Tác giả - Tác phẩm

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,372
  • Ngày đăng: 19/05/2023 05:51:54

NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN

VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

 

Giới thiệu

Những suy nghĩ tản mạn trong các bài trình bày ở đây là đúc kết kinh nghiệm, suy nghĩ về đời sống và tác vụ linh mục sau 30 năm đời linh mục. Những suy nghĩ này hoàn toàn có tính cách cá nhân, chỉ nhằm mục đích chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nó có thể có ích mà cũng có thể không giúp được gì. Tuy nhiên, được viết ra, được chia sẻ đã là niềm vui rất lớn rồi.

 

                                  Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI 3

ĐỘC ĐOÁN

 

Có lẽ độc đoán luôn là một nguy cơ cho một số anh em linh mục, nhất là những linh mục đã làm chính xứ lâu năm, thường có những quyết định, những hành động theo ý mình, không nghe ý kiến của người khác, dù là của bề trên, dù là của anh em linh mục, dù là của đa số giáo dân.

 

I. Ví dụ điển hình

Xin kể ra đây một vài ví dụ:

1. Ở một giáo xứ nọ, cha xứ quyết định đào ao làm nhà thuỷ tạ. Vài năm sau, một cha xứ khác đến ra lệnh lấp ao trồng cây cho mát. Giáo dân nghĩ sao về hành động và quyết định của hai cha xứ này?

 

2. Tại một giáo xứ khác, cha xứ mới về nhất định chặt hàng cây sao lâu năm hai bên nhà thờ vì lá cây rụng quá nhiều, mất công quét, dù giáo dân góp ý thế nào và tình nguyện lập nhóm quét lá ra sao, thì cha xứ vẫn cứ đốn. Rồi phía trước nhà xứ có cây cổ thụ lâu năm, nhưng bóng rợp làm tối nhà xứ và làm cho đường xe vào nhà xứ khó đi. Hơn nữa, cha xứ mới thích sáng sủa, thích trồng bông, nên dù giáo dân không đồng ý, cha xứ đó vẫn đốn cây cổ thụ giá trị đó, bán lấy tiền và trồng hoa.

 

3. Riêng tôi, khi làm cha xứ, có lần tôi nói ông chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ đưa hết cho tôi các bằng ghi công của những ông trong ban thường vụ khoá trước và bằng chứng nhận các ông ban thường vụ khoá đương nhiệm chỉ vì không muốn các ông phô trương, khoe khoang, Quyết định và hành động của tôi chắc chắn đã làm cho ông chủ tịch rất buồn.

 

Tóm lại, linh mục chúng ta thường có những quyết định, những hành động độc đoán, không biết lắng nghe, không cần biết đến người khác đón nhận hay không; quen làm theo ý riêng mình.

 

II. Lý do đưa đến độc đoán

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao linh mục chúng ta thường độc đoán, nhất là những linh mục đã làm chính xứ lâu năm? Khó có thể biết hết mọi lý do, mọi khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có thể liệt kê một số lý do sau đây:

 

1. Linh mục là “cha” thiêng liêng.

Làm linh mục là làm “cha” thiên hạ. “Cha” đây hiểu theo nghĩa tích cực, mà cũng có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nghĩa tích cực: linh mục là “cha” về đời sống thiêng liêng, đời sống đạo. Linh mục dạy dỗ giáo dân về Chúa, về đạo. Linh mục hướng dẫn họ đến với Chúa, gặp được Chúa, để được sự sống đời đời. Không những linh mục hướng dẫn, dạy dỗ, mà còn thay mặt Chúa và Giáo hội ban các bí tích, các ơn thiêng cần thiết để giáo dân sống đạo tốt đẹp, thánh thiện, xứng đáng là con cái Chúa và được hưởng ơn cứu độ là hạnh phúc đời đời mai sau.

 

Xét về mặt này, rõ ràng linh mục là “cha” thiêng liêng, “cha” về phần đạo của giáo dân, và là một người “cha” đúng nghĩa.

 

Tuy nhiên, vì thuộc tầng lớp “cha” thiêng liêng, “cha” về phần đạo, nên nhiều khi linh mục thấy mình là người quan trọng, thấy mình là “cha”, cư xử và hành động như người “cha” đầy quyền thế, nên đi đến tự tôn, cho mình có quyền trên giáo dân về mọi phương diện, có quyền ra lệnh và mọi người phải tuân theo; và không ai có quyền nói gì, góp ý gì trái với ý của mình, trừ khi đó là bề trên; mà bể trên có nói thì chưa chắc đã nghe theo, đã vâng lời.

 

2. Linh mục “toàn quyền” khi được bổ nhiệm.

Hơn nữa, linh mục được Đức giám mục giáo phận bổ nhiệm làm cha xứ, cha phó, nên toàn quyền điều hành giáo xứ, nắm cả quyền “hành pháp”, “tư pháp”, “luật pháp”, thậm chí cả quyền trên lương tâm mỗi giáo dân nữa. Có khi linh mục còn thi hành quyền vượt cả trên giáo luật, lúc cấm người này xưng tội, rước lễ, lúc phạt người kia không được chịu bí tích, không làm phép hôn phối, không cho chôn đất thánh, v.v.

 

3. Kính trọng của giáo dân.

Cũng cần nói thêm, giáo dân, nhất là giáo dân ở Việt Nam, rất quí mến và tôn trọng các linh mục. Họ vâng lời linh mục, một điều thưa “cha”, hai điều thưa “ngài”, dù linh mục đó còn rất trẻ, đáng tuổi con cháu, em út. Vì thế, một số anh em linh mục, dù mới chịu chức vài ba năm, đã cho mình là “cha”, đã xưng hô cả với những người cao tuổi “cha với con’, đã ra lệnh và có những quyết định, những hành động độc đoán, không cần hỏi ý kiến ai, cũng không nghe ý kiến một ai, hoặc chỉ nghe ý kiến một bên, tức là bên mình thích, hoặc hợp với ý của mình; điều tệ hơn là linh mục lại cho rằng mình quyết định, mình làm gì cũng đúng, cũng tốt.

 

4. Thời gian dài thành tật xấu.

Cuối cùng, vì đã là “cha”, đã là người có quyền, đã quen dùng quyền, nên theo thời gian linh mục càng dùng quyền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, và có thể ngày càng độc đoán hơn, có khi đã trở thành tật xấu, không còn nhận ra mình là người độc đoán, chuyên quyền nữa.

 

III. Phòng tránh

Nếu đã là linh mục, độc đoán luôn là nguy cơ, thì chúng ta có cách nào để phòng tránh và loại bỏ được tính chuyên quyền, độc đoán này không? Có một số cách thế, những cách thế này không hẳn là đầy đủ và tốt nhất, chỉ theo kinh nghiệm cá nhân, nên cần những kinh nghiệm khác bổ túc. Chúng ta có thể liệt kê một số sau đây:

 

1. Tinh thần phục vụ.

Anh em linh mục chúng ta cần luôn ý thức mình là người thay mặt Chúa để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Quyền hành Chúa ban và Giáo hội trao cho chúng ta là để phục vụ, không phải để ra lệnh, sai khiến độc đoán, độc tài, theo ý thích của mình.

 

2. Đời sống thiêng liêng.

Chúng ta cần xây dựng một đời sống thiêng liêng vững chắc nhờ chuyên chăm cầu nguyện, luyện tập nhân đức, nhiệt thành thi hành sứ vụ với tình yêu thương và lòng bác ái vị tha.

 

3. Khiêm tốn lắng nghe.

Tập khiêm tốn lắng nghe góp ý, phản ứng của giáo dân để cư xử cho đúng, nhưng cũng cần phải thích hợp nữa, chứ không phải chỉ đúng là được. Dĩ nhiên, cũng nên đề phòng tránh sợ dư luận mà thiếu quyết đoán trong những việc cần thiết, quan trọng, có lợi cho giáo dân về đời sống đạo, và vì lợi ích chung của giáo xứ, giáo phận, giáo hội và xã hội.

 

4. Xét mình.

Xét mình thường xuyên, xem đời sống đạo đức của mình thế nào, cách cư xử với giáo dân, với mọi người ra sao? Có cảm thông, có yêu mến, có giúp đỡ họ thực sự không? Có khiêm tốn phục vụ quên mình thực sự không? Có nóng giận không? Có hay bắt bẻ người khác không? Có cầu nguyện với mọi người và cho mọi người thường xuyên, nhất là những người thuộc trách nhiệm của chúng ta không?

 

Có đồng cảm với giáo dân, với mọi người về đời sống, công ăn việc làm, những khó khăn, những nỗi khổ, những vất vả, những thất vọng và ước mong của họ không? Có lấy tấm lòng yêu thương của người mục từ mà phục vụ, hướng dẫn, dạy bảo, ban các bí tích cho họ không? Hay chỉ bắt bẻ, tìm cớ, để làm khó, để từ chối ban các bí tích cho họ, nhất là đối với những người chúng ta không ưa, hoặc họ không ưa chúng ta mà còn chống đối chúng ta nữa?

Quan trọng nhất vẫn là xét mình xem thực sự mình có tấm lòng nhân hậu của người mục tử trong các đối xử, phục vụ giáo dân và mọi người không? Mình có luôn cố gắng noi gương Chúa Giêsu, Người Mục tử nhân lành không?

 

Kết

Nếu mỗi anh em linh mục chúng ta đều ý thức đề phòng sự độc đoán, độc tài và luôn cố gắng xây  dựng đời sống thiêng liêng sâu xa, vững mạnh, nhất là tập luyện luôn để thực sự có tấm lòng của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu, trong tình thần khiêm tốn phục vụ, thì chắc chắn chúng ta sẽ là những người cha thiêng liêng tốt lành, không bao giờ độc đoán, chỉ làm theo ý riêng và thoả mãn ý thích của mình.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 238)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 353)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 417)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 910)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 469)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 460)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 494)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 551)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 517)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 573)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7