Tác giả - Tác phẩm

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,021
  • Ngày đăng: 13/12/2023 05:58:01

LINH MỤC, NGƯỜI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT 

 

*Giới thiệu

Bốn bài suy niệm ở đây đều chuyển ý từ các bài giảng và bài nói chuyện của ĐGH Phanxicô. Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

 

                          Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI HAI

CON TIM CỦA NGƯỜI MỤC TỬ,

MỘT CON TIM CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT[1]

 

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” (Luca 15, 4-6).

Xin ơn: con tim của anh em chúng ta được biến đổi, trở thành con tim của lòng thương xót.

 

Thưa anh em, kho tàng của vị Mục từ nhân lành là Chúa Giêsu chỉ có hai: Chúa Cha và dân chúng. Mỗi ngày, Ngài đều gặp Chúa Cha trong cầu nguyện và gặp dân chúng khi rao giảng, chữa bệnh. Con tim của Chúa cũng chỉ có hai hướng: Chúa Cha và dân chúng.

 

Vì vậy, con tim của các mục tử chúng ta cũng phải giống con tim của Chúa Giêsu, con tim đó không hướng về chính mình, nhưng hướng về Chúa và anh chị em của chúng ta.

 

Ở đây, có một câu hỏi quan trọng cần trả lời: con tim của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu có những đặc điểm nào? Xin thưa có 3 đặc điểm sau đây:

1. Một con tim bồn chồn, lo âu đi tìm con chiên lạc.

Tin Mừng nói rằng: Khi một con chiên đi lạc, người mục tử nhân lành sẽ đi tìm nó ngay lập tức, không chậm trễ, chần chừ, và cũng không màng hiểm nguy: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ư (Lc 15,4). Ông sẽ rảo khắp nơi để tìm kiếm, kể cả bên ngoài những đồng cỏ quen thuộc, ngoài những giờ làm việc nữa. Ông sẽ không trì hoãn việc tìm kiếm lấy lý do hôm nay tôi đã làm đầy đủ bổn phận rồi. Ông cũng sẽ lập tức đi tìm con chiên lạc không phải để được trả lương thêm ngoài giớ.

 

Để tìm con chiên lạc, có khi ông phải ra khỏi ngôi nhà quen thuộc, tìm đến những nơi rất xa lạ, để nói chuyện, để thuyết phục và an ủi; có lúc, ông phải quỳ gối thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, tranh đấu với Chúa cho con chiên lạc này.

 

Con tim của người mục tử nhân lành  như Chúa Giêsu luôn rộng mở, không khép kín để bảo vệ những dễ chịu của riêng mình; trái lại, luôn sẵn sàng dù bị làm phiền. Con tìm rộng mở đó cũng là một con tim hi sinh đến quên mình mà không lo lắng bảo toàn danh thơm tiếng tốt của minh, không bảo toàn sự binh yên giả tạo bên ngoài, mà sẵn lòng dấn thân dù bị hiểu lầm, bị chỉ trích, vu cáo như Chúa Giêsu. Ông sẵn sàng chịu hiểm nguy để noi gương Chúa: “Phúc cho các con khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa …” (Mt 5,11). Ông luôn quên mình để lo lắng, chăm sóc cho đoàn chiên.

 

Hơn nữa, người mục từ nhân lành còn có một con tim tự do, không bị bó buộc bởi công việc, bởi thời khoá biểu, bởi lịch làm việc. Ông cũng không dấn thân nửa với, 60% hoặc 70%, nhưng là 100 %. Một mục tử không dám liều hiểm nguy thì không thể tìm thấy con chiên lạc. Ông không bỏ cuộc vì thất vọng, cũng không nản lòng vì mệt nhọc; mà luôn kiên trì trong điều lành ông đang làm.

 

Đó là đặc điểm thứ nhất của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu: có một con tim luôn bồn chồn, lo lắng đi tìm con chiên lạc không ngừng nghỉ.

 

*Chúng ta có thể tự hỏi: tôi có quan tâm đến những con chiên đi làm ăn xa vì sinh kế xem họ sống đạo thế nào và làm ăn ra sao không? Tôi có săn sóc những con chiên khô khan, nguội lạnh, lạc hướng, bỏ đạo không? … Hay tôi dửng dưng, lạnh lùng bỏ mặc họ?

 

2. Một con tim yêu thương hết tình, muốn hội nhập tất cả.

Chúa Giêsu yêu thương và biết tên từng con chiên, không con chiên nào xa la với Ngài. Ngài dẫn dắt chúng và hi sinh mạng sống vì chúng. Đàn chiên là gia đình của Ngài, là cuộc sống của Ngài. Ngài mong muốn tập hợp cả những con chiên chưa thuộc đàn chiên về với Ngài (Ga 10, 16).

 

Như vậy, linh mục của Đức Kitô cũng phải giống như Chúa: ngài được xức dầu để lo cho đàn chiên, chứ không phải để chọn lựa và thực hiện những chương trình của mình; ngài phải gần gũi, lo cho đàn chiên mà Chúa và Giáo hội đã trao phó cho ngài. Không một ai bị loại trừ khỏi con tim của ngài; khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của ngài. 

 

Với cái nhìn yêu thương, với con tim của một người cha, ngài đón tiếp và tháp nhập mọi người vào cộng đoàn của ngài. Khi phải sửa lỗi, ngài thẳng thắn góp ý trong sự tế nhị, tôn trọng và yêu thương. Ngài gần gũi, thân tình với hết mọi người, không khinh thường một ai. Ngài sẵn sàng tay lấm chân bùn với mọi người, nhất là với những người nghèo khổ, sống bên lề xã hội và ngay cả bên lề Giáo hội nữa. Một mục tử nhân lành không bao giờ dùng bao tay, là lối sống xa cách, dửng dưng của một viên chức hành chánh.

 

Hơn nữa, người mục tử nhân lành cũng là người mục tử của sự hiệp thông; không bao giờ mong đợi những lời khen, mà luôn gạt bỏ những lời dèm pha, chỉ trích, vu cáo. Ngài kiên nhẫn lắng nghe những vấn đề khó khăn của mọi người, đồng hành với họ, và ban lời tha tội với lòng nhân từ, thương xót. Ngài không càm ràm vì những người bỏ đạo, lạc hướng, nhưng luôn sẵn sàng lên đường tìm kiếm và tái hội nhập họ.

 

Như vậy, con tim của người mục tử nhân lành đích thực luôn rộng mở, biết đón nhận và hội nhập mọi người vào cộng đoàn của mình; không một ai bị bỏ rơi, bị loại trừ khỏi con tim giầu lòng thương xót của ngài. Đó là đặc điểm thứ hai của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu.

 

*Chúng ta có thể tự hỏi: tôi có nhiệt tình đón tiếp và đi đến với mọi người, nhất là những người bê trễ, bỏ đạo và những người chưa biết Chúa không? Tôi có tìm mọi cách để đưa những con chiên ngoài đàn vào đàn chiên của Chúa không?

 

3. Một con tim hớn hở, vui mừng tìm thấy con chiên lạc

Thiên Chúa luôn vui tươi (Lc 5,5). Niềm vui của Chúa phát sinh từ sự tha thứ, từ đời sống được tái sinh, từ người con một lần nữa lại được hít thở không khí gia đình: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” (Lc 15, 5-6).

 

Niềm vui của Chúa Giêsu, người Mục tử nhân lành không phải là niềm vui ích kỷ, cho riêng mình, mà là niềm vui vì người khác và với người khác, một niềm vui đích thực của tình yêu.

 

Đó cũng phải là niềm vui của linh mục chúng ta. Linh mục được biến đổi nhờ lòng thương xót được cho đi nhưng không. Trong cầu nguyện, ngài khám phá ra sự an ủi của Chúa và trải nghiệm được rằng không gì mạnh mẽ hơn tình yêu của Người. Nhờ đó, nội tâm ngài thanh thản và ngài cảm thấy hạnh phúc khi trở thành kênh chuyển tải lòng thương xót, và khi gần gũi mọi người với con tim của Chúa. Đối với ngài, nỗi buồn là điều bất thường, nên chỉ thoáng qua, bởi vì ngài là người mục tử mang con tim dịu hiền của Chúa.

 

Anh em linh mục thân mến, chúng ta tìm lại được căn tính linh mục của mình mỗi ngày khi chúng ta có thể làm cho lời truyền phép: “Đây là mình Thầy bị nộp vì các con” thực sự trở thành lời của chính chúng ta: “Đây là mình tôi bị nộp vì anh chị em”. Đó là ý nghĩa đích thực của đời sống linh mục. Đó cũng chính là lời đọc giúp chúng ta làm mới lại những lời hứa khi chịu chức linh mục mỗi ngày. Tôi cám ơn anh em vì muôn vàn tiếng “xin vâng” kín đáo của anh em mỗi ngày, mà chỉ có Chúa biết. Tôi cũng cám ơn anh em vì tiếng “xin vâng” khi hiến dâng đời sống hợp nhất với Chúa Giêsu; chính từ đó, phát xuất nguồn suối tinh tuyền của niềm vui nơi chúng ta.

 

Dĩ nhiên, niềm vui khôn tả đó của chúng ta chỉ trào dâng cách tự nhiên khi kho tàng của chúng ta là Nước Trời, vì kho tàng của chúng ta ở đâu, thì lòng chúng ta ở đó và con tim của chúng ta hướng về đó.

*Chúng ta có thể tự hỏi: từ trước tới nay, niềm vui của người mục tử là chúng ta phát xuất từ đâu và niềm vui đó là về điều gì?

 

Kết

Xét mình, chúng ta thấy còn rất nhiều thiếu sót> những đặc điểm của con tim người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu mà ĐGH Phanxicô nói tới hình như còn xa lạ với chúng ta vì con tim của chúng ta còn nhiều điểm chưa giống với con tim của người mục tử nhân lành đích thực.

 

Tuy nhiên, chúng ta đừng nản lòng bỏ cuộc. Chỉ cần ý thức và hiểu rõ để bắt đầu lại. Không có thời điểm nào là chậm trễ để lại bắt đầu đổi mới chính mình.

 

Ước gì con tim của anh em linh mục chúng ta luôn giầu lòng thương xót như con tim của Chúa Giêsu, người Mục tử nhân lành giầu, phải rất giầu lòng thương xót. Amen.

 


[1] Sách đã dẫn, trang 81-84. (Tĩnh tâm dịp Năm Linh Mục, Quảng trường thánh Phêrô, Thứ sáu 3/6/2016)

Bài cùng chuyên mục:

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 206)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 276)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 357)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 340)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 417)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 425)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, Chúa Giêsu và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa  (07/06/2024 07:21:02 - Xem: 504)

Làm thế nào để có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa? Điều đó tuỳ thuộc chúng ta hiểu kinh nghiệm đó là gì.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 3) (10/05/2024 21:26:59 - Xem: 687)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 667)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 942)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7