Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 18 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,891
  • Ngày đăng: 27/07/2021 14:29:49

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B

 

 

Tin Mừng Chúa nhật tuần này tiếp tục chủ đề bánh sự sống. Các bài đọc một lần nữa cho thấy sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Tuy nhiên, vào Chúa nhật này, ý nghĩa của việc cho bánh ăn bắt đầu khai mở. Thức ăn được ban là lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Bánh đó chính là Chúa Giêsu, là Con Người, để ai tin sẽ được sự sống muôn đời.

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 16,2-4,12-15,31

Manna từ trời

Cuộc hành trình của dân Israel qua sa mạc Sinai được Kinh Thánh nhìn ở hai góc độ khá khác nhau. Ở một góc độ nào đó, đó là thời kỳ Israel sống giao hòa trọn vẹn với Thiên Chúa. Đó là một thời kỳ “trăng mật”, khi dân Israel tuyệt đối trung thành với Đức Chúa của họ. Từ góc độ khác, nó được coi là sự khởi đầu của thái độ lẩm bẩm chống lại Đức Chúa, điều này sẽ dần dần trở nên nguyên cớ cho những hành động bất trung mà cuối cùng dẫn đến việc Israel bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày sang Babylon. Bài tường thuật này về bánh từ trời vừa cho thấy sự thiếu kiên nhẫn của Israel đối với Chúa và đồng thời sự chịu đựng kiên trì của Chúa đối với dân Israel. Bối cảnh lịch sử ở đây là Đức Chúa quan tâm đến dân Ngài, cung cấp thức ăn cho họ trong suốt một thế hệ lang thang trên sa mạc Sinai đầy đe dọa và khắc nghiệt, một vùng đất cát đá mênh mông, hoang hóa, một nơi hầu như không có sứ sống. Sự chăm sóc này chủ yếu bằng manna, một chất dẻo ngọt được tiết xuất từ các bụi cây ở vùng Sinai, theo cách mà Israel thấy là kỳ diệu. Câu chuyện này đã tiến triển trong việc kể lại: nó được liên kết với việc giữ ngày Sabát, vì manna không thể thu hoạch vào ngày Sabát. Thứ hai, với cách chơi chữ điển hình trong tiếng Hipri, chất kỳ lạ này được liên kết với cụm từ manhu, có nghĩa là “Nó là cái gì đây?”

 

ĐÁP CA: Tv 78:3-4,23-25, 54

Bánh các thiên thần

Thánh vịnh này nhắc lại lịch sử các thế hệ đã qua của dân giao ước cũ, đồng thời cho thấy Thiên Chúa rất mực nhân từ mà dân lại bội bạc. Một trong số các công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện, đó là Ngài đã ban manna để nuôi dân Israel trong bốn mươi năm sau khi họ rời Ai Cập. Lần đầu tiên họ nhận được món quà của Ngài là “bánh các thiên thần” trong cuộc hành trình ra khỏi Ai Cập để đến núi Sinai, nơi Ngài nhận Israel làm dân giao ước của Ngài. Sau đó, Ngài tiếp tục nuôi sống họ trong cuộc hành trình tiến về “miền đất thánh” mà Ngài đã hứa với các Tổ phụ, ở đó họ sẽ xây dựng Đền thờ cho Ngài trên núi Morigia.

 

Cũng vậy, Thiên Chúa nhân từ rộng lượng trong việc cung cấp các nhu cầu của dân giao ước mới của Ngài. Ngài ban cho chúng ta “bánh hằng sống” từ Trời: Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa Con trong Bí tích Thánh Thể. Ngài cung cấp nguồn lương thực thiêng liêng kỳ diệu này để nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc lữ hành trên dương thế này, tiến về quê hương vĩnh cửu là nước Thiên Đàng.

 

BÀI ĐỌC 2:  Ep 4,17.20-24

Tạo vật mới trong Chúa Kitô

Trong thư gửi tín hữu Rôma Phaolô dạy rằng, bằng cách chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô, chúng ta được kết hợp với Người trong sự sống lại của Người và trở thành một tạo vật mới. Chúng ta nên một với Người, được tháp nhập vào Người. Người nhìn nhận chúng ta như là đang sống với nguyên lí sự sống của Chúa Kitô, tức là Thần Khí. Chúng ta không còn sống theo lối sống cũ vốn làm hư hoại chúng ta. Trong Côrinthô thứ nhất, Phaolô mở rộng hướng nhìn về những cách sống mà sự sống theo Thần Khí này mang lại: những đặc sủng đa dạng của Thần Khí kết hợp lại để tác tạo nên người Kitô hữu, và xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Bây giờ, trong thư Êphêsô, chúng ta thấy một hệ quả của điều đó. Kitô hữu nhiều lần được mô tả như một Con người Mới, một tạo vật mới, theo hình mẫu của Ađam thứ hai. Vậy trong thực tế, tất cả những gì nói về “sự sáng tạo mới” thì có ý nghĩa như thế nào? Trước tiên, nó đặt ra câu hỏi là liệu chúng ta đã thực sự được đổi mới hay chưa. Với tư cách là một Kitô hữu, các giá trị mà chúng ta tìm kiếm và thái độ sống của chúng ta có hoàn toàn mới không? Tiêu chuẩn đó có khác với những ưu tiên mà tôi sẽ xây dựng nếu tôi không phải là Kitô hữu không? Đặc biệt liên quan đến Thân Thể Chúa Kitô và các đòi hỏi đặt ra, tôi có tham gia vào các nỗ lực chung và các hoạt động tông đồ để kiến tạo nên cộng đoàn Kitô hữu không? Tôi có thực sự thể hiện khả năng riêng của mình để xây dựng cộng đoàn không?

 

TIN MỪNG: Ga 6,24-35

Thực hiện việc mà bánh đòi hỏi: tin vào Con Người

Bài giảng của Chúa Giêsu về bánh sự sống đi theo một phương pháp giải thích truyền thống của giáo sĩ Do Thái. Đầu tiên, một đoạn Kinh Thánh được trích dẫn (c. 31); sau đó phân tích từng từ một được đưa ra. Bài giảng được trình bày ở đây thực sự là một đáp trả trước sự thách thức của những người đòi một dấu chỉ xác minh thẩm quyền của Chúa Giêsu, và điều này lại xảy ra sau khi họ đã được no bởi bánh mà Người cung cấp cho họ. Toàn bộ bài đọc kết hợp ba chủ đề này lại với nhau: bánh ăn, dấu chỉ, việc làm.

 

Ý tưởng về bánh được sử dụng theo ba cách khác nhau nhưng liên kết với nhau. Trước tiên, Chúa Giêsu biết rõ lý do đám đông đi theo Người. Người biết họ không thực sự tìm kiếm Người vì bất kỳ lý do tôn giáo nào. Họ không truy tìm dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Họ đã được Người cho ăn nhưng họ còn muốn được nhiều hơn như vậy. Chúa Giêsu biến ước muốn có bánh của họ thành cơ hội để dạy họ về một loại thức ăn khác. Cái bánh mà họ mong muốn chỉ làm cho họ thỏa mãn cơn đói tạm thời, nhưng Người có lương thực đem lại cho họ sự sống trường tồn.

 

Đám đông đã được phát bánh ăn mà không cần phải làm việc để đạt được, nhưng họ biết rằng thông thường họ sẽ phải vất vả lắm mới có được bánh. Một lần nữa Chúa Giêsu sử dụng một ý tưởng mà họ biết rõ để dạy một lẽ thật sâu sắc hơn. Người diễn giải lại công việc. Lao động gắng công là đòi hỏi để làm ra bánh thông thường; nhưng một loại công việc khác được yêu cầu đối với bánh mà Chúa Giêsu nói. Khi họ hỏi Người làm thế nào họ có thể hoàn thành việc Thiên Chúa muốn (có lẽ là chu toàn lề luật), Người giải thích lại công việc một lần nữa. Việc mà Thiên Chúa muốn là tin vào Chúa Giêsu. Đây là một tuyên bố táo bạo; và đám đông yêu cầu Người cho họ biết lý do để tin vào Người. Chẳng hạn, Thiên Chúa đã cho tổ tiên của họ ăn bánh từ trời. Người có thể làm gì? Một thử thách đáng kinh ngạc sau khi chính Chúa Giêsu vừa cung cấp bánh cho họ.

 

Tham chiếu Kinh Thánh, câu 31 là câu chuyện về manna trong hoang địa (x. Xh 16, 4). Mặc dù người Do Thái không có ý nói rằng ông Môisen đã ban bánh cho tổ tiên họ, nhưng Chúa Giêsu sử dụng một lối tranh luận vững chắc để làm cho quan điểm này trở nên rất rõ ràng. Cũng như Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên họ manna từ trời xuống, thì Ngài cũng ban cho họ bánh thật từ trời, bánh ban sự sống cho thế gian. Qua sự giải thích cẩn thận, Chúa Giêsu đã dẫn họ từ việc tìm kiếm sự thỏa mãn về vật chất một cách hời hợt đến việc khao khát những điều sâu xa hơn về Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Người đã chuẩn bị cho họ đón nhận lời tuyên xưng: Tôi  là bánh ban sự sống.

 

Một số chỉ dấu đã chuẩn bị cho họ khẳng định đáng kinh ngạc này. Chúa Giêsu nói rằng lương thực thường tồn sẽ do Con Người ban cho họ (c. 27); và Người cho họ biết rằng bản thân Người có mối quan hệ đặc biệt với Đấng mà Người gọi là Cha ( cc. 27, 23), do đó đồng nhất mình với Con Người bí ẩn. Dân chúng nhận ra rằng Chúa Giêsu xưng mình là Đấng được Thiên Chúa sai đến mà họ phải tin (cc. 29-30). Tất cả điều này dẫn đến kết luận rằng Chúa Giêsu, Con Người, cũng là bánh ban sự sống mà Thiên Chúa gửi xuống từ trời. Nói đến bánh gợi lên ý tưởng về sự ăn uống, thì giáo huấn của phần này liên quan đến đức tin, chứ không phải Thánh Thể. Ở đây, bánh sự sống có thể mở rộng đến một chủ đề khác về đức khôn ngoan, và những ai tin sẽ được toại lòng (c. 35).

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1333-1336 : Dấu chỉ Thánh Thể của bánh và rượu

+ GLHTCG 814-815, 949-959 : 1691-1696 : Sự sống trong Chúa Kitô

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 48)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 152)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 191)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 150)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 239)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 321)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 244)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 312)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 244)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7