Tác giả - Tác phẩm

Đời tông đồ: Những thách đố và thái độ

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,648
  • Ngày đăng: 03/09/2022 15:52:29

ĐỜI TÔNG ĐỒ:

NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ THÁI ĐỘ

 

Giới thiệu:

Chủ đề “Đời tông đồ, những thách đố và thái độ” gồm 4 bài suy niệm về những thách đố cho người tông đồ trong hoàn cảnh xã hội hiện nay và những thái độ cần có để có thể vượt qua những thách đố đó. Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình.

 

Hi vọng những bài suy niệm này sẽ giúp chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường nội tâm thiêng liêng và thi hành sứ vụ tông đồ.

                                             Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 1

HOÀN CẢNH XÃ HỘI VÀ TÔN GIÁO NGÀY NAY:

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO SỨ VỤ TÔNG ĐỒ[1]

2 Tm 4, 1-5

 

Là người tông đồ đi Rao giảng Lời Chúa, tức là đi gieo hạt giống Lời Chúa, chúng ta cần biết thửa đất chúng ta sẽ gieo trồng như thế nào, nghĩa là chúng ta cần biết văn hoá, xã hội ngày nay. Biết để nhận ra đâu là những thuận lợi và bất lợi như trong thư Timôthêô chúng ta vừa nghe.

 

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, chúng ta không tìm hiểu văn hoá xã hội với cái nhìn lạnh lùng, dửng dưng của một nhà nghiên cứu văn hoá xã hội theo khoa học. Người tông đồ thì khác. Người tông đồ không nhìn văn hoá xã hội như một đối tượng nghiên cứu, nhưng như một thành phần thân thiết, gắn liền với mình. Chúng ta tìm hiểu văn hoá xã hội với con tim của người mục tử như Đức Kitô. Ngài đồng cảm và chạnh lòng thương những người đau khổ, tội lỗi, khốn cùng. Ngài hoà nhập vào đời sống văn hoá, tôn giáo của đất nước Ngài.

 

Với tâm tình liên đới, cảm thương đó, chúng ta cùng nhìn lại những thách đố người tông đồ phải đối diện trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

 

1. Thách đố về chiều kích hướng thượng.

   Bên trời Tây, đây là khó khăn về niềm tin vào Thiên Chúa. Rất ít người còn nhận biết một Thiên Chúa tối cao, vô hình, sáng tạo và yêu thương. Nhiều người chủ trương một thứ nhân bản chủ nghĩa hướng nhân, không cần Thiên Chúa. Dĩ nhiên, thương yêu đồng loại là điều tốt, tuy vậy, nếu không mở ra với Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và thương xót, người ta rất dễ lạc hướng.

 

Ở Việt Nam ta thì sao? Khó khăn này mang một sắc thái khác. Không phải người ta không nhận biết một Đấng Tối Cao linh thiêng, mà là một thứ hỗn hợp của muôn vàn bộ mặt thần thánh vô hình, hiển linh. Người ta không nhận biết rõ Thiên Chúa của Kinh thánh, một Thiên Chúa sáng tạo, nhập thể cứu chuộc, một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa hoàn toàn khác. Thiên Chúa của Kitô giáo cũng chỉ là một khuôn mặt thần linh chìm ngập trong muôn vàn khuôn mặt thần linh khác. Như vậy, trong xã hội Việt Nam ngày nay, điều người tông đồ cần là mở ra con đường hướng đến Thiên Chúa đích thực, là soi rọi cho mọi người biết đâu là Thiên Chúa yêu thương, nhân từ của Kitô giáo.

 

Tự vấn: Tôi đã làm gì đê làm chứng cho Thiên Chúa yêu thương của Kitô giáo đối với lương dân sống chung quanh tôi?

 

2. Thách đố về chủ nghĩa cá nhân cực đoan

   Vào TK XVI-XVII, Tây phương khám phá ra giá trị của “cái tôi”. Người ta thường nói đến sự trỗi dậy của “cái tôi” tách biệt với “cái chúng tôi”. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của “cái tôi” đó ngày càng mạnh lên, và cuối cùng đi đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

  

Là người tông đồ trong môi trường văn hoá cá nhân chủ nghĩa cực đoan, chúng ta cần đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân cực đoan đó. Mọi người cần đoàn kết với nhau, cùng nỗ lực đề cao lối sống vị tha, yêu thương và bênh vực tha nhân, nhất là những người bé nhỏ, nghèo khổ. Thật là đáng tiếc khi người ta chỉ nghĩ đến mình, gia đình, người thân của mình, dửng dưng bỏ mặc những người khác!

 

   Tự vấn: Tôi có qui hướng mọi sự về tôi không? Tôi có lấy mình làm trung tâm không? Tôi đã làm gì để cổ võ lòng vị tha và bác ái?

 

3. Thách đố về quan niệm thời gian

   Thách đố này là gì? Ngày nay, người ta muốn cái gì cũng phải nhanh. Nhanh nhất, ngắn nhất là tiêu chuẩn của mọi hoạt động, nhất là kinh tế. Người ta áp dụng cho cả tôn giáo nữa: lễ phải mau, giảng phải ngắn. Con người ngày nay bị cuốn hut bởi cái “tức khắc”, “tức thời”. Điều đó cản trở chúng ta có một cảm thức về thời gian đang dần trôi, về nhẫn nại. Kinh thánh không ngừng nói đến sự chờ đợi, sự kiên trì, sự nhẫn nại.

  

Đối với con người của thời đại kỹ thuật, hình như kẻ thù đầu tiên phải chiến thắng là thời gian. Thử nghĩ đến internet, thư điện tử email. Trong khoảnh khắc, chúng ta gởi và nhận thư xa hàng chục ngàn cây số, từ Mỹ tới Việt Nam chẳng hạn. Tất cả những gì là chín mùi, là trưởng thành của con người theo thời gian biến mất do sự tôn thờ cái “tức khắc”. Chúng ta luôn bị thúc giục phải làm nhanh, nhanh hơn nữa; làm không cần thời giờ suy nghĩ, không cần một khoảng cách cần thiết.

 

   Trong môi trường văn hoá tôn thờ cái “tức khắc”, cái nhanh đó, người tông đồ phải cố gắng sống và giúp mọi người sống nhịp điệu tôn trọng bản tính con người, nghĩa là, hãy coi thời gian là bạn, chứ không phải kẻ thù cần chinh phục. Nếu ai nấy đều muốn rảo bước thật nhanh, chúng ta hãy tập cất từng bước chậm rãi. Điều này không chỉ là liệu pháp tâm lý để chữa trị bệnh stress. Nó còn quan trọng hơn trong hoạt động mục vụ và đời sống thiêng liêng. Chúng ta đến với người khác bằng tình yêu của người mục tử. Tình yêu đòi hỏi sự nhẫn nại và thời gian.

 

Một chiều hướng khác cần tránh, đó là muốn làm mọi việc vì nhiệt tâm tông đồ. Chúng ta bị cuốn hút vào công việc đến nỗi không còn một khoảng trống thời gian nào nữa. Làm như vậy, một cách gián tiếp, chúng ta muốn chinh phục thời gian, muốn làm được thật nhiều trong một thời gian ngắn nhất. Coi chừng nhiệt tâm tông đồ ta coi trọng đó chỉ là cái cớ che đậy tham vọng kiêu căng cho rằng mình có thể làm được mọi sự. Hãy tỉnh táo! Cần tìm kiếm thời gian yên tĩnh trong thinh lặng cầu nguyện. Đôi khi cần tách rời chính mình khỏi môi trường đang sống, để suy nghĩ, nhìn lại chính mình, những hoạt động mình làm và cầu nguyện.

 

Ngày nay, những gian phòng tính tâm của các nhà dòng, nhất là dòng chiêm niệm, không lúc nào được nghỉ ngơi, các cha dòng Tên không đủ để đáp ứng nhu cầu linh thao, không phải là bằng chứng nói lên ước ao mãnh liệt muốn coi thời gian là bạn hơn là kẻ thù đó sao?

 

Tự vấn: Tôi coi thời gian là bạn hay là thù? Tại sao? Tôi có dành thời gian để nghỉ ngơi, thinh lặng, cầu nguyện không?

 

4. Thách đố về niềm tin đời sau

   Lối sống Tây phương là lối sống chỉ biệt hiện tại, đời này. Ở Việt Nam, niềm tin vào thế giới bên kia, vào đời sống vĩnh cửu vẫn hiện diện. Tuy nhiên, nơi giới trẻ, đặc biệt là ở thành thị, cũng như nơi đa số người lớn, lối sống như thể chỉ có đời này dường như ngày một lấn át và trở thành lối sống thực dụng nổi trội. Có lẽ cảm thức về đời sau vẫn còn đó, nhưng trở nên yếu ớt trước những đợt tấn công ồ ạt của lối sống hưởng thụ, tôn thờ đồng tiên ngày nay. Có lẽ đó cũng là lối sống của một số người trong giới tu trì chúng ta nữa.

  

Không tin có đời sau, hoặc niềm tin đời sau mờ nhạt đưa đến hậu quả là con người thời nay đánh mất niềm hi vọng thực sự. Họ đánh mất hi vọng bởi vì phải chết. Cái chết là điều chắc chắn nhất, không ai tránh khỏi, dù muốn dù không. Chính vì không tin vào đời sống vĩnh cửu, không còn hi vọng gì, nên thời đại chúng ta là thời đại đáng buồn và làm mồi cho stress.

  

Không tin vào đời sau còn đưa đến một hậu quả khác: con người thời nay không thể hiểu hoặc nghi ngờ ý nghĩa của đời sống trinh khiết, độc thân. Thực vậy, đời sống trinh khiết chẳng có ý nghĩa gì nếu không có đời sau.

 

Ngày nay, báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet nói rất nhiều đến tính dục và tình dục. Họ gán cho tình dục một tầm quan trọng đặc biệt. Điều đó biểu lộ cái gì? Nó cho chúng ta thấy đây không phải là vấn đề thân ác và tình dục, mà là nỗi thống khổ khi tin rằng chẳng còn gì sau cái chết, nên người ta mới sống buông thả. Ngược lại, lối sống buông thả, chiều theo tình dục cũng gián tiếp nói lên niềm tin và hi vọng về đời sau mờ nhạt ra sao.

  

Bởi vậy, người tông đồ ngày nay cần phải loan báo niềm tin vào thế giới mai sau, và chính lối sống, cách sử dụng tiền bạc, v.v. của người tông đồ minh chứng cho niềm tin đó.

 

Tự vấn: niềm tin vào đời sống vĩnh cửu biểu lộ nơi tôi thế nào? Tôi sử dụng tiền bạc, tiện nghi ra sao? Đời sống trinh khiết, độc thân của tôi vì Nước Trời, vì đời sống mai sau có còn bền vững, trong sáng không? 

 

5. Thách đố về sự đặt ưu tiên cho ơn Chúa

   Đôi khi, tất cả chúng ta đều là những người theo bè rối Pêlagiô một cách nào đó. Pêlagiô nói rằng Thiên Chúa có thể làm điều gì đó cho tôi. Ngài có thể soi sáng cho tôi; nhưng cuối cùng, chính tôi phải tự cố gắng cứu lấy mình. Chính nhờ sức mình, con người đạt được ơn cứu độ, chứ không phải do ơn Chúa. Hình như giới linh mục chúng ta cũng làm như vậy. Chúng ta tin rằng mình có đủ mọi sự cần thiết: nhiệt tâm, phương pháp, tiền bạc, v.v. Trên đường chạy nước rút 100m, Thiên Chúa có giúp, thì có lẽ cũng chỉ giúp chúng ta ở 5m cuối cùng, còn 95m trước chính chúng ta đã thực hiện.

  

Tuy nhiên, dù tin hay không tin, Chúa vẫn ở đó, vẫn ban ơn cho chúng ta vì không có ơn Chúa, chúng ta chẳng làm được gì. Có lẽ, ngay cả đối với các tông đồ chúng ta ngày nay, chấp nhận chân lý này vẫn còn là điều khó khăn. Cứ nhìn lại những tổ chức qui tụ, những chuyển đổi trong sứ vụ tông đồ , chúng ta sẽ nhận ra mình có đặt ơn Chúa vào hàng ưu tiên số một không.

  

Chúng ta làm việc, tổ thức, thành hình các cơ cấu. Chúng ta tái cấu trúc, hợp lý hoá mọi hoạt động tông đồ mục vụ. Tất cả những điều đó không phải là không quan trọng và cần thiết, nhưng hình như vẫn không phải là điểm chính yếu, có tính quyết định thành bại. Điều tối quan trọng, chính là tính nhưng không tuyệt đối của ơn Chúa. Đây là điều nhiều khi chúng ta thấy thật khó chấp nhận. Có thể trong suy nghĩ, chúng ta tin ơn Chúa có đó; nhưng trên thực tế, trong việc thực hiện các hoạt động mục vụ tông đồ, hình như chúng ta vẫn dành ưu tiên tuyệt đối cho sức mình, cho phương pháp làm việc của mình, chứ không phải cho ơn Chúa. Đó là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ và cầu nguyện.

 

Tự vấn: Trong mọi công việc mục vụ, ưu tiên của tôi đặt ở đâu: chương trình, kế hoạch loài người hay ơn Chúa?

 

6. Thách đố về sự mờ nhạt trong quan tâm truyền giáo

   Ngày nay, ý thức về truyền giáo rất mờ nhạt, thậm chí biến mất nơi nhiều người công giáo và có khi cả trong hàng ngũ giáo sĩ nữa. Nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu?

 

- Có thể là do đức tin chúng ta còn non yếu. Chúng ta chưa tìm thấy niềm vui đích thực do Đức Kitô đem đến. Và niềm vui ấy chưa trào ra bên ngoài, thúc đẩy chúng ta chia sẻ với người khác?

 

- Có thể là do ngày nay, nhiều người công giáo tin rằng tôn giáo nào cũng như nhau. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, nên không coi việc truyền giáo là cần thiết và quan trọng nữa?

 

- Có thể do mặc cảm mình là thiểu số, trong khi đại đa số là người lương, nhất là trong hoàn cảnh xã hội không thuận lợi, có khi còn chống đối đạo, nên chúng ta dè dặt, nhát đảm, không dám công khai rao giảng Tin Mừng chăng?

 

Nói chung, khí thế và nhiệt tình truyền giáo nóng bỏng, sôi sục của những thời kỳ vàng son trong quá khứ dường như không còn, hoặc nếu còn, cũng rất mờ nhạt. Đó là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ về mối quan tâm truyền giáo của chính những người tông đồ là chúng ta đây.

 

Tự vấn: Trong mọi hoạt động tông đồ, tôi đang cố gắng gìn giữ đoàn chiên để không một con chiên nào đi lạc, hay đang cố gắng mở ra, đi đến với lương dân là những con chiên chưa thuộc về đàn chiên?

 

 


[1] Các bài 1-3 được viết theo Godfried Danneels, “l’esprit et l’apostolat”, Ed. Saint-Augustin, saint-Maurice, 2004, trang 51-75.

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 472)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 404)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 551)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 653)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 907)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,298)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 984)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,651)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,759)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,024)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới