Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa TT hiện xuống

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,804
  • Ngày đăng: 18/05/2021 13:44:17

 Tìm Hiểu Lời Chúa

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Năm B

 

 

Ngày lễ hôm nay đánh dấu sự kết thúc mùa Phục Sinh, nhưng là biến cố khai sinh Giáo hội. Giống như phần kết của một bản giao hưởng hoành tráng, các bài đọc hôm nay tóm tắt lại những chủ đề đã xuất hiện trong suốt mùa Phục sinh: Kitô học, thần học ba ngôi, triều đại Thiên Chúa, sự sám hối, ơn cứu chuộc, sứ vụ truyền giáo, tính phổ quát của Giáo hội. Tất cả đều liên kết với nhau cũng như chúng ta được kết hợp với nhau trong thân thể của Chúa Kitô.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 2,1-11

Ngày khai sinh Giáo hội

Sứ vụ của Chúa Giêsu được khởi đầu với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần trong biến cố phép rửa. Đến lượt Giáo hội, hoạt động nối tiếp công trình cứu thế của Chúa Giêsu, cũng khởi sự bằng biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần. Người ta không thể làm chứng cho Chúa Giêsu và công trình cứu chuộc của Người, cũng không thể bắt đầu hoạt động rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nếu không được Chúa Thánh Thần khởi động. Một bài học khác từ sự song hành này, đó là sứ vụ và đời sống của Giáo hội cũng giống như của chính Chúa Giêsu. Giáo hội, được quyền năng và sức mạnh Chúa Phục Sinh trao ban, cũng nỗ lực xây dựng vương quyền của Thiên Chúa trên trần gian này, đưa nó đi đến hoàn tất bằng các hoạt động chữa lành, bằng tình yêu và niềm vui chia sẻ. Những luồng gió mạnh và lưỡi lửa là một ám chỉ về sự xuất hiện của thần trí Đức Chúa ngự xuống trên ông Môsê và các kì mục trong Cựu Ước. Vì vậy, sứ điệp của lễ Ngũ Tuần mới, đó chính là sự hoàn thành Cựu Ước, vượt ra khỏi cộng đoàn Do Thái giáo để bao gồm tất cả các dân tộc trên thế giới. Sự hợp nhất tất cả các dân tộc để mọi người đều hiểu một ngôn ngữ theo cách riêng của họ, là một sự tương phản nổi bật với hoàn cảnh xảy ra ở tháp Babel, khi Đức Chúa chia rẽ tất cả các dân tộc trên thế giới, làm cho ngôn ngữ của họ bị xáo trộn đến nỗi không thể hiểu nhau (St 11). Danh sách các dân tộc không được công bố chính là một dấu chỉ nói lên tính phổ quát của Giáo hội.

 

ĐÁP CA: Tv 104:1, 24, 29-31, 34

Thần Khí đổi mới mặt đất

Trong Thánh vịnh đáp ca hôm nay, chúng ta ngợi khen Chúa là Đấng Tạo Hóa và sự canh tân liên tục của Ngài đối với trái đất và tất cả sự sống trong đó. Văn chương khôn ngoan nói nhiều đến thần trí Đức Chúa bao trùm mặt đất. Hơi thở ban Thần Khí sự sống của Chúa đổi mới công trình tạo dựng. Trong tiếng Hípri, từ “hơi thở” được dịch là ruah, có nghĩa là hơi thở, gió, không khí hoặc tinh thần. Từ ngữ này cũng được tìm thấy trong sách Sáng Thế 1,1-2, trình bày thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước khi bắt đầu công trình sáng tạo.

 

Khi tác giả Thánh vịnh nói tới sự đổi mới mặt đất có lẽ ông chỉ nghĩ đến những thay đổi cảnh sắc trời đất trong một khoảng thời gian đặc biệt của bốn mùa. Kitô hữu giải thích lại thánh vịnh này và áp dụng nó vào việc canh tân sự sống nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, mà Giáo hội là hoa trái đầu mùa.

 

Câu đáp ca trong thánh lễ hôm nay: “Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này” là một câu được dịch cách khác trong bài Thánh vịnh (c. 30): “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này”. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều tham dự vào công trình sáng tạo và duy trì trái đất (x. GLHTCG 288, 295, 703, 1333, 2828-2829).

 

BÀI ĐỌC 2: Gl 5,16-25

Hoa quả của Thần Khí

Khi viết cho tín hữu Galatia, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các Kitô hữu không cần thiết phải tuân theo các quy định của luật Do Thái. Để chứng minh điều này, ngài đưa ra những hoa trái của Thần Khí mà họ có thể nhìn thấy ở giữa họ: những hoa trái này phát sinh từ Chúa Kitô, chứ không phải từ lề luật. Vì Phaolô viện dẫn chúng như một bằng chứng, nên những hoa trái của Thần Khí phải được nhìn thấy trực diện. Hành vi của các Kitô hữu hẳn phải khác biệt rõ ràng so với những người khác. Vậy trong thế giới hiện đại, đời sống của các Kitô hữu có gì khiến họ được ghi một dấu ấn không thể nhầm lẫn được không? Và Phaolô đưa ra một danh sách đầy đủ các hoa trái của Thần Khí và các việc đối nghịch của chúng do xác thịt, tức là các việc của hành vi tự nhiên, không theo khuôn mẫu và tính ích kỷ. Chúa Kitô đã sai Thần Chân Lí của Người đến với chúng ta, để hành vi của chúng ta được hoàn toàn biến đổi, và để chúng ta có thể sống với sự sống của Ngài. Các việc của xác thịt không chỉ là sự méo mó về những bận tâm về thân xác, về lòng tham, sự hám lợi và buông thả tình dục, mà còn bao gồm cả những điều dễ mắc phạm như là ghen tị và cãi vã. Danh sách Phaolô đưa ra chỉ là một bản danh sách ngắn cần thiết để áp dụng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúa Thánh Thần ngự đến có tạo ra sự khác biệt nơi chúng ta không? Chúng ta có thật sự nên giống Chúa Kitô nhiều hơn những người ngoại đạo tốt xung quanh chúng ta không?

 

CA TIẾP LIÊN: Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến)

Bài ca tiếp liên là một phần cử hành đặc biệt, dành cho những lễ trọng đặc biệt, hiện nay là lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Những Ca tiếp liên rất khó truy cứu nguồn gốc lịch sử và tác giả thực sự. Những bài ca tiếp liên đã trở thành những tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng, bởi vì có ý kiến cho rằng nguồn gốc của nó có liên quan đến những buổi diễn nguyện thời Trung Cổ.

 

Veni Sancte Spiritus là một trong bốn Ca tiếp liên được quy định trong sách lễ Rôma ấn hành năm 1570, sau Công đồng Trentô (1545–63). Giáo hội khẩn nài Chúa Thánh Thần ngự đến như Đấng là Cha kẻ bần hàn, Đấng an ủi tuyệt diệu, sự An nghỉ dịu dàng, Ánh Sáng linh diệu, Đấng chữa lành…Ba Ca tiếp liên khác là “Victimae Paschali Laudes” cho lễ Phục Sinh; “Lauda Sion”, lễ Mình và Máu Chúa Kitô; và “Dies Irae” cho lễ Cầu hồn. Vào năm 1727 Đức Bênêđictô XIII lại thêm Ca tiếp liên “Stabat Mater” vào lễ kính Bảy sự Đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria.

Trước Công đồng Trentô rất nhiều lễ có những Ca tiếp liên riêng. Vào mùa Phục Sinh có khoảng 16 Ca tiếp liên khác nhau được sử dụng.

 

TIN MỪNG: Ga 15,26-27; 16,12-15 (B)

Chỉ trong Tin Mừng thứ bốn, Chúa Thánh Thần mới được gọi là Đấng Bảo Trợ (Paraclete). Mặc dù danh xưng này xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự an ủi (paraklesis), nhưng ý nghĩa ở đây là “Đấng trợ giúp” hoặc “Đấng bênh vực”. Không rõ ai đang được giúp đỡ, Chúa Giêsu hay các môn đệ?  Thực ra điều đó không có gì khác biệt lắm, vì ai giúp Chúa Giêsu tiếp tục công việc mà Người đã khởi đầu chắc chắn cũng giúp những người đón nhận công việc của Người. Hai đặc điểm rất quan trọng của Đấng Bảo Trợ được nhấn mạnh trong bài đọc này là: các mối quan hệ giữa Chúa Giêsu, Thánh Thần và Chúa Cha; và vai trò của Đấng Bảo Trợ trong việc tìm kiếm chân lí.

 

Bài đọc này có thể cho thấy rõ sự khởi đầu và chỉ là sự khởi đầu của sự hiểu biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hai lần bản văn tuyên bố rằng Đấng Bảo trợ đến từ nơi Chúa Cha (c. 26). Điều này xác định rõ ràng Chúa Cha là cội nguồn của Ba Ngôi. Mối quan hệ giữa Đấng Bảo Trợ và Chúa Giêsu khá khác nhau. Mặc dù Chúa Cha là nguồn mà Đấng Bảo Trợ xuất phát, nhưng chính Chúa Giêsu mới là Đấng thực hiện việc sai đi. Sau khi được sai đi, Đấng Bảo Trợ sẽ cùng với các môn đệ làm chứng cho Chúa Giêsu. Hơn nữa, Đấng Bảo Trợ, còn được gọi là Thần Chân Lý, sẽ tôn vinh Chúa Giêsu và sẽ soi trí mở lòng cho các môn đệ những gì đã được bày tỏ cho họ qua Ngài (16,13-14).

 

Cuối cùng, mối quan hệ của Chúa Giêsu với Đức Chúa Cha cũng là duy nhất. Trước tiên, để sai Thần Khí từ Chúa Cha, Chúa Giêsu phải kết hợp mật thiết và hiện diện với Chúa Cha. Hơn nữa, Chúa Giêsu tuyên bố rằng những gì thuộc về Cha cũng là của Người. Điều này cho thấy rằng những gì Thần Chân Lý mặc khải đều thuộc về Chúa Cha và Chúa Giêsu. Như vậy những phác thảo cơ bản của thần học ba ngôi đã được trình bày: Chúa Cha là cội nguồn tối cao; Chúa Con chia sẻ những gì Chúa Cha có; và Chúa Thánh Linh mặc khải những mầu nhiệm của Chúa Cha và Chúa Con..

 

Chủ đề quan trọng thứ hai của bài đọc là vai trò của Đấng Bảo Trợ trong việc tìm kiếm chân lí. Vai trò này có ba chiều: làm chứng, tôn vinh và giáo huấn. Đấng Bảo Trợ và các môn đệ làm chứng cho điều gì? Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã cho biết về bản thân Người và về những điều sắp xảy ra. Các môn đệ có thể được coi là nhân chứng đáng tin cậy vì họ đã ở với Chúa Giêsu ngay từ khi Người bắt đầu sứ vụ. Đấng Bảo Trợ xuất phát từ Thiên Chúa và vì lý do này Ngài cũng được coi là đáng tin cậy. Việc nhấn mạnh vào những nhân chứng đáng tin cậy cho thấy ý niệm về chân lý phải được thiết lập vững chắc trong bài đọc này quan trọng như thế nào.

 

Có vẻ như các môn đệ đã không hiểu được nhiều điều mà Chúa Giêsu đã tiết lộ cho họ. Chính vì thế, còn nhiều điều mà Người còn phải bày tỏ, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận. Vai trò của Thần Chân Lý là tôn vinh Chúa Giêsu và dẫn dắt các môn đệ ngày càng hiểu sâu hơn về những điều Chúa Giêsu mặc khải. Chúa Thánh Thần sẽ không công bố những chân lý mới mẻ hay khó hiểu mà là ý nghĩa của sự sống và giáo huấn của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu rời xa các môn đệ và trở về cùng Chúa Cha, Người sẽ sai Thần Chân Lý đến để tiếp tục những gì Người đã khởi đầu. Người sẽ ra đi, nhưng Thánh Thần sẽ ở lại với họ.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

            +  GLHTCG 696, 726, 731-732, 737-741, 830, 1076, 1287, 2623: Chúa Thánh Thần, lễ Ngũ Tuần

 GLHTCG 599, 597, 674, 715: Các tông đồ làm chứng trong ngày lễ Ngũ Tuần

 GLHTCG 1152, 1226, 1302, 1556: Mầu nhiệm của lễ Ngũ Tuần vẫn tiếp diễn trong Hội Thánh

 GLHTCG 767, 775, 798, 796, 813, 1097, 1108-1109: Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông trong Thánh Thần

Lm. Giuse Ngô Quang Trung 

Bài cùng chuyên mục:

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 25 Thường niên– Năm B -2024 (16/09/2024 07:55:16 - Xem: 59)

Tại sao ở đời người ta thích làm người lớn nhất, người đứng đầu, người lãnh đạo? Theo ý bạn, giá trị đích thật của một người nằm ở chỗ nào?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 24 Thường niên– Năm B - 2024 (09/09/2024 08:51:54 - Xem: 146)

Bạn hiểu thế nào là “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình”? Bạn có kinh nghiệm về “cứu” rồi lại “mất,” hay “mất” rồi lại “cứu” được không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 23 Thường niên– Năm B -2024 (02/09/2024 08:35:15 - Xem: 209)

Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 22 Thường niên– Năm B -2024 (26/08/2024 08:32:24 - Xem: 181)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về đâu là cái chính phải giữ.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường niên– Năm B - 2024 (19/08/2024 08:29:29 - Xem: 173)

Thi thoảng bạn vẫn gặp những câu Lời Chúa thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Bạn có thể ghi lại những câu đó để tìm hiểu sâu hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 20 TN – Năm B - 2024 (13/08/2024 05:30:42 - Xem: 173)

Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 19 TN– Năm B - 2024 (05/08/2024 07:24:20 - Xem: 184)

Bạn có kinh nghiệm thấy mình bị mất đức tin, rồi tìm lại được đức tin không? Bạn có thấy niềm tin vào Chúa Giêsu đem lại sức sống cho cuộc đời của bạn không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 18 Thường Niên – Năm B - 2024 (29/07/2024 07:04:12 - Xem: 256)

Lời Chúa: (Ga 6,24-35) 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” 26 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. 28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. 30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. 32 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. CÂU HỎI 1. Đọc Ga 6,1-25. Hãy tóm tắt diễn tiến của câu chuyện. 2. Trong bài Phúc âm này, Đức Giêsu nói mấy lần câu: “Thật, tôi bảo thật các ông”. 3. Đám đông đi tìm Đức Giêsu và gặp lại Ngài ở Ca-phác-na-um. Đức Giê-su nghĩ họ tìm Ngài vì lý do gì? Đọc Ga 6,26. “Thấy những dấu lạ” nghĩa là gì? 4. Đọc Ga 6,27-29. Đức Giêsu mời đám đông làm việc gì để được lương thực thường tồn? 5. Còn đám đông đã đòi hỏi Ngài phải làm gì? Đọc Ga 6, 30-31. 6. Bánh bởi trời vào thời ông Môsê là bánh gì? Đọc Xuất hành 16,4-5.13-27; Thánh vịnh 78,24. 7. Đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa bánh bởi trời vào thời ông Môsê và bánh bởi trời vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 6,32-33. 8. Khi Đức Giêsu nói đến bánh thật, bánh ban sự sống cho thế gian (Ga 6,32-33), đám đông có hiểu đó là thứ bánh gì không? Họ có hiểu lầm không? Đọc Ga 4,14-15. 9. Đọc Ga 6,35. Cuối cùng Tấm Bánh Đức Giêsu hứa ban là gì? CÂU HỎI SUY NIỆM: Theo bạn, con người hôm nay đói khát điều gì? Người giàu và người nghèo có cùng một đói khát không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 17 Thường Niên – Năm B - 2024 (22/07/2024 09:49:34 - Xem: 238)

Chỉ một chút đóng góp nhỏ bé cũng có thể đưa đến một phép lạ lớn lao? Bạn có kinh nghiệm về điều này không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 16 thường niên – Năm B (15/07/2024 07:30:23 - Xem: 0)

Bạn có phải là người nghiện việc không? Khi mệt mỏi vì gánh nặng công việc, bạn nghỉ ngơi giải trí bằng cách nào ? Đâu là nơi hoang vắng bạn hay đến khi mệt mỏi?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7