Tác giả - Tác phẩm

Phaolo đối diện với chính mình (06)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,251
  • Ngày đăng: 06/03/2022 09:00:20

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI SÁU

HOÁN CẢI VÀ ĐỔ VỠ

 

Giờ đây, chúng ta suy niệm về một giai đoạn đáng buồn trong cuộc đời Phaolô, và hoàn cảnh xảy ra vẫn còn chưa rõ ràng, đó là sự đổ vỡ giữa ngài và Barnaba.

 

Vào những giờ phút cuối đời, khi nhìn lại những biến cố đã xảy ra, Phaolô không bị xúc động mấy bởi tù tội, đắm tầu, đòn vọt, nói tóm lại là những biến cố được đề cập trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô. Xem ra không có biến cố nào đã tác động mạnh đến ngài hơn là sự đổ vỡ với Barnaba.

 

Phaolô không bao giờ nói về nó trong các thư của ngài. Chúng ta khó có thể nắm bắt những gì xảy ra trong giai đoạn này. Nó là một trong những thử thách nghiệt ngã mà người tôi tớ của Chúa phải trải qua để được thanh luyện và lớn lên.

 

Xin chúa mở lòng soi trí để chúng ta hiểu ý nghĩa của biến cố trên vì ích lợi cho Giáo Hội và cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

 

Chúng ta có 5 câu hỏi sau:

- Trước hết, Barnaba là ai?

- Kế đó, đối với Phaolô, Barnaba là ai?

- Điều gì đã xảy ra giữa hai ngài?

- Hậu quả của đổ vỡ.

- Phaolô cảm nhận thế nào về sự đổ vỡ xé lòng này?

 

Barnaba là ai?

Barnaba là một trong những cột trụ của Giáo Hội sơ khai, một trong những người đầu tiên đã tin vào Tin Mừng. Có lẽ ông không phải là môn đệ Chúa Giêsu, nhưng Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan, là những người đồng hành với Chúa, đặt trọn vẹn tin tưởng vào ông.

 

Ông là một trong những người đầu tiên tin vào lời các tông đồ, và là một trong những người đầu tiên dấn thân theo các ngài, ông cũng là người đầu tiên bán tất cả gia sản để dưới chân các tông đồ. Ông được giới thiệu trong Công vụ tông đồ bằng những lời lẽ sau: "Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ." (Cv 4,36). Vào thời mà cộng đoàn hầu như chẳng là gì, với một nhúm người rất ít dễ trở thành cuồng tín, thì chính Barnaba đã tin, đã giũ bỏ tất cả, cương quyết đứng về phía các tông đồ và Đức Kitô. Vì thế, người ta gọi ông là "con của sự yên ủi".

 

Barnaba là một người đầy khôn ngoan và lạc quan, đức tin ông toả sáng, và người khác sẵn lòng theo ông, đặt tin tưởng vào ông. Chúng ta thấy ông được trao cho những sứ vụ quan trọng. Tên ông được nói tới ở chương 11 sách Công vụ tông đồ: khi phải coi tại chỗ những gì diễn ra ở Antiôkia, chính Barnaba đã được cộng đoàn Giêrusalem sai đến đó. Barnaba đã đi Antiôkia và "Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa." (Cv 11,23-24).

 

Barnaba là người biết nhận ra tính đích thực của Kitô giáo Antiôkia, từ nơi đây kitô giáo bắt đầu lan ra miền Tây Hy Lạp và vùng Tiểu Á. Không có ông, ai biết được Giáo Hội sẽ thu mình lại trong những rào cản của Do thái-kitô giáo Giêrusalem cho đến bao giờ? Barnaba có một trực giác sâu xa, ông vượt qua những định kiến và sợ hãi, và hiểu rằng những gì diễn ra ở Antiôkia là công trình của Chúa Thánh Thần. Ông cũng có những phẩm chất của một người trung gian: ông biết cách trấn an Giêrusalem và khích lệ Antiôkia, tránh sự đổ vỡ. Bởi đó, ông là một thành viên mới quí giá cho cộng đoàn sơ khai.

 

Barnaba là ai đối với Phaolô?

Đối với Phaolô, những tương quan với Barnaba có tầm quan trọng đặc biệt: Sau Anania, Barnaba là người mà Phaolô mắc nợ nhiều nhất. Chắc chắn, Phaolô mắc nợ Anania vì ông niềm nở tiếp đón và nhận ngài vào cộng đoàn; nhưng tất cả những gì sau đó thì ngài mắc nợ Barnaba. Chính Barnaba đi tìm Phaolô ở Tarsô, ông cũng là người hiểu ngài, nâng đỡ ngài. Barnaba là bạn, là cha thiêng liêng, là thầy của ngài trong sứ vụ tông đồ, ông là người khai tâm cho ngài về kinh nghiệm tông đồ.

 

Chúng ta khảo sát một vài bản văn sau. Sau khi trốn khỏi Đa-mát, Phaolô đến Giuđê: "Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ." (Cv 9,26) Sự ngờ vực vốn có giữa Antiôkia và Giêrusalem giờ đây được tái diễn ở Giêrusalem đối với người mới đến mà người ta không biết rõ ý định của hắn.

 

Bản văn tiếp tục: "Ông Ba-na-ba liền đem ông theo mình, đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào." (Cv 9, 27)

 

Nên chú giải bản văn và để ý từng từ một: Barnaba đem ông theo mình: động từ hy lạp 'epilabomenos', cũng được dùng để nói về Chúa Giêsu cầm tay Phêrô không để ông chìm xuống hồ trong cơn bão ( Mt 14, 31). Lúc Phaolô lạc lõng ở Giêrusalem, mọi cánh cửa đều đóng kín trước mặt ông, ông không có lấy một góc để ngủ, thì Barnaba đến giơ tay cho ông nắm và nói: "Đi với tôi, tôi sẽ tháp tùng anh, tôi sẽ giới thiệu anh". Nhờ Barnaba, các cánh cửa lại mở ra cho Phaolô; chúng ta đọc tiếp: "Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa." (Cv 9,28)

 

Còn ở cộng đoàn Antiôkia, khi nói đến các ngôn sứ, Barnaba được kể ra đầu tiên; còn Phaolô thì cuối cùng: "Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô." (Cv 13,1). Vì chúng ta biết, trước đó, "Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô. Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu." (Cv 11, 25-26). Hình ảnh trên cho thấy sự cộng tác tuyệt vời giữa Barnaba và Phaolô; Barnaba là người đầu tiên trong các ngôn sứ, Phaolô là người đến sau cùng. Chính Barnaba đã giúp ngài, cho người khác thấy giá trị của ngài, và đưa ngài vào hoạt động truyền giáo, một hoạt động mang lại thành quả lớn nhất cho Giáo hội sơ khai, hoạt động đó khai sinh một cộng đoàn kitô giáo lớn mạnh đến nỗi tên Kitô hữu phát sinh từ đó. Đó là một cộng đoàn thực sự bắt đầu được lịch sử ghi lại. Những điều trên cho chúng ta biết Barnaba là gì đối với Phaolô.

 

Barnaba cũng là nhà truyền giáo đầu tiên được Chúa Thánh Thần chọn. Sách Công vụ tông đồ đã diễn tả khởi đầu của công cuộc truyền giáo như thế nào. Đây là sứ vụ truyền giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc Phúc âm hoá dân ngoại: "Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi." (Cv 13, 2-3). Barnaba là nhân vật chính, còn Phaolô là cộng sự. Barnaba là thủ lãnh của sứ vụ truyền giáo; khi nói về ông, tác giả luôn để cập tới ông như người đầu tiên. Thứ tự này không phải tình cờ, bởi vì Barnaba được chính thức nhìn nhận như người đứng đầu của sứ vụ truyền giáo:

 

Nhưng trong hành trình truyền giáo này, vai trò của Phaolô sớm bắt đầu xuất hiện. Không xa trong sách, có những câu cho chúng ta thấy ngài đóng vai trỏ chính trong giai thoại thầy phù thuỷ Êlima bị mù: Các ông đi xuyên qua đảo đến Pa-phô; ở đây các ông gặp một người phù thuỷ, mạo xưng là ngôn sứ ; ông này là người Do-thái, tên là Ba-giê-su. Ông ta ở với thống đốc Xéc-ghi-ô Phao-lô, một người thông minh. Thống đốc cho mời ông Ba-na-ba và ông Sao-lô đến và ước ao được nghe lời Thiên Chúa. Nhưng người phù thuỷ ấy, tên Hy-lạp là Ê-ly-ma, chống lại hai ông và tìm cách ngăn cản thống đốc tin Chúa. Bấy giờ ông Sao-lô, cũng gọi là Phao-lô, được đầy Thánh Thần, nhìn thẳng vào người phù thuỷ, và nói: "Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của tất cả những gì là công chính, ngươi không bỏ thói bẻ cong những đường lối ngay thẳng của Chúa sao? Giờ đây, này bàn tay Chúa giáng xuống trên ngươi: ngươi sẽ bị mù, không thấy ánh sáng mặt trời trong một thời gian." Lập tức, mù loà và tối tăm ập xuống trên người phù thuỷ, và ông ta phải lần mò tìm người dắt. Bấy giờ, thấy việc xảy ra, thống đốc liền tin theo, vì ông rất đỗi ngạc nhiên về giáo huấn của Chúa. (Cv 13, 6-12).  Và sau đó: "Từ Pa-phô, ông Phao-lô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-li-a. Nhưng ông Gio-an bỏ các ông mà về Giê-ru-sa-lem." (Cv 13, 13). Ở đây, Barnaba không còn là người đứng đầu mà trở thành bạn đồng hành của Phaolô. Qua những câu trên, chúng ta nắm bắt được sự thay đổi tâm lý phát sinh dần dần và sự đảo ngược vai trò trong chuyến đi truyền giáo lần thứ nhất này.

 

Sự đảo ngược vai trò đã trở thành hầu như chính thức khi Phaolô, chứ không phải Barnaba, là người đầu tiên phát biểu trong chuyến đi truyền giáo này: "Ông Phao-lô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói: "Thưa đồng bào Ít-ra-en và những người kính sợ Thiên Chúa, xin nghe đây' (Cv 13, 16). Bất hạnh là ngay sau đó, Gioan Marcô rời khỏi đoàn và số người đi truyền giáo giảm sút.

 

Trong chuyến đi truyền giáo lần thứ nhất, chúng ta thấy vai trò lãnh đạo thay đổi giữa Barnaba và Phaolô.

 

Trong giai thoại ở Lystra, khi đám đông người ngoại giáo chứng kiến người liệt được khỏi bệnh và tôn hai ngài lên làm thần: "Thấy việc ông Phao-lô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Ly-cao-ni-a: "Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!" Họ gọi ông Ba-na-ba là thần Dớt, ông Phao-lô là thần Héc-mê, vì ông là người phát ngôn." (Cv 14, 11-12). Trong trường hợp này, Barnaba được coi là người đứng đầu, còn Phaolô là người năng động, phát ngôn. Có thể nói, các tín hữu khi thì coi người này, lúc lại coi người kia là lãnh đạo: "Nghe biết được, hai tông đồ Ba-na-ba và Phao-lô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn..." (Cv 14, 15).

 

Ít lâu sau, một luồng gió chống đối nổi lên và chính Phaolô bị ném đá và bị kéo xác ra khỏi thành. Như vậy, mặc dù vai trò lãnh đạo chưa chính thức được chỉ định, nhưng rõ ràng dân chúng đã chọn rồi: dưới mắt họ, dần dần, Phaolô chiếm chỗ nhất. Sứ vụ truyền giáo kết thúc nhưng chưa đổ vỡ, còn biến cố Marcô rời đoàn, tuy để lại sự cay đắng cho hai ngài, nhưng chưa phải là nguyên nhân khó khăn lúc đó.

 

Chương 15 kế đó chỉ cho thấy Phaolô và Barnaba vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau, nhưng từ đây, trật tự đã định hình: Phaolô đứng đầu, Barnaba đứng thứ hai. Cả hai rất ăn ý, làm việc hoà hợp, chia sẻ cùng một tầm nhìn khi chống lại sức ép của các tín hữu gốc Do thái, chủ trương không cần cắt bì cho lương dân khi họ trở lại tin Chúa Giêsu. Toàn bộ chương 15 vẫn còn cho thấy sự hợp tác ăn ý của hai ngài.

 

Điều gì đã xảy ra?

Vào cuối chương 15, thảm kịch đổ vỡ xuất hiện. Công đồng Giêrusalem họp. Một lá thư được trao cho Phaolô, Barnaba và hai anh em khác là Giuđa-Barsabê và Silas, để họ đem về Antiôkia. Hai ngài trở về Antiôkia, ở lại đó, giảng dạy và loan báo Lời Chúa; rồi Phaolô quyết định lại đi truyền giáo. Sách Công vụ tông đồ thuật lại: "Ít ngày sau, ông Phao-lô nói với ông Ba-na-ba: "Ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành ta đã loan báo lời Chúa, xem họ ra sao." (Cv 15,36). Lần này không phải cộng đoàn phái Barnaba và Phaolô đi nữa, mà chính Phaolô thấy mình có trách nhiệm về mọi hoạt động truyền giáo ở Tiểu Á và ngài muốn thăm lại anh em ở các cộng đoàn. "Ông Ba-na-ba muốn đem theo cả ông Gio-an cũng gọi là Mác-cô. Nhưng ông Phao-lô thì nghĩ là một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pam-phy-li-a và đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau. Ông Ba-na-ba đem ông Mác-cô theo, vượt biển đi đảo Sýp. Còn ông Phao-lô thì chọn ông Xi-la và lên đường, sau khi đã được các anh em giao phó cho ân sủng Chúa." (Cv 15, 37-40).

 

Điều gì đã xảy ra? Nhìn khách quan, thì bản văn đã nói rõ ràng: có sự bất đồng ý kiến về một người cộng tác. Người này được Barnaba ủng hộ, còn Phaolô thì không. Nhưng trường hợp này còn tế nhị hơn khi Gioan Marcô là anh em bà con với Barnaba và khi muốn đem Marcô theo, rất có thể Barnaba muốn bảo vệ quan điểm của mình và bênh vực uy thế của gia đình mình. Còn Phaolô thì khăng khăng theo nguyên tắc: "Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay" (Cv 15, 39). Có lẽ cả hai đã tranh luận nhiều ngày, có lẽ cộng đoàn cũng cố gắng hoà giải và thuyết phục hai bên; nhưng tranh luận diễn ra ác liệt đến độ cuối cùng ai đi đường nấy thì tốt hơn. Sự đổ vỡ này được diễn tả bởi từ hy lạp "paraxusmôs", "paroxysme", từ cũng có nghĩa nhẹ hơn trong những trường hợp khác: sự khích động, sự khiêu khích.

 

Nhưng trong chương kế (Cv 17, 16), từ này được dùng để giải thích Phaolô "thấy tức giận ghê gớm" khi thấy thành đầy những ngẫu tượng. Suy ra, chúng ta có thể mường tượng Phaolô tức giận tới mức nào khi tranh luận với Barnaba.

 

Chúng ta cũng gặp động từ này với nghĩa khác trong thư thứ nhất Côrintô. Trong thư này, Phaolô định nghĩa bác ái là gì: bác ái thì không nổi giận (ou paroxunetai) (1Cr 13,5). Chúng ta có thể nghĩ rằng có lẽ Phaolô hồi tâm và nghĩ lại, trước đây, chính mình cũng đã quá nóng giận, không làm chủ được bản thân khi tranh luận với Barnaba.

 

Chúng ta tự hỏi sự bất đồng quan điểm về một người cộng tác sao có thể đưa đến sự đổ vỡ thê thảm như vậy? Trong thực tế, phải chăng đó chỉ là cái cớ? Còn lý do bí ẩn nào khác chăng? Lý do này có thể là tâm lý với sự khó chịu ngày càng gia tăng. Một câu hỏi chính yếu được đặt ra: quyền lãnh đạo truyền giáo thuộc về ai: Phaolô hay Barnaba? Nên nhớ, Barnaba là người mà uy thế được nhìn nhận trong toàn thể Giáo Hội vào cuối thời ký Giêrusalem cách chính đáng. Làm sao ông có thể nhường chỗ cho một người mới tới, một người ít ai biết tới, thậm chí cộng đoàn Giêrusalem có cái nhìn không tốt, và do đó, có thể gây tai tiếng cho việc truyền giáo? Cũng rất có thể vì lý do tâm lý sâu xa hơn: Barnaba thấy mình ở trong tình thế khó xử, mình là người đứng đầu sứ vụ truyền giáo, nhưng thực tế, thì Phaolô lại quyết định mọi sự. Phần Phaolô thì khó chịu vì lý do ngược lại. Chúng ta không thể biết được lý do nào đã đưa đến sự đổ vỡ giữa hai ông.

 

Còn một yếu tố khác: Phaolô thúc đẩy đi đến sự cắt đứt với việc phải giữ luật Môsê do những người Kitô hữu gốc Do thái chủ trương, còn Barnaba lại là thành phần hoà hợp chặt chẽ với Giáo Hội gốc Do thái; Ông chủ trương đừng quá khiêu khích những người này, vì những hậu quả nặng nề có thể phát sinh từ đó. Barnaba đã thoáng thấy các Giáo Hội gốc ngoại giáo sẽ tách khỏi Giáo Hội gốc Do thái, và biến cố đó cuối cùng cũng đã xảy ra; và rất có thể lúc đó, ông muốn tránh bằng mọi giá. Còn Phaolô, chính ngài cũng nói muốn tránh sự chia tách đó, nhưng trong thực tế, cách ngài hành động lại làm cho phe đối nghịch nổi giận và phẫn nộ.

 

Ngoài ra, còn có sự can thiệp của Phêrô ở Antiôkia: Phaolô viết rằng Barnaba bị lôi kéo bởi sự giả hình của những người Do thái (Xem Gl 2, 11-14).

 

Đúng theo lịch sử, không thể biết chính xác điều gì đã xảy ra. Dù vậy, chúng ta phải nhận ra rằng sự đổ vỡ này rất đau đớn và thảm thương cho cả hai.

 

Đâu là những hậu quả của biến cố này?

Nếu theo cái nhìn về mối tương quan con người, một trong những hậu quả này khá mâu thuẫn. Phaolô đã được Barnaba tin tưởng và nhờ sự tin tưởng này, ngài không lạc đường, và có thể trở về với sứ vụ tông đồ. Tuy vậy, ngài đã không thành công trong việc thuyết phục Barnaba về Marcô.

 

Đau khổ của Barnaba rất nặng nề: ông cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, trong khi là bạn hữu của nhau, không phải do ý xấu của Phaolô, nhưng như hậu quả lô-gíc của những gì xảy đến.

 

Sau biến cố này, Barnaba biến mất. Chúng ta không thấy dấu vết nào của ông, dù ông là một nhân vật rất quan trọng của Giáo Hội sơ khai. Phaolô có đề cập đến ông như là một người ngài biết và có tiếng tốt. (Xem 1 Cr 9,6), và một lần khác, cách gián tiếp, như thể ngài muốn tạ lỗi: "Gửi lời chào anh em, có Aristarkhô, người bạn tù của tôi; Marcô, cháu họ của Barnaba -- anh em đã được dặn làm sao về anh ấy rồi, nếu anh ấy đến, xin anh em đón tiếp anh -" (Cl 4,10). Phaolô đã hoà giải với Marcô và, khi nêu tên ông là cháu của Barnaba, dường như ngài muốn nói: "Con người mà có lúc, tôi không muốn đón nhận".

 

Ngoài những đề cập ngắn trên, chúng ta chỉ biết về Barnaba một chút theo truyền thống: Bị đóng khung trong đảo Chypre, ông không còn thực hiện các  cuộc hành trình truyền giáo lớn nữa, ông ở lại quê hương của ông. Trên cánh đồng truyền giáo hạn hẹp này, ông không thể phát triển những ơn huệ bao la của mình.

 

Một bản văn liên quan đến Phaolô đáng chúng ta chú ý vì nó rất có ý nghĩa, dù chỉ xuất hiện cách nay vài năm; đó là bản văn của Hollzner, đầu đề là "Tông đồ Phaolô". Tác giả xem xét kỹ những sự kiện chúng ta vừa đề cập ở trên và nói: "Nhìn những sự kiện xảy ra theo quan điểm loài người, thái độ của Barnaba xem ra dễ có thiện cảm nhất, trong khi Phaolô xét đoán chàng trai trẻ Marcô quá ngặt nghèo. Cũng có thể Phaolô xem ra cứng cỏi và bất công với Barnaba, người mà ngài mang ơn khi ông can thiệp và kéo ngài ra khỏi bóng tối". Tác giả nói thêm: "Tinh thần của Phaolô phải tiến bộ từ nhận biết này sang nhận biết khác, và như vậy, từ từ, ngài đồng nhất với Đức Kitô.” Rồi Hollzner trích dẫn một tác giả người Đức viết tiểu sử thánh Phaolô và chú giải như sau: "Phaolô không phải lúc nào cũng làm chủ được những cảm xúc dâng trào trong lòng ngài; chỉ có một Đấng đã thành công  khi đi trên con đường trần thế mà không dính một hạt bụi, Đấng đó không có một liên hệ nào với tội Ađam". Và Hollzner kết luận: "Tình bạn thân thiết và thánh thiện bị đổ vỡ luôn là một đau đớn; và sự gắn bó càng sâu xa, sự đau đớn của đổ vỡ càng nặng nề. Phaolô ắt hẳn đã nhiều lần suy đi nghĩ lại về thời gian mà Barnaba là người duy nhất tin tưởng ngài, trong khi mọi người đều hoài nghi, và đặc biệt là ngày không thể quên được khi Barnaba đến Tarsô để tìm ngài và cái đêm mà Barnaba đau lòng rơi nước mắt trên xác người bạn mà ông tưởng đã chết ở Lystra. Những liên hệ mất thiết đến thế không thể bị cắt đứt mà không làm cho con tim rướm máu".

 

Ai có lý? Thời gian cho thấy Barnaba có lý; dù vậy, đó là những gì đã xảy ra, và, trong một mức độ nào đó, mỗi người phải thích nghi với tình hình mới.

 

Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về Giáo Hội sơ khai. Giáo Hội đó sẽ thế nào nếu hai tông đồ này không rời nhau. Có lẽ Barnaba có thể đóng vai trò trung gian và làm cho tình hình dịu đi, giúp cho Giáo Hội gốc Do thái không đến nỗi đi đến đổ vỡ. Khó có thể hình thành những giả thuyết về những gì đã không xảy ra. Dù vậy, rất có thể, Phaolô đã hơn một lần hối tiếc vì đánh mất vai trò trung gian, tính nhã nhặn, sự cân nhắc của Barnaba mà có lẽ những điều đó đã giúp cho tình thế sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, Phaolô đã phải để cho những gì xảy đến phải đến, không có gì phải hối tiếc, hoặc nếu có thì rất ít, bởi vì tình hình tồi tệ đã bùng lên mà không ai thực sự hiểu làm thế nào người ta lại đi đến mức độ đó.

 

Những năm trải dài sau đó, Phaolô học biểt đảm đương những khó khăn và những vấn đề phát sinh từ đó.

 

Phaolô đã cảm thấy thế nào về sự đổ vỡ này?

Chắc chắn Phaolô đau lòng vì sự đổ vỡ đó, ngài cảm thấy sự cô đơn đè nặng trên ngài. Nhưng biến cố này cũng giúp ngài ngày càng đào sâu tận căn hơn trực giác ngài đã có trong thị kiến lần thứ nhất ở Đa-mát. Ngài nhận ra rằng chỉ có Chúa là người bạn hoàn hảo, luôn hiện diện, người bạn trung thành duy nhất, hiểu ngài tường tận và không bao giờ bỏ rơi ngài.

 

Một khi hiểu tính khí đầy tình cảm và sục sôi của Phaolô, chúng ta có thể đoán tình yêu của ngài dành cho Đức Kitô được sáng tỏ cách nào, làm thế nào ngài đã yêu Chúa đến cực độ, yêu một cách thắm thiết, nồng nhiệt, với một con tim ngày càng đắm say hơn. Ngày nay, chúng ta vẫn còn ngỡ ngàng khi đọc những câu kỳ diệu trong các lá thư của ngài; những câu chỉ có thể phát xuất từ một tâm hồn đã trải qua những đau khổ, với niềm xác tín rằng Chúa thực sự là tất cả. Chính Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta, và Người biết chúng ta cách thấu đáo; tình bạn loài người, dù đẹp đẽ và vĩ đại đến đâu, đều mờ nhạt trước "sự hiểu biết Đức Kitô, Chúa chúng ta" một cách mãnh liệt.

 

"Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin; để được biết về Ngài và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài: được đồng hình dồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết." ( Phil 3, 8-11). Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô (Phil 1,21). Đối với ngài, Đức Kitô là người bạn không thể chia lìa, chính vì thế, ngài có thể viết trong thư gởi tín hữu Rôma: "Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô?" Dù tôi bất trung đến đâu đi nữa, Người vẫn yêu tôi và mời gọi tôi.

Nhờ trải qua những thăng trầm, tuy không phải luôn rõ ràng, trong sáng, và được dẫn dắt bởi lòng thương xót Chúa, Phaolô từng bước tiến triển trong công việc tông đồ. Ngài nhận ra rằng công cuộc tông đồ không phải là của cá nhân mình, nhưng là của Thiên Chúa, của Nước Thiên Chúa đang tiến về Chúa Giêsu, là Vua và là Chúa.

 

Nơi Phaolô, dần dần, sự đồng nhất Nước Đức Kitô với chính Đức Kitô được hình thành; đó cũng là con đường gian khổ mà Chúa Giêsu đã đưa các tông đồ đi trong suốt cuộc đời trần thế của Người, cách riêng, theo như những gì Tin Mừng Marcô trình bày. Trong phần thứ nhất của Tin Mừng này, Chúa Giêsu là thầy thuốc chữa bách bệnh, một người thần thông quảng đại. Trong phần thứ hai, mầu nhiệm Đấng Mêsia được mặc khải: Nước Trời là chính Chúa Giêsu; trong sự chết và phục sinh của Người, Chúa Giêsu là viên mãn của Nước Trời.

 

Phaolô hiểu rằng điều chính yếu đối với ngài, chính là Đức Kitô; tất cả những cái còn lại, tức là tất cả những gì ngài làm, thực hiện và rao giảng với hết lòng nhiệt thành theo khả năng, chẳng là gì nếu Đức Kitô không ở trong ngài. Sự kết hợp của ngài với Đức Kitô là nền tảng cho toàn bộ đời sống thiêng liêng của ngài.

 

Đức Kitô là Đấng mà trong Người mọi tình bạn tìm được ý nghĩa và nét đẹp. Phaolô thường nói về đề tài tình bạn với các môn đệ, với cộng đoàn, với những người cộng tác, vì chắc chắn, ngài cũng biết làm việc chung theo nhóm, mặc dù điều đó đã có những lúc khó khăn với ngài. Nhưng ngài luôn triển khai tình bạn  sâu xa này từ kinh nghiệm sống động, bền chặt với Đức Kitô: tình bạn trọn vẹn với Đức Kitô là cả cuộc sống của ngài.

 

Cũng vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để được ơn sau: trong những thăng trầm của sứ vụ tông đồ, kinh nghiệm mục vụ giúp chúng ta luôn hiểu rõ ràng hơn rằng tình bạn với Đức Kitô là sự thiết yếu sống còn đối với chúng ta.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 216)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 300)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 814)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 399)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 406)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 446)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 516)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 480)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 533)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 516)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7