưng nó không luôn luôn phù hợp với sự nhất trí của mọi người. Và chúng ta càng không thể chủ trương rằng sự hiệp thông chỉ duy nhất theo một hướng: các linh mục phải hiệp thông với giám mục … và các giám mục phải hiệp thông với các linh mục của mình: đây không phải là vấn đề dân chủ, nhưng là tình nghĩa cha con.

 

Trong Tu luật của ngài – trong chương nổi tiếng là chương III – thánh Biển Đức khuyên rằng khi phải đối diện với một câu hỏi quan trọng, viện phụ nên tham khảo ý kiến của toàn thể cộng đoàn, kể cả những người trẻ nhất. Rồi ngài nói tiếp rằng chỉ viện phụ là người có quyền quyết định cuối cùng, ngài phải xem xét tất cả trong sự khôn ngoan và công minh. Đối với thánh Biển Đức, quyền bính không bị nghi ngờ, mà trái lại, chính viện phụ là người phải trả lời trước mặt Chúa về cách ăn thói ở của đan viện; nhưng ngài cũng nói, để quyết định, viện phụ phải. “khôn ngoan và công minh”.

 

Từ thứ nhất, “khôn ngoan” (prudence), chúng ta đều biết rõ: đó là khôn ngoan và phân định. Còn từ “công minh” (équité)[3], ít quen thuộc hơn, muốn nói đến phải lưu ý tới ý kiến của mọi người và bảo vệ tính đại diện của đoàn chiên, chứ không làm theo cái mình thích hơn. Cám dỗ lớn nhất của mục tử (giám mục, linh mục) là được bao quanh bởi “những người của mình”, “những người thân cận”; và bởi đó, thật là bất hạnh, khi tài năng thực sự bị thay thế bởi một “lòng trung thành” nào đó mà mình muốn, đến nỗi không còn phân biệt giữa người làm mình hài lòng và người đưa ra lời khuyên cách vô vị lợi. Điều đó làm đoàn chiên chịu đựng đau khổ, một đoàn chiên mà thường là chấp nhận mà không biểu lộ ra bên ngoài.

 

Giáo luật nhắc lại rằng các tín hữu có quyền, và thậm chí đôi khi có bổn phận, biểu lộ cho các mục tử ý kiến của họ về điều liên quan đến lợi ích của Giáo hội (Giáo luật khoản 212, triệt 3). Chắc chắn, trong thời kỳ của sự bấp bênh và mong manh tràn lan này, giải pháp dường như là độc tài (rõ ràng là trong lãnh vực chính trị). Nhưng yêu cầu thực sự - như thánh Biến Đức khuyên - nằm ở sự công minh (équité), chứ không nằm ở sự đồng nhất, giống hệt nhau.

 

Những vấn đề giữa chúng ta (giữa các linh mục).

Trong những năm gần đây, các linh mục đã chịu đựng những cú xì-căng-đan: về tài chánh và tình dục. Sự hồ nghi đã làm cho các tương quan trở nên lạnh lùng và hình thức hơn bao giờ hết: người ta không còn đánh giá cao những tự hiến của người khác, trái lại, hình như đó là một sứ vụ huỷ hoại, bị thu hẹp và bị nghi ngờ. Trước những xì-căng-đan này, ma quỉ cám dỗ chúng ta bằng cách thúc đẩy chúng ta đến với cái nhìn “donatiste”[4] về Giáo hội: bên trong, là những người không thể chê trách gì; bên ngoài, là những kẻ lừa gạt lẫn nhau! Chúng ta có những quan niệm sai lầm về Giáo hội chiến đấu, kiểu như Thanh giáo về giáo hội học (puritanisme ecclésiologique; tức chặt chẽ về nguyên tắc). Hiền Thê của Đức Kitô là và vẫn là cánh đồng trong đó lúa tốt và cỏ lùng đểu mọc lên cho đến ngày Quang lâm. Ai không có cái nhìn Phúc Âm về thực tế này làm của mình, sẽ làm mồi cho nỗi đắng cay vô ích và không nói ra được.

 

Dù những tội lỗi của các giáo sĩ bị vạch trần hay bị truyền thông phóng đại, đã làm cho mọi người thận trọng và ít sẵn sàng để sáng tạo những mối liên hệ có ý nghĩa, nhất là trong những gì có liên quan đến chia sẻ đức tin; thì những hẹn gặp chung vẫn nhân rộng – đào tạo thường xuyên và những điều khác – nhưng người ta tham dự với con tim ít sẵn sàng hơn. Có nhiều “hiệp - hội” hơn, nhưng lại có ít “hiệp thông” hơn! Câu hỏi chúng ta đặt ra trong thinh lặng, khi gặp một linh mục mới, là: “Ai thực sự đang đứng trước mặt tôi? Tôi có thể tin tưởng được không?”

 

Đó không phải là vấn đề đơn độc (solitude): nó không phải là vấn đề, nhưng là một khía cạnh mầu nhiệm của sự hiệp thông. Sự đơn độc Kitô giáo: vào phòng cầu nguyện với Chúa Cha trong riêng tư – là một chúc phúc, một nguồn mạch đón tiếp yêu thương người khác thực sự. Vấn đề thực sự không nằm ở chỗ người ta không tìm thấy thời gian để ở một mình nữa. Không có sự đơn độc, thì không có tình yêu nhưng không và người khác trở nên những trống vắng kể tiếp nhau. Theo nghĩa này, xét như là một linh mục, chúng ta phải luôn học lại cách ở một mình “theo Tin Mừng”, như Chúa Giêsu ở một mình suốt đêm với Cha Ngài…

 

Ở đây, như đã nói, vấn đề là cô lập (isolement) một điều khác hoàn toàn với sự đơn độc, ở một mình với Chúa. Sự cô lập, không chỉ mà cũng không phải là bên ngoài – chúng ta luôn ở giữa mọi người – mà gắn liền với tâm hồn linh mục. Khởi đầu là sự cô lập sâu bên trong, không ai thấy, rồi từ từ lộ ra một hình thức thấy được bên ngoài.

1. Cô lập với ơn sủng.

Bởi tác động của tục hoá, chúng ta không còn tin và không còn cảm thấy rằng chung quanh mình là những người bạn ở trên trời – “một con số rất đông những chứng nhân” (Do thái 12,1) -; hình như chúng ta cảm thấy chỉ mình trải nghiệm lịch sử của mình, những sầu não của mình, mà không đụng chạm tới ai khác. Thế giới ân sủng dần dần trở nên xa lạ đối với chúng ta; và hình như các thánh chỉ là những “người bạn do trí tưởng tượng” của trẻ con. Chúa Thánh Thần, Đấng ở sâu trong tâm hồn – trong bản thể, chứ không ở bề ngoài – là Đấng mà chúng ta có lẽ không bao giờ cảm nghiệm được, bởi lơ là hay bởi bất cẩn. Chúng ta biết, nhưng chúng ta không đụng chạm được. Rời xa sức mạnh của ân sủng, lập tức duy lý và duy cảm sẽ phát sinh; và chúng ta sẽ không bao giờ còn tin rằng con người xác thịt cần được cứu chuộc nữa.

 

2. Cô lập với lịch sử.

Mọi sự hình như được kết thúc bây giờ và ở đây, không hi vọng vào những gia tài được hứa. và phần thưởng trong tương lai. Tất cả mở ra rồi khép lại với chúng ta. Cái chết của tôi không phải là cuộc vượt qua - bước sang một đời sống mới - của một chứng nhân, nhưng là một cắt đứt bất công. Càng cảm thấy đặc biệt, quyền lực, phong phú về tài năng, con tim càng đóng lại trước ý nghĩa nối tiếp nhau của lịch sử dân Thiên Chúa mà chúng ta là thành phần. Ý thức kiểu cá nhân chủ nghĩa của chúng ta làm chúng ta tin rằng không có gì hiện hữu trước chúng ta và cũng không có gì hiện hữu sau đó. Chính vì lý do này mà chúng ta khó có thể gìn giữ những gì mà người đi trước đã bắt đầu tốt đẹp và bảo vệ chúng: thường đến một giáo xứ, chúng ta cảm thấy có bổn phận phải xoá sạch, để chúng ta nổi bật, để chúng ta khác thường. Chúng ta thường không thể tiếp tục làm sống lại điều tốt mà chính chúng ta không cưu mang để sản sinh ra! Chúng ta lại bắt đầu từ số không bởi vì chúng ta không cảm thấy có sở thích thuộc về con đường cộng đoàn của ơn cứu độ.

 

3. Cô lập với người khác.

Cô lập với ân sủng, với lịch sử là một trong những nguyên nhân làm chúng ta không thể thiết lập những tương quan tin tưởng và chia sẻ theo tinh thần phúc âm. Nếu tôi bị cô lập, thì các vấn đề của tôi sẽ độc nhất và không thể vượt thắng được: không ai có thể hiểu tôi được. Đó là một trong những suy nghĩ ưa thích của cha kẻ dối trá. Chúng ta hãy nhớ lại những lời của Bernanos: “Phải mất rất nhiều thời gian để nhận ra điều đó, và sự buồn sầu báo trước điều đó, thì rất êm dịu! Đó là thứ rượu ngon nhất của ma quỉ, cao lương mỹ vị của nó!” (trích “Nhật ký của một cha xứ miền quê”). Một tư tưởng dần dần hình thành và chúng ta khép kín vào chính mình, tránh xa người khác, và đặt mình ở vị thế cao, bởi vì không ai có thể cùng ở độ cao của những đòi hỏi như chúng ta.

 

Ma quỉ không muốn bạn nói, không muốn bạn kể và không muốn bạn chia sẻ. Vì thế, bạn hãy tìm một vị linh hướng tốt, có tuổi; nếu không ma quỉ có thể tháp tùng bạn. Đừng bao giờ để mình bị cô lập, đừng bao giờ! Chúng ta chỉ có được một tình cảm sâu xa về sự hiệp thông khi cá nhân tôi, tôi ý thức về “chúng ta” mà tôi là, mà tôi đã là và tôi sẽ là. Nếu không, những vấn đề khác sẽ tuôn đến như thác đổ: từ sự cô lập, từ một cộng đoàn không có sự hiệp thông, sẽ nảy sinh sự cạnh tranh, chắc chắn không nảy sinh sự hợp tác; sẽ xuất hiện ước ao được nhận biết, chứ không phải niềm vui của sự thánh thiện được chia sẻ; chúng ta sẽ đi vào mối tương quan, chỉ để so sánh, chứ không để nâng đỡ nhau.

 

Hãy nhớ lại câu chuyện dân Israel, khi đi trong sa mạc được 3 ngày, họ đến Mara, nhưng không thể ưống nước ở đó vì nước đắng. Trước sự chống đối của dân, Môsê đã khẩn cầu Chúa và nước trở nên ngọt (Xh 15, 22-25). Dân thánh của Thiên Chúa biết chúng ta hơn bất cứ ai. Họ rất kính trọng và biết tháp tùng các mục tử của họ. cũng như săn sóc các ngài. Họ biêt những nỗi đắng cay của chúng ta và cầu nguyện cùng Chúa cho chúng ta. Hãy thêm lời cầu nguyện của chúng ta hợp với lời cầu nguyện của họ và xin Chúa biến đổi những đắng cay của chúng ta thành nước ngọt dịu cho dân Người. Hãy xin Chúa cho chúng ta khả năng nhận ra những gì làm chúng ta đắng cay để chúng ta được biến đổi và trở thành những người được hoà giải biết đi giải hoà, được bình an biết đem lại an bình, được tràn đầy hi vọng biết đem đến hi vọng, Dân Thiên Chúa mong chờ chúng ta là những bậc thầy về đàng thiêng liêng, có thể chỉ cho họ những giếng nước dịu ngọt giữa sa mạc khô cháy là thế gian này.

 


[1] ĐGH PHANXICÔ, “À mes frères prêtres”, Nxb Artège, Paris 2020

[2] Trích dịch từ Phần Kết, cuốn “À mes frères, prêtres”, trang 227-235.

[3] Đức tính của người có cảm quan tự nhiên về công minh, tôn trọng quyền của mỗi người, không thiên vị. (Larousse)

 

[4] Học thuyết vào TK IV chủ trương rằng: Giáo hội buộc phải gìn giữ sự thánh thiện, vì thế những người mắc tội trọng không còn thuộc về Giáo hội nữa; và những thừa tác viên bất xứng cử hành các bí tích thì không thành sự. Ở đây có ý nói về cái nhìn phân biệt rõ ràng người tội lỗi và người thánh thiện trong Giáo hội. (chú thích của người dịch).

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 374)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 629)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 506)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 638)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 745)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 996)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,360)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,042)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,712)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,798)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7