Tác giả - Tác phẩm

Phaolô đối diện với chính mình, ĐHY Carlo-Maria Martini(05)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,349
  • Ngày đăng: 20/02/2022 09:38:53

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI NĂM

XÉT MÌNH VỀ Ý THỨC TÔNG ĐỒ

 

Chúng ta sẽ khởi đi từ câu đầu tiên của diễn từ Milêtô, còn được gọi là “chúc thư mục vụ của Phao-lô” hoặc “diễn từ biệt ly” (Cv 20, 17-38).

 

[17 Từ Mi-lê-tô, ông sai người đi mời các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô. 18 Khi họ đến gặp ông, ông nói với họ: 

 "Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến A-xi-a, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. 19 Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái. 20 Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. 21 Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

 22 "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, 23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. 24 Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.

25 "Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. 26 Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. 27Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa.

28 "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.

29 "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. 30 Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. 31 Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ.

32 "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.

33 "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận."

36 Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. 37 Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. 38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.]

 

Có nhiều diễn từ biệt ly trong Kinh Thánh: St 49, diễn từ biệt ly của Gia-cóp; trong Xuất hành, diễn từ biệt ly của Mô-sê; chương 23 và 24 sách Gio-su-ê, là chúc thư của ông, ngoài ra còn có diễn từ biệt ly của Samuel, Đavít, Tôbia, Mattathias. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cũng nói rất dài trong diễn từ biệt ly, đồng thời cũng là cái nhìn lại cuộc đời Người. Diễn từ của thánh Phao-lô cũng nằm trong viễn ảnh đó.

 

Tân ước chỉ cho chúng ta hai diễn từ biệt ly của Chúa Giêsu và của Phaolô. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hai diễn từ này.

 

Cần lưu ý rằng diễn từ Milêtô là diễn từ mục vụ, trong đó, Phaolô nhắc lại những tương quan của ngài với những người ngài hướng dẫn trên đường về với Thiên Chúa trong ba năm. Vì thế, bản văn này hoàn toàn có thể dùng để xét mình về ý thức tông đồ. Chúng ta sẽ khám phá điều gì quan trọng với Phaolô, điều gì đáng quan tâm nhất trong hoạt động tông đồ của ngài.

 

Chúng ta sẽ dừng lại ở câu: “Tôi đã phục vụ Chúa với tất cả lòng khiêm nhường và trong nước mắt” (Cv 20,19) vì câu này nhấn mạnh đến thái độ mục vụ quan trọng cho Giáo Hội thuộc mọi thời.

 

Ở với

Trong phần dẫn nhập diễn từ, Phaolô tóm lược sứ vụ của ngài khoảng ba năm ở Ê-phê-sô như sau: "Anh em biết tôi đã luôn cư xử thế nào với anh em từ ngày tôi đặt chân lên miền Asia" (c. 18). Ngài dùng một công thức cho thấy chính người nghe mới là người xem xét. Ngài không cần kể lại điều gì, mà mời gọi người khác nhớ lại những gì về ngài. Qua những câu này, chúng ta hiểu rằng Phaolô hợp nhất với cộng đoàn của ngài, ngài được mọi người biết đến, và quen thuộc với họ. Ngài không cần kể gì hết vì: anh em biết, anh em đã thấy tôi, tôi đã ở với anh em. Tác vụ của ngài có thể tóm lại như sau: đó là một người đã sống giữa cộng đoàn. Mọi người đều biết rõ về ngài và có thể làm chứng cho ngài.

 

Tác vụ của ngài đặt nền tảng trên quan niệm "hợp nhất với" cộng đoàn, với đời sống chung. Phaolô biết ngài được mọi người nhìn vào và coi là tấm gương và ngài cảm thấy mình có trách nhiệm không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động nữa. Vì thế, ngài không nói: "Anh em hãy nhớ lại những gì tôi đã nói trong thời gian tôi ở với anh em", mà nói: "Anh em biết tôi đã cư xử thế nào". Mọi người trong cộng doàn đã để ý ngài là người thế nào, sống làm sao, ngay trước khi tự hỏi những lời ngài nói có hay, có tốt, có thật và có hữu ích không. Và thái độ của ngài là thái độ của một người phục vụ.

 

Tôi đã phục vụ Chúa

Phục vụ Chúa là điều quan trọng nhất. Phaolô coi mình và những người khác cũng coi ngài như người tôi tớ của Đức Ki-tô, chứ không như người tôi tớ của cộng đoàn. Danh hiệu đó nói lên tính cách đặc biệt của ngài là gắn bó với Đức Kitô và tự do đối với cộng đoàn. Đôi khi chúng ta nói đến thừa tác vụ là “phục vụ” theo nghĩa phục vụ Giáo Hội, giáo phận, giáo dân. Tân ước nói đến phục vụ và tôi tớ cho Đức Kitô. Phaolô cũng nói: “Tôi là tôi tớ của anh em cho Đức Kitô” (1 Cr 9,19), nhưng thường là ngài nói: tôi là tôi tớ của Đức Kitô.

 

Bởi đó, người mục tử phải phục vụ chính Đức Kitô trước hết và trên hết. Chỉ khi nào được như vậy, người đó mới có thể phục vụ Giáo Hội, cộng đoàn, giáo dân.

 

Sự tự do của Phaolô làm chúng ta kinh ngạc: ngài không mắc nợ ai ngoài Đức Kitô; và qua Người, ngài mắc nợ mọi người. Ngài không tìm cách làm hài lòng ai, không phải tính sổ với ai, ngoài Đức Kitô; và mọi người đều biết rằng ngài ở với họ không phải để làm họ hài lòng, thỏa mãn, hay đáp lại những mong ước của họ, nhưng ngài ở với họ là để phục vụ Đức Kitô.

 

Trong nước mắt

Tại sao thánh Phao-lô lại nói Trong nước mắt và với tất cả lòng khiêm nhường” một cách tiêu cực như vậy? Thưa vì đây là những lời biệt ly, không phải là để bắt đầu một sứ vụ quan trọng mới. Điều ngài chờ đợi chắc chắn là bách hại, đau khổ. Đây là một sứ điệp đầy sự hồi tưởng, gợi nhớ lại những đau khổ trước kia như khúc dạo đầu cho những đau khổ sắp tới.

 

Hơn nữa, Trong nước mắt và lòng khiêm nhường” là cách ngài phục vụ Đức Kitô và cũng có ý nói những điều đó thuộc về số phận của Phaolô: cuộc đời ngài được dệt nên bởi khiêm nhường, nước mắt, thử thách, trắc trở và khó khăn. Chúng ta diễn tả điều chúng ta cảm nhận: Phaolô sẽ là kẻ nói dối nếu ngài nói tới những tình cảm không có trong tâm hồn ngài.

 

Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của ba từ “trong nước mắt” qua hoạt động tông đồ của ngài ở Ê-phê-sô. ‘Nước mắt’ là đề tài ngài thường nhắc tới trong diễn từ Milêtô và trong các thư. Trong Công vụ: “Vì vậy, anh em phải canh thức và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ” (Cv 20,31). Ở đây, nước mắt đổ ra vì lo lắng thương yêu, vì tình bạn và được nhấn mạnh để thuyết phục.

 

Một đoạn khác trong 2 Cr 2,4: “Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em”. Phaolô không dễ rơi nước mắt; tuy nhiên, chỉ khi ở trong những hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng, trong những khó khăn hết sức trầm trọng, ngài mới cảm thấy tràn ngập đắng cay và tan vỡ ảo tưởng, đến nỗi phải rơi nước mắt khi nói với cộng đoàn hoặc viết cho họ.

 

Tất cả những điều đó chứng tỏ Phaolô đầy những cảm xúc rung động trong lòng khi thi hành sứ mạng tông đồ; hoàn toàn trái ngược với một viên chức hành chánh, bàn giấy, một trí thức, một người soạn thảo chương trình.

 

Phải là con người tông đồ hiến thân trọn vẹn như Phaolô mới có được những cảm xúc rung động sâu xa như vậy. Bởi đó, ngài cảm nhận sâu xa, sống động mọi đau khổ, thử thách gắn liền với sứ mạng của ngài. Không chỉ nước mắt, mà cả niềm vui, sự phấn khởi ngài cũng cùng một cảm nhận, một rung động sâu xa như vậy: “Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta?” (1Thes 3,9). Những đau khổ nặng nề được đền bù bắng những niềm vui cực kỳ sâu lắng, và những phấn khởi đặc biệt: “Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong cơn gian nan khốn khó.” (2Cr 7,4).

 

Hình ảnh người mục tử mà Phaolô diễn tả cho chúng ta là hình ảnh của một người dấn thân sâu xa với tất cả tâm hồn, tất cả tình cảm trong công cuộc tông đồ. Ngài yêu thương những người được trao phó cho ngài, không chỉ như một nhóm người cách chung, mà còn là từng cá nhân. Ngài nhớ tên, nhớ hoàn cảnh cá nhân, gia đình, công ăn việc làm, bệnh tật của từng người.

 

Đó là lý do tại sao Phaolô nói ngài phục vụ Chúa trong nước mắt.

 

Vởi tất cả lòng khiêm nhường

Tại sao trong hàng ngàn thành ngữ, Phaolô lại chọn những từ này? Ngài chọn nó để định nghĩa sứ vụ của ngài và nhấn mạnh như nền tảng cho cách cư xử của người tông đồ. Từ này cũng như từ Mẹ Maria dùng trong kinh Magnificat: “Chúa đoái nhìn đến những tôi tớ khiêm nhường”. Khiêm nhường ở dây có ý nói là không có ý nghĩa gì, sự thấp hèn, sự nhỏ bé, không quan trọng và không có nhân đức khiêm nhường. Tuy từ khiêm nhường được nói tới rất nhiều, chúng ta cũng không dễ dàng hiểu được tất cả những gì Phaolô muốn ám chỉ trong đó.

 

Nói chung, khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu căng. Đó là những người cho mình là quan trọng, tuyệt vời, đánh giá mình rất cao đến mức hầu như coi mình là qui luật sống cho mọi người; những người tin rằng người khác luôn phải sẵn sàng phục vụ mình, không cần cám ơn bởi vì họ phải làm theo bổn phận của họ. Đó là thái độ nhiều lần Phaolô nhấn mạnh trong các thư của ngài; như trong thư gởi tín hữu Rôma: “Đừng ước mong là những người vĩ đại; hãy ham thích những gì hèn mọn. Đừng tự cao tự đại”. (12, 16). Khiêm nhường là thái độ của người không tự kiêu và không ảo tưởng về giá trị của mình.

 

Người khiêm nhường là người “không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng” (Rm 8, 26). Khi cho rằng mình biết cầu nguyện thì chúng ta lại không đạt tới sự cầu nguyện sốt sắng, vì thế, chúng ta phải luôn bắt đầu bằng việc thú nhận: “Lạy Chúa, con không biết cầu nguyện; con tin rằng con không biết cầu nguyện”. Thú nhận như vậy đã là một lời cầu nguyện, vì chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta.

 

Thái độ khiêm nhường trong hoạt động tông đồ của Phaolô gồm ba phương diện sau:

- Phương diện xã hội: cách thế cư xử.

- Phương diện cá nhân: một nhận biết về mình.

- Phương diện thần học: một tương quan với Thiên Chúa.

 

a/ Phương diện xã hội: một bên là không tự phụ; bên kia là chú ý tới người khác. Phaolô đã là người như thế khi nhìn lại mối tương quan của ngài với cộng đoàn: “Nhưng vì Thiên Chúa xét thấy chúng tôi xứng đáng được trao phó Tin Mừng, nên chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, nhưng dể làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng dò thấu lòng dạ con người. Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám; không bao giờ chúng tôi tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác, trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách Tông đồ Đức Kitô. Trái lại, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi quí mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.” (1 Tx 2, 4-8).

 

Khiêm nhường là thái độ không tự phụ, đầy yêu thương, quan tâm, tình cảm, ân cần. Khiêm nhường, xét về phương diện xã hội, cũng là sự phân biệt, sự sửa đổi, sự dè chừng, sự giáo dục thực sự, một sự tế nhị của linh mục chinh phục tâm hồn con người bởi vì đó không chỉ là thái độ bề ngoài. Không gì đánh động những người bị khinh khi trong xã hội khi họ được tôn trọng và đánh giá cao. Các kitô hữu mà Phaolô chăm sóc phần lớn là nô lệ, thường bị đối xử tàn tệ, bị cười nhạo, khinh bỉ và không được ai quan tâm; thử hỏi khi được tôn trọng và thành thực yêu thương thì họ cảm thấy thế nào! Thái độ khiêm nhường đầy yêu thương của Phaolô làm đảo lộn tâm hồn họ đến đâu!

 

b/ Phương diện cá nhân: đó là một đánh giá rất giản dị về bản thân. Phaolô nhiều lần tự đánh giá về mình cách đúng đắn và theo khả năng dù mỏng dòn và yếu đuối của bản thân cho phép.

 

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, Phaolô nói về Chúa Giêsu hiện ra với ngài: "Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh. 9 Vì tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, vả cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa." (1Cr 15, 8-9). Ngài nói với tất cả sự thật và rất chân thành; đây không chỉ là cảm xúc nhất thời, mà là sự trong sáng khi đánh giá về bản thân. Ngài đã học được sự đánh giá chắc chắn này trong trường đời, trường này đã giúp ngài ý thức về sự dễ bị tổn thương và sự khốn khổ của mình. Ngài học biết nhìn mình cách khiêm nhường, cởi mở, thanh thản, không mặc cảm tội lỗi và hoàn toàn bình an. "Quả vậy, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em không hay biết về nỗi gian truân đã xảy đến cho chúng tôi ở Tiểu Á. Thật chúng tôi đã phải khốn khó ê chề đến cực độ, quá sức mình, bí đến đỗi không trông sống nổi. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đã đành phận với án tử rồi, để chúng tôi đừng còn nương cậy vào mình, nhưng là vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ chết sống lại." (2Cr 1,8-9). Chúng ta thật sự ngạc nhiên khi nghe một tông đồ nói về chính mình bằng những lời như trên, những lời đưa đến nguy cơ gây cớ vấp phạm. Sự khiêm nhường cá nhân, là kết quả của kinh nghiệm sống, khó thực hiện đối với người trẻ. Dù khi suy niệm về những tình cảm này, những người trẻ không cảm nhận được một cách cá nhân, bởi vì họ không trải qua trường học của những thử thách và kinh nghiệm như vậy. Những thử thách và kinh nghiệm đó giúp chúng ta ý thức về yếu đuối của mình, nhờ đó, chúng đặt chúng ta vào đúng chỗ và giải thoát chúng ta khỏi tính tự phụ.

 

Đáng buồn khi phải thừa nhận rằng đôi lúc những thử thách chúng ta trải nghiệm lại không sinh ích lợi gì cho bản thân. Khi trải qua biết bao gian truân ở Asia, nếu Phaolô tức giận chống lại mọi sự, mọi người, thay vì nhận biết sự yếu đuối và mỏng dòn của mình, ngài đã không rút ra được một lợi ích nào. Trái lại, ngài đã học trở nên một mục tử đích thực, bởi vì giữa muôn vàn đau khổ, ngài đã đạt được đức khiêm nhường, một kinh nghiệm đồng hành và phục vụ ngài trọn đời.

 

c/ Phương diện thần học: Vì sống chân thực cách sâu xa trước mặt Thiên Chúa, Phaolô diễn tả bằng những lời sau: "Vì ai nào đếm xỉa đến ngươi? Ngươi có gì mà lại đã không lãnh nhận? Mà nếu đã lãnh nhận, sao lại vinh vang như không lãnh nhận?" (1Cr 4,7). Nền tảng của thái độ khiêm nhường, là một trong những bí mật của nghệ thuật chinh phục các linh hồn, có một cảm thức sâu xa về Thiên Chúa Sáng Tạo, Chủ, Chúa, thương xót và ban phát mọi ơn lành. Trước mặt Chúa, Phaolô nhận biết mình là kẻ tội lỗi đáng thương, là người đã nhận lãnh ơn sủng, lòng thương xót, ơn cứu độ của Chúa. Lời là của Thiên Chúa, không phải của Phaolô: Lời đã được ban cho ngài theo mức độ ơn ban của Đức Kitô. Cũng vậy, nhiệt thành tông đồ không đến từ ngài, nhưng đã được Đức Kitô. Đấng sống trong ngài, ban cho.

 

Sự khiêm nhường này rất trong sáng vì phát xuất từ Đức Kitô, Đấng ngài đã biết và đã hiểu; một Đức Kitô tôi tớ của Giavê, một Đức Kitô khiêm nhường, bị khinh miệt, đã từ chối chức quyền, không chịu nhảy từ nóc đền thờ xuống để lôi kéo mọi người, không chịu biến đá thành bánh, không muốn thiết lập một vương quốc trần gian, nhưng đã chọn làm đầy tớ mọi người.

 

Khiêm nhường của Phaolô là khiêm nhường của Đức Kitô, ngài đã có được là nhờ Chúa, và ngài diễn tả nó khi để cho Đức Kitô sống trong ngài. Vì thế, ngài có thể giới thiệu nó như thái độ nền tảng của một người phục vụ Chúa theo cách thế Chúa đã phục vụ. Đức Kitô đã phục vụ hết sức khiêm nhường và tôi tớ Người cũng chọn con đường đó khi thi hành quyền bính cách khiêm nhường, khoan dung và dịu hiền của Thầy mình.

 

Đó là một trong những đặc tính phân biệt triệt để giữa quyền bính mục vụ và quyền bính chính trị. Quyền bính mục vụ đặt nền tảng trên sự dịu hiền của Đức Kitô; chính vì thế mà có thể xuất hiện, như nơi Phaolô, sự nghiêm khắc, đòi hỏi, kiên quyết; thái độ đó của Phaolô không xuất phát từ động cơ bảo vệ quyền lợi cá nhân, nhưng từ sự dịu hiền và khiêm nhường của Đức Kitô, mà ngài không sợ có thái độ mạnh mẽ trước cuộc đời.

 

Mỗi người chúng ta cần suy niệm sâu xa về chủ đề này, và phải thừa nhận rằng chúng ta còn ở rất xa lý tưởng đó. Tự bản năng, chủ nghĩa cá nhân sẽ xen vào mỗi khi quyền bính bị coi thường và chúng ta thường xuyên bị cám dỗ lẫn lộn coi việc bảo vệ đặc quyền đặc lợi của bản thân là phục vụ Thiên Chúa.

 

Chúng ta cần được thanh luyện theo gương Phaolô và nhất là được thanh luyện bởi sức mạnh nội tâm từ Đức Kitô hiện diện trong ta. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa gìn giữ trong đức khiêm nhường, chúng ta xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta biết học theo gương Đức Kitô như thánh Phaolô đã noi gương Chúa, trong khi biết rằng đó là một nhiệm vụ gay go và chúng ta còn ở rất xa đích đến. Với ơn Chúa ban, chúng ta hãy đối diện với thực tế này, hãy cố gắng nhận biết những thiếu sót của chúng ta, để xin sức mạnh của Đức Kitô, Đấng ở trong chúng ta, gíúp chúng ta trở nên giống Người.

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 215)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 300)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 813)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 398)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 406)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 446)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 516)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 480)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 533)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 516)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7