Phụ lục

5 PHÚT LỜI CHÚA THÁNG 04/2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 709
  • Ngày đăng: 02/04/2024 18:04:24

22/04/24 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Ga 10,1-10

 KẺ QUEN NGƯỜI LẠ LÀ AI?

“Chiên không nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,5)

 

Suy niệm: Người quen mà Chúa muốn nói đến là mục tử của đàn chiên; còn người lạ là kẻ cướp, kẻ ăn trộm chiên về làm thịt. Mục tử thương chiên như con cái; người lạ coi chiên như đồ vật để mua bán trao đổi. Là con, chiên nhận ra mùi mục tử vì nhiều lần được bồng, vác chiên lên vai về ràn. Trái lại, bị coi là đồ vật, chiên không nhận biết tiếng và mặt người, vì cả hai đều là kẻ xa lạ. Mục tử sẵn lòng hy sinh thời giờ, sự quan tâm, lòng yêu mến chăm sóc đàn chiên, thậm chí phải hy sinh bảo vệ chiên trước thú dữ, kẻ cướp. Đang khi ấy, người lạ chỉ có một mục tiêu là dùng chiên như phương tiện thụ hưởng, làm lợi cho mình. Mục tử là Chúa Giê-su, kẻ trộm là người Pha-ri-sêu, kinh sư, thích mặc áo lông chiên, ăn thịt chiên nhưng lại để đàn chiên là dân chúng bơ vơ vất vưởng như không có người chăn dắt.

 

Mời Bạn: Chương 10 Tin Mừng theo thánh Gio-an nói về Chúa Giê-su, Mục tử nhân lành. Có thể bạn nghĩ ngay đến các mục tử hôm nay, thầm mong các vị là mục tử nhân lành, theo mẫu gương Thầy mình. Dân chúng nói chung và giáo dân trong các xứ đạo nói riêng, được chăm sóc, quan tâm đầu tư để tăng trưởng hay không tùy nơi tấm lòng các vị mục tử ấy. Nếu là giáo dân, bạn hãy nghe theo tiếng các vị mục tử của mình.

 

Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào Lời Chúa: “Tôi đến cho chiên được sống, và sống dồi dào,” tôi tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ cho các linh mục đang phục vụ giữa dân Chúa.

 

Cầu nguyện: Sacerdos victima (“Linh mục tế vật”). Xin cho các mục tử của chúng con ngày càng trở nên hy tế xứng hợp với của lễ các ngài dâng trên bàn thờ mỗi ngày. Amen.

 

23/04/24 THỨ BA TUẦN 4 PS
Th. A-đa-be-tô, giám mục, tử đạo Ga 10,22-30

 THUỘC VỀ ĐOÀN CHIÊN CHÚA

“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi.” (Ga 10,27)

 

Suy niệm: Dấu hiệu để nhận biết người mục tử là tiếng gọi. Buổi sáng, nghe tiếng gọi của người mục tử, các con chiên bước ra khỏi ràn, đi về hướng người mục tử. Những mục tử giả mạo, giả giọng, bắt chước tiếng gọi của người mục tử, nhưng đàn chiên không bị đánh lừa, chúng nhận ra đâu là tiếng của người mục tử đích thực. Đức Giê-su là Mục tử Nhân lành, thế nhưng, người Do Thái không thuộc về đàn chiên của Ngài, dù được nghe những lời giảng dạy, chứng kiến các dấu lạ Ngài làm. Vì họ thiếu một điều thiết yếu, đó là niềm tin. Ngài chỉ rõ điều ấy: “Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” Để tin nhận thì phải thuộc về, để thuộc về cần phải biết, để biết phải lắng nghe, để lắng nghe cần có một tâm hồn biết mở ra với sự ngạc nhiên và khiêm tốn. Một tâm hồn như vậy dễ dàng đón nhận nhận những điều thuộc về Nước Trời. “Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi… Tôi và Chúa Cha là một.

 

Mời bạn: “Sentire cum Ecclesia” – Đồng cảm với Hội thánh. Cộng đoàn Hội thánh được quy tụ nhân danh Chúa Ki-tô Phục sinh, vị Mục tử Nhân lành, đã hiến mạng sống vì đàn chiên. Khi thuộc về Hội thánh, bạn suy nghĩ cùng và yêu mến Hội thánh ấy, trở nên một thành phần của Thân thể mầu nhiệm này, và cùng với những người khác, bạn làm triển nở ân sủng Chúa ban tùy theo mức độ thuộc về, lòng yêu mến của bạn.

 

Sống Lời Chúa: Tích cực tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ, giáo phận.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con thuộc về đoàn chiên Chúa. Xin cho con cảm nhận được con thuộc về Chúa, để con đồng cảm với Hội Thánh với lòng nhiệt thành và yêu mến. Amen.

 

24/04/24 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Th. Phi-đen Dích-ma-ring-ngân, linh mục, tử đạo    
Ga 12,44-50

 LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI TÔI

Đức Giê-su nói : “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46)

 

Suy niệm: Ban ngày ta cần ánh sáng mặt trời; ban đêm ta cần ánh sáng của đèn chiếu sáng. Đến phố cổ Hội An vào những đêm rằm, lễ hội, bạn sẽ thấy người ta tắt tất cả đèn điện, chỉ có ánh sáng lung linh của đèn lồng. Một em bé trường mù Nguyễn Đình Chiểu đã có những vần thơ như sau : “Em không còn đôi mắt, nhưng em nhìn bằng tim. Cuộc đời đầy ánh sáng, tràn ngập tâm hồn em.” Như vậy, ngoài ánh sáng của mặt trời, đèn điện, đèn lồng… ta còn cần ánh sáng của lý trí, của niềm tin, của hy vọng… Đức Giê-su là ánh sáng, không phải ánh sáng vật chất, nhưng là ánh sáng tinh thần, ánh sáng siêu nhiên soi sáng và hướng dẫn con người. Nhờ ánh sáng của Ngài, người Ki-tô hữu không bước đi trong tối tăm của tội lỗi, của lầm đường lạc lối, nhưng thấy rõ đường đi, thậm chí nhìn thấy đích điểm hành trình cuộc đời.

 

Bạn nhớ rằng Lời Chúa là ánh sáng soi sáng toàn bộ hành trình cuộc đời bạn, nghĩa là cũng soi sáng cho ý nghĩa từng lời nói, cử chỉ, hành động của bạn. Từ nay nhất cử nhất động của bạn hãy theo ánh sáng soi dẫn của Ngài. Bàn sẽ làm gì để Lời Chúa luôn là ánh sáng hướng dẫn đường đời bạn?

 

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi xét mình xem Lời Chúa có là ánh sáng hướng dẫn cho mọi lời nói, cử chỉ của tôi ngày sống của tôi hay không.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tuyên xưng Chúa là ánh sáng thế gian, là ánh sáng soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con không sợ bước theo ánh sáng soi dẫn của Chúa, vì biết rằng nhờ ánh sáng ấy, chúng con sẽ đạt đến hạnh phúc chân thật. Amen.

 

25/04/24  thứ năm tuần 4 ps
Thánh Mác-cô, tác giả Tin Mừng
Mc 16,15-20

 Cần được chúa ki-tô lấp đầy!

Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,20)

 

Suy niệm: “Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy quả tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng) nhắc ta về ý nghĩa cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng: gặp được Chúa Ki-tô, được Người lấp đầy. Cốt yếu vì không ai có thể nói về Người mà chưa từng “chạm” hay “cảm” được Người. Một cuộc gặp gỡ ấn tượng với ai đó cho phép ta thỏa thích nói về họ với người khác, như cách mà các Tông đồ loan báo về Chúa Ki-tô. Một khi đã gặp, đã sống, được Người lấp đầy, các Tông đồ không thể nín lặng, nhưng phải ra đi rao giảng khắp nơi, hết mình cho sứ vụ và  sứ vụ, kể cả khi phải mất mạng. Chúa Ki-tô chính là chìa khóa mở ra mọi khía cạnh của hoạt động sứ vụ, khiến các ông làm điều cần phải làm và nói điều cần phải nói.

 

Mời BạnMột trong những cách thức quảng cáo hiệu quả là cho các nhân viên đi tiếp thị sản phẩm, đến từng nhà, gõ cửa từng gia đình. Nhưng việc loan báo Tin Mừng thì khác hẳn. Các Tông đồ lôi cuốn người khác chỉ vì được Chúa ‘lấp đầy’, chứ không phải là quảng cáo suông thuần lý thuyết. Thánh Phao-lô cũng loan báo Chúa Ki-tô từ chính ‘cảm nghiệm có Chúa’ trong đời mình: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.” Vậy theo bạn, trước hết phải làm gì để loan báo Chúa Ki-tô cho người khác?

 

Chia sẻBạn cảm nghiệm thấy Chúa hoạt động thế nào trong đời bạn?

 

Sống Lời Chúa: Làm chứng cho Chúa với người lân cận bằng đời sống bác ái của mình.

 

Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, xin cho con trở nên “Tin Mừng sống” đưa dẫn người khác đến gặp Chúa. Amen.

 

26/04/24 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6

 TÌNH YÊU TRỌN VẸN

“Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3)

 

Suy niệm: Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Có lẽ đó là chân lý quen thuộc ta thường suy niệm. Quả thật, lần giở từng trang Sách Thánh từ trang đầu đến trang cuối, chúng ta cảm nhận chân lý ấy trong từng trang sách. Vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Vì thương yêu, Ngài không nỡ để họ trầm luân trong bóng đêm sự chết, nhưng muốn họ ở cùng Ngài mãi mãi “để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta chỗ ở với Ngài rồi, vấn đề là ta có muốn ở với Ngài hay không. Thiên Chúa đã làm mọi sự, để con người được hưởng hạnh phúc viên mãn. Thế nhưng, Ngài luôn tôn trọng tự do của mỗi người,  kiên nhẫn chờ đợi họ đáp lại lời mời gọi ấy. Được ở với Thiên Chúa là hồng ân cao cả, nên chúng ta cần phải đáp lại bằng một tình yêu trọn vẹn, yêu cho đến cùng, nghĩa là ‘thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự’ (Kinh Mười Điều Răn).

 

Mời Bạn: Đứng trước tình yêu bao la,  vô bờ bến của Thiên Chúa, bạn và tôi đều đã cảm nhận, đã thấy tương đối rõ ràng, nhưng để yêu mến Thiên Chúa ‘hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn’ thì e có vẻ khó quá nhỉ! Bạn làm thế nào để thể hiện mình luôn mong muốn được ở với Chúa?

 

Sống Lời Chúa: Tâm nguyện luôn được ở với Chúa là mong muốn, khát vọng lớn nhất của đời mình.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tình yêu Chúa dành cho chúng con thật trọn vẹn. Xin Chúa cho chúng con biết đáp lại tình yêu ấy bằng ước muốn được ở bên Chúa mãi mãi. Amen.

 

27/04/24 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
Ga 14,7-14

 GẶP GỠ THIÊN CHÚA

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)

 

Suy niệm: Con người là loài hữu hạn, nhưng Thiên Chúa đã đặt để nơi con người cái khao khát vô hạn. Do đó, ước ao gặp được Thiên Chúa không chỉ có nơi các môn đệ Chúa Giê-su, nhưng còn nơi mỗi người từ cổ chí kim. Thánh Augustinô nhắc ta “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải không ngừng cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” Tuy nhiên, với thân phận hữu hạn, con người thật khó gặp được Thiên Chúa, nếu không muốn nói là viễn vông. May mắn cho con người là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mạc khải cho họ biết chân lý về Thiên Chúa và về con người. Chúa Giê-su chính là hình ảnh của Thiên Chúa như lời Ngài nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Thiên Chúa vô hạn đã trở nên hữu hạn, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình để con người có thể nhìn thấy, đụng chạm đến bằng giác quan của mình. Như thế, nhờ Chúa Giê-su, khao khát gặp gỡ Thiên Chúa của con người đã có thể hiện thực.

 

Mời Bạn: Chúa Giê-su là hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa giữa con người. Ngài hiện diện nơi các bí tích, cách riêng nơi Thánh Thể, cũng như nơi Lời Chúa, và nơi những người lân cận, nhất là “những kẻ bé mọn.” Bạn nhận ra Ngài qua các hình thái trên chưa?

 

Sống Lời Chúa: Mỗi tuần một lần, tôi dành 15 phút Chầu Thánh Thể.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.

 

28/04/24 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – B

Ga 15,1-8

 “Ở LẠI TRONG CHÚA”

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5)

 

Suy niệm: Nếu Đức Giê-su sống ở Việt Nam, hẳn Ngài sẽ nói: “Thầy là cây ổi, Thầy là cây xoài… anh em là cành.” Cũng như cây ổi, cây xoài, cây nho có cành lá, có hoa trái. Muốn có lá xanh trái ngọt, thì cành phải gắn liền với cây, tiếp nhận nhựa sống của cây. Người môn đệ Chúa Ki-tô cũng vậy, muốn cây đời của mình sinh hoa trái thơm ngon, phải ở lại trong Ngài, hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài. Thế nào là “ở lại trong Ngài”? – Là sống mối tương quan thân thiết với Ngài: cầu nguyện, đối thoại với Ngài, đọc Lời Chúa, “tiêu hóa” Lời ấy qua việc suy niệm, hiện thực Lời hằng sống trong cuộc sống mỗi ngày; hiệp thông với Ngài qua các bí tích, cách riêng trong Thánh Thể, cố gắng trở nên giống Đấng mình lãnh nhận, đồng hình đồng dạng với Ngài.

 

Mời Bạn: Nếu đến trang trại nho trong thời gian cắt tỉa, bạn sẽ ngạc nhiên vì số cành lá bị cắt tỉa nằm dưới đất nhiều hơn cành lá trên cây. Chủ trang trại sẽ giải thích phải làm vậy mới có mùa nho sai trái. Đời bạn cũng vậy thôi, phải để Chúa “cắt tỉa” mình qua hy sinh, khổ chế, thập giá… đó là những nhát kéo cắt tỉa đau đớn, nhưng nhờ vậy, đời Ki-tô hữu bạn mới sản sinh hoa trái ngon ngọt của tình mến Chúa yêu người.

 

Sống Lời Chúa: Tôi suy nghĩ xem phải làm gì để có thể “ở lại trong Ngài” trong hoàn cảnh cụ thể của bậc sống mình.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho Chúa Cha đem trồng trong vườn nho Nước Trời. Tất cả chúng con là cành nho gắn liền với cây nho. Xin cho con luôn nỗ lực “ở lại trong” Chúa qua việc gắn bó với Chúa trong mọi sinh hoạt đời thường của mình. Amen.

 

29/04/24 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Ca-ta-ri-na Si-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 14,21-26

 VÂNG LỜI VÌ YÊU MẾN

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

 

Suy niệm: Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giê-su và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Ki-tô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.

 

Chia sẻ: Giữa một việc lành nhưng được làm cách miễn cưỡng và cũng việc đó nhưng được làm cách tự nguyện vì yêu mến, có sự khác biệt rất sâu xa. Bạn làm gì để nhận ra sự khác biệt ấy?

 

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hoặc một việc công ích mà bạn cảm thấy ngại ngùng để làm với tâm tình mến yêu phục vụ.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không xét theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn xem cõi lòng. Xin cho con biết tìm gặp Chúa qua những người anh em và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.

 

30/04/24 thứ ba tuần 5 ps
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 14,27-31a

 BÌNH AN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

 

Suy niệm: Trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Bình an kiểu “Chúa Ban” không phải thứ bình an kiểu “Thế Gian” mà là bình an của Lòng Thương Xót. Ngay trong ngày phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra và ban cho các môn đệ bình an đó: “Bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Đó là bình an của Người Con đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn, chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Ngày nay trong mỗi thánh lễ chúng ta đón nhận từ lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chúc bình an đó cho nhau.

 

Mời Bạn: Bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, bao lâu chúng ta còn hờn ghen, giận ghét tha nhân, chúng ta không có bình an nơi mình. Vì chưa có bình an nên lòng chúng ta vẫn bất an, căng thẳng, mặc cảm… Bạn hãy để Chúa đong đầy lòng bạn bằng bình an của Chúa khi bạn thực thi lời Ngài: đó là hy sinh quên mình, nhẫn nại bao dung và phục vụ anh chị em mình trong tinh thần khiêm tốn và vui tươi.

 

Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện để cảm nghiệm sâu xa bình an của Lòng Thương Xót đang tràn ngập tâm hồn bạn. Và ngày hôm nay bạn sẽ chia sẻ bình an ấy cho người khác bằng những hành động bác ái.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Chúa, để con làm chứng tá của lòng thương xót Chúa, đem bình an của Chúa đến cho anh em.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7