Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 3 Phục sinh năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,508
  • Ngày đăng: 25/04/2022 09:33:44

 

PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14 hoặc 1-19

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”. Đó là lời Chúa

 

CÂU HỎI

1. Trong Tin Mừng Gioan, từ chương 1 đến chương 20, có chỗ nào nói rằng các môn đệ làm nghề đánh cá không? Đọc Ga 21,1-3. Hãy cho thấy nhóm bảy người này đã có một tình bạn thân thiết.

2. Đọc Ga 21,5. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu có biết họ đã chẳng bắt được cá không?

3. Đọc Lc 5,4-6 và Ga 21,6. Nhờ đâu họ được mẻ cá lớn?

4. Ai là người nhận ra Đấng Phục Sinh đầu tiên? Đọc Ga 20,6-8. Khi nhận ra, người ấy làm gì?

  Còn khi Phêrô nhận ra, anh ấy làm gì? Các môn đệ khác làm gì? Tại sao có sự khác biệt như vậy?

5. Đọc Ga 21,9-13. Khi dọn bữa sáng cho các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh đã đem lại cho họ những điều gì? Tại sao Ngài lại cần cá các ông mới bắt được?

6. Đọc Ga 21,14. Hai lần hiện ra trước của Chúa Giêsu là những lần nào?

7. Phêrô có được Chúa Giêsu tha thứ tội chối Thầy chưa? Đọc Ga 21,15-17. Đâu là điều kiện để trở nên người mục tử lãnh đạo trong Giáo hội?

8. Chúa Giêsu mời Phêrô “Hãy theo Thầy”. Theo Thầy có dễ không? Đọc Ga 21,18-19.

 

CÂU HỎI SUY NIỆM

Qua bài Tin Mừng này, bạn học được gì nơi cách cư xử của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ, đặc biệt với Phêrô, người đã chối Chúa?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong 20 chương đầu của Tin Mừng Gioan ta không thấy nói đến chuyện các môn đệ của Đức Giêsu làm nghề đánh cá. Ở chương 21,1-3 chúng ta mới thấy nhóm bảy môn đệ của Đức Giêsu là những ngư phủ. Họ rủ nhau đi đánh cá ở biển hồ Tibêria. Nơi hồ này, Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên, trong đó có ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê (x. Mc 1,16-20). Giờ đây có thể nói họ trở lại nghề xưa, sau một thời gian dài theo Thầy Giêsu. Khi họ “đang ở với nhau,” Simôn Phêrô đã kín đáo đề nghị cùng nhau đi đánh cá. Sáu người kia đã mau mắn đáp lời. Rồi họ cùng nhau đi đánh cá suốt đêm, nhưng không bắt được gì. Chúng ta nhận thấy đây là một nhóm bạn thân thiết, hòa hợp, ở với nhau, làm việc được với nhau và cùng nhau chấp nhận những thất bại.

 

2. Theo văn phạm tiếng Hy Lạp, câu hỏi ở Ga 21,5 là câu hỏi mà Đức Giêsu chờ một câu trả lời phủ định từ phía các môn đệ: “Không”. Như thế Ngài đã biết tình cảnh thất bại của họ rồi. Ngài hỏi để mà hỏi thôi (tương tự như ở Ga 5,6). Ga 21,5 có thể được dịch sát hơn như sau: “Này các con, các con không có cá sao?” hay “Này các con, có cá gì không?”

 

3. Ga 21,6 cho thấy các môn đệ đã vâng lời một người lạ đứng trên bờ. Họ đã thả lưới bên phải mạn thuyền và đã có được một mẻ cá rất lớn: 153 con cá lớn nằm gọn trong lưới không bị rách và được kéo vào bờ. Còn ở Lc 5,4-6, các ngư phủ đã vâng lời Thầy Giêsu chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Và họ đã bắt được một mẻ cá lớn, chất đầy hai thuyền gần chìm, khiến lưới suýt bị rách. Trong cả hai trình thuật, sự vâng phục khiêm tốn đã đưa đến những mẻ cá lạ lùng: lớn lao, bất ngờ và không cần nhiều công sức.

 

4. Sau mẻ cá lạ lùng, người môn đệ Chúa yêu là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu dưới dạng người đàn ông đứng trên bãi biển. Chính người môn đệ này đã báo cho Phêrô biết xác tín của mình: “Chúa đó !” (Ga 21,6). Nhưng sau đó anh ấy không làm gì cả. Ngược lại, khi Phêrô nghe biết là Chúa, ông vội khoác áo ngoài vào và nhảy tùm ngay xuống biển để bơi vào bờ. Ông nôn nóng muốn mau mau gặp Chúa (Ga 21,7). Năm môn đệ còn lại điềm tĩnh chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá (Ga 21,8). Như thế có sự khác biệt trong phản ứng của bảy môn đệ. Có người nhậy bén hơn, có người nồng nhiệt hơn, và cũng có người bình thản hơn trước mẻ cá lạ. Không thể đòi mọi người có cùng một phản ứng như nhau, dù Phêrô và người môn đệ Chúa yêu đều yêu mến Chúa.

 

5. Khi dọn bữa sáng cho bảy môn đệ ngay trên bờ biển (Ga 21,9-13), Chúa Giêsu đã cho họ nhiều điều. Ngài để ý đến nhu cầu thân xác của họ: họ có đống lửa để sưởi ấm, có cá và bánh để ăn cho no sau một đêm vất vả. Hơn nữa, Ngài còn để ý đến nhu cầu tinh thần của họ: họ được hạnh phúc vì biết Thầy mình đã sống lại, đang hiện diện gần bên họ, đang chuẩn bị bữa sáng để phục vụ họ, đang mời họ đến mà ăn, đang trao tận tay bánh và cá cho họ. Thầy Giêsu cũng cần ít cá mà các môn đệ mới bắt được (Ga 21,10), có thể vì Thầy muốn sự cộng tác của họ, dù cá này đến từ dấu lạ của Thầy.

 

6. Gioan 21,14 cho biết đó là lần thứ ba Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ. Có hai cách tính xem đâu là hai lần hiện ra trước đó của Ngài. Cách 1: lần đầu Ngài hiện ra với các môn đệ, không có mặt ông Tôma (Ga 20,19-23); lần thứ hai sau đó một tuần, Ngài LẠI hiện ra với các môn đệ cùng với ông Tôma (Ga 20,26), lần thứ ba Ngài LẠI hiện ra với các môn đệ ở hồ Tibêria (Ga 21,1). Cách 2: lần đầu Ngài hiện ra với bà Maria Mácđala (Ga 20,11-18); lần thứ hai với các môn đệ trong phòng đóng kín (Ga 20,19-29); lần thứ ba với các môn đệ ở hồ Tibêria (Ga 21,1-14).

 

7. Phêrô đã ba lần chối Thầy bên đống lửa ở dinh thượng tế (Ga 18,15-18.25-27). Đấng phục sinh hiện ra cho ông cơ hội ba lần tuyên xưng tình yêu bên đống lửa ở bờ hồ Tibêria (Ga 21,15-17). Điều kiện cần để trở nên vị mục tử trong Giáo hội là lòng yêu mến đối với Vị Mục Tử Giêsu. Không yêu mến Vị Mục Tử này thì cũng chẳng được Ngài giao phó đoàn chiên của Ngài cho.

 

8. Chúa Phục Sinh lặp lại lời mời với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19.22). Trước đây mấy năm, Phêrô đã nghe lời mời này, từ hồ này. Nhưng bây giờ ông thấm thía hơn sau khi ông đã chối Thầy và thấy Thầy bị đóng đinh. Đấng Phục Sinh cho ông biết số phận như Thầy đang chờ ông (Ga 21,18-19) chỉ vì ông là mục tử phải chết vì đàn chiên. 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 59)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 156)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 197)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 155)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 244)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 324)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 244)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 314)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 245)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7