Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 495
  • Ngày đăng: 22/01/2024 08:10:00

Mc 1,21-28
Ðức Giêsu giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám

(21) Ðức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!" (25) Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (28) Lập tức danh tiếng Ngươi đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Học hỏi:

1. Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mác-cô là phép lạ nào, xảy ra ở đâu, khi nào ? Vào ngày sabát, người Do-thái làm gì ở hội đường ?

2. Trong Tin Mừng Mác-cô, lần đầu tiên Đức Giêsu đối mặt với ma quỷ là khi nào ?

3. Trong bài Tin Mừng này có mấy từ “giảng dạy” ?”Sửng sốt” được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng Mác-cô (6,2; 7,37; 10,26; 11,18). Điều gì khiến người ta sửng sốt ở Mc 1,22 ?

4. Đọc Mc 1,24. Tại sao thần ô uế lại run sợ trước Đức Giêsu mà kêu lên như vậy ?

5. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh (Gióp 6,10; Thánh vịnh 71,22; Isaia 1,4). Vậy “Đấng Thánh của Thiên Chúa” trong Mc 1,24 có nghĩa là gì ? Xem thêm 2 Vua 4,9; Tv 106,16.

6. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu cấm quỷ không được tiết lộ danh tính của mình cho ai (Mc 1,25.34; 3,12). Tại sao Đức Giêsu lại làm như vậy ?

7. Đọc Mc 1,25-26. Có gì lạ trong cách trừ quỷ của Đức Giêsu ?

8. Đọc Mc 1,27. Điều gì khiến người ta sững sờ ? So sánh với Mc 1,22.

 

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn có tin Xa-tan đang hiện diện và hoạt động trong thế giới chúng ta đang sống không ? Phép lạ trừ quỷ đầu tiên này cho thấy cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa (Mc 1,15) và nước của Xa-tan đã bắt đầu. Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1/ Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Máccô (Mc 1,21-28) là phép lạ trừ quỷ, xảy ra ở hội đường vùng Caphácnaum, có lẽ vào buổi sáng ngày sabát. Trong ngày sabát, người ta đến hội đường để cầu nguyện, chúc tụng Chúa, đọc sách Luật và các Ngôn sứ bằng tiếng Híp-ri, sau đó đọc bản dịch sang tiếng Aramaic (thứ tiếng Đức Giêsu nói hàng ngày). Mỗi hội đường đều có người chịu trách nhiệm. Người này sẽ mời cộng tác bất cứ ai muốn và có khả năng đóng góp cho phụng vụ của ngày sabát.

2/ Trong Tin Mừng Máccô, hoang địa là nơi lần đầu tiên Đức Giêsu đối mặt với Xa-tan (Mc 1,12-13). Xatan ở đây là kẻ thù của Thiên Chúa, ngược với nhân vật Xatan trong sách Gióp. Trong sách Gióp, Xatan là một trong những đầy tớ của Thiên Chúa, là thành viên của triều thần trên trời (Gióp, chương 1 và 2). Trong hoang địa, Đức Giêsu đã bị cám dỗ bởi Xatan trong một thời gian lâu dài.                                                

3/ Bài Tin Mừng này có 2 động từ “giảng dạy” ở Mc 1,21.22 (didaskô) , và 2 danh từ “lời giảng dạy” ở Mc 1,22.27 (didakhê). Như thế giảng dạy bằng lời là điểm nhấn của bài Tin Mừng. “Sửng sốt” là từ được Máccô dùng nhiều lần. Đó là tâm trạng của một số người khi nghe Đức Giêsu giảng (Mc 6,2; 10,26; 11,18), hay khi thấy Ngài làm phép lạ (Mc 7,37). Người trong hội đường sửng sốt vì cách dạy của Đức Giêsu khác với cách dạy của các kinh sư. Các kinh sư là những người có học thức, thông thạo Luật Môsê và truyền thống truyền khẩu của Luật ấy. Khi giảng dạy cho các môn đệ, các kinh sư thường trích dẫn những câu nói của các bậc thầy đi trước, và ít khi dùng thẩm quyền của mình mà phán quyết. Ngược lại, Đức Giêsu dạy dỗ như một rabbi đầy uy quyền (Mc 1,22). Uy quyền này thật lạ lùng, độc đáo, khiến người ở hội đường Caphácnaum sửng sốt, vì nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, cứ không từ người phàm.

4/ Trong hội đường có người bị thần ô uế nhập. Vì biết rõ Đức Giêsu là ai, nên nó cảm thấy mình bị đe dọa, ngay khi Ngài chưa hề làm gì nó. Thần ô uế thét lên qua miệng của người bị nó ám. Nó biết Ngài là Giêsu Nadarét, và hơn nữa, Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đấng Thánh thì hoàn toàn đối lập với sự ô uế. Thần ô uế biết nó sắp đến ngày tàn. Thế nào Ngài cũng can thiệp và tiêu diệt nó. Đức Giêsu được sai đến để khai mở Nước của Thiên Chúa trên trần gian. Dấu hiệu cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến đó là nước của Xatan (hay của Bêendêbun, Mc 3,22) bị đẩy lui, bị đánh bại.

5/ Trong Cựu Ước, chỉ Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh (Gióp 6,10; Is 40;25), hay Đấng Thánh của Ítraen (Is 1,4; Gr 50,29; Tv 71,22). Thần ô uế biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Đấng thuộc trọn về Thiên Chúa, Đấng phục vụ Thiên Chúa và hành động với uy quyền của Thiên Chúa. Nhưng Ngài không chỉ là thánh nhân như ngôn sứ Êlisa (2 V 4,9) hay như Aaron (Tv 106,16). Tân Ước gọi Ngài là Đấng Thánh (Cv 3,14).

6/ Quỷ biết Đức Giêsu là ai, nhưng Ngài cấm nó không được nói Ngài là ai (Mc 1,25.34; 3,12) vì Ngài không muốn người ta nhờ quỷ mà biết được căn tính của Ngài. Chính Ngài sẽ tỏ mình cho người ta biết Ngài là ai theo cách của Ngài và vào lúc Ngài muốn. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu vẫn luôn giữ kín về những việc Ngài làm (Mc 1,44; 5,43; 7,36; 8,26; 9,9).

7/ Đức Giêsu trừ quỷ chỉ bằng một lời quát mắng, hay đúng hơn bằng một mệnh lệnh: Hãy xuất ra khỏi người này. Ngài không cần làm bất cứ một hành động nào khác. Điều này cho thấy uy quyền trong chính lời của Ngài, khiến thần ô uế phải tuân lệnh và xuất ra (Mc 1,27). Trong những lần trừ quỷ khác trong Tin Mừng Máccô (Mc 5,1-20; 7,24-30; 9,17-29), Đức Giêsu cũng chỉ dùng lời để trừ quỷ. Giảng dạy và trừ quỷ gắn liền với nhau.

8/ Mọi người trong hội đường sững sờ, vì họ thấy uy quyền trong lời nói của Đức Giêsu. Mc 1,22 và 1,27 đều cho thấy uy quyền của lời Đức Giêsu khi giảng dạy cũng như khi trừ quỷ, và người ta sững sờ khi thấy cách Ngài làm hai điều trên.

Bài cùng chuyên mục:

Học Hỏi Phúc Âm CN 17 Thường Niên – Năm B - 2024 (22/07/2024 09:49:34 - Xem: 74)

Chỉ một chút đóng góp nhỏ bé cũng có thể đưa đến một phép lạ lớn lao? Bạn có kinh nghiệm về điều này không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 16 thường niên – Năm B (15/07/2024 07:30:23 - Xem: 0)

Bạn có phải là người nghiện việc không? Khi mệt mỏi vì gánh nặng công việc, bạn nghỉ ngơi giải trí bằng cách nào ? Đâu là nơi hoang vắng bạn hay đến khi mệt mỏi?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 15 TN – Năm B - 2024 (08/07/2024 08:56:20 - Xem: 180)

Nếu Đức Giêsu sống ở Việt Nam vào lúc này, Ngài sẽ mời chúng ta làm những việc gì cho đồng bào của mình?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 14 thường niên – Năm B - 2024 (02/07/2024 15:10:36 - Xem: 173)

Hãy tìm những chi tiết trong bài Tin Mừng này cho thấy Đức Giêsu, tuy là Thiên Chúa, nhưng cũng thật sự là người như chúng ta.

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 13 thường niên - năm B (24/06/2024 09:14:51 - Xem: 0)

Đức Giêsu đã hoàn sinh con gái ông trưởng hội đường. Theo bạn, hiện nay đâu là những nỗi khổ vì con cái của các bậc làm cha mẹ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 12 thường niên B - 2024 (17/06/2024 09:12:16 - Xem: 221)

Bạn thấy Hội Thánh hôm nay có đang gặp sóng gió không? Bạn có đôi khi Thấy Chúa ngủ không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 11 Thường niên – Năm B (12/06/2024 14:50:39 - Xem: 231)

Bạn có thấy Nước Thiên Chúa đang âm thầm lớn lên trong thế giới hôm nay không? Bạn có thấy bàn tay Chúa đang hoạt động trong những biến cố của thế giới không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 10 Thường niên năm B - 2024 (07/06/2024 08:47:50 - Xem: 193)

Bạn có dám tin mình sẽ trở nên anh chị em và mẹ của Chúa Giêsu nếu mình thi hành ý Thiên Chúa không?

Học hỏi Phúc Âm CN lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B - 2024 (29/05/2024 07:04:23 - Xem: 256)

Bạn có khi nào bị cám dỗ không tin sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích này không? Có khi nào bạn dành một thời gian ngắn để trò chuyện với Chúa Giêsu sau khi rước lễ không?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi - 2024 - năm B (21/05/2024 09:02:09 - Xem: 262)

Chúa Giêsu ở với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế (28,20). Theo Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần có ở với chúng ta không?

Bài viết mới