Văn hóa - Lẽ sống

Đời này – đời sau

  • In trang này
  • Lượt xem: 968
  • Ngày đăng: 25/11/2023 05:50:21

ĐỜI NÀY - ĐỜI SAU

 

Sống trọn vẹn đời này chính là sống những giá trị tốt đẹp của nó ở mức độ cao nhất: yêu thương, vị tha, hoà nhã, hy sinh… 

 

 

Chúng ta không gặp trục trặc gì liên quan đến sự tồn tại của một kiểu sự sống nào đó sau khi chết. Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều tin rằng cái chết không phải là hết. Niềm tin này được phản ánh qua thái độ của chúng ta dành cho những người đã khuất hoặc sắp bước vào cửa tử. Chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, thắp hương cầu khấn… chính là một kiểu biểu lộ của niềm tin rằng dù họ đã khuất dạng nhưng vẫn còn “hiện diện” ở đâu đó, lắng nghe lời ta cầu xin và có quyền năng để phù hộ chúng ta. Chúng ta có thể “hổ báo” với bất cứ người nào còn sống, chứ với thân xác người đã chết hoặc mồ mả của họ, ta thường tỏ ra kính cẩn, nhu mì, lễ phép, dù có khi ta và họ chẳng biết nhau, chưa từng gặp mặt, nói chuyện với nhau. Những lời dạy dân gian “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”… cũng phảng phất một niềm tin vào một thế lực thần thiêng nào đó ở trên chúng ta, chi phối và đảm bảo điều thiện hảo cho người tốt: cứ sống hiền lành, Ai Đó sẽ ban phúc lành cho mình. Ngay cả những người tuyên bố là không tin thần phật, thì không phải là họ không tin có thần phật hiện hữu, nhưng chỉ là không tin chuyện thần phật có thể can thiệp vào cuộc sống thường ngày của con người.

 

Bởi thế, có thể nói, ý niệm về một cuộc sống sau cái chết đã được ghi khắc trong tâm khảm của con người. Vấn đề chỉ là: đó là một cuộc sống như thế nào? Hiển nhiên, không ai trong chúng ta đã từ “trở về” từ cõi ấy để có thể mô tả cách tường tận và chính xác cuộc sống ấy là thế nào. Một vài bệnh nhận được cho là đã chết lâm sàn, tỉnh lại và kể cho người ta biết những gì mình thấy. Nhưng những gì họ kể cũng chỉ là những cảnh tượng mơ hồ với một vài những biểu tượng mượn từ thế giới này như ánh sáng, bóng tối, ai đó… chứ một sự chính xác hoàn toàn thì không sao diễn tả được.

 

Cũng hệt như chuyện con rùa vừa từ trên bờ bơi xuống nước, gặp con cá và kể cho con cá nghe những gì nó vừa thấy trên đất liền. Nó thao thao bất tuyệt về cây cối, chim muông, hoa cỏ và nhiều loài sinh vật khác với một niềm hạnh phúc và hân hoan, coi đó như một thế giới tuyệt mỹ và hoàn hảo. Con cá có thể nghe nhưng chắc chắn chẳng thể nào hiểu và cảm được điều mà con rùa diễn tả vì con cá chưa hề có kinh nghiệm gì về “thế giới trên cạn”. Con cá bị giam hãm trong vùng nước này. Phạm vi hiểu biết của nó chỉ được gói gọn trong những gì nó thấy ở đây, dưới mặt nước. Cũng tương tự như vậy đối với chúng ta, những người còn đang “kẹt” trong thế giới hữu hình, chỉ có thể hiểu và tri nhận được những chuyện ở đây. Liên quan đến bản chất đích thực của đời sau, ta hoàn toàn mù tịt, có nghe nói đến thì cũng chỉ biết vậy thôi.

 

Dù chưa từng kinh nghiệm, nhưng một quan niệm sai lầm về sự sống đời sau có thể dẫn đến những sai lạc trong cuộc sống đời này. Nhiều người cho rằng sự sống đời sau chỉ là sự nối tiếp của sự sống này, chẳng qua chỉ là diễn ra ở một “nơi khác”. Nơi đó, người ta vẫn ăn uống, vui cười hệt như cuộc sống này… có chăng là mọi cái trở nên đầy đủ hơn, sung túc hơn thôi. Người khác cho rằng đời sau sẽ là một cuộc sống kéo dài vô tận, con người không già đi, không úa tàn, không xấu đi, không còn chết, một kiểu sống trường sinh bất tử trong thời gian. Có người coi đó là một sự đối nghịch hoặc hệ quả của đời này: nếu sống tốt thì được thưởng, nếu sống tệ thì sẽ bị phạt. Phần thưởng và hình phạt này rất tuyệt vời và kinh khủng vì nó có tính chất vô tận. Vì thế, để không bị phạt đời đời, ta cố gắng chịu đựng, sống cho hết kiếp này để chờ một phần thưởng nào đấy dành cho mình sau khi chết.

 

Tất cả những suy nghĩ này về sự sống đời sau một cách nào đó vô tình khiến người ta bỗng coi thường đời này, hoặc không dành cho nó một sự tôn trọng đúng mức. Chúng ta hoang mang không biết chuyện gì sẽ diễn ra sau khi chết. Chúng ta đâm đầu để suy tư về điều chúng ta không biết rồi vui thú với những suy tư ấy, nhưng lại không ý thức rằng chắc chắn có một cuộc sống trước cái chết. Có ích gì khi ta chỉ chăm chăm tìm kiếm một phần thưởng vô định nào đấy ở một tương lai xa xăm khi bỏ bê, không đầu tư vào cuộc sống hiện tại? Hiện tại mới là cuộc sống. Nó mới là cái đang nằm trong tầm tay mình, cái đang diễn ra. Tất cả những giá trị cao quý của đời sau đang nằm ngay ở đây. Đời sau đã bắt đầu ở đời này rồi. Nếu ta không sống cho trọn từng giây phút ở đời này, thì đừng mơ đến việc sẽ vui sướng ở đời sau.

 

Sống trọn vẹn đời này chính là sống những giá trị tốt đẹp của nó ở mức độ cao nhất: yêu thương, vị tha, hoà nhã, hy sinh… Những ai càng sống các giá trị này, họ càng cảm thấy cuộc sống của mình thêm viên mãn, và thấy cuộc đời thật đẹp biết bao. Có một năng lượng nào đấy tuôn trào trong chính họ, làm cho họ hài lòng vì thấy mình là “người” hơn bao giờ hết. Tâm hồn họ đầy tràn bình an, hoan lạc, tự do, không vướng mắc, không ưu sầu. Họ bỏ đi hết tất cả những toan tính chiếm hữu, những ước vọng, những hơn thua. Họ bình thản đón nhận mọi chuyện như nó phải xảy ra và xem cuộc đời đẹp như bức tranh đủ màu sắc, ngon như nồi súp nhiều mùi vị. Sống trọn vẹn đời này chính là cảm nhận sự sống đang tuôn trào trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất. Trong cuộc giao tranh giữa sống và chết, sự sống luôn nhẹ nhàng, im lìm, tưởng là thua cuộc, nhưng bao giờ cũng thắng, một cuộc chiến thắng không rùm beng, nhưng oanh liệt và ngoạn mục vô cùng.

 

Như thế, sự sống đời đời nảy sinh tại ngay tâm điểm của sự sống đời này, khi sức sống thần linh của Thiên Chúa từ từ lan toả và dần dần thay thế những cái cũ. Bởi thế, chẳng cần phải đợi đến khi chết mới hưởng nếm sự sống thực. Người nào giác ngộ thì không cố chịu đựng để chờ một phần thưởng nào đấy ở thời điểm mấy chục năm sau. Thậm chí, họ cũng chẳng cần phần thưởng và cũng không có hai chữ “phần thưởng” trong đầu. Họ chỉ đơn thuần cảm nếm cuộc sống và vui thú với nó. Họ thích sống hơn là lý luận về cuộc sống, cũng hệt như người ta thích ăn một món ăn ngon hơn là chỉ ngồi lý luận về món ăn ngon. Các vị thánh mà chúng ta tôn kính không hề hạnh phúc bởi vì chữ “thánh” mà người đời tặng cho. Họ cũng không cố gắng chịu đựng cuộc sống trong căm hờn để mong chờ một sự thưởng công nào đấy. Họ hạnh phúc ngay trong từng khoảnh khắc của đời mình, dù có khi lúc đó, họ đang đối diện với rất nhiều đau khổ.

 

Bởi thế, có lẽ cần phải nói lại cho rõ: Chúa Giêsu không xuống thế làm người để hứa hẹn với chúng ta về một Thiên Đàng xa xôi mơ hồ nào đấy; Ngài không “đưa chúng ta về Thiên Đàng” như thể Thiên Đàng đang rất xa nơi đây; nhưng Ngài mang Thiên Đàng đến trong chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là cố gắng cảm nghiệm và sống những giá trị Thiên Đàng cho trọn vẹn; đó chính là sự sống thực, sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa. Tưởng là xa, hoá ra lại rất gần!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Bài cùng chuyên mục:

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại (26/07/2024 09:08:17 - Xem: 111)

Một trong những đặc điểm nổi bật của nền giáo dục Công giáo là tập trung đặc biệt vào phẩm giá vốn có của mỗi cá nhân.

4 bước để xây dựng tình bạn với người khác giới (23/07/2024 13:38:20 - Xem: 167)

Bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào cũng sinh hoa kết quả và hoa trái đó sẽ tràn trề ra bên ngoài nữa. Đừng để các mối quan hệ bạn bè của bạn chỉ ở trong vòng khép kín.

Cầu nguyện và đời sống Linh mục (21/07/2024 10:16:10 - Xem: 284)

Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế hay trong đời sống linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo.

Vẻ đẹp của lời cầu nguyện (20/07/2024 09:58:52 - Xem: 170)

Hãy cho Chúa biết những ước muốn của bạn và lặng lẽ chờ đợi Ngài trả lời, bởi vì cầu nguyện luôn được cho là cuộc trò chuyện giữa chúng ta và Chúa, giúp tình bạn thiêng liêng triển nở.

Khiết tịnh và Đức ái – Tấm khiên và Thanh kiếm của người đàn ông (08/07/2024 07:39:18 - Xem: 469)

Đức khiết tịnh và đức ái là hai trong số những nhân đức chính giúp cho người nam trở thành đàn ông thực thụ.

Đạo - Lễ Hội - Sự Kiện (04/07/2024 14:36:09 - Xem: 539)

Nhiều người đi đọc kinh nhóm hội thì siêng năng, nhưng ít đi lễ. Rất siêng viếng và lạy tượng, nhưng tham dự lễ thì cắt trước xén sau cho thật ngắn giờ. Hiện diện cho có lệ mặc kệ cho Lời Chúa bay cao bay xa tâm trí.

Vì sao một số người không có khả năng trắc ẩn? (29/06/2024 10:02:35 - Xem: 398)

Việc không quan tâm đến những người yếu đuối nhất, ở một khía cạnh nào đó, đây là một khiếm khuyết tâm hồn,

4 bước đơn giản để thải độc kỹ thuật số cho tâm hồn  (21/06/2024 15:35:41 - Xem: 409)

Công nghệ kỹ thuật sẽ là công cụ hỗ trợ cuộc sống chứ không phải là rào cản đức tin nếu chúng ta sử dụng chúng một cách quân bình.

Tại sao người xấu có vẻ sống sung túc trong khi người tốt lại gặp nhiều gian truân? (18/06/2024 06:21:11 - Xem: 570)

Thật khó tin rằng những người cố gắng làm theo ý Chúa lại phải đối mặt với vô vàn vấn đề.

Đời sống đức tin của tôi (11/06/2024 08:13:13 - Xem: 391)

Đức tin là một cái gì không diễn tả được, không nắm bắt được, không học hỏi được, không lý luận được. Tin hay không, thế thôi.

Bài viết mới