Kinh thánh - Giáo lý

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa nhật 5 mùa Chay Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,079
  • Ngày đăng: 30/03/2022 08:52:20

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm C

 

 

Mùa Chay đi vào kết thúc với một ghi nhận về sự ngạc nhiên. Trước tất cả những công trình lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện, Ngài còn làm một điều gì đó vĩ đại hơn, một điều gì đó ngoài sức tưởng tượng của chúng ta: phục hồi con người khỏi tội lỗi. Nhận biết thân phận tội lỗi yếu hèn, chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ. Quả thật, khi nhìn thấy những điều mới mẻ tuyệt vời mà Chúa dành cho chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra rằng, nếu so sánh, mọi thứ khác đều chỉ như rác rưởi.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 43,16-21

Cuộc Xuất hành mới

Trong Mùa Chay, chúng ta đã rảo qua câu chuyện về dân Israel hướng về – hay được chuẩn bị – cho sự xuất hiện của Chúa Kitô: Ađam, Abraham, Môisen, chế độ quân chủ, và bây giờ là lời hứa về một khởi đầu mới. Vì đó là lễ Phục sinh. Bài đọc này của Isaia được viết trong thời kỳ lưu đày của người Do Thái ở Babylon, một giai đoạn lịch sử đau thương mà đối với họ dường như là dấu chấm hết cho mọi hy vọng. Những tưởng đó là cuộc lưu đày và nô lệ vĩnh viễn, và mãi xa cách thành Giêrusalem yêu dấu của họ. Tác giả Thánh vịnh nói: “Ở đó, chúng tôi ngồi khóc nức nở”. Nhưng vị tiên tri đã bắt đầu khích lệ họ với lời hứa rằng họ sẽ trở lại Giêrusalem, và những điều kỳ diệu của một cuộc Xuất hành mới sẽ được thực hiện. Không cần phải nhớ lại quá khứ, vì sẽ có một con đường băng qua sa mạc và sẽ mở ra nguồn cung cấp nước kỳ diệu cho những người du hành. Sa mạc sẽ nở hoa tươi mới (vì nguồn cung cấp nước nhỏ nhất cũng giúp cho cây cỏ khô héo sống lại vào mùa xuân) và những con thú kỳ lạ của sa mạc, chó rừng và đà điểu, sẽ ca ngợi Chúa. Có một bài học cho chúng ta ở đây. Sự tin tưởng vào Chúa – và kinh nghiệm của chính chúng ta – cuối cùng củng cố điều này là, những gì tưởng là thảm họa hoàn toàn có thể trở thành nguồn sức mạnh và sự hướng dẫn.

 

ĐÁP CA: Tv 126

Thiên Chúa giải cứu Israel

1-3 Sự giải thoát trong quá khứ

Người dân kể lại rằng trong quá khứ, Chúa khôi phục thành đã bị tàn phá như thế nào. Nếu đây là ám chỉ đến việc trở về Giêrusalem từ thời lưu đày ở Babylon, thì Thánh vịnh này có thể được ghi lại vào thời kỳ hậu lưu đày. Sự phục hồi này thật đáng kinh ngạc. Nó làm cho chính những người đã được giải thoát phải ngỡ ngàng và cũng được toàn thế giới biết đến. Các quốc gia khác ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc này.

 

4-6 Mong ước hiện tại

Dựa vào những ân huệ quá khứ mà Chúa ban tặng, dân chúng lại cầu nguyện cho việc thay đổi số phận. Một số nhà bình giải cho rằng điều này cũng là nói đến những ơn lành như đã nói tới ở trên. Tuy nhiên, ở đây người dân không yêu cầu giải phóng, mà kiến tạo lại quê hương của họ. Hình ảnh thiên nhiên thật sống động. Sa mạc Negeb vốn hoang vu khô cằn bỗng tràn đầy nguồn nước bởi những trận mưa mùa đông đổ xuống. Chính dân chúng cầu nguyện cho sự đảo ngược bất ngờ này. Những hình ảnh về nông nghiệp ở đây không dễ hiểu. Nó có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Canaan trước đó. Trong nghi thức này, người dân bật khóc khi gieo hạt giống trên những luống đất dường như không có sự sống, nhưng họ vui mừng trong mùa thu hoạch vì nhìn thấy sự sống đã trở lại. Ở đây nghi thức cổ xưa tiêu biểu cho cái chết mà người bị lưu đày chịu đựng, và sự sống mới mở ra khi người dân trở về quê hương. Thánh vịnh dường như kết thúc đột ngột.

 

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!” Câu này làm gợi nhớ đến lời kinh Magnificat, bài ca của Đức Maria ngợi khen và tung hô Chúa trong biến cố Viếng thăm (x. Lc 1,49) x. GLHTCG 2097, 2619

 

BÀI ĐỌC 2: Pl 3,8-14  

Đổi mới nỗ lực

Khi chuẩn bị cho việc cử hành Cuộc Khổ Nạn vào tuần tới, chúng ta đọc về cuộc đấu tranh của chính Phaolô, trong bức thư ngài gửi cho những người thân yêu của mình tại Philípphê. Ngài cảm thấy mệt mỏi, có lẽ do đã cao tuổi, và khao khát được hoàn thành cuộc đua của mình và ở bên Chúa trong an bình. Các trò chơi và cuộc thi thể thao là các giải đấu của thế giới cổ đại. Thành Côrinthô, nơi Phaolô đã ở khá lâu, là trung tâm của Thế vận hội Isthmian, quan trọng hơn Thế vận hội Olympics, và Phaolô thường sử dụng hình ảnh về chạy đua và thậm chí là quyền anh để nói về những nỗ lực trong đời sống đức tin. Ngài biết sự gay cấn của cuộc thi, nhưng đồng thời ngài cũng nhận ra rằng tất cả sức mạnh của chúng ta đều đến từ sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã chịu đựng và đã được Chúa Cha cho sống lại. Thông thường đối với chúng ta, người Kitô hữu nên chịu đựng những sự khinh thường, sự xúc phạm hoặc sự thờ ơ và đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ vui vẻ để làm tan biến tổn thương và tìm cách làm mới tình bạn cũng như xây dựng mối quan hệ chân chính. Không cần phải hung hăng quay má bên kia cho người ta vả; nhưng cần thêm sự can đảm của Chúa Kitô để đáp trả bằng một bước tiến tích cực. Nếu tôi có thể tự hỏi: “Chúa Giêsu sẽ hành xử thế nào?” Thì tôi đã chia sẻ sức mạnh của Người. Những nỗ lực của vận động viên được chuyển hướng!

 

TIN MỪNG: Ga 8,1-11

Thiên Chúa mở lối

Trình thuật về người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình thực sự là một câu chuyện xung đột giữa Chúa Giêsu và những nhà cầm quyền tôn giáo vào thời của Người. Nó bắt đầu bằng việc các kinh sư và người Pharisêu muốn thử Chúa Giêsu về việc thực hiện một lệnh truyền của lề luật, và kết thúc bằng việc Chúa Giêsu lật ngược tình thế đối với những kẻ đã thử Người. Bản thân người phụ nữ dường như không mấy quan trọng đối với những kẻ đã thách thức Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chị ta được Người đối xử với lòng thương xót.

 

Tòa ngoài của Đền Thờ là một nơi công cộng. Ở đó, các đệ tử thường tụ tập xung quanh những kinh sư mà họ yêu thích để được hướng dẫn cách tuân thủ lề luật. Đây là một bối cảnh thích hợp với một số đông khán giả để người phụ nữ ngoại tình được dẫn vào. Thái độ thiên vị của những người tố cáo chị ấy là rõ ràng ngay từ đầu. Nếu chị ta bị bắt quả tang đang ngoại tình, tại sao họ không đưa bạn đời của chị ấy vào cùng? Luật pháp yêu cầu cả hai đều phải bị ném đá (x. Đnl 22, 22-24). Có vẻ như người phụ nữ chỉ là một con tốt trong trò chơi mà giới lãnh đạo tôn giáo đã chọn để thử Chúa Giêsu. Họ thấy rằng Người đã tự đặt mình trong Đền Thờ như một người thầy (didáskalos), vì vậy họ mời Người quyết định một điểm luật không chỉ gây tranh cãi trong cộng đồng mà quyết định ấy có thể khiến Người gặp nguy hiểm với cả người Do Thái và các nhà chức trách La Mã.

 

Không có câu hỏi về tội lỗi của người phụ nữ, mà chỉ về bản án thích hợp sẽ được thi hành. Nếu Chúa Giêsu nói rằng chị ta phải bị ném đá như luật pháp yêu cầu, thì Người sẽ chiếm đoạt cho mình quyền được tuyên án tử hình, một quyền chỉ thuộc về người La Mã. Người cũng sẽ hành động ngược lại những lời dạy của chính mình về lòng nhân từ và lòng thương xót, và Người cũng có thể sẽ bị xa lánh bởi những người trong cộng đồng phản đối bản án tử hình cụ thể này. Còn nếu Người tha thứ cho người phụ nữ có tội này, Người coi thường điều luật Môisen chính đáng, và Người có thể sẽ bị những người giải thích luật theo nghĩa đen công kích. Các đối thủ của Chúa Giêsu đã cẩn thận nghĩ ra một vấn đề phức tạp có thể gài  bẫy Người bằng cách này hay cách khác.

 

Những gì Chúa Giêsu có thể đã viết trên mặt đất bằng ngón tay dường như không quan trọng bằng việc Người từ chối bị mắc vào thâm ý đã được giăng ra để gài bẫy Người. Người chỉ lên tiếng với những người thách thức mình khi họ cứ hỏi mãi. Không phản đối bản án tử hình, Người mời những ai không có tội là người đầu tiên ném đá. Lần thứ hai Người phớt lờ họ; Người không chơi trò chơi của họ. Thay vào đó, Người đã biến sự thử thách về lập trường của Người thành bài kiểm tra về sự vô tội của chính họ. Nhận ra rằng mình đã thất bại, những kẻ tìm cách gài bẫy Người đã rời đi trong sự xấu hổ, từng người một. Trong một xã hội bị chi phối bởi các vấn đề về danh dự và sự xấu hổ, họ nhận ra rằng Chúa Giêsu đã vượt trội hơn họ. Trong khi Người phát triển về uy thế, còn họ đã giảm đi.

 

Có vẻ như đám đông cũng giải tán, vì bản văn nói rằng Chúa Giêsu bị bỏ lại một mình với người phụ nữ. Đến bây giờ Người mới trực tiếp hành động. Người đối xử với chị ta bằng sự tôn trọng và lòng thương xót như Người luôn thể hiện với những ai mở lòng ra với Người và sứ điệp cứu rỗi của Người. Như đã làm trong rất nhiều tình huống khác, Người coi thường nghi thức xã hội, và Người nói chuyện với người phụ nữ còn xa lạ, một tội nhân, và Người làm điều này ở một nơi công cộng. Người không lên án chị ta, nhưng cũng không minh oan cho chị. Thừa nhận tội lỗi rõ ràng của chị, Người khuyên chị ta đừng phạm tội nữa. Lòng nhân từ và lòng thương xót đã chiến thắng.

 


THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 430, 545, 589, 1846-1847: Chúa Giêsu bày tỏ lòng thương xót của Chúa Cha

GLHTCG 133, 428, 648, 989, 1006 : mối lợi tuyệt vời cùa việc nhận biết Chúa Kitô

GLHTCG 2475-2479 : phán đoán hồ đồ

 

 Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 108)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 180)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 221)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 176)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 271)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 336)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 320)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 256)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 323)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 257)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7