Phụng vụ

Cử hành Thánh Thể: Bài 4 & 5: Nhập lễ, Hôn kính, xông hương

  • In trang này
  • Lượt xem: 705
  • Ngày đăng: 07/11/2023 07:52:06

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

 

 

BÀI 4: CA NHẬP LỄ

I. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát cnhập lễ... (QCSL 47).

 

II. LỊCH SỬ

Ca hát luôn luôn làm cho phụng tự của người Kitô hữu trở nên sống động và xinh đẹp.[1] Bữa tối cuối cùng đã kết thúc bằng việc Chúa Giêsu hát Thánh vịnh 113 - 118 cùng với các môn đệ của Ngài (x. Mt 26,30; Mc 14,26). Vào thế kỷ II, ông Plinius Trẻ - Tổng trấn xứ Bithynien - đã trình lên hoàng đế Trajan về sinh hoạt của Kitô hữu khi tụ tập vào một ngày cố định để ca tụng Thiên Chúa của họ bằng cách hát luân phiên các bài thánh ca (hymnus).[2]  Ca nhập lễ được coi là đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ IV-V tại Rôma khi những đại thánh đường nguy nga to lớn được xây cất, đặc biệt là trong những Thánh lễ do Đức Thánh cha chủ tế, với sự tham dự đông đảo của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.[3]

 

Ngày xưa, ca nhập lễ đã được soạn thảo để hát theo lối luân phiên, đối đáp hoặc giữa ca đoàn và dân chúng hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng với lời bài ca được rút từ các Thánh vịnh, thánh thư hay thậm chí từ những nguồn không phải Thánh Kinh.

 

Ngày nay, ca nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng điệp ca cùng với Thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale simplex; hoặc dùng bài hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận (x. QCSL 31, 48)).

 

Nếu không hát ca nhập lễ, thì giáo dân, hoặc một vài người giáo dân, hoặc một độc viên, đọc ca nhập lễ ghi trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, và ngài có thể thích nghi nó theo cách lời khuyên nhủ khởi đầu (QCSL 48).

 

III. Ý NGHĨA

Ca nhập lễ như vang vọng những bài ca đã từng được cất lên trong thời Cựu Ước cũng như tâm tình của những người Do Thái khi họ hân hoan tiến vào tiền đình Nhà Chúa, tới bàn thờ của Chúa hay tiến tới nơi Thiên Chúa ngự trị (Tv 100);

 

Mục đích của ca nhập lễ là mở đầu cho buổi cử hành phụng vụ, giúp tín hữu thêm đồng tâm nhất trí (quy tụ) ca ngợi Chúa, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ được cử hành và đi kèm với cuộc rước của các vị tư tế và người giúp lễ (QCSL 47, 121). Thật vậy, ca nhập lễ là bài hát đầu tiên của buổi lễ. Nhờ ca hát, cộng đồng biểu lộ sự quy tụ, hiệp nhất với nhau và trở nên sống động hơn để chào đón Chúa cũng như chào đón nhau vì Chúa chính là trọng tâm sự tôn thờ của cộng đồng phụng vụ.[4]

 

Ca nhập lễ có mục đích rất thực tiễn: đó là nội tâm hóa sự di chuyển thể lý, vì hành động đi rước dễ làm người ta phân tâm. Ca hát sẽ giúp tiêu trừ, ngăn bớt sự rối lòng rối trí không cần thiết hầu làm cho dân chúng cầu nguyện tốt hơn cũng như chuẩn bị tâm tình và cả thân xác họ cho việc cử hành.[5] Vì vậy, James Hansen nhấn mạnh rằng mục tiêu của ca nhập lễ không phải là bài hát, nhưng là lời nguyện.[6] Đây cũng là sự tuyên xưng đức tin của cộng đồng đang bước vào buổi phụng tự. [7]     

 

IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ  

1) Không nên vừa hát ca nhập lễ xong, lại đọc thêm ca nhập lễ trong Sách Lễ nữa (x. QCSL 47-48).

 

2) Ca nhập lễ không phải là một bài hát cá nhân, mà được coi là một hành động của cộng đoàn.[8] Vì thế nên chọn những bái hát dễ, quen thuộc, phù hợp với khả năng ca hát của cộng đoàn để hát cộng đồng và giúp mọi người “nên một” qua việc cùng nhau hát (PV 11). Chỉ riêng ca đoàn hát ca nhập lễ phải coi là một chọn lựa sau cùng.[9]

 

3) Không được sử dụng nhạc thu sẵn/ghi âm trong bất cứ cử hành phụng vụ nào vì lời ca tiếng hát [thật] của cộng đoàn cũng chính là lễ phẩm ca tụng Thiên Chúa và sự hiện diện của những nhạc sĩ/nhạc công tại chỗ được kể như là thành phần của cộng đồng phụng vụ.[10]

 

4) Chọn bài ca nhập lễ: (i) Chọn lựa đầu tiên là hát chính tiền xướng/đối ca (antiphona) trong Graduale Romanum/Graduale Simplex cùng với Thánh vịnh (x. MVTN 73, 133a); (ii) Dựa vào bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ Rôma; Các bài thánh ca có chủ đề về: (iii) Quy tụ (giúp hợp nhất cộng đoàn); (iv) Mùa phụng vụ; (v) Ngày lễ; (vi) Tác động phụng vụ (cuộc rước tiến đến bàn thánh) (x. QCSL 47); (vii) Liên hệ với các Bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ.

 

V. SUY NIỆM[11]

Lạy Chúa Giêsu, sau Bữa tiệc ly, Chúa đã hát thánh vịnh với các môn đệ trước khi đi đến núi cây dầu. Chúa “đã đưa vào nơi lưu đày trần gian này một bài thánh ca đã được hát lên suốt mọi thời đại nơi “tiền đình Nhà Chúa” và Chúa đã hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng nhân loại, kết giao với nhân loại chúng con bằng việc chính Chúa đã cất lên ca khúc chúc tụng này.

 

Lạy Chúa, chúng con tin rằng Chúa ưa thích ca hát. Chắc chắn Chúa đã hát ca mỗi lần hành hương lên Giêrusalem. Chúa đã hòa nhập với đám khách khứa trong tiệc cưới ở Cana khi người ta đang vang lên những lời chúc phúc cho đôi tân hôn. Bữa tiệc ly cũng đã kết thúc bằng việc thày trò của Chúa cùng nhau hát thánh vịnh. Giờ đây, trên thiên quốc, Chúa cũng hát ca vịnh ngợi khen. Hạnh phúc biết bao khi chúng con được hòa chung lời ca tiếng hát với Chúa trong bài thánh ca trên trời trước ngai Đấng tối cao.

 

Trong Thánh lễ, theo gương của Chúa, chúng con cử hành mầu nhiệm cứu độ cao cả trong hoan ca. Lời ca tiếng hát đánh động vào tâm trí và tình cảm của chúng con là những người đã được Chúa quy tụ như dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Chúa. Chúa đã đặt riêng chúng con ra trong thời gian và không gian này nhằm công bố những kỳ công của Chúa. Bài ca nhập lễ làm nhiệm vụ đó.

 

Nhưng lạy Chúa, thật là thích đáng nếu như những phần khác trong Thánh lễ cũng được diễn ra trong âm nhạc vì ca hát giúp cộng đoàn phụng vụ chúng con hiệp thông với nhau, làm cho lời nguyện của chúng con thêm hân hoan và long trọng cũng như hướng lòng trí chúng con lên thực tại trời cao đang mở ra trước mắt chúng con.

 

Việc ca hát của chúng con âm vang bài thánh ca được trình tấu trên trời. Đôi lúc âm vang ấy yếu ớt và nghẹt tiếng, đòi hỏi đôi tai đức tin của chúng con phải lắng nghe một cách chăm chú hơn hầu có thể nhận ra những âm thanh từ trời. Nhưng khi chúng con đã ra công gắng sức hết mình để làm cho âm nhạc thành ra ngôn ngữ của tâm hồn trong kinh nguyện, chúng con ước mong Chúa đang mỉm cười một cách mãn nguyện với đoàn con ngay cả đôi khi có những nốt nhạc lạc tông.

 

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện rằng dù sau khi Thánh lễ kết thúc đã lâu, trái tim chúng con vẫn tiếp tục hát lên những lời ca và giai điệu của những bài thánh ca. Chúng con cầu xin những gì chúng con ca lên trong nhà thờ sẽ hòa đầy bầu không khí chúng con hít thở và tỏa khắp không gian sống của chúng con. Chúng con ước nguyện âm nhạc trong Thánh lễ sẽ lại vang lên trên các đường phố chúng con đi qua, nơi công sở chúng con làm việc và nơi mái ấm gia đình chúng con đang sống. Xin Chúa làm cho tất cả mọi người đều có thể nghe thấy sứ điệp du dương êm ái này. Amen.

 

BÀI 5: CÚI CHÀO - HÔN KÍNH - XÔNG HƯƠNG [BÀN THỜ]

 

I. VĂN KIỆN

Khi tới cung thánh, vị tư tế, phó tế và các người giúp lễ cúi sâu chào bàn thờ. Sau đó, để tỏ lòng tôn kính, vị tư tế và thầy phó tế hôn bàn thờ; rồi vị tư tế tùy nghi xông hương thánh giá và bàn thờ (QCSL 49).

 

II. LỊCH SỬ & Ý NGHĨA

A. Cúi chào

Cử chỉ đầu tiên của chủ tế khi cử hành Thánh lễ là bày tỏ sự tôn kính bàn thờ bằng cách cúi chào và hôn kính (Nghi thức Thánh lễ [NTTL], số 1).

 

Khoảng thế kỷ VII và VIII, đoàn rước tiến vào thánh đường với Sách Tin Mừng  được cung nghinh đi trước chủ tế. Do vậy, chủ tế cúi chào không chỉ bàn thờ mà còn cả Sách Tin Mừng đặt trên đó nữa.[1] Cử chỉ cúi chào bàn thờ là kính chào chính Chúa Kitô vì bàn thờ đã được thánh hiến như một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Kitô.[2]  

 

B. Hôn kính

Thời xa xưa, hôn được coi là dấu chỉ chào đón hay tiếp rước ai đó cho nên đã được sử dụng để tỏ lòng tôn trọng đền thờ, bàn thờ các thần linh cũng như tượng thần và được đưa vào trong phụng vụ. Nếu tượng thần ở vị trí quá cao, người ta hôn vào bàn tay của mình rồi giơ tay cao lên hướng về tượng thần như trao ban nụ hôn đó. Từ thế kỷ IV, cả bên Đông phương lẫn Tây phương, cử chỉ hôn bàn thờ xuất hiện với ý nghĩa là sự chào hỏi vì bàn thờ không chỉ là “trung tâm của cảm tạ” mà còn là “bàn ăn của Chúa” (1Cr 11,20).[3] Vì bàn thờ xây bằng đá, tượng trưng cho Chúa Kitô là tảng đá góc tường và thiêng liêng của Hội Thánh đang ở giữa cộng đoàn tham dự (x. Mt 21,42; 1Pr 2,7-8; 1Cr 10,4),[4] cho nên hôn bàn thờ là hôn kính Chúa Kitô.[5]

 

Trong những thế kỷ đầu của thời Trung cổ, phong trào tôn kính các thánh Tử đạo trở nên thịnh hành đến độ mỗi nhà thờ đều có mộ phần các vị tử đạo, bàn thờ nhiều khi được xây trên mộ của các ngài hay ít ra có xương thánh của các ngài đặt phía dưới bàn thờ.[6] Do đó, hôn kính bàn thờ cũng có nghĩa là kính chào vị thánh, nhất là vị thánh được mừng lễ hôm ấy nói riêng, và qua các ngài, kính chào và bày tỏ lòng tôn kính đối với Hội Thánh khải hoàn nói chung.

 

Cho đến thế kỷ XIII, bàn thờ chỉ được hôn 3 lần trong Thánh lễ: lúc bắt đầu Thánh lễ – trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể – và trước lúc giải tán. Sang thế kỷ XIV, cứ mỗi lần quay ra chào dân chúng thì chủ tế lại hôn bàn thờ. Nghi thức này làm cho số lần hôn bàn thờ tăng lên nhiều lần đến độ làm lu mờ lần hôn kính bàn thờ đầu Thánh lễ và lúc kết thúc Thánh lễ.[7]

 

Ngày nay, phó tế và linh mục chỉ hôn bàn thờ hai lần vào lúc đầu lễ và kết lễ. Ý nghĩa của hành vi này là: [i] Chào kính Đức Kitô, có thể hiểu là một cử chỉ tôn thờ, tôn vinh Đức Kitô vì Ngài là ông chủ Ngôi Nhà của Chúa và cũng là người chủ của cộng đoàn đang quy tụ cũng như khi hôn lên đất của một quốc gia Đức Giáo hoàng muốn tỏ lòng kính trọng đất nước đó;[8] [ii] Bày tỏ sự hiệp thông của cộng đoàn phụng vụ với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt các Thánh vì bàn thờ (altus) được coi là nơi nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian.[9]

 

C. Xông hương

Bàn thờ còn được tôn kính bằng cách xông hương nữa (QCSL 49, 123, 277). Hương được sử dụng như dấu hiệu tôn kính Thiên Chúa, là một biểu tượng cho kinh nguyện của chúng ta dâng lên cho Ngài và nhắc nhớ chúng ta là dân thánh của Ngài (QCSL 276). Ý nghĩa của việc xông hương thời cổ xưa là: [i] tượng trưng cho sự thờ phượng và cầu nguyện nồng nàn; [ii] biểu tượng của lễ tế; [iii] đi kèm với những cuộc rước mang tính lễ hội; [iv] là phương thế làm cho tinh sạch; [v] xua trừ tà thần ma quỷ.

 

Hương đã được sử dụng nơi các dân ngoại và trong truyền thống Thánh Kinh (x. Xh 30,1-10; 37,25-28; Lv 16,11-13; Lc 1,9; Kh 8,3-4). Do ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, người La Mã cũng sử dụng hương khi dâng lễ vật, nhất là trong việc an táng. Tuy vậy, trong 3 thế kỷ đầu, hương không thuộc về phụng tự Kitô giáo. Phải đợi một thời gian khá lâu, Hội Thánh bên Tây phương mới cho phép dùng hương trong phụng vụ vì trước đó cho rằng đốt hương là một tập quán mê tín thuộc về nghi thức ngoại giáo, là dấu hiệu của bội giáo, là quay mặt khỏi Đức Kitô và lạc xa đức tin chân chính. Trái lại, Hội Thánh bên Đông phương vẫn sử dụng hương (PG 3:428). Từ đó việc xông hương lan rộng sang các nơi khác (OR I, 8 [PL 78, 941]).

 

Còn việc xông hương bàn thờ chỉ được xác nhận vào thế kỷ XI và ý nghĩa nguyên thủy của nó cũng như ngày nay là: [i] Thanh tẩy và bảo vệ[ii] Dấu chỉ làm nên bầu khí cầu nguyện, hướng lòng con người về với Thiên Chúa và biểu tượng cho lời kinh của các tín hữu và lễ tế của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha (Ep 5,2).[10] Xông hương bàn thờ là tôn kính Đức Kitô là đền thờ, thượng tế và hy lễ.[11] Chủ tế đi quanh bàn thờ để xông hương sẽ giúp dân thánh của Chúa quy tụ quanh bàn thờ cảm nhận được rằng bàn thờ thuộc về toàn thể Hội Thánh, thuộc về một cộng đoàn được sắp xếp và quy tụ theo phẩm trật đang ở chung quanh Đức Kitô, Ngài là Bàn thờ, là Tư tế và là Hiến lễ của họ.[12] Điều này làm nổi bật biểu tượng về sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn.[13]

 

III. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

A. Cúi chào & Hôn kính

1/ Khi tới gần bàn thờ, những ai trong đoàn rước không cầm/mang gì thì sẽ cúi sâu chào bàn thờ; còn những người đang cầm vật gì thì chỉ cúi đầu (x. NTTL 1; QCSL 49, 274).[14]

 

2/ Thừa tác viên mang Sách Tin Mừng (phó tế / thầy đọc sách) đi thẳng lên bàn thờ mà không cúi chào bàn thờ, nhưng cung kính đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. LNGM 129).

 

3/ Chủ tế đi đến bàn thờ, ngài cúi sâu chào bàn thờ và hôn tại trung tâm của bàn thờ như đại diện cho Hội Thánh. Khi hôn bàn thờ, chủ tế đặt cả hai tay trên bề mặt của bàn thờ và chắp tay lại khi đứng thẳng lên.[15]

 

4/ Phó tế cũng hôn bàn thờ, sau khi đã đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. NTTL 1; QCSL 49). Theo tập tục, phó tế không đặt hai tay của mình trên bàn thờ khi hôn nhưng hôn bàn thờ với đôi tay chắp lại (x. QCSL 49).[16]

 

B. Xông hương

1/ Trong một Thánh Lễ, chỉ thực hiện theo một trong hai cách thức:

a/ Theo cách Á đông: xá nhang hoặc đốt hương trong lư trước khi hôn kính bàn thờ: Tại Việt Nam, chủ tế có thể vái nhang và cắm vào bát hương trước bàn thờ, hoặc đổ hương vào bình than cháy trong lư hương đặt trước bàn thờ. Nếu vái nhang, chủ tế cầm nhang, giơ cao lên để dâng rồi cúi mình ba lần để tỏ lòng tôn kính, sau đó cắm nhang vào bát nhang (QCSL 277).

b/ Xông hương theo truyền thống Âu tây

 

2/ Đang khi di chuyển, giúp lễ cầm bình hương đi đầu đoàn rước nhập lễ phải lắc bình hương bằng cách đung đưa bình hương theo hướng trước – sau bên hông mình hoặc nếu không gian rộng thì có thể đung đưa bình hương theo hướng sang phải sang trái phía trước hầu giúp cho hương tỏa khói nghi ngút (QCSL 120a, 276a). Phụng vụ canh tân coi việc cầm bình hương với hương khói nghi ngút như thế là “xông hương” và kể nó là một trong 5 lần xông hương trong thánh lễ.[17]

 

3/ Chủ tế xông hương bàn thờ và thánh giá sau khi hôn kính bàn thờ (NTTL 1; QCSL 123). Xông hương bàn thờ bằng cách lắc bình hương liên tục quanh bàn thờ; Xông hương thánh giá bằng cách xông thẳng thánh giá ba lần mỗi lần 2 lắc (3X2).

 

4/ Động tác cho mỗi lần xông thẳng: nâng cao bình hương - dừng - lắc/đẩy bình hương hai nhịp – hạ bình hương xuống một chút (không phải vừa đưa lên vừa lắc và không bao giờ lắc ba nhịp).[18]

 

Bài cùng chuyên mục:

Danh sách các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ (29/06/2028 11:30:38 - Xem: 2,190)

Tại Việt Nam, có nhiều kitô hữu đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng và đức tin. Có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19.6.1988, gồm

Thánh Piô V, Giáo hoàng, (ngày 30/4) (29/04/2024 07:50:01 - Xem: 1,973)

Thánh Piô V sinh ngày 17 tháng 01 năm 1504 tại làng Bosco( xứ Piémont) Alêsan, thánh nhân có tên thật là Ghiliêri. Được sinh ra trong một gia đình không khá giả, chỉ đủ ăn,

Thánh Catarina Xiêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, (ngày 29/4) (28/04/2024 07:47:10 - Xem: 2,240)

Thánh nữ Catarina chào đời năm 1347 trong một gia đạo đức và thế giá. Ngay từ lúc còn nhỏ, Catarina đã được hưởng một nền giáo dục hết sức nhân bản và đạo đức của gia đình:

Thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng, (ngày 25/4) (24/04/2024 07:36:19 - Xem: 2,058)

Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Đôi nét về Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót (23/04/2024 06:17:22 - Xem: 2,131)

Nhưng chính xác thì Lòng Chúa Thương Xót là gì? Sự sùng kính Lòng Chúa Thương Xót này bắt đầu từ đâu?

Thánh Anselmô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, (ngày 21/4) (20/04/2024 08:34:01 - Xem: 1,750)

Thánh Anselmô sinh tại Aoste, một thành phố nhỏ nằm trên ranh giới xứ Piémont và Thụy Sĩ. Người xuất thân trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có.

Thánh Martinô I, Giáo hoàng, tử đạo, (ngày 13/4) (12/04/2024 07:29:07 - Xem: 2,235)

Thánh Mác-ti-nô sinh tại Todi miền Ombrie, nước Ý trong một gia đình đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã hấp thụ một nền giáo dục tốt về mọi mặt.

Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo, (ngày 11/4) (10/04/2024 07:31:40 - Xem: 2,873)

Thánh Stanislao sinh tại miền Cracovie nước Balan ngày 26 tháng 7 năm 1030 trong một gia đình giầu sang, phú quí. Thánh nhân là con trai duy nhất trong gia đình quyền quí, giầu sang,

Cử hành Thánh Thể: Bài 26 – Lời nguyện tiến lễ (08/04/2024 08:47:19 - Xem: 230)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Thánh Gio-An Bao-Ti-Xi-Ta Lasan, (linh mục ngày 07/4) (06/04/2024 07:26:50 - Xem: 2,536)

Thánh nhân được phúc sinh ra trong một gia đình thật đạo đức, cha Người là một vị thẩm phán nổi danh, mẹ Người là một thiếu phụ rất đạo hạnh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7