Văn hóa - Lẽ sống

Chúc mừng Giáng Sinh An lành hay Chúc mừng Mùa lễ

  • In trang này
  • Lượt xem: 540
  • Ngày đăng: 03/01/2024 05:48:10

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH AN LÀNH

HAY CHÚC MỪNG MÙA LỄ

 

Chúng ta đang ở năm 2023 kể từ thời điểm lịch sử đó. Một sự kiện trọng đại đến thế chẳng xứng đáng được mừng gấp đôi sao? Vừa Giáng Sinh An lành vừa Mừng Mùa lễ.

 

Gieo nhân nào gặt quả đó, có vẻ vậy. Ngày xua tín hữu kitô lấy lễ hội của dân ngoại và thánh hóa thành dịp để mừng Chúa Giáng sinh và bây giờ thế giới thế tục đang làm lại như vậy.

 

Quyết định mừng Chúa Giáng sinh ngày 25 tháng 12, không dựa trên sự tính toán chính xác ngày Chúa Giêsu sinh ra, nhưng nguồn gốc của nó như sau. Ở vào thời Rôma đa thần, ngày 25 tháng 12 là ngày lễ mừng Mặt trời Bất diệt, đánh dấu thời gian ngày dài hơn đêm. Lễ hội này nối tiếp lễ hội mừng thần Saturn, thời điểm mọi người mở tiệc và tặng quà cho nhau. Giáo hội Rôma bắt đầu mừng Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 (vào khoảng những từ năm 306 đến năm 337) dưới triều đại đế Constantinople, đại đế kitô giáo đầu tiên, với mục đích có lẽ để làm suy yếu truyền thống dân ngoại.

 

Các tín hữu kitô đã thánh hóa ngày lễ của dân ngoại, và đến thời nay, chúng ta thấy chuyện ngược lại. Càng ngày lễ Giáng sinh càng mất biểu tượng và hàm ý tôn giáo. Ông già Noel đã thay thế Chúa Hài Đồng, bài Rocking around the Christmas tree đã thay thế Come all ye faithful và bài I’m Dreaming of a White Christmas thay thế bài Silent Night. Câu Merry Christmas (Chúc mừng Giáng Sinh An lành) đã thành câu Season’s Greetings (Chúc mừng Mùa lễ). Vì sao lại có chuyện này?

 

Trước hết, xã hội chúng ta ngày càng thế tục hóa. Ngày càng ít người thấy mình được cuốn hút về mặt tôn giáo qua câu chuyện Giáng Sinh, cho dù họ vẫn xem mùa Giáng Sinh là thời gian đặc biệt trong năm. Họ đánh giá cao mùa lễ này vì mùa này nêu bật biểu tượng tình yêu, vì việc tặng quà, sắc màu, vì nét đặc biệt và việc ăn mừng, nhưng họ thích nhấn mạnh những chuyện này hơn là ý nghĩa liên quan đến Chúa Kitô.

 

Tuy nhiên, trong sự thế tục hóa này, có một số người âm mưu loại bỏ nguồn gốc của việc mừng lễ Giáng Sinh. Cơ bản họ phê phán như sau: “Chúng ta là một nền văn hóa thế tục, đâu phải nền văn hóa kitô giáo, và thật bất công khi những người ngoài kitô giáo phải nêu bật khía cạnh tôn giáo (kitô giáo) của mùa lễ này. Làm vậy là xúc phạm đến người do thái, người hồi giáo, phật giáo, người theo thuyết bất khả tri hoặc những người không có tín ngưỡng. Với sự đa nguyên của xã hội, chúc “Giáng Sinh an lành” có thể là lời chúc mang tính đế quốc chủ nghĩa, hạn hẹp và không thật sự tôn trọng người khác”.

 

Câu này đúng đến mức nào? Nó cũng có lý, dù cũng sai lầm sâu đậm. Tại sao lại vậy? Trước hết, lời phê phán này không đến từ người do thái, người hồi giáo và ngoài kitô giáo. Chủ yếu là từ những người nhạy cảm quá đáng và thiếu lành mạnh nơi các tín hữu kitô hoặc từng là kitô hữu. Phải thừa nhận chúng ta có một nền văn hóa đa nguyên và thế tục. Nhưng chẳng lẽ kitô hữu không có quyền mừng Chúa Giáng sinh với mọi ngôn ngữ, biểu tượng và nghi thức thích đáng sao? Không ai ganh tị với việc người do thái có quyền mừng lễ Hanukkah, hay người hồi giáo có quyền mừng lễ Ramadan. Tại sao lễ của kitô giáo lại không được như vậy?

 

Chúng ta cần đưa ra một câu hỏi quan trọng này. Ưu tư dành cho sự công bằng và quan tâm đến người khác này, chủ yếu là do thật lòng quan tâm đến cảm thức của người khác hay do mang động cơ (dù có thể vô thức) từ những cảm giác nào đó về bản thân, cụ thể một sự kết hợp không lành mạnh giữa tự ghét mình, một phải lẽ chính trị quá trớn và sự tự đại tuổi dậy thì nào đó không? Chúng ta dễ bị rơi vào kiểu tự ghét mình, khi chúng ta công bằng với mọi truyền thống khác trừ truyền thống của chính mình, chúng ta dễ bị rơi vào kiểu phải lẽ chính trị quá trớn khi không có những ranh giới thường thức cho sự nhạy cảm của mình, và dễ rơi vào thứ có thể gọi là tự đại tuổi dậy thì, khi chúng ta chỉ thấy lỗi lầm của cha mẹ, chứ không thấy những đức tính hay những gì chúng ta mang ơn họ.

 

Chúng ta cần phải nhạy cảm với tha nhân, nhận ra và chấp nhận mình không thể áp đặt lễ mừng của kitô giáo lên những ai không chia sẻ cùng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô với chúng ta. Nhưng xã hội cũng phải công bằng với chúng ta và để chúng ta mừng Chúa Giáng sinh như một ngày lễ tôn giáo. Thật sự lý ra chẳng có gì là căng thẳng. Chẳng ai nên trách người khác vì người đó nói Chúc mừng Giáng Sinh An lành hay Chúc mừng Mùa lễ. Bài Silent Night có thể mở lên cùng bài White Christmas. Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ rất hợp với Ông già Noel. Tình yêu, niềm vui, quà tặng và những ánh đèn sắc màu sẽ có tác động đến tâm hồn, và tác động đó thế nào là tùy vào tâm hồn đó có gì. Với một số tâm hồn, các bài này nói lên Giáng Sinh An lành, với những tâm hồn khác, chúng sẽ nói Chúc mừng Mùa lễ, và với một số tâm hồn, chúng sẽ nói cả hai. Chúng ta nên thấy như thế là tốt.

 

Vậy nên, các tín hữu kitô hãy mừng Giáng Sinh như sinh nhật Chúa Kitô mà không cần phải biện bạch hay biện giải gì cả. Thế giới thế tục không có quyền ngăn chúng ta nói Giáng Sinh An lành và mừng sinh nhật Chúa Kitô với hang đá, thánh ca, những biểu tượng và nghi thức nói lên sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Việc mừng lễ kitô giáo của chúng ta đâu có loại trừ sự ăn mừng thế tục, những ánh đèn Giáng Sinh, trang trí, Ông già Noel diễn hành, tặng quà, tiệc tùng và cây thông Noel. Tất cả đều có giá trị và là những cách tốt đẹp để mừng Giáng Sinh. Đúng, chúng ta lấy lễ này từ dân ngoại, họ có quyền lấy lại phần nào. Hơn nữa, ngoại giáo và kitô giáo đôi khi cũng là một hòa trộn phong phú. Và cũng đừng quên, thế giới tính thời gian theo sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang ở năm 2023 kể từ thời điểm lịch sử đó. Một sự kiện trọng đại đến thế chẳng xứng đáng được mừng gấp đôi sao? Vừa Giáng Sinh An lành vừa Mừng Mùa lễ.

 

 

J.B. Thái Hòa dịch

Bài cùng chuyên mục:

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại (26/07/2024 09:08:17 - Xem: 113)

Một trong những đặc điểm nổi bật của nền giáo dục Công giáo là tập trung đặc biệt vào phẩm giá vốn có của mỗi cá nhân.

4 bước để xây dựng tình bạn với người khác giới (23/07/2024 13:38:20 - Xem: 169)

Bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào cũng sinh hoa kết quả và hoa trái đó sẽ tràn trề ra bên ngoài nữa. Đừng để các mối quan hệ bạn bè của bạn chỉ ở trong vòng khép kín.

Cầu nguyện và đời sống Linh mục (21/07/2024 10:16:10 - Xem: 284)

Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế hay trong đời sống linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo.

Vẻ đẹp của lời cầu nguyện (20/07/2024 09:58:52 - Xem: 170)

Hãy cho Chúa biết những ước muốn của bạn và lặng lẽ chờ đợi Ngài trả lời, bởi vì cầu nguyện luôn được cho là cuộc trò chuyện giữa chúng ta và Chúa, giúp tình bạn thiêng liêng triển nở.

Khiết tịnh và Đức ái – Tấm khiên và Thanh kiếm của người đàn ông (08/07/2024 07:39:18 - Xem: 470)

Đức khiết tịnh và đức ái là hai trong số những nhân đức chính giúp cho người nam trở thành đàn ông thực thụ.

Đạo - Lễ Hội - Sự Kiện (04/07/2024 14:36:09 - Xem: 539)

Nhiều người đi đọc kinh nhóm hội thì siêng năng, nhưng ít đi lễ. Rất siêng viếng và lạy tượng, nhưng tham dự lễ thì cắt trước xén sau cho thật ngắn giờ. Hiện diện cho có lệ mặc kệ cho Lời Chúa bay cao bay xa tâm trí.

Vì sao một số người không có khả năng trắc ẩn? (29/06/2024 10:02:35 - Xem: 398)

Việc không quan tâm đến những người yếu đuối nhất, ở một khía cạnh nào đó, đây là một khiếm khuyết tâm hồn,

4 bước đơn giản để thải độc kỹ thuật số cho tâm hồn  (21/06/2024 15:35:41 - Xem: 409)

Công nghệ kỹ thuật sẽ là công cụ hỗ trợ cuộc sống chứ không phải là rào cản đức tin nếu chúng ta sử dụng chúng một cách quân bình.

Tại sao người xấu có vẻ sống sung túc trong khi người tốt lại gặp nhiều gian truân? (18/06/2024 06:21:11 - Xem: 570)

Thật khó tin rằng những người cố gắng làm theo ý Chúa lại phải đối mặt với vô vàn vấn đề.

Đời sống đức tin của tôi (11/06/2024 08:13:13 - Xem: 391)

Đức tin là một cái gì không diễn tả được, không nắm bắt được, không học hỏi được, không lý luận được. Tin hay không, thế thôi.

Bài viết mới