Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 6 Phục sinh năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,908
  • Ngày đăng: 04/05/2021 11:36:40

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH, NĂM B

 

 

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay trình bày chân lí nền tảng này là những ai tin vào Chúa Kitô đều phải tuân giữ điều răn yêu thương của Người: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Đây là một tình yêu không bị giới hạn bởi những ranh giới của con người nhưng mang tính phổ quát. Đây là một tình yêu có thể biến đổi chúng ta hoàn toàn.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 10.25-26, 34-35, 44-48

Ông Cornêliô gia nhập đạo Chúa

Chúa Giêsu Đấng Messia xuất thân từ Do Thái, đã hoàn thành lời Thiên Chúa hứa với Abraham. Các Kitô hữu đầu tiên ngạc nhiên nhận thấy rằng ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang lại không chỉ dành cho riêng người Do Thái mà còn cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Đây là câu chuyện xảy ra. Ông Phêrô đã được chuẩn bị cho điều này bằng một thị kiến Chúa hủy bỏ luật ăn kiêng của người Do Thái. Sau đó, ông được truyền lệnh là đưa viên đại đội trưởng Corneliô gốc dân ngoại đến với đức tin. Bây giờ, ngay khi Phêrô đang giảng cho ông Corneliô và gia đình của ông, Chúa Thánh Thần chủ động ngự xuống trên những người nghe Lời Thiên Chúa. Quả thật, đây chính là lễ Ngũ Tuần của dân ngoại. Ngày nay, chúng ta cũng vui mừng khi nhận thức rằng cộng đoàn của chúng ta là những người được tuyển chọn, tuy nhiên chúng ta lại lơ là sự thể rằng tình yêu Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người quy hướng về Ngài và được cứu độ. Chúng ta có lẽ đã đọc đi đọc lại rằng Chúa Giêsu đã buông mình ra để tiếp đón những người phung hủi, gái điếm, người thu thuế,... và chúng ta vẫn cảm thấy khó tin rằng đối với Thiên Chúa, họ lại không phải là “những người đáng xa lánh”. Thiên Chúa thì không thiên tư ai, nhưng chúng ta vẫn cứ muốn được thoải mái suy nghĩ trong những chiếc kén nhỏ hẹp của riêng mình.

 

ĐÁP CA: Tv 98,1-4

Chúa mặc khải quyền năng cứu độ

Thánh vịnh này là một bài thánh ca ngợi khen những chiến thắng của Đức Chúa và sự mặc khải quyền năng cứu rỗi của Ngài cho các quốc gia trên trái đất. Đức Chúa không chỉ thể hiện lòng nhân từ và trung thành của Ngài đối với dân giao ước, mà những hành động vĩ đại của Ngài dành cho dân Israel còn là một bằng chứng cho các quốc gia khác trên thế giới nhận biết cả quyền năng và lòng thương xót của Ngài nữa. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh kêu gọi cả trái đất hát một bài ca vui mừng ngợi khen Chúa là Đức Chúa của Israel.

 

Thiên Chúa bày tỏ quyền năng cứu độ của Ngài qua sự hy sinh của Chúa Con. Nhờ đó, Thiên Chúa mở rộng ân sủng cứu độ đời đời cho tất cả những ai đến với Ngài trong đức tin, thể hiện qua Bí tích Rửa tội (Mc 16,16). Mỗi người thể hiện đức tin trong hành động bằng việc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong nước và Thần Khí, thì trở nên con cái theo hình ảnh Chúa Kitô trong gia đình Hội Thánh của Thiên Chúa (Ga 3,5-7). Ngài ban tặng hồng ân cứu độ của Ngài, không phân biệt nguồn gốc dân tộc, tuổi tác hay giới tính của họ, và Ngài cung cấp cho họ một gia đình thánh thiêng trong Vương quốc của Ngài là Giáo hội.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 4,7-10

Tình yêu theo Kitô giáo

Vào thời điểm này, người Do Thái coi dân ngoại là ‘lũ chó’. Điều này không có nghĩa đó là con vật nuôi được yêu quý, nhưng là con vật đáng sợ dùng để bảo vệ hoặc con vật moi rác bẩn thỉu. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy Thiên Chúa thực sự muốn đưa những người dân ngoại đến với mình bằng cách sai Thần Khí đến trên họ. Bài đọc thứ hai hôm nay đã suy ngẫm về bản chất của tình yêu đó. Câu nói hóm hỉnh của người xưa rằng, “tôi yêu người ấy nhưng tôi không thể chịu được phải nhìn thấy họ”, sẽ không thể chấp nhận được nếu Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là bản tính của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không chỉ là nguồn gốc của tình yêu và sự sống, và là chính tình yêu thương, thì ngay cả câu nói xa vời “thực tâm cầu mong điều tốt cho ai đó” là không đủ. Có ai trong chúng ta hài lòng và thoải mái với ý nghĩ rằng Chúa không thực sự yêu tôi nhưng Ngài mong tôi tốt lành, từ một khoảng cách xa vời nào đó không? Tình yêu thì tạo ra tình cảm, sự tôn trọng, sự tin tưởng và mong muốn đến gần hơn với tha nhân. Thật an ủi khi biết rằng chúng ta là con cái của Chúa và có thể gọi Chúa là ‘Abba’, nhưng hệ quả của điều này còn đáng kinh ngạc hơn, đó là dù bạn là ai, bạn vẫn là thành viên thân thiết nhất của gia đình tôi, bất chấp mọi lỗi lầm thiếu sót của bạn!

 

TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Mẫu mực của tình yêu thương

Đoạn văn này là một trong những mô tả nổi tiếng nhất về tình yêu. Từ ngữ Hy Lạp được sử dụng không phải là eros, một hình thức khao khát chiếm đoạt người hoặc vật được yêu thích, cũng không phải là philia, biểu thị tình yêu trong quan hệ họ hàng hoặc những người có tương quan gần gũi. Từ ngữ được sử dụng là agape, một từ tự nó rất giống với philia nhưng trong Tin Mừng Gioan mang ý nghĩa thần học rất đặc biệt. Đây là từ duy nhất được dùng để mô tả tình yêu đối với Thiên Chúa, và nó cũng mang hàm ý này khi được áp dụng cho tình yêu đối với người lân cận. Từ này xuất hiện chín lần trong bài đọc hôm nay, nối kết lại với nhau tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu, tình yêu Chúa Giêsu dành cho bạn hữu của Người và tình yêu bạn bè dành cho nhau.

 

Nguồn gốc của tình yêu này chính là tình yêu Thiên Chúa: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy” (c. 9); “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (c. 12). Các môn đệ được mời gọi sống tình yêu thương này (cc. 9,10), và ở lại trong đó. Động từ meno có nghĩa là “ở lại một nơi.” Nó gợi ý một sự kết hợp liên lỉ với Chúa. Sự kết hợp này không nhắm đến một hoàn cảnh thoáng qua; mà nó là trạng thái tồn tại kéo dài. Nó sẽ được hoàn thành thông qua sự vâng lời. Trong điều này, Chúa Giêsu vừa là kiểu mẫu vừa là Đấng trung gian. Cũng như Người đã vâng giữ các điều răn của Chúa Cha, thì các môn đệ cũng phải tuân giữ các điều răn của Người. Thật vậy, chính qua sự vâng lời của họ đối với Người mà họ sẽ vâng lời Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu hứa với các môn đồ rằng nếu họ ở lại trong tình yêu thương của Người và tuân giữ các điều răn của Người thì họ cũng được chia sẻ niềm vui với Người. Mặc dù đoạn Kinh thánh không mô tả đặc điểm của niềm vui này, nhưng chúng ta có thể cho rằng nó xuất phát từ sự kết hợp với Thiên Chúa. Hơn nữa, đó là một niềm vui không bị suy giảm bởi sự hy sinh, ngay cả sự hy sinh mạng sống của người này cho người khác, (c. 13).

 

Mô hình của tình bạn được phác thảo rõ ràng. Bạn bè là người thân thiết với chúng ta đến mức chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng vì họ. Mặc dù chúng ta có thể cho rằng tình yêu dành cho người bạn này chỉ mang ý nghĩa philia, nhưng chúng ta biết Chúa Giêsu đang nói về agape, tình yêu mà Người dành cho bạn hữu của Người, một tình yêu giống như tình yêu của Cha Người. Các môn đệ chính là những người bạn mà Chúa Giêsu nói tới. Họ không phải là những nô lệ chỉ vâng phục một cách mù quáng. Được Chúa Giêsu chọn, họ đã nghe và đón nhận ý muốn của Thiên Chúa như Người đã trình bày. Họ đã đáp trả một cách tự do, giống như một người bạn đáp trả. Vì vậy, Người gọi họ là bạn, và như tình yêu Người dành cho họ, Người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho họ. Đến lượt họ, họ cũng phải yêu thương nhau một cách tương tự và có lẽ, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì nhau.

 

Tình yêu được mô tả ở đây là tình yêu tích cực, vươn tới những người khác - Chúa Cha đối với Chúa Giêsu, Chúa Giêu đến với các môn đệ của Người, các môn đệ đến với nhau. Nhưng nó không được dừng lại ở đó. Tình yêu tích cực này phải vượt ra khỏi giới hạn của nhóm những người được chọn để tiến vào thế giới rộng lớn hơn. Những người đã được chọn để yêu thương cũng được mời gọi để loan truyền tình yêu này. Họ phải ra đi để tình yêu và sự vâng lời của họ phải sinh hoa kết trái trong đời sống của tha nhân. Hoa trái này sẽ bền vững (tiếng Hy Lạp cũng mang ý nghĩa “ở lại”). Vòng tròn sẽ được hoàn tất khi Chúa Cha ban cho các môn đệ những lời thỉnh cầu họ xin nhân danh Chúa Giêsu.

 

Bài đọc kết thúc với lệnh truyền tóm tắt toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương nhau.”

 

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2746-2751 : Lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly

+ GLHTCG 214, 218-221, 231, 257, 733, 2331, 2577 : Thiên Chúa là tình yêu

+ GLHTCG 1789, 1822-1829, 2067, 2069 : Yêu mến Chúa và tha nhân là chu toàn các Điều Răn

+ GLHTCG 2347, 2709 : Tình bằng hữu với Chúa Kitô

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 88)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 164)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 192)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 177)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 241)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 187)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 345)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 297)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 298)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 236)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới