Năm Thượng HĐGM Thứ 16

Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian

  • In trang này
  • Lượt xem: 797
  • Ngày đăng: 29/08/2023 13:54:08

Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Do-thái có nhiều từ được dịch là thế gian, thế giới hay hoàn vũ (mundus, world, monde) chẳng hạn như עוֹלָם (olam), עֶרֶשׂ (eres), בְּרִיאָה (beriah). Từ phổ biến nhất là תֵּבֵל (tevel, xuất hiện 36 lần), chẳng hạn: “Nền móng địa cầu là của Đức Chúa, Người đặt cả hoàn vũ [תֵּבֵֽל] lên trên” (1 Sm 2,8) hay: “Ánh chớp của Người soi sáng thế gian [תֵּבֵ֑ל], địa cầu trông thấy mà run sợ” (Tv 97,4). Điều đáng để chúng ta quan tâm là ý niệm về thế gian, thế giới, hoàn vũ hay vũ trụ của người Do-thái không giống với người Hy-lạp. Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp có ba từ (1) ‘κόσμος/ cosmos’, (2) ‘αἰών/ aion’ và (3) ‘οἰκουμένη/ oikouménē’ được dịch sang tiếng Việt là thế gian, thế giới, vũ trụ, trần gian, trần thế, trần đời, thời đại, thời kỳ. Trong đó, từ οἰκουμένη/ oikouménē (xuất hiện 15 lần) với nghĩa liên quan đến đế chế (chẳng hạn như đế chế Rô-ma) hoặc theo nghĩa thần bí (Lc 2,1; Dt 1,6; 2,5); từ αἰών/ aion (xuất hiện 128 lần) với nghĩa là thời gian nhưng không phải là thời gian xác định hay giới hạn, từ này tương tự như từ ‘age’ trong tiếng Anh với nghĩa là thời đại hay thời kỳ (Lc 20,35; Rm 2,2); từ κόσμος/ cosmos (xuất hiện 188 lần) với các nghĩa khác nhau, chẳng hạn như vũ trụ (cosmos, universe), trái đất (earth), nhân loại (mankind), thế sự (world affairs), các thế lực thù địch hay xa lạ với Thiên Chúa (alienated from God). Nghĩa nguyên thủy của κόσμος/ cosmos là trật tự (order), là hòa hợp (harmony), là vẻ đẹp (beauty) của muôn vật muôn loài. Thánh Gio-an Tông Đồ là người sử dụng từ này nhiều nhất trong Tin Mừng Thứ Tư cũng như trong Thư Thứ Nhất của ngài.

 

Thời cổ đại, nhãn quan Do-thái Giáo về vũ trụ hay thế giới không giống với nhãn quan Hy-lạp. Đối với dân Do-thái, ý niệm ban đầu về thế giới mang tính chung chung hơn là nhãn quan của người Hy-lạp. Chẳng hạn, thế giới được diễn tả như là ‘trời và đất’. Câu đầu tiên của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo trời/ הַשָּׁמַ֖יִם/ haššāmayim/ the heavens và đất/ הָאָֽרֶץ/ hā’āreṣ/ the earth (St 1,1). Đặc biệt, theo tác giả Thánh Vịnh 115: “Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa cho con cái loài người” (Tv 115,16). Sở dĩ thế giới tốt lành, trật tự, hòa hợp là vì được Thiên Chúa sáng tạo, quan phòng và thi ân giáng phúc. Thiên Chúa của Cựu Ước là Thiên Chúa siêu việt vũ trụ, siêu việt các thực tại khả giác hay các thực tại mà con người có thể kinh nghiệm: “Sự tuyệt hảo của Người cao hơn các tầng trời, liệu anh làm gì được, sâu thẳm hơn âm phủ, hỏi anh biết được gì, trải dài hơn cõi đất, rộng hơn cả biển sâu?” (G 11,8-9). Ở một số nơi trong Kinh Thánh, vũ trụ được diễn tả cách đơn sơ bao gồm trời, đất và nước, chẳng hạn như: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dần dần, với sự giao thoa văn hóa của các dân tộc vùng Địa Trung Hải, một số tác giả Kinh Thánh Cựu Ước dùng ý niệm ‘thế giới’ (κόσμος/ cosmos; world; universe) của Hy-lạp trong các bản văn của mình, chẳng hạn như Kn 9,9; Kn 10,1-2; 2 Mcb 3,12.

 

Chúng ta có thể khẳng định rằng khi con người xuất hiện trên trái đất cũng là khi con người thể hiện sự ngạc nhiên về vũ trụ, về thế giới, về vạn vật quanh mình. Những ý niệm về vũ trụ của các triết gia Hy-lạp từ thời Thales of Miletus (626-548 tCN), Pythagore (570- 495 tCN) cho đến Heraclitus (535-475 tCN) khá mơ hồ. Tới thời Plato (428-348 tCN), những ý niệm về vũ trụ rõ nét hơn, trong đó có sự phân biệt giữa trời và đất, thượng giới và hạ giới, thế giới linh tượng và thế giới vật chất hay thế giới khả giác. Đối với Plato, thế giới mà con người có thể cảm nhận (the sensible world) là thế giới ảo (the illusory world), còn thế giới thực thì bền vững và siêu việt so với thế giới ảo (the suprasensible world). Trong khi Plato và một số triết gia Hy-lạp khác thiên về nhị nguyên luận giữa thế giới linh tượng và thế giới khả giác hay thế giới vật chất thì Aristotle lại nhấn mạnh sự liên kết giữa hai thế giới này. Aristotle giới thiệu khái niệm mô thể (form) và chất thể (matter) để diễn tả vạn vật trong vũ trụ. Đặc biệt, với Aristotle, Thượng Đế là hiện thể thuần túy (actual), không mang dấu vết chất thể (matter), không biến đổi, hoàn hảo và vĩnh cửu. Thượng Đế của Aristotle là Nguyên Nhân (the Cause) của mọi sự, là ‘Động Cơ Đệ Nhất’ hay ‘Động Cơ Bất Động’ [ὃ οὐ κινούμενον κινεῖ, primum movens, the unmoved mover] (Aristotle, Metaphysics, Book XII, Part 7). Thượng Đế của Aristotle không phải là Thiên Chúa ngôi vị, Thiên Chúa yêu thương thế gian, Thiên Chúa quan tâm con người, mà chỉ là Nguyên Nhân của các hình thức vận động mà con người có thể kinh nghiệm được trong đời sống mình.

 

Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa không ‘vô cảm’ trước vũ trụ như cách hiểu của Plato hay Aristotle. Bởi vì, Người là Đấng hòa mình với thiên nhiên, gần gũi với hết mọi loài: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Hơn nữa, muôn vật muôn loài phản ánh kỳ công của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145,10-12). Đối với dân Do-thái, một mặt, Thiên Chúa là Chúa Tể muôn vật muôn loài, đồng thời, Thiên Chúa không lệ thuộc vào muôn vật muôn loài, không lệ thuộc vào thế giới. Trong khi thế giới đầy biến động đổi thay thì Thiên Chúa luôn bền vững: “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao. Ngài thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102,26-28). Như vậy, đối với dân Do-thái, Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo, vừa là Đấng bảo toàn muôn vật muôn loài; vừa là Đấng siêu việt, vừa là Đấng gần gũi; vừa là Đấng quyền năng, vừa là Đấng giàu lòng thương xót.

 

Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 121 viết: “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề… Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121,4-8). Do đó, Thiên Chúa của Cựu Ước không xa lạ con người cũng như muôn vật muôn loài. Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,7-8). Thiên Chúa thông biết mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của con người: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,1-4). Như vậy, Thiên Chúa thật cao cả quyền năng đối với tất cả những gì giữa thế gian, đồng thời, Người luôn quan tâm đến con người và hết thảy những gì Người đã tác tạo.

 

Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại. Đặc biệt, Tân Ước cho chúng ta biết rằng, nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa con người cũng như muôn vật muôn loài. Trong hành trình giữa thế gian, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người được Chúa Cha sai đến để nhân danh nhân loại thực thi thánh ý Chúa Cha. Theo trình thuật của thánh Gio-an Tông Đồ: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Từ ‘thế gian’ (κόσμος/ cosmos) trong các sách Tân Ước có nhiều nghĩa. Chúng ta hãy xem xét một số nghĩa căn bản của từ này, đồng thời, chúng ta cũng xem xét tương quan giữa Đức Giê-su và thế gian trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và muôn vật muôn loài.

 

Thứ nhất, thế gian là toàn bộ công trình Thiên Chúa sáng tạo (vũ trụ). Chẳng hạn, trước sự cứng lòng của những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật, Đức Giê-su nói: "Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa [κόσμος/ cosmos]" (Lc 11,50). Khi trình bày về cuộc phán xét chung, Đức Giê-su nói: "Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa [κόσμος/ cosmos]" (Mt 25,34). Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an gợi lại cho độc giả trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế, nhất là thế gian được Thiên Chúa sáng tạo nhờ Đức Giê-su (St 1-3; Ga 1,1-3.10). Đặc biệt, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: Xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Người cầu nguyện cho các môn đệ cũng như những người nhờ các môn đệ mà tin vào Người: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúng ta cũng gặp từ ‘thế gian/ κόσμος/ cosmos’ với nghĩa là công trình Thiên Chúa sáng tạo ở nhiều chỗ khác nữa trong Tân Ước, chẳng hạn như Dt 4,3; Kh 17,8; Cv 17,24; Rm 1,20.

 

Thứ hai, thế gian là trái đất nơi loài người cư ngụ. Khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, thánh Mát-thêu trình thuật rằng: "Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian [κόσμος/ cosmos], và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,8-9). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, thánh Gio-an viết: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6,14). Trong dịp Lễ Cung Hiến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17,11). Sau này, khi viết thư cho các tín hữu, thánh Phê-rô cũng dùng từ ‘thế gian’ hay thế giới theo nghĩa là trái đất: “Người không dung thứ cho thế giới cũ [κόσμος/ cosmos], nhưng khi trút hồng thủy xuống trên thế giới của những kẻ vô luân, Người đã cứu sống tám mạng, trong số đó có ông Nô-ê, kẻ rao giảng sự công chính” (2 Pr 2,5). Thánh Phao-lô cũng dùng từ ‘thế gian’ với nghĩa tương tự: “Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu [κόσμος/ cosmos], ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em” (Rm 1,8).

 

Thứ ba, thế gian là mọi người trong gia đình nhân loại. Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian [κόσμος/ cosmos]” (Mt 5,14). Nhiều trích đoạn trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết thế gian theo nghĩa là mọi người, chẳng hạn như lần đầu tiên khi thấy Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả nói với các môn đệ của ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói với ông: “Thiên Chúa yêu thế gian [κόσμος/ cosmos] đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian [κόσμος/ cosmos] được sống” (Ga 6,51). Đức Giê-su nói với những người Do-thái cứng lòng trước Lễ Vượt Qua: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian [κόσμος/ cosmos], nhưng để cứu thế gian” (Ga 12,47).

 

Thứ tư, thế gian là những người chưa thuộc về Thiên Chúa, chưa tin nhận Đức Giê-su. Khi trình bày về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian [κόσμος/ cosmos] vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó” (Lc 12,29-30). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng sau khi phục sinh, Đức Giê-su tỏ mình cho Nhóm Mười Một khi họ đang dùng bữa. Người nói với họ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ [τὸν κόσμον ἅπαντα], loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Sau này, thánh Phao-lô viết thư cho các tín hữu ở Rô-ma với nghĩa ‘thế gian’ cũng tương tự như vậy: “Nếu vì người Do-thái sa ngã mà thế giới [κόσμος/ cosmos] được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!” (Rm 11,12).

 

Thứ năm, thế gian là những người chống đối Đức Giê-su cũng như các môn đệ của Người. Khi Đức Giê-su đang ở Ga-li-lê thì anh em Người nói rằng Người cần phải đi Giu-đê hoạt động công khai để được nổi danh. Đức Giê-su bảo họ: “Thế gian [κόσμος/ cosmos] không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa” (Ga 7,7). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Nếu thế gian [κόσμος/ cosmos] ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19). Sau này, các môn đệ Đức Giê-su cũng dùng theo nghĩa này, chẳng hạn, thánh Gia-cô-bê viết cho các tín hữu: "Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa" (Gc 4,4). Khi trình bày về sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan theo mặc khải Ki-tô Giáo, thánh Phao-lô viết: "Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?" (1 Cr 1,20).

 

Thứ sáu, thế gian là ma quỷ hoạt động trong môi trường nhân loại. Chẳng hạn, Đức Giê-su loan báo về việc Người sẽ được tôn vinh qua cái chết của Người: "Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!" (Ga 12,31)Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Người nói riêng với các môn đệ thân tín: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy" (Ga 14,30)Trong Thư Thứ Nhất, thánh Gio-an kêu gọi các tín hữu cần đề phòng thế gian và các ngôn sứ giả: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1 Ga 4,4). Còn thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Cô-rin-tô: "Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta" (1 Cr 2,12).

 

Thứ bảy, thế gian là tất cả những gì làm cho con người trở nên bất tín hay phản nghịch đường lối của Thiên Chúa. Khi trình bày điều kiện cho những ai theo Người, Đức Giê-su đặt câu hỏi: "Nếu người ta được cả thế giới [κόσμος/ cosmos] mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26). Tương tự như thế, thánh Gio-an viết: “Anh em đừng yêu thế gian [κόσμος/ cosmos]… Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha … thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17). Thánh Phê-rô cảnh báo các tín hữu: “Những kẻ đã thoát khỏi những vết nhơ của thế gian [κόσμος/ cosmos], nhờ được biết Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ, mà lại vướng mắc vào đó một lần nữa và bị thua, thì tình trạng sau này của họ còn tệ hơn trước” (2 Pr 2,20). Nghĩa ‘thế gian’ ở các trích đoạn này có tính chung chung hơn so với các nghĩa ‘thế gian’ được đề cập cách cụ thể hơn trước đó. Chúng ta có thể hiểu rằng sự sa ngã của các thiên thần và con người dẫn tới hệ lụy là thế gian trở thành môi trường làm cho con người hướng chiều về sự dữ hơn là hướng chiều về Thiên Chúa cũng như đường lối của Người (Ed 18,24-30).

 

Như đề cập ở trên, khái niệm 'thế gian' (κόσμος/ cosmos) trong các trình thuật Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước, thật đa dạng: Khi thì trừu tượng, khi thì cụ thể; khi thì bao quát, khi thì giới hạn; khi thì hướng về chất lượng, khi thì chỉ số lượng; khi thì đề cập những gì vô hình, khi thì quan tâm những gì hữu hình. Việc phân biệt nghĩa ‘thế gian’ trong các trình thuật Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu biết ý nghĩa sâu rộng của Lời Chúa hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng dù ‘thế gian’ theo nghĩa nào, điều căn bản là Đức Giê-su đã đến thế gian, sống trong thế gian và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa giữa thế gian. Chính Người phải đương đầu với nhiều cám dỗ và cam chịu muôn hình thức đau khổ giữa thế gian để thông phần với mọi người trong gia đình nhân loại.

 

Các trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết rằng, sau khi chịu Phép Rửa bởi Gio-an tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã vào sa mạc và ở đó Người bị ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11). Các hình thức cám dỗ mà Người phải chịu bao gồm việc chiều theo sở thích cá nhân (truyền cho đá hóa bánh để ăn), biểu dương quyền lực (gieo mình từ nóc đền thờ) và sở hữu (các vương quốc thế gian). Đó là những cám dỗ căn bản mà con người thường gặp phải. Điều khác biệt giữa Đức Giê-su và mọi người trong gia đình nhân loại là Người không sa chước cám dỗ bởi vì Người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh. Cách cụ thể hơn, Người luôn tin tưởng, vâng phục và phó thác mọi sự nơi Chúa Cha. Bài ca Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sai-a của Cựu Ước đã loan báo điều đó: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Sự tin tưởng, vâng phục và phó thác nơi Chúa Cha trong thinh lặng, trong đau khổ cùng cực của Đức Giê-su luôn là khuôn mẫu cho mọi người trong việc chống lại các hình thức cám dỗ giữa thế gian này.

 

Sống giữa thế gian nhưng nhãn quan của Đức Giê-su về các thực tại khác biệt so với những người đương thời. Chẳng hạn, liên quan đến việc nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, thánh Mác-cô trình thuật rằng những người Pha-ri-sêu và những người thuộc phe Hê-rô-đê hỏi Đức Giê-su: “Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” (Mc 12,15). Với câu hỏi này, Đức Giê-su trả lời thế nào cũng mắc vào bẫy của họ. Nếu Người trả lời ‘không phải nộp’ thì chắc chắn rằng Phi-la-tô sẽ không để Người yên; nếu Người bảo ‘phải nộp’ thì chắc chắn rằng những người Do-thái đang chống lại những người Rô-ma sẽ lên án Người chiều theo ngoại bang làm tan hoang gia sản dân tộc. Sau khi xem đồng tiền có hình Xê-da, Đức Giê-su đã trả lời: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Câu trả lời của Đức Giê-su đã làm cho những người Pha-ri-sêu và những người thuộc phái Hê-rô-đê hết sức ngạc nhiên. Câu trả lời này trở thành ‘châm ngôn sống’ cho mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt, những ai chân thành bước theo Đức Giê-su và tuân giữ giáo huấn của Người.

 

Hình ảnh Xê-da được khắc ghi vào đồng tiền nhắc nhở mọi người về hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính mình và làm cho phẩm giá mình cao trọng hơn muôn vật muôn loài (St 1,26-27). Thật trớ trêu, qua mọi thời, nhiều người quan tâm và ưa thích hình ảnh Xê-da hơn là hình ảnh Thiên Chúa: Bởi vì, hình ảnh Xê-da thì hữu hình, còn hình ảnh Thiên Chúa nơi bản tính con người thì vô hình; hình ảnh Xê-da thì có thể đụng chạm, còn hình ảnh Thiên Chúa thì không thể; hình ảnh của Xê-da đem lại lợi ích tức thời, còn hình ảnh Thiên Chúa đem lại lợi ích chưa thể kiểm chứng được cách nhãn tiền! Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy quan tâm đến hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình cũng như anh chị em đồng loại, đồng thời, hãy hành động sao cho hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình cũng như anh chị em ngày càng được sáng rõ hơn trong cuộc sống hằng ngày. Đối với Đức Giê-su, con người thuộc về Thiên Chúa trước khi thuộc về bất cứ xã hội nào ở thế gian này. Những người theo Đức Giê-su vừa là công dân của một quốc gia hay vùng miền nào đó, vừa là công dân của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng. Mọi người có bổn phận nộp thuế cho các thể chế dân sự, đồng thời, họ có bổn phận quy hướng về Thiên Chúa. Sau này, khi loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô dạy dỗ các tín hữu: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1 Pr 2,17). Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, quyền lực tối thượng vẫn luôn là quyền lực của Thiên Chúa và quyền lực chân chính của thế gian thì không bao giờ ngược lại với quyền lực tối thượng của Người. Bởi vì, theo thánh ý của Thiên Chúa, ‘sứ mệnh của quyền lực’ là vì con người và làm cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh của Người và được mời gọi trở nên con cái Người theo khuôn mẫu Đức Giê-su trong hành trình trần thế.

 

Khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giê-su nói: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13,37-39). Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, nhờ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và quy tụ muôn vật muôn loài (Ga 1,1-3; 1 Cr 15,49; Ep 1,9-10). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa trở thành con của loài người. Nhờ Đức Giê-su là ‘Con Người’ mà mọi người mới có thể nhận thức được sự liên kết mật thiết giữa vũ trụ luận (cosmology), nhân luận (anthropology) và cánh chung luận (eschatology). Trong đó, nhân luận luôn là trung tâm nối kết giữa vũ trụ luận và cánh chung luận bởi vì Đức Giê-su đã đến thế gian để kết nối trời với đất, Thiên Chúa với con người, vĩnh cửu với thời gian, vô hạn với hữu hạn. Đồng thời, sự hiện diện của Đức Giê-su giữa thế gian là để thực thi thánh ý Thiên Chúa trong việc khôi phục phẩm giá con người và biến đổi vạn vật. Đặc biệt, sự khôi phục này được diễn tả qua việc Đức Giê-su tham dự đời sống con người mà cao điểm là cuộc thương khó, cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Người. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su vừa diễn tả Người là ‘khuôn mặt tiền hữu của Thiên Chúa’ vừa là ‘khuôn mặt của Thiên Chúa giữa thế gian’, vừa là ‘khuôn mặt cánh chung mai hậu’ cho phép con người được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu và muôn vật muôn loài được biến đổi theo trật tự của chúng.

 

Đức Giê-su là Ngôi Lời và là ánh sáng thật của Thiên Chúa (Ga 1,9a), và Ngôi Lời đã trở nên nhục thể [σάρξ] (Ga 1,14). Ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9b). Đức Giê-su mời gọi mọi người giữa thế gian đặt niềm tin tưởng vào Người để được ánh sáng ban sự sống. Người nói rõ điều đó: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,18-19). Lời của Đức Giê-su giúp mọi người hiểu rõ hơn về ánh sáng và bóng tối cũng như tâm thức của con người đối với ánh sáng và bóng tối. Đối với Đức Giê-su, người yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng cũng tương tự như người tin vào thế gian hơn là tin vào Người; tin vào sự dối trá hơn là sự thật; tin vào điều ác hơn là điều thiện. Trước người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Sau đó, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Khi người mù được sáng mắt nhờ Đức Giê-su là ánh sáng trần gian, anh ta đã trở nên khí cụ của ánh sáng và loan báo Tin Mừng ánh sáng cho anh chị em mình. Như vậy, ánh sáng hay vinh quang (δόξα) của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giê-su bằng xương bằng thịt (σάρξ) giữa thế gian và sự diễn tả này đem lại hiệu quả là con người được cứu chữa, được nhìn thấy ánh sáng ban sự sống, được chiêm ngưỡng vinh quang đời đời của Thiên Chúa.

 

Khi những người Do-thái tranh luận với Đức Giê-su về nguồn gốc và căn tính của Người thì Người nói với họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,23-24). Đức Giê-su cũng mặc khải cho các môn đệ thân tín của Người rằng: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,27-28). Trong cuộc khổ nạn, trước câu hỏi của Phi-la-tô về thân phận của Người, Đức Giê-su đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này" (Ga 18,36). Phi-la-tô lại hỏi Đức Giê-su: “Vậy ông là vua sao? Người đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,37). Phi-la-tô cũng như nhiều người Do-thái ngạc nhiên về những lời nói và việc làm của Đức Giê-su. Bởi vì, một mặt, Đức Giê-su là con người bình thường với gốc gác tầm thường là con bác thợ mộc miền quê Na-da-rét. Mặt khác, Đức Giê-su đã thực thi những điều vượt quá tâm trí họ. Quả thực, là con người giữa thế gian nhưng Đức Giê-su luôn là Lời và Khôn Ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của Người đều thuận theo thánh ý Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho con người cũng như muôn vật muôn loài.

 

Trong lời cầu nguyện cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su không cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian nhưng gìn giữ họ khỏi mọi hiểm nguy giữa thế gian: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16). Bằng cách nào các môn đệ có thể sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian? Thưa, Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha thánh hiến họ: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,18-19). Những lời này của Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng Người yêu mến họ cũng như hiểu rõ những giới hạn, bất xứng của họ. Người đã chuẩn bị cho họ những điều cần thiết để có thể đối diện với muôn nghịch cảnh trong cuộc sống sau khi Người về cùng Chúa Cha. Quả thực, nếu các môn đệ Đức Giê-su không được thánh hiến bởi sự thật thì họ không thể nào ‘sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian’. Thế gian bao trùm họ ‘từ đầu đến chân’, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Do đó, sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian thật vô cùng khó khăn nhưng khi các môn đệ Đức Giê-su được thánh hiến bằng sự thật, dõi theo sự thật và hành động theo sự thật thì họ có thể trung tín với Đức Giê-su trong mọi hoàn cảnh cho tới hơi thở cuối cùng.

 

Theo những người chịu ảnh hưởng triết lý nhị nguyên Hy-lạp, vực thẳm giữa thế giới linh tượng và thế giới khả giác, giữa điều tốt và điều xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tự do và nô lệ thật lớn lao. Bổn phận của con người là tìm cách về với thế giới linh tượng, chứ không phải say mê với thế giới khả giác giữa thế gian. Điều khác biệt căn bản giữa mặc khải Kinh Thánh Ki-tô Giáo và triết lý nhị nguyên là: Nhờ Đức Giê-su, thế giới khả giác giữa thế gian có thể biến đổi, có thể tốt hơn, có thể hòa nhập vào môi trường Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, dù mọi người trong thế gian bị tội lỗi và các thế lực đen tối chi phối nhưng nhờ Đức Giê-su thì họ được hưởng ơn cứu độ. Lời của Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô cho mọi người biết điều đó: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Chiếu theo lời này, Thiên Chúa của Đức Giê-su không phải là chúa, là thần của một dân tộc hay một quốc gia nào mà là của mọi người giữa thế gian, mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Lời dân thành Sa-ma-ri đối với người phụ nữ đồng hương gặp gỡ Đức Giê-su bên bờ giếng Gia-cóp cũng minh chứng điều đó: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

 

Trong Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su giữa thế gian, Người nói với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,18-20). Đặc biệt, câu nói cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn là: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Theo lời của Đức Giê-su, chúng ta thấy sự đối lập trong đời sống của các môn đệ giữa thế gian là đau khổ và bình an. Quả thực, đời sống của các ngài luôn đối diện với muôn vàn gian lao, thử thách, tủi nhục nhưng các ngài có được bình an đích thực bởi vì Đức Giê-su là Hoàng Tử Bình An luôn đồng hành với các ngài (Is 9,5; Ga 14,27). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng ai gắn bó mật thiết với Đức Giê-su thì thập giá trở thành thánh giá, đau khổ trở thành vinh quang và nỗi buồn trở thành niềm vui đích thực.

 

Trong bối cảnh trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su báo trước về niềm vui trọn vẹn của thầy trò: “Thầy bảo thật anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Đức Giê-su ra đi nhưng trong Chúa Thánh Thần, Người vẫn luôn hiện diện và hoạt động với các môn đệ. Đặc biệt, các môn đệ sẽ có được niềm vui trọn vẹn bởi vì Đức Giê-su hằng sống và các môn đệ được sống nhờ Người. Đức Giê-su cũng cho các môn đệ biết rằng càng trung tín với Người bao nhiêu thì họ càng phải chịu đau khổ, bách hại bấy nhiêu. Người cũng nói với các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). Đặc biệt, trong lời nguyện dài nhất của Người trong Tin Mừng, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17,13). Những lời trăng trối của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn thật thâm sâu và giàu ý nghĩa. Những lời này vừa giúp các môn đệ hiểu biết hơn về những yếu đuối của con người giữa thế gian do hậu quả tội lỗi và các thế lực đêm tối, vừa đem lại cho họ viễn kiến mới mẻ là sự vinh thắng trọn vẹn mà Đức Giê-su mang lại.

 

Mặc khải Ki-tô Giáo giúp chúng ta có được nhận thức tổng quát rằng, khi con người phạm tội và tội lỗi xâm nhập thế gian, Đức Giê-su đã đến thế gian để tiêu diệt tội lỗi cũng như những hậu quả tai hại do tội lỗi gây nên (Rm 5,12-21). Người đã thắng thế gian khi đối diện với muôn hình thức đau khổ, sự chết và phục sinh. Người đã thắng thế gian không theo kiểu thế gian. Câu hỏi được đặt ra: ‘Kiểu thế gian là kiểu gì vậy?’ Thưa, kiểu thế gian là kiểu mạnh thắng yếu, khôn ngoan thắng điên dại, tàn bạo thắng kém cỏi, giàu có thắng nghèo khó, tự cao thắng tự hạ. Đức Giê-su đã chiến thắng sự dữ bằng sự lành, thắng tự cao bằng tự hạ, thắng hận thù bằng tình yêu. Hơn ai hết, thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu hơn điều này: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1 Cr 1,27-28). Từ sự chiến thắng thế gian, Đức Giê-su mở ra cho nhân loại nhãn quan mới mẻ về cách thức hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong việc loại bỏ tội lỗi cũng như sự chết để cứu độ con người và biến đổi vạn vật.

 

Trong các trình thuật Tin Mừng, nhất là trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su mặc khải cách đặc biệt về Thần Khí của Chúa Cha cũng là của Người. Càng về cuối hành trình trần thế, Đức Giê-su cho các môn đệ hiểu biết hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Thần Khí là Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (Ga 14,16-17). Chính Thần Khí giúp các môn đệ phân định đúng hay sai, thật hay giả, trung tín hay bất tín. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử; về tội lỗi: Vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: Vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: Vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16,8-11). Sau này, thánh Gio-an giúp các tín hữu biện phân các hình thức thần khí. Ngài viết: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1). Đồng thời, thánh nhân cho biết: “Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Ki-tô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1 Ga 4,3). Cũng theo thánh nhân: Thần Khí của Thiên Chúa dẫn con người đến sự thật, còn thần khí của thế gian dẫn con người đến sai lầm (1 Ga 4,6). Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cr 2,12).

 

Như đề cập ở trên, trong các tác giả viết Kinh Thánh, hơn ai hết, thánh Gio-an là người dùng từ thế gian ‘κόσμος/ cosmos’ nhiều nhất. Viết thư cho các tín hữu, ngài mời gọi họ phân biệt giữa ‘yêu thế gian’ và ‘yêu Thiên Chúa’, bởi vì những gì thuộc thế gian thì chóng qua, còn những gì thuộc Thiên Chúa thì trường cửu. Thánh nhân viết: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17). Là người môn đệ Chúa yêu, thánh nhân có được kinh nghiệm sâu thẳm về tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su giữa thế gian. Theo đó, tình yêu của Thiên Chúa cũng chính là tình bạn và ngược lại. Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là họ phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ (Ga 13,34). Người cũng cho họ biết rằng tình yêu cao cả nhất là hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình và Người là Bạn của họ (Ga 15,12-15). Tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa đối với con người được Đức Giê-su thực hiện theo cách thức vô tiền khoáng hậu, bởi vì, (1) Người là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ nhưng lại làm bạn với con người yếu đuối, tội lỗi, xấu xa; (2) Người là Thiên Chúa hằng sống nhưng đã chết vì con người giữa thế gian.

 

Tương tự như các tác phẩm của thánh Gio-an Tông Đồ, khi đề cập đến hạn từ ‘thế gian’, thánh Phao-lô quan tâm đến chiều kích luân lý hơn là thể lý. Một mặt, đối với thánh nhân, thế gian là nhân loại, là đối tượng được Đức Giê-su thương tình cứu độ: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2 Cr 5,19). Trong Thư Thứ Nhất gửi Ti-mô-thê, thánh nhân viết: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1,15). Mặt khác, thánh nhân diễn tả sự đối nghịch giữa sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1 Cr 1,20-21). Thánh nhân khẳng định rằng: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong” (1 Cr 2,6). Quả thực, thế gian và thủ lãnh thế gian là Xa-tan mừng rỡ vì con người lắng nghe lời của chúng hơn là lời của Thiên Chúa. Thay vì tin tưởng, kính sợ Thiên Chúa thì con người lại quy phục, kính sợ các mãnh lực thế gian và tìm cách cậy dựa vào các mãnh lực thế gian hơn là ân ban của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan cao cả mà thánh nhân muốn mọi người cùng hướng tới là sự khôn ngoan được diễn tả trong Biến Cố Đức Giê-su. Đặc biệt, theo cách trình bày của thánh nhân, chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng thịt giữa gia đình nhân loại hầu cứu độ và quy tụ con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài theo chương trình của Thiên Chúa.

 

Dưới nhãn quan Kinh Thánh, trong muôn vật muôn loài giữa thế gian, con người là thụ tạo duy nhất được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Công Đồng Vatican II trình bày rõ hơn về sự cao cả của con người khi khẳng định con người là “thụ tạo duy nhất ở thế gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (GS 24). Giữa thế gian, con người luôn là đỉnh cao và trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Con người là thụ tạo duy nhất đón nhận ‘hơi thở’ của Thiên Chúa để trở nên sống động giữa muôn vật muôn loài: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Chính ‘hơi thở’ của Thiên Chúa làm cho con người phân biệt với vạn vật. Đặc biệt, ‘hơi thở’ của Thiên Chúa là ‘Thần Khí’ của Người. Như vậy, nhờ Kinh Thánh, chúng ta biết rằng con người được hiện hữu, tiếp tục tồn tại và thành toàn là nhờ Thần Khí của Thiên Chúa. Do đó, con người vừa thuộc về đất, vừa thuộc về trời; vừa thuộc về thời gian, vừa thuộc về vĩnh cửu; vừa thuộc về thế giới hữu hạn, vừa thuộc về thế giới vô hạn. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta quan tâm là giữa thế gian, con người luôn phải đương đầu với muôn hình thức sự dữ.

 

Sự hiện diện của sự dữ giữa thế gian luôn là điều vượt quá tầm nhận thức của con người. Quả thật, Kinh Thánh không có nhiều trình thuật chi tiết về các hình thức sự dữ. Tuy nhiên, những trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết về hoạt động của sự dữ giữa thế gian. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không dành nhiều thời gian để diễn giải về nguồn gốc của sự dữ nhưng dành nhiều thời gian để xoa dịu những nỗi đau của con người dưới quyền lực sự dữ. Quả thực, sự dữ làm cho phẩm giá con người ngày càng suy đồi và dẫn con người tới sự chết muôn đời. Trong mọi hoàn cảnh, quyền lực của sự dữ luôn ngược lại với quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Quyền năng Thiên Chúa nâng đỡ, bảo toàn và hướng dẫn con người vượt qua những cạm bẫy của các thế lực sự dữ hoành hành giữa thế gian. Quyền năng Thiên Chúa biến đổi con người và làm cho tâm trí con người thuận theo thánh ý Người. Nhờ đó, con người có thể thực hiện những công việc đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân mình và anh chị em đồng loại. Tự thân, con người không thể chiến thắng sự dữ. Do đó, mọi người được mời gọi gắn bó với Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, hầu có thể vượt qua muôn hình thức sự dữ trong hành trình về với Thiên Chúa hằng sống.

 

Quả thực, trong hành trình trần thế, con người luôn đối diện với ‘ba thù’ là ma quỷ, thế gian, xác thịt. Trong đó, ma quỷ là thế lực thiêng liêng hay còn gọi là thần dữ thường cám dỗ con người và làm cho con người sa chước cám dỗ (Kh 12,9); thế gian bao gồm các thế lực xấu xa, đối nghịch với thánh ý Thiên Chúa và làm cho con người đau khổ (Ga 15,18-21); xác thịt là thế lực sự dữ trong tâm hồn mỗi người, chẳng hạn như các dục vọng hay động lực xấu xa làm cho con người phản nghịch giáo huấn của Đức Giê-su và Thần Khí của Người (Rm 8,3-13). Giữa thế gian, con người thường ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, ưa thích thủ lãnh thế gian hơn Thiên Chúa, chạy theo những ảo ảnh của ma quỷ, thế gian, xác thịt hơn quan tâm đến phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su. Tự thân, con người không thể vượt thắng ba thù, do đó, con người luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa, với Đức Giê-su, để có thể vượt thắng cám dỗ của ma quỷ, không chiều theo các sự dữ đang hoành hành giữa thế gian và vượt thắng những dục vọng, tham lam của bản thân mình. Trong đó, vượt thắng những dục vọng, tham lam, yếu đuối của bản thân mình là khó khăn nhất. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Người cũng cho họ biết rằng tinh thần họ thì hăng say nhưng xác thịt lại yếu đuối (Mc 14,38). Thánh Phao-lô cũng chia sẻ kinh nghiệm về những căng thẳng trong nội tâm ngài, đó là: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng, giữa thế gian, các môn đệ Đức Giê-su vừa đối diện với những thách đố nội tâm, vừa đối diện với muôn vàn thách đố từ môi trường xung quanh mình.

 

Trong bối cảnh Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Không chỉ các môn đệ trực tiếp của Đức Giê-su bị thế gian ghét, các môn đệ trung tín của Người qua các thế hệ đều chịu cảnh tương tự. Đó là lý do tại sao thánh Gio-an viết cho các tín hữu: “Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em” (1 Ga 3,13). Câu hỏi đặt ra là tại sao thế gian lại ghét các môn đệ Đức Giê-su? Thưa, vì các môn đệ Đức Giê-su sống theo những giá trị Tin Mừng mà Đức Giê-su loan báo chứ không theo những giá trị mà thế gian mời gọi. Các môn đệ Đức Giê-su không hành xử với anh chị em mình theo kiểu thế gian hay những khuôn mẫu được thế gian thiết đặt mà biết bao nhiêu người qua các thế hệ theo đuổi. Chẳng hạn, các môn đệ trung tín của Đức Giê-su không dễ dàng sa chước cám dỗ đối với vật chất, quyền lực hay những gì chóng qua mau tàn trong thế giới thụ tạo. Kinh nghiệm của các ngài cho mọi người biết rằng ai muốn dõi theo Đức Giê-su cách gần gũi và thâm sâu nhất không nên đặt hy vọng vào những gì dễ dàng, thoải mái, tiện nghi cho bản thân mình. Cái giá cho việc theo Đức Giê-su thật cao. Do vậy, ai không biết cậy dựa vào Người thì khó có thể hoàn tất sứ mệnh trần thế của mình cách tốt đẹp.

 

Đức Giê-su không căn dặn các môn đệ tìm cách lìa bỏ thế gian càng sớm càng tốt để về với Nước Thiên Chúa. Người mời gọi các ngài sống giữa thế gian nhưng không thuộc về gian như Người đã sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Đức Giê-su mời gọi các ngài sống theo những giá trị mà chính Người loan báo và làm chứng bằng cuộc đời vâng phục Chúa Cha trong khiêm tốn, hy sinh, từ bỏ. Thật là thách đố lớn lao cho các môn đệ khi được Đức Giê-su mời gọi sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian hay ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Các môn đệ của Đức Giê-su được mời gọi theo gương Người để chọn phần khó khăn cho bản thân và dành phần dễ dàng cho người khác, đồng thời, loại trừ khỏi bản thân não trạng xem mình là mô mẫu quy chiếu: Muốn được người khác quan tâm hơn là quan tâm đến họ; muốn mình được người khác phục vụ hơn là phục vụ họ; muốn mình là tiêu chuẩn để đánh giá con người, hiện tượng, biến cố hơn là dõi theo giáo huấn của Đức Giê-su trong việc tiếp cận, gặp gỡ, phân định, đánh giá con người cũng như vạn vật. Các môn đệ Đức Giê-su sống giữa thế gian nhưng được mời gọi không hành xử theo cách thức của thế gian trong các tương quan với chính mình, với anh chị em, với Thiên Chúa cũng như với muôn vật muôn loài. Đặc biệt, các môn đệ sống giữa thế gian nhưng được mời gọi trở nên khí cụ tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, yếu đuối, dễ bị tổn thương hay bị người đời ruồng bỏ.

 

Trong hành trình trần thế, con người không thể thắng thế gian một lần cho tất cả bởi vì các thế lực bóng tối luôn tìm cách lôi cuốn mọi người xa lìa đường lối của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1 Pr 5,8-9). Đức Giê-su đã chiến thắng thế gian và Người cũng cho các môn đệ biết rằng Người vẫn luôn đồng hành với họ cũng như những ai nhờ họ mà tin vào Người qua muôn thế hệ. Do đó, mọi người được mời gọi kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su hầu có thể chiến thắng thế gian. Thánh Gio-an khuyên dạy các tín hữu cách thức để thắng thế gian: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5,3-4). Thánh nhân cũng đặt câu hỏi và trả lời: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5,5). Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng tiếng nói cuối cùng giữa thế gian vào thời cánh chung là tiếng nói về chiến thắng của Thiên Chúa tình yêu được Đức Giê-su thực hiện: “Tiếng kèn của thiên thần thứ bảy nổi lên. Trên trời có những tiếng lớn nói rằng: Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Ki-tô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời" (Kh 11,15).

 

Giữa thế gian, ai cũng có kinh nghiệm rằng mình mọn hèn, yếu đuối, dễ bị tổn thương. Đồng thời, ai cũng có kinh nghiệm rằng mình không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Đặc biệt, ai cũng hy vọng vào những gì cao đẹp, trường tồn, không hư nát, không giới hạn như những gì giữa thế gian phai tàn theo năm tháng. Hy vọng giúp con người biết gẫm suy mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với bản thân mình cũng như muôn vật muôn loài và hướng tầm nhìn vượt qua những nghịch cảnh giữa thế gian mà tự thân con người không thể giải quyết được. Hy vọng là thứ duy nhất đem lại cho con người sự an ủi giữa muôn hình thức buồn sầu, đau khổ và đỉnh điểm là cái chết. Chính hy vọng chứ không phải là gì khác giúp con người tin vào Đức Giê-su và biết nhìn xa hơn những gì giữa thế gian này để chiêm ngắm những thực tại vĩnh cửu mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng đời sống Người. Đặc biệt, theo thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, Đức Giê-su là Hy Vọng của chúng ta bởi vì, ngoài Người ra không ai dưới gầm trời này có thể đem lại cho con người ơn cứu độ (1 Tm 1,1; Cv 4,11-12).

 

Đức Giê-su đến thế gian không phải để chỉ cho chúng ta đường đi nước bước nhưng chính Người là Đường cho chúng ta, cho mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài. Đi trên Đường của Đức Giê-su, chúng ta vừa sống xứng đáng với phẩm giá của mình, vừa nhận ra chân trời mới cho cuộc sống mai hậu. Điều này có nghĩa rằng cuộc sống của chúng ta không chỉ giới hạn trong thế giới thụ tạo, trong không gian, thời gian nhưng mở ra với vĩnh cửu, với vô biên, với hạnh phúc viên mãn. Nói cách khác, Đường của Đức Giê-su giúp chúng ta vững bước trong hành trình trần thế và đưa chúng ta về với Thiên Chúa là Nguyên Thủy và Cùng Đích của chúng ta cũng như muôn vật muôn loài. Chính nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, chúng ta được hiện diện trước nhan Thiên Chúa trong tư cách là con cái của Người (Ga 1,12; 1 Ga 3,1; Gl 3,26). Như vậy, sự quan tâm của chúng ta không chỉ là những gì thuộc thế gian này mà quan trọng hơn là ‘môi trường tình yêu đích thực’ mà Thiên Chúa chuẩn bị cho những ai tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Người (1 Cr 2,9).

 

Như đề cập ở trên, Đức Giê-su là Đường của Thiên Chúa giữa thế gian và thế gian bởi Người mà có nhưng không nhận biết Người (Ga 1,10). Lời Tựa của trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an giúp mọi người tự đặt câu hỏi và trả lời về ‘mức độ biết Đức Giê-su’ và sự cần thiết để giúp nhau biết Đức Giê-su nhiều hơn. Trong bối cảnh Kinh Thánh, biết không chỉ thuộc về trí năng mà còn thuộc về sự gắn bó với Đức Giê-su, kinh nghiệm về Đức Giê-su, thực hành theo giáo huấn của Đức Giê-su mà đỉnh cao là yêu mến Người trên hết mọi sự, đồng thời, thể hiện tình yêu đó đối với anh chị em đồng loại cũng như muôn vật muôn loài. Đường của Đức Giê-su không phù hợp với những tâm hồn đóng kín, những tâm hồn muốn ý mình được thể hiện hơn là ý Thiên Chúa được thể hiện. Quả thực, nhiều người trở nên thù nghịch với Đức Giê-su và giáo huấn của Người bởi vì họ biết Đức Giê-su nhưng lại không thành tâm tiến bước trên Đường của Người trong mọi biến cố của cuộc sống mình.

 

Đường của Đức Giê-su khác biệt với đường của thế gian. Chẳng hạn, đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm cách thu lượm, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cách thức trút bỏ; đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm kiếm của cải vật chất, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta tìm kiếm của cải thiêng liêng; đường của thế gian mời gọi chúng ta yêu người mình yêu, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta yêu cả kẻ thù; đường của thế gian mời gọi chúng ta làm bạn với những người thế giá, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta làm bạn với những người bị bỏ rơi; đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm cách lên án người khác, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta tha thứ; đường của thế gian mời gọi chúng ta cậy dựa vào sức riêng mình, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cậy dựa vào quyền năng Thiên Chúa; đường của thế gian mời gọi chúng ta làm cho danh mình được sáng tỏ, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cầu xin cho danh Thiên Chúa được cả sáng.

 

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng cách chúng ta nhìn nhận (seeing) giúp chúng ta hành động (doing) cách xứng hợp hầu có thể diễn tả (expressing) chính mình cách đúng đắn nhất. Mọi người được mời gọi thực hành Đường Đức Giê-su giữa thế gian. Câu hỏi đặt ra là ‘bằng cách nào chúng ta có thể thực hành Đường Đức Giê-su giữa thế gian?’. Thưa, bằng cách tuân giữ các giới răn của Người trong mọi biến cố của cuộc sống mình (Mt 28,20; Ga 8,51; Rm 2,13). Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng nhân thế là biến cố ‘một lần cho tất cả’ (Rm 6,10; Dt 7,27;). Tuy nhiên, niềm tin và thực hành của chúng ta không phải là ‘một lần cho tất cả’, bởi vì, các thế lực sự dữ luôn tìm cách làm cho chúng ta xa rời đường ngay nẻo chính mà Đức Giê-su đã thiết lập và kiện toàn. Giữa thế gian, chúng ta luôn phải đối diện với muôn vàn hình thức bất hòa hợp, khó khăn, thử thách bởi vì Tội Nguyên Tổ và hậu quả của nó vẫn hoành hành trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Do đó, mọi người được mời gọi không ngừng cộng tác với Đức Giê-su trong việc hoán cải và biến đổi bản thân theo Đường của Người.

 

Khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ trở thành muối đất và phản chiếu ánh sáng của Người giữa thế gian (Mt 5,13-14). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Người đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho sứ mệnh của các môn đệ giữa thế gian (Ga 17,18). Người cũng cầu nguyện cho những ai nhờ các môn đệ mà tin vào Người (Ga 17,20). Sau khi sống lại, Người trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để các ngài thực thi sứ vụ thánh hóa các tín hữu (Ga 20,22-23). Với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã ra đi loan báo Tin Mừng của Người cho đến tận cùng trái đất (Mc 16,15; Cv 1,8). Hơn ai hết, thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, có được kinh nghiệm đặc biệt về tình yêu của Đức Giê-su được diễn tả nơi Biến Cố Thập Giá với trái tim Người bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Thánh nhân viết: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19,35). Như vậy, loan báo Tin Mừng là làm chứng rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã đến thế gian và Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh hầu dẫn đưa con người về với Quê Hương vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa. Trong Bài Giảng về thời cánh chung, Đức Giê-su nói: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết” (Mt 24,14). Các trình thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng Giáo Hội sơ khai là Giáo Hội loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, hầu hết các môn đệ Đức Giê-su đã loan báo Người và Tin Mừng của Người bằng đời sống và cái chết tử đạo của mình.

 

Chúng ta có thể kết luận rằng từ ‘thế gian’ (κόσμος/ cosmos) được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người. Trong nội dung đức tin Ki-tô Giáo, nhất là trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an và Thư Thứ Nhất của Người, từ ‘thế gian’ được sử dụng với nhiều nghĩa phân biệt nhau, từ nghĩa khái quát nhất là vũ trụ và muôn vật muôn loài trong đó đến nghĩa cụ thể nhất là con người; từ ‘nghĩa tích cực’, chẳng hạn như Thiên Chúa yêu thương thế gian đến ‘nghĩa tiêu cực’, chẳng hạn như thế gian là tất cả các thế lực phản nghịch chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, điều căn bản là Thiên Chúa yêu thương thế gian. Tình yêu này đạt đỉnh điểm và được minh chứng cách cụ thể nơi Biến Cố Đức Giê-su giữa thế gian. Bởi vì, Người đã đến thế gian, sống giữa thế gian, mang lấy tội lỗi của thế gian mà đưa lên cây thập tự. Người đã chết và sống lại để thông phần sự chết của con người, đồng thời, trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người mời gọi các môn đệ hãy ‘sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian’ như Người đã ‘sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian’. Sau khi phục sinh, Người đã trao ban Bình An và Thần Khí của Người là Chúa Thánh Thần cho những ai đón nhận Người là Thầy và là Bạn của mình hầu giúp họ chiến thắng ma quỷ cũng như vượt qua muôn hình thức sự dữ giữa thế gian. Trong mọi hoàn cảnh, Người là Đường của Thiên Chúa giữa thế gian để những ai trung tín đi trên Đường này thì luôn được niềm vui thiêng liêng và phần thưởng muôn đời trong Nước Thiên Chúa. Ước gì lời của Đức Giê-su luôn vang vọng nơi tâm trí mọi thành phần trong gia đình nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Do-thái có nhiều từ được dịch là thế gian, thế giới hay hoàn vũ (mundus, world, monde) chẳng hạn như עוֹלָם (olam), עֶרֶשׂ (eres), בְּרִיאָה (beriah). Từ phổ biến nhất là תֵּבֵל (tevel, xuất hiện 36 lần), chẳng hạn: “Nền móng địa cầu là của Đức Chúa, Người đặt cả hoàn vũ [תֵּבֵֽל] lên trên” (1 Sm 2,8) hay: “Ánh chớp của Người soi sáng thế gian [תֵּבֵ֑ל], địa cầu trông thấy mà run sợ” (Tv 97,4). Điều đáng để chúng ta quan tâm là ý niệm về thế gian, thế giới, hoàn vũ hay vũ trụ của người Do-thái không giống với người Hy-lạp. Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp có ba từ (1) ‘κόσμος/ cosmos’, (2) ‘αἰών/ aion’ và (3) ‘οἰκουμένη/ oikouménē’ được dịch sang tiếng Việt là thế gian, thế giới, vũ trụ, trần gian, trần thế, trần đời, thời đại, thời kỳ. Trong đó, từ οἰκουμένη/ oikouménē (xuất hiện 15 lần) với nghĩa liên quan đến đế chế (chẳng hạn như đế chế Rô-ma) hoặc theo nghĩa thần bí (Lc 2,1; Dt 1,6; 2,5); từ αἰών/ aion (xuất hiện 128 lần) với nghĩa là thời gian nhưng không phải là thời gian xác định hay giới hạn, từ này tương tự như từ ‘age’ trong tiếng Anh với nghĩa là thời đại hay thời kỳ (Lc 20,35; Rm 2,2); từ κόσμος/ cosmos (xuất hiện 188 lần) với các nghĩa khác nhau, chẳng hạn như vũ trụ (cosmos, universe), trái đất (earth), nhân loại (mankind), thế sự (world affairs), các thế lực thù địch hay xa lạ với Thiên Chúa (alienated from God). Nghĩa nguyên thủy của κόσμος/ cosmos là trật tự (order), là hòa hợp (harmony), là vẻ đẹp (beauty) của muôn vật muôn loài. Thánh Gio-an Tông Đồ là người sử dụng từ này nhiều nhất trong Tin Mừng Thứ Tư cũng như trong Thư Thứ Nhất của ngài.

 

Thời cổ đại, nhãn quan Do-thái Giáo về vũ trụ hay thế giới không giống với nhãn quan Hy-lạp. Đối với dân Do-thái, ý niệm ban đầu về thế giới mang tính chung chung hơn là nhãn quan của người Hy-lạp. Chẳng hạn, thế giới được diễn tả như là ‘trời và đất’. Câu đầu tiên của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo trời/ הַשָּׁמַ֖יִם/ haššāmayim/ the heavens và đất/ הָאָֽרֶץ/ hā’āreṣ/ the earth (St 1,1). Đặc biệt, theo tác giả Thánh Vịnh 115: “Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa cho con cái loài người” (Tv 115,16). Sở dĩ thế giới tốt lành, trật tự, hòa hợp là vì được Thiên Chúa sáng tạo, quan phòng và thi ân giáng phúc. Thiên Chúa của Cựu Ước là Thiên Chúa siêu việt vũ trụ, siêu việt các thực tại khả giác hay các thực tại mà con người có thể kinh nghiệm: “Sự tuyệt hảo của Người cao hơn các tầng trời, liệu anh làm gì được, sâu thẳm hơn âm phủ, hỏi anh biết được gì, trải dài hơn cõi đất, rộng hơn cả biển sâu?” (G 11,8-9). Ở một số nơi trong Kinh Thánh, vũ trụ được diễn tả cách đơn sơ bao gồm trời, đất và nước, chẳng hạn như: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dần dần, với sự giao thoa văn hóa của các dân tộc vùng Địa Trung Hải, một số tác giả Kinh Thánh Cựu Ước dùng ý niệm ‘thế giới’ (κόσμος/ cosmos; world; universe) của Hy-lạp trong các bản văn của mình, chẳng hạn như Kn 9,9; Kn 10,1-2; 2 Mcb 3,12.

 

Chúng ta có thể khẳng định rằng khi con người xuất hiện trên trái đất cũng là khi con người thể hiện sự ngạc nhiên về vũ trụ, về thế giới, về vạn vật quanh mình. Những ý niệm về vũ trụ của các triết gia Hy-lạp từ thời Thales of Miletus (626-548 tCN), Pythagore (570- 495 tCN) cho đến Heraclitus (535-475 tCN) khá mơ hồ. Tới thời Plato (428-348 tCN), những ý niệm về vũ trụ rõ nét hơn, trong đó có sự phân biệt giữa trời và đất, thượng giới và hạ giới, thế giới linh tượng và thế giới vật chất hay thế giới khả giác. Đối với Plato, thế giới mà con người có thể cảm nhận (the sensible world) là thế giới ảo (the illusory world), còn thế giới thực thì bền vững và siêu việt so với thế giới ảo (the suprasensible world). Trong khi Plato và một số triết gia Hy-lạp khác thiên về nhị nguyên luận giữa thế giới linh tượng và thế giới khả giác hay thế giới vật chất thì Aristotle lại nhấn mạnh sự liên kết giữa hai thế giới này. Aristotle giới thiệu khái niệm mô thể (form) và chất thể (matter) để diễn tả vạn vật trong vũ trụ. Đặc biệt, với Aristotle, Thượng Đế là hiện thể thuần túy (actual), không mang dấu vết chất thể (matter), không biến đổi, hoàn hảo và vĩnh cửu. Thượng Đế của Aristotle là Nguyên Nhân (the Cause) của mọi sự, là ‘Động Cơ Đệ Nhất’ hay ‘Động Cơ Bất Động’ [ὃ οὐ κινούμενον κινεῖ, primum movens, the unmoved mover] (Aristotle, Metaphysics, Book XII, Part 7). Thượng Đế của Aristotle không phải là Thiên Chúa ngôi vị, Thiên Chúa yêu thương thế gian, Thiên Chúa quan tâm con người, mà chỉ là Nguyên Nhân của các hình thức vận động mà con người có thể kinh nghiệm được trong đời sống mình.

 

Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa không ‘vô cảm’ trước vũ trụ như cách hiểu của Plato hay Aristotle. Bởi vì, Người là Đấng hòa mình với thiên nhiên, gần gũi với hết mọi loài: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Hơn nữa, muôn vật muôn loài phản ánh kỳ công của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145,10-12). Đối với dân Do-thái, một mặt, Thiên Chúa là Chúa Tể muôn vật muôn loài, đồng thời, Thiên Chúa không lệ thuộc vào muôn vật muôn loài, không lệ thuộc vào thế giới. Trong khi thế giới đầy biến động đổi thay thì Thiên Chúa luôn bền vững: “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao. Ngài thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102,26-28). Như vậy, đối với dân Do-thái, Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo, vừa là Đấng bảo toàn muôn vật muôn loài; vừa là Đấng siêu việt, vừa là Đấng gần gũi; vừa là Đấng quyền năng, vừa là Đấng giàu lòng thương xót.

 

Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 121 viết: “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề… Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121,4-8). Do đó, Thiên Chúa của Cựu Ước không xa lạ con người cũng như muôn vật muôn loài. Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,7-8). Thiên Chúa thông biết mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của con người: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,1-4). Như vậy, Thiên Chúa thật cao cả quyền năng đối với tất cả những gì giữa thế gian, đồng thời, Người luôn quan tâm đến con người và hết thảy những gì Người đã tác tạo.

 

Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại. Đặc biệt, Tân Ước cho chúng ta biết rằng, nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa con người cũng như muôn vật muôn loài. Trong hành trình giữa thế gian, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người được Chúa Cha sai đến để nhân danh nhân loại thực thi thánh ý Chúa Cha. Theo trình thuật của thánh Gio-an Tông Đồ: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Từ ‘thế gian’ (κόσμος/ cosmos) trong các sách Tân Ước có nhiều nghĩa. Chúng ta hãy xem xét một số nghĩa căn bản của từ này, đồng thời, chúng ta cũng xem xét tương quan giữa Đức Giê-su và thế gian trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và muôn vật muôn loài.

 

Thứ nhất, thế gian là toàn bộ công trình Thiên Chúa sáng tạo (vũ trụ). Chẳng hạn, trước sự cứng lòng của những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật, Đức Giê-su nói: "Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa [κόσμος/ cosmos]" (Lc 11,50). Khi trình bày về cuộc phán xét chung, Đức Giê-su nói: "Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa [κόσμος/ cosmos]" (Mt 25,34). Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an gợi lại cho độc giả trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế, nhất là thế gian được Thiên Chúa sáng tạo nhờ Đức Giê-su (St 1-3; Ga 1,1-3.10). Đặc biệt, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: Xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Người cầu nguyện cho các môn đệ cũng như những người nhờ các môn đệ mà tin vào Người: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúng ta cũng gặp từ ‘thế gian/ κόσμος/ cosmos’ với nghĩa là công trình Thiên Chúa sáng tạo ở nhiều chỗ khác nữa trong Tân Ước, chẳng hạn như Dt 4,3; Kh 17,8; Cv 17,24; Rm 1,20.

 

Thứ hai, thế gian là trái đất nơi loài người cư ngụ. Khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, thánh Mát-thêu trình thuật rằng: "Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian [κόσμος/ cosmos], và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,8-9). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, thánh Gio-an viết: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6,14). Trong dịp Lễ Cung Hiến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17,11). Sau này, khi viết thư cho các tín hữu, thánh Phê-rô cũng dùng từ ‘thế gian’ hay thế giới theo nghĩa là trái đất: “Người không dung thứ cho thế giới cũ [κόσμος/ cosmos], nhưng khi trút hồng thủy xuống trên thế giới của những kẻ vô luân, Người đã cứu sống tám mạng, trong số đó có ông Nô-ê, kẻ rao giảng sự công chính” (2 Pr 2,5). Thánh Phao-lô cũng dùng từ ‘thế gian’ với nghĩa tương tự: “Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu [κόσμος/ cosmos], ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em” (Rm 1,8).

 

Thứ ba, thế gian là mọi người trong gia đình nhân loại. Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian [κόσμος/ cosmos]” (Mt 5,14). Nhiều trích đoạn trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết thế gian theo nghĩa là mọi người, chẳng hạn như lần đầu tiên khi thấy Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả nói với các môn đệ của ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói với ông: “Thiên Chúa yêu thế gian [κόσμος/ cosmos] đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian [κόσμος/ cosmos] được sống” (Ga 6,51). Đức Giê-su nói với những người Do-thái cứng lòng trước Lễ Vượt Qua: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian [κόσμος/ cosmos], nhưng để cứu thế gian” (Ga 12,47).

 

Thứ tư, thế gian là những người chưa thuộc về Thiên Chúa, chưa tin nhận Đức Giê-su. Khi trình bày về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian [κόσμος/ cosmos] vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó” (Lc 12,29-30). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng sau khi phục sinh, Đức Giê-su tỏ mình cho Nhóm Mười Một khi họ đang dùng bữa. Người nói với họ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ [τὸν κόσμον ἅπαντα], loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Sau này, thánh Phao-lô viết thư cho các tín hữu ở Rô-ma với nghĩa ‘thế gian’ cũng tương tự như vậy: “Nếu vì người Do-thái sa ngã mà thế giới [κόσμος/ cosmos] được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!” (Rm 11,12).

 

Thứ năm, thế gian là những người chống đối Đức Giê-su cũng như các môn đệ của Người. Khi Đức Giê-su đang ở Ga-li-lê thì anh em Người nói rằng Người cần phải đi Giu-đê hoạt động công khai để được nổi danh. Đức Giê-su bảo họ: “Thế gian [κόσμος/ cosmos] không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa” (Ga 7,7). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Nếu thế gian [κόσμος/ cosmos] ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19). Sau này, các môn đệ Đức Giê-su cũng dùng theo nghĩa này, chẳng hạn, thánh Gia-cô-bê viết cho các tín hữu: "Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa" (Gc 4,4). Khi trình bày về sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan theo mặc khải Ki-tô Giáo, thánh Phao-lô viết: "Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?" (1 Cr 1,20).

 

Thứ sáu, thế gian là ma quỷ hoạt động trong môi trường nhân loại. Chẳng hạn, Đức Giê-su loan báo về việc Người sẽ được tôn vinh qua cái chết của Người: "Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!" (Ga 12,31)Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Người nói riêng với các môn đệ thân tín: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy" (Ga 14,30)Trong Thư Thứ Nhất, thánh Gio-an kêu gọi các tín hữu cần đề phòng thế gian và các ngôn sứ giả: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1 Ga 4,4). Còn thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Cô-rin-tô: "Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta" (1 Cr 2,12).

 

Thứ bảy, thế gian là tất cả những gì làm cho con người trở nên bất tín hay phản nghịch đường lối của Thiên Chúa. Khi trình bày điều kiện cho những ai theo Người, Đức Giê-su đặt câu hỏi: "Nếu người ta được cả thế giới [κόσμος/ cosmos] mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26). Tương tự như thế, thánh Gio-an viết: “Anh em đừng yêu thế gian [κόσμος/ cosmos]… Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha … thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17). Thánh Phê-rô cảnh báo các tín hữu: “Những kẻ đã thoát khỏi những vết nhơ của thế gian [κόσμος/ cosmos], nhờ được biết Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ, mà lại vướng mắc vào đó một lần nữa và bị thua, thì tình trạng sau này của họ còn tệ hơn trước” (2 Pr 2,20). Nghĩa ‘thế gian’ ở các trích đoạn này có tính chung chung hơn so với các nghĩa ‘thế gian’ được đề cập cách cụ thể hơn trước đó. Chúng ta có thể hiểu rằng sự sa ngã của các thiên thần và con người dẫn tới hệ lụy là thế gian trở thành môi trường làm cho con người hướng chiều về sự dữ hơn là hướng chiều về Thiên Chúa cũng như đường lối của Người (Ed 18,24-30).

 

Như đề cập ở trên, khái niệm 'thế gian' (κόσμος/ cosmos) trong các trình thuật Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước, thật đa dạng: Khi thì trừu tượng, khi thì cụ thể; khi thì bao quát, khi thì giới hạn; khi thì hướng về chất lượng, khi thì chỉ số lượng; khi thì đề cập những gì vô hình, khi thì quan tâm những gì hữu hình. Việc phân biệt nghĩa ‘thế gian’ trong các trình thuật Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu biết ý nghĩa sâu rộng của Lời Chúa hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng dù ‘thế gian’ theo nghĩa nào, điều căn bản là Đức Giê-su đã đến thế gian, sống trong thế gian và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa giữa thế gian. Chính Người phải đương đầu với nhiều cám dỗ và cam chịu muôn hình thức đau khổ giữa thế gian để thông phần với mọi người trong gia đình nhân loại.

 

Các trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết rằng, sau khi chịu Phép Rửa bởi Gio-an tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã vào sa mạc và ở đó Người bị ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11). Các hình thức cám dỗ mà Người phải chịu bao gồm việc chiều theo sở thích cá nhân (truyền cho đá hóa bánh để ăn), biểu dương quyền lực (gieo mình từ nóc đền thờ) và sở hữu (các vương quốc thế gian). Đó là những cám dỗ căn bản mà con người thường gặp phải. Điều khác biệt giữa Đức Giê-su và mọi người trong gia đình nhân loại là Người không sa chước cám dỗ bởi vì Người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh. Cách cụ thể hơn, Người luôn tin tưởng, vâng phục và phó thác mọi sự nơi Chúa Cha. Bài ca Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sai-a của Cựu Ước đã loan báo điều đó: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Sự tin tưởng, vâng phục và phó thác nơi Chúa Cha trong thinh lặng, trong đau khổ cùng cực của Đức Giê-su luôn là khuôn mẫu cho mọi người trong việc chống lại các hình thức cám dỗ giữa thế gian này.

 

Sống giữa thế gian nhưng nhãn quan của Đức Giê-su về các thực tại khác biệt so với những người đương thời. Chẳng hạn, liên quan đến việc nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, thánh Mác-cô trình thuật rằng những người Pha-ri-sêu và những người thuộc phe Hê-rô-đê hỏi Đức Giê-su: “Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” (Mc 12,15). Với câu hỏi này, Đức Giê-su trả lời thế nào cũng mắc vào bẫy của họ. Nếu Người trả lời ‘không phải nộp’ thì chắc chắn rằng Phi-la-tô sẽ không để Người yên; nếu Người bảo ‘phải nộp’ thì chắc chắn rằng những người Do-thái đang chống lại những người Rô-ma sẽ lên án Người chiều theo ngoại bang làm tan hoang gia sản dân tộc. Sau khi xem đồng tiền có hình Xê-da, Đức Giê-su đã trả lời: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Câu trả lời của Đức Giê-su đã làm cho những người Pha-ri-sêu và những người thuộc phái Hê-rô-đê hết sức ngạc nhiên. Câu trả lời này trở thành ‘châm ngôn sống’ cho mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt, những ai chân thành bước theo Đức Giê-su và tuân giữ giáo huấn của Người.

 

Hình ảnh Xê-da được khắc ghi vào đồng tiền nhắc nhở mọi người về hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính mình và làm cho phẩm giá mình cao trọng hơn muôn vật muôn loài (St 1,26-27). Thật trớ trêu, qua mọi thời, nhiều người quan tâm và ưa thích hình ảnh Xê-da hơn là hình ảnh Thiên Chúa: Bởi vì, hình ảnh Xê-da thì hữu hình, còn hình ảnh Thiên Chúa nơi bản tính con người thì vô hình; hình ảnh Xê-da thì có thể đụng chạm, còn hình ảnh Thiên Chúa thì không thể; hình ảnh của Xê-da đem lại lợi ích tức thời, còn hình ảnh Thiên Chúa đem lại lợi ích chưa thể kiểm chứng được cách nhãn tiền! Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy quan tâm đến hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình cũng như anh chị em đồng loại, đồng thời, hãy hành động sao cho hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình cũng như anh chị em ngày càng được sáng rõ hơn trong cuộc sống hằng ngày. Đối với Đức Giê-su, con người thuộc về Thiên Chúa trước khi thuộc về bất cứ xã hội nào ở thế gian này. Những người theo Đức Giê-su vừa là công dân của một quốc gia hay vùng miền nào đó, vừa là công dân của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng. Mọi người có bổn phận nộp thuế cho các thể chế dân sự, đồng thời, họ có bổn phận quy hướng về Thiên Chúa. Sau này, khi loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô dạy dỗ các tín hữu: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1 Pr 2,17). Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, quyền lực tối thượng vẫn luôn là quyền lực của Thiên Chúa và quyền lực chân chính của thế gian thì không bao giờ ngược lại với quyền lực tối thượng của Người. Bởi vì, theo thánh ý của Thiên Chúa, ‘sứ mệnh của quyền lực’ là vì con người và làm cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh của Người và được mời gọi trở nên con cái Người theo khuôn mẫu Đức Giê-su trong hành trình trần thế.

 

Khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giê-su nói: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13,37-39). Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, nhờ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và quy tụ muôn vật muôn loài (Ga 1,1-3; 1 Cr 15,49; Ep 1,9-10). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa trở thành con của loài người. Nhờ Đức Giê-su là ‘Con Người’ mà mọi người mới có thể nhận thức được sự liên kết mật thiết giữa vũ trụ luận (cosmology), nhân luận (anthropology) và cánh chung luận (eschatology). Trong đó, nhân luận luôn là trung tâm nối kết giữa vũ trụ luận và cánh chung luận bởi vì Đức Giê-su đã đến thế gian để kết nối trời với đất, Thiên Chúa với con người, vĩnh cửu với thời gian, vô hạn với hữu hạn. Đồng thời, sự hiện diện của Đức Giê-su giữa thế gian là để thực thi thánh ý Thiên Chúa trong việc khôi phục phẩm giá con người và biến đổi vạn vật. Đặc biệt, sự khôi phục này được diễn tả qua việc Đức Giê-su tham dự đời sống con người mà cao điểm là cuộc thương khó, cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Người. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su vừa diễn tả Người là ‘khuôn mặt tiền hữu của Thiên Chúa’ vừa là ‘khuôn mặt của Thiên Chúa giữa thế gian’, vừa là ‘khuôn mặt cánh chung mai hậu’ cho phép con người được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu và muôn vật muôn loài được biến đổi theo trật tự của chúng.

 

Đức Giê-su là Ngôi Lời và là ánh sáng thật của Thiên Chúa (Ga 1,9a), và Ngôi Lời đã trở nên nhục thể [σάρξ] (Ga 1,14). Ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9b). Đức Giê-su mời gọi mọi người giữa thế gian đặt niềm tin tưởng vào Người để được ánh sáng ban sự sống. Người nói rõ điều đó: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,18-19). Lời của Đức Giê-su giúp mọi người hiểu rõ hơn về ánh sáng và bóng tối cũng như tâm thức của con người đối với ánh sáng và bóng tối. Đối với Đức Giê-su, người yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng cũng tương tự như người tin vào thế gian hơn là tin vào Người; tin vào sự dối trá hơn là sự thật; tin vào điều ác hơn là điều thiện. Trước người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Sau đó, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Khi người mù được sáng mắt nhờ Đức Giê-su là ánh sáng trần gian, anh ta đã trở nên khí cụ của ánh sáng và loan báo Tin Mừng ánh sáng cho anh chị em mình. Như vậy, ánh sáng hay vinh quang (δόξα) của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giê-su bằng xương bằng thịt (σάρξ) giữa thế gian và sự diễn tả này đem lại hiệu quả là con người được cứu chữa, được nhìn thấy ánh sáng ban sự sống, được chiêm ngưỡng vinh quang đời đời của Thiên Chúa.

 

Khi những người Do-thái tranh luận với Đức Giê-su về nguồn gốc và căn tính của Người thì Người nói với họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,23-24). Đức Giê-su cũng mặc khải cho các môn đệ thân tín của Người rằng: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,27-28). Trong cuộc khổ nạn, trước câu hỏi của Phi-la-tô về thân phận của Người, Đức Giê-su đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này" (Ga 18,36). Phi-la-tô lại hỏi Đức Giê-su: “Vậy ông là vua sao? Người đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,37). Phi-la-tô cũng như nhiều người Do-thái ngạc nhiên về những lời nói và việc làm của Đức Giê-su. Bởi vì, một mặt, Đức Giê-su là con người bình thường với gốc gác tầm thường là con bác thợ mộc miền quê Na-da-rét. Mặt khác, Đức Giê-su đã thực thi những điều vượt quá tâm trí họ. Quả thực, là con người giữa thế gian nhưng Đức Giê-su luôn là Lời và Khôn Ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của Người đều thuận theo thánh ý Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho con người cũng như muôn vật muôn loài.

 

Trong lời cầu nguyện cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su không cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian nhưng gìn giữ họ khỏi mọi hiểm nguy giữa thế gian: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16). Bằng cách nào các môn đệ có thể sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian? Thưa, Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha thánh hiến họ: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,18-19). Những lời này của Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng Người yêu mến họ cũng như hiểu rõ những giới hạn, bất xứng của họ. Người đã chuẩn bị cho họ những điều cần thiết để có thể đối diện với muôn nghịch cảnh trong cuộc sống sau khi Người về cùng Chúa Cha. Quả thực, nếu các môn đệ Đức Giê-su không được thánh hiến bởi sự thật thì họ không thể nào ‘sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian’. Thế gian bao trùm họ ‘từ đầu đến chân’, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Do đó, sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian thật vô cùng khó khăn nhưng khi các môn đệ Đức Giê-su được thánh hiến bằng sự thật, dõi theo sự thật và hành động theo sự thật thì họ có thể trung tín với Đức Giê-su trong mọi hoàn cảnh cho tới hơi thở cuối cùng.

 

Theo những người chịu ảnh hưởng triết lý nhị nguyên Hy-lạp, vực thẳm giữa thế giới linh tượng và thế giới khả giác, giữa điều tốt và điều xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tự do và nô lệ thật lớn lao. Bổn phận của con người là tìm cách về với thế giới linh tượng, chứ không phải say mê với thế giới khả giác giữa thế gian. Điều khác biệt căn bản giữa mặc khải Kinh Thánh Ki-tô Giáo và triết lý nhị nguyên là: Nhờ Đức Giê-su, thế giới khả giác giữa thế gian có thể biến đổi, có thể tốt hơn, có thể hòa nhập vào môi trường Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, dù mọi người trong thế gian bị tội lỗi và các thế lực đen tối chi phối nhưng nhờ Đức Giê-su thì họ được hưởng ơn cứu độ. Lời của Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô cho mọi người biết điều đó: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Chiếu theo lời này, Thiên Chúa của Đức Giê-su không phải là chúa, là thần của một dân tộc hay một quốc gia nào mà là của mọi người giữa thế gian, mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Lời dân thành Sa-ma-ri đối với người phụ nữ đồng hương gặp gỡ Đức Giê-su bên bờ giếng Gia-cóp cũng minh chứng điều đó: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

 

Trong Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su giữa thế gian, Người nói với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,18-20). Đặc biệt, câu nói cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn là: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Theo lời của Đức Giê-su, chúng ta thấy sự đối lập trong đời sống của các môn đệ giữa thế gian là đau khổ và bình an. Quả thực, đời sống của các ngài luôn đối diện với muôn vàn gian lao, thử thách, tủi nhục nhưng các ngài có được bình an đích thực bởi vì Đức Giê-su là Hoàng Tử Bình An luôn đồng hành với các ngài (Is 9,5; Ga 14,27). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng ai gắn bó mật thiết với Đức Giê-su thì thập giá trở thành thánh giá, đau khổ trở thành vinh quang và nỗi buồn trở thành niềm vui đích thực.

 

Trong bối cảnh trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su báo trước về niềm vui trọn vẹn của thầy trò: “Thầy bảo thật anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Đức Giê-su ra đi nhưng trong Chúa Thánh Thần, Người vẫn luôn hiện diện và hoạt động với các môn đệ. Đặc biệt, các môn đệ sẽ có được niềm vui trọn vẹn bởi vì Đức Giê-su hằng sống và các môn đệ được sống nhờ Người. Đức Giê-su cũng cho các môn đệ biết rằng càng trung tín với Người bao nhiêu thì họ càng phải chịu đau khổ, bách hại bấy nhiêu. Người cũng nói với các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). Đặc biệt, trong lời nguyện dài nhất của Người trong Tin Mừng, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17,13). Những lời trăng trối của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn thật thâm sâu và giàu ý nghĩa. Những lời này vừa giúp các môn đệ hiểu biết hơn về những yếu đuối của con người giữa thế gian do hậu quả tội lỗi và các thế lực đêm tối, vừa đem lại cho họ viễn kiến mới mẻ là sự vinh thắng trọn vẹn mà Đức Giê-su mang lại.

 

Mặc khải Ki-tô Giáo giúp chúng ta có được nhận thức tổng quát rằng, khi con người phạm tội và tội lỗi xâm nhập thế gian, Đức Giê-su đã đến thế gian để tiêu diệt tội lỗi cũng như những hậu quả tai hại do tội lỗi gây nên (Rm 5,12-21). Người đã thắng thế gian khi đối diện với muôn hình thức đau khổ, sự chết và phục sinh. Người đã thắng thế gian không theo kiểu thế gian. Câu hỏi được đặt ra: ‘Kiểu thế gian là kiểu gì vậy?’ Thưa, kiểu thế gian là kiểu mạnh thắng yếu, khôn ngoan thắng điên dại, tàn bạo thắng kém cỏi, giàu có thắng nghèo khó, tự cao thắng tự hạ. Đức Giê-su đã chiến thắng sự dữ bằng sự lành, thắng tự cao bằng tự hạ, thắng hận thù bằng tình yêu. Hơn ai hết, thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu hơn điều này: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1 Cr 1,27-28). Từ sự chiến thắng thế gian, Đức Giê-su mở ra cho nhân loại nhãn quan mới mẻ về cách thức hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong việc loại bỏ tội lỗi cũng như sự chết để cứu độ con người và biến đổi vạn vật.

 

Trong các trình thuật Tin Mừng, nhất là trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su mặc khải cách đặc biệt về Thần Khí của Chúa Cha cũng là của Người. Càng về cuối hành trình trần thế, Đức Giê-su cho các môn đệ hiểu biết hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Thần Khí là Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (Ga 14,16-17). Chính Thần Khí giúp các môn đệ phân định đúng hay sai, thật hay giả, trung tín hay bất tín. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử; về tội lỗi: Vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: Vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: Vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16,8-11). Sau này, thánh Gio-an giúp các tín hữu biện phân các hình thức thần khí. Ngài viết: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1). Đồng thời, thánh nhân cho biết: “Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Ki-tô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1 Ga 4,3). Cũng theo thánh nhân: Thần Khí của Thiên Chúa dẫn con người đến sự thật, còn thần khí của thế gian dẫn con người đến sai lầm (1 Ga 4,6). Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cr 2,12).

 

Như đề cập ở trên, trong các tác giả viết Kinh Thánh, hơn ai hết, thánh Gio-an là người dùng từ thế gian ‘κόσμος/ cosmos’ nhiều nhất. Viết thư cho các tín hữu, ngài mời gọi họ phân biệt giữa ‘yêu thế gian’ và ‘yêu Thiên Chúa’, bởi vì những gì thuộc thế gian thì chóng qua, còn những gì thuộc Thiên Chúa thì trường cửu. Thánh nhân viết: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17). Là người môn đệ Chúa yêu, thánh nhân có được kinh nghiệm sâu thẳm về tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su giữa thế gian. Theo đó, tình yêu của Thiên Chúa cũng chính là tình bạn và ngược lại. Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là họ phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ (Ga 13,34). Người cũng cho họ biết rằng tình yêu cao cả nhất là hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình và Người là Bạn của họ (Ga 15,12-15). Tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa đối với con người được Đức Giê-su thực hiện theo cách thức vô tiền khoáng hậu, bởi vì, (1) Người là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ nhưng lại làm bạn với con người yếu đuối, tội lỗi, xấu xa; (2) Người là Thiên Chúa hằng sống nhưng đã chết vì con người giữa thế gian.

 

Tương tự như các tác phẩm của thánh Gio-an Tông Đồ, khi đề cập đến hạn từ ‘thế gian’, thánh Phao-lô quan tâm đến chiều kích luân lý hơn là thể lý. Một mặt, đối với thánh nhân, thế gian là nhân loại, là đối tượng được Đức Giê-su thương tình cứu độ: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2 Cr 5,19). Trong Thư Thứ Nhất gửi Ti-mô-thê, thánh nhân viết: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1,15). Mặt khác, thánh nhân diễn tả sự đối nghịch giữa sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1 Cr 1,20-21). Thánh nhân khẳng định rằng: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong” (1 Cr 2,6). Quả thực, thế gian và thủ lãnh thế gian là Xa-tan mừng rỡ vì con người lắng nghe lời của chúng hơn là lời của Thiên Chúa. Thay vì tin tưởng, kính sợ Thiên Chúa thì con người lại quy phục, kính sợ các mãnh lực thế gian và tìm cách cậy dựa vào các mãnh lực thế gian hơn là ân ban của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan cao cả mà thánh nhân muốn mọi người cùng hướng tới là sự khôn ngoan được diễn tả trong Biến Cố Đức Giê-su. Đặc biệt, theo cách trình bày của thánh nhân, chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng thịt giữa gia đình nhân loại hầu cứu độ và quy tụ con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài theo chương trình của Thiên Chúa.

 

Dưới nhãn quan Kinh Thánh, trong muôn vật muôn loài giữa thế gian, con người là thụ tạo duy nhất được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Công Đồng Vatican II trình bày rõ hơn về sự cao cả của con người khi khẳng định con người là “thụ tạo duy nhất ở thế gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (GS 24). Giữa thế gian, con người luôn là đỉnh cao và trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Con người là thụ tạo duy nhất đón nhận ‘hơi thở’ của Thiên Chúa để trở nên sống động giữa muôn vật muôn loài: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Chính ‘hơi thở’ của Thiên Chúa làm cho con người phân biệt với vạn vật. Đặc biệt, ‘hơi thở’ của Thiên Chúa là ‘Thần Khí’ của Người. Như vậy, nhờ Kinh Thánh, chúng ta biết rằng con người được hiện hữu, tiếp tục tồn tại và thành toàn là nhờ Thần Khí của Thiên Chúa. Do đó, con người vừa thuộc về đất, vừa thuộc về trời; vừa thuộc về thời gian, vừa thuộc về vĩnh cửu; vừa thuộc về thế giới hữu hạn, vừa thuộc về thế giới vô hạn. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta quan tâm là giữa thế gian, con người luôn phải đương đầu với muôn hình thức sự dữ.

 

Sự hiện diện của sự dữ giữa thế gian luôn là điều vượt quá tầm nhận thức của con người. Quả thật, Kinh Thánh không có nhiều trình thuật chi tiết về các hình thức sự dữ. Tuy nhiên, những trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết về hoạt động của sự dữ giữa thế gian. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không dành nhiều thời gian để diễn giải về nguồn gốc của sự dữ nhưng dành nhiều thời gian để xoa dịu những nỗi đau của con người dưới quyền lực sự dữ. Quả thực, sự dữ làm cho phẩm giá con người ngày càng suy đồi và dẫn con người tới sự chết muôn đời. Trong mọi hoàn cảnh, quyền lực của sự dữ luôn ngược lại với quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Quyền năng Thiên Chúa nâng đỡ, bảo toàn và hướng dẫn con người vượt qua những cạm bẫy của các thế lực sự dữ hoành hành giữa thế gian. Quyền năng Thiên Chúa biến đổi con người và làm cho tâm trí con người thuận theo thánh ý Người. Nhờ đó, con người có thể thực hiện những công việc đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân mình và anh chị em đồng loại. Tự thân, con người không thể chiến thắng sự dữ. Do đó, mọi người được mời gọi gắn bó với Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, hầu có thể vượt qua muôn hình thức sự dữ trong hành trình về với Thiên Chúa hằng sống.

 

Quả thực, trong hành trình trần thế, con người luôn đối diện với ‘ba thù’ là ma quỷ, thế gian, xác thịt. Trong đó, ma quỷ là thế lực thiêng liêng hay còn gọi là thần dữ thường cám dỗ con người và làm cho con người sa chước cám dỗ (Kh 12,9); thế gian bao gồm các thế lực xấu xa, đối nghịch với thánh ý Thiên Chúa và làm cho con người đau khổ (Ga 15,18-21); xác thịt là thế lực sự dữ trong tâm hồn mỗi người, chẳng hạn như các dục vọng hay động lực xấu xa làm cho con người phản nghịch giáo huấn của Đức Giê-su và Thần Khí của Người (Rm 8,3-13). Giữa thế gian, con người thường ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, ưa thích thủ lãnh thế gian hơn Thiên Chúa, chạy theo những ảo ảnh của ma quỷ, thế gian, xác thịt hơn quan tâm đến phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su. Tự thân, con người không thể vượt thắng ba thù, do đó, con người luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa, với Đức Giê-su, để có thể vượt thắng cám dỗ của ma quỷ, không chiều theo các sự dữ đang hoành hành giữa thế gian và vượt thắng những dục vọng, tham lam của bản thân mình. Trong đó, vượt thắng những dục vọng, tham lam, yếu đuối của bản thân mình là khó khăn nhất. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Người cũng cho họ biết rằng tinh thần họ thì hăng say nhưng xác thịt lại yếu đuối (Mc 14,38). Thánh Phao-lô cũng chia sẻ kinh nghiệm về những căng thẳng trong nội tâm ngài, đó là: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng, giữa thế gian, các môn đệ Đức Giê-su vừa đối diện với những thách đố nội tâm, vừa đối diện với muôn vàn thách đố từ môi trường xung quanh mình.

 

Trong bối cảnh Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Không chỉ các môn đệ trực tiếp của Đức Giê-su bị thế gian ghét, các môn đệ trung tín của Người qua các thế hệ đều chịu cảnh tương tự. Đó là lý do tại sao thánh Gio-an viết cho các tín hữu: “Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em” (1 Ga 3,13). Câu hỏi đặt ra là tại sao thế gian lại ghét các môn đệ Đức Giê-su? Thưa, vì các môn đệ Đức Giê-su sống theo những giá trị Tin Mừng mà Đức Giê-su loan báo chứ không theo những giá trị mà thế gian mời gọi. Các môn đệ Đức Giê-su không hành xử với anh chị em mình theo kiểu thế gian hay những khuôn mẫu được thế gian thiết đặt mà biết bao nhiêu người qua các thế hệ theo đuổi. Chẳng hạn, các môn đệ trung tín của Đức Giê-su không dễ dàng sa chước cám dỗ đối với vật chất, quyền lực hay những gì chóng qua mau tàn trong thế giới thụ tạo. Kinh nghiệm của các ngài cho mọi người biết rằng ai muốn dõi theo Đức Giê-su cách gần gũi và thâm sâu nhất không nên đặt hy vọng vào những gì dễ dàng, thoải mái, tiện nghi cho bản thân mình. Cái giá cho việc theo Đức Giê-su thật cao. Do vậy, ai không biết cậy dựa vào Người thì khó có thể hoàn tất sứ mệnh trần thế của mình cách tốt đẹp.

 

Đức Giê-su không căn dặn các môn đệ tìm cách lìa bỏ thế gian càng sớm càng tốt để về với Nước Thiên Chúa. Người mời gọi các ngài sống giữa thế gian nhưng không thuộc về gian như Người đã sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Đức Giê-su mời gọi các ngài sống theo những giá trị mà chính Người loan báo và làm chứng bằng cuộc đời vâng phục Chúa Cha trong khiêm tốn, hy sinh, từ bỏ. Thật là thách đố lớn lao cho các môn đệ khi được Đức Giê-su mời gọi sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian hay ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Các môn đệ của Đức Giê-su được mời gọi theo gương Người để chọn phần khó khăn cho bản thân và dành phần dễ dàng cho người khác, đồng thời, loại trừ khỏi bản thân não trạng xem mình là mô mẫu quy chiếu: Muốn được người khác quan tâm hơn là quan tâm đến họ; muốn mình được người khác phục vụ hơn là phục vụ họ; muốn mình là tiêu chuẩn để đánh giá con người, hiện tượng, biến cố hơn là dõi theo giáo huấn của Đức Giê-su trong việc tiếp cận, gặp gỡ, phân định, đánh giá con người cũng như vạn vật. Các môn đệ Đức Giê-su sống giữa thế gian nhưng được mời gọi không hành xử theo cách thức của thế gian trong các tương quan với chính mình, với anh chị em, với Thiên Chúa cũng như với muôn vật muôn loài. Đặc biệt, các môn đệ sống giữa thế gian nhưng được mời gọi trở nên khí cụ tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, yếu đuối, dễ bị tổn thương hay bị người đời ruồng bỏ.

 

Trong hành trình trần thế, con người không thể thắng thế gian một lần cho tất cả bởi vì các thế lực bóng tối luôn tìm cách lôi cuốn mọi người xa lìa đường lối của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1 Pr 5,8-9). Đức Giê-su đã chiến thắng thế gian và Người cũng cho các môn đệ biết rằng Người vẫn luôn đồng hành với họ cũng như những ai nhờ họ mà tin vào Người qua muôn thế hệ. Do đó, mọi người được mời gọi kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su hầu có thể chiến thắng thế gian. Thánh Gio-an khuyên dạy các tín hữu cách thức để thắng thế gian: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5,3-4). Thánh nhân cũng đặt câu hỏi và trả lời: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5,5). Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng tiếng nói cuối cùng giữa thế gian vào thời cánh chung là tiếng nói về chiến thắng của Thiên Chúa tình yêu được Đức Giê-su thực hiện: “Tiếng kèn của thiên thần thứ bảy nổi lên. Trên trời có những tiếng lớn nói rằng: Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Ki-tô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời" (Kh 11,15).

 

Giữa thế gian, ai cũng có kinh nghiệm rằng mình mọn hèn, yếu đuối, dễ bị tổn thương. Đồng thời, ai cũng có kinh nghiệm rằng mình không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Đặc biệt, ai cũng hy vọng vào những gì cao đẹp, trường tồn, không hư nát, không giới hạn như những gì giữa thế gian phai tàn theo năm tháng. Hy vọng giúp con người biết gẫm suy mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với bản thân mình cũng như muôn vật muôn loài và hướng tầm nhìn vượt qua những nghịch cảnh giữa thế gian mà tự thân con người không thể giải quyết được. Hy vọng là thứ duy nhất đem lại cho con người sự an ủi giữa muôn hình thức buồn sầu, đau khổ và đỉnh điểm là cái chết. Chính hy vọng chứ không phải là gì khác giúp con người tin vào Đức Giê-su và biết nhìn xa hơn những gì giữa thế gian này để chiêm ngắm những thực tại vĩnh cửu mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng đời sống Người. Đặc biệt, theo thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, Đức Giê-su là Hy Vọng của chúng ta bởi vì, ngoài Người ra không ai dưới gầm trời này có thể đem lại cho con người ơn cứu độ (1 Tm 1,1; Cv 4,11-12).

 

Đức Giê-su đến thế gian không phải để chỉ cho chúng ta đường đi nước bước nhưng chính Người là Đường cho chúng ta, cho mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài. Đi trên Đường của Đức Giê-su, chúng ta vừa sống xứng đáng với phẩm giá của mình, vừa nhận ra chân trời mới cho cuộc sống mai hậu. Điều này có nghĩa rằng cuộc sống của chúng ta không chỉ giới hạn trong thế giới thụ tạo, trong không gian, thời gian nhưng mở ra với vĩnh cửu, với vô biên, với hạnh phúc viên mãn. Nói cách khác, Đường của Đức Giê-su giúp chúng ta vững bước trong hành trình trần thế và đưa chúng ta về với Thiên Chúa là Nguyên Thủy và Cùng Đích của chúng ta cũng như muôn vật muôn loài. Chính nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, chúng ta được hiện diện trước nhan Thiên Chúa trong tư cách là con cái của Người (Ga 1,12; 1 Ga 3,1; Gl 3,26). Như vậy, sự quan tâm của chúng ta không chỉ là những gì thuộc thế gian này mà quan trọng hơn là ‘môi trường tình yêu đích thực’ mà Thiên Chúa chuẩn bị cho những ai tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Người (1 Cr 2,9).

 

Như đề cập ở trên, Đức Giê-su là Đường của Thiên Chúa giữa thế gian và thế gian bởi Người mà có nhưng không nhận biết Người (Ga 1,10). Lời Tựa của trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an giúp mọi người tự đặt câu hỏi và trả lời về ‘mức độ biết Đức Giê-su’ và sự cần thiết để giúp nhau biết Đức Giê-su nhiều hơn. Trong bối cảnh Kinh Thánh, biết không chỉ thuộc về trí năng mà còn thuộc về sự gắn bó với Đức Giê-su, kinh nghiệm về Đức Giê-su, thực hành theo giáo huấn của Đức Giê-su mà đỉnh cao là yêu mến Người trên hết mọi sự, đồng thời, thể hiện tình yêu đó đối với anh chị em đồng loại cũng như muôn vật muôn loài. Đường của Đức Giê-su không phù hợp với những tâm hồn đóng kín, những tâm hồn muốn ý mình được thể hiện hơn là ý Thiên Chúa được thể hiện. Quả thực, nhiều người trở nên thù nghịch với Đức Giê-su và giáo huấn của Người bởi vì họ biết Đức Giê-su nhưng lại không thành tâm tiến bước trên Đường của Người trong mọi biến cố của cuộc sống mình.

 

Đường của Đức Giê-su khác biệt với đường của thế gian. Chẳng hạn, đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm cách thu lượm, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cách thức trút bỏ; đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm kiếm của cải vật chất, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta tìm kiếm của cải thiêng liêng; đường của thế gian mời gọi chúng ta yêu người mình yêu, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta yêu cả kẻ thù; đường của thế gian mời gọi chúng ta làm bạn với những người thế giá, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta làm bạn với những người bị bỏ rơi; đường của thế gian mời gọi chúng ta tìm cách lên án người khác, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta tha thứ; đường của thế gian mời gọi chúng ta cậy dựa vào sức riêng mình, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cậy dựa vào quyền năng Thiên Chúa; đường của thế gian mời gọi chúng ta làm cho danh mình được sáng tỏ, Đường của Đức Giê-su mời gọi chúng ta cầu xin cho danh Thiên Chúa được cả sáng.

 

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng cách chúng ta nhìn nhận (seeing) giúp chúng ta hành động (doing) cách xứng hợp hầu có thể diễn tả (expressing) chính mình cách đúng đắn nhất. Mọi người được mời gọi thực hành Đường Đức Giê-su giữa thế gian. Câu hỏi đặt ra là ‘bằng cách nào chúng ta có thể thực hành Đường Đức Giê-su giữa thế gian?’. Thưa, bằng cách tuân giữ các giới răn của Người trong mọi biến cố của cuộc sống mình (Mt 28,20; Ga 8,51; Rm 2,13). Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng nhân thế là biến cố ‘một lần cho tất cả’ (Rm 6,10; Dt 7,27;). Tuy nhiên, niềm tin và thực hành của chúng ta không phải là ‘một lần cho tất cả’, bởi vì, các thế lực sự dữ luôn tìm cách làm cho chúng ta xa rời đường ngay nẻo chính mà Đức Giê-su đã thiết lập và kiện toàn. Giữa thế gian, chúng ta luôn phải đối diện với muôn vàn hình thức bất hòa hợp, khó khăn, thử thách bởi vì Tội Nguyên Tổ và hậu quả của nó vẫn hoành hành trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Do đó, mọi người được mời gọi không ngừng cộng tác với Đức Giê-su trong việc hoán cải và biến đổi bản thân theo Đường của Người.

 

Khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ trở thành muối đất và phản chiếu ánh sáng của Người giữa thế gian (Mt 5,13-14). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Người đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho sứ mệnh của các môn đệ giữa thế gian (Ga 17,18). Người cũng cầu nguyện cho những ai nhờ các môn đệ mà tin vào Người (Ga 17,20). Sau khi sống lại, Người trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để các ngài thực thi sứ vụ thánh hóa các tín hữu (Ga 20,22-23). Với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã ra đi loan báo Tin Mừng của Người cho đến tận cùng trái đất (Mc 16,15; Cv 1,8). Hơn ai hết, thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, có được kinh nghiệm đặc biệt về tình yêu của Đức Giê-su được diễn tả nơi Biến Cố Thập Giá với trái tim Người bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Thánh nhân viết: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19,35). Như vậy, loan báo Tin Mừng là làm chứng rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã đến thế gian và Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh hầu dẫn đưa con người về với Quê Hương vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa. Trong Bài Giảng về thời cánh chung, Đức Giê-su nói: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết” (Mt 24,14). Các trình thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng Giáo Hội sơ khai là Giáo Hội loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, hầu hết các môn đệ Đức Giê-su đã loan báo Người và Tin Mừng của Người bằng đời sống và cái chết tử đạo của mình.

 

Chúng ta có thể kết luận rằng từ ‘thế gian’ (κόσμος/ cosmos) được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người. Trong nội dung đức tin Ki-tô Giáo, nhất là trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an và Thư Thứ Nhất của Người, từ ‘thế gian’ được sử dụng với nhiều nghĩa phân biệt nhau, từ nghĩa khái quát nhất là vũ trụ và muôn vật muôn loài trong đó đến nghĩa cụ thể nhất là con người; từ ‘nghĩa tích cực’, chẳng hạn như Thiên Chúa yêu thương thế gian đến ‘nghĩa tiêu cực’, chẳng hạn như thế gian là tất cả các thế lực phản nghịch chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, điều căn bản là Thiên Chúa yêu thương thế gian. Tình yêu này đạt đỉnh điểm và được minh chứng cách cụ thể nơi Biến Cố Đức Giê-su giữa thế gian. Bởi vì, Người đã đến thế gian, sống giữa thế gian, mang lấy tội lỗi của thế gian mà đưa lên cây thập tự. Người đã chết và sống lại để thông phần sự chết của con người, đồng thời, trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người mời gọi các môn đệ hãy ‘sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian’ như Người đã ‘sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian’. Sau khi phục sinh, Người đã trao ban Bình An và Thần Khí của Người là Chúa Thánh Thần cho những ai đón nhận Người là Thầy và là Bạn của mình hầu giúp họ chiến thắng ma quỷ cũng như vượt qua muôn hình thức sự dữ giữa thế gian. Trong mọi hoàn cảnh, Người là Đường của Thiên Chúa giữa thế gian để những ai trung tín đi trên Đường này thì luôn được niềm vui thiêng liêng và phần thưởng muôn đời trong Nước Thiên Chúa. Ước gì lời của Đức Giê-su luôn vang vọng nơi tâm trí mọi thành phần trong gia đình nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Bài cùng chuyên mục:

Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng (06/04/2024 08:01:43 - Xem: 108)

Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu, đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này.

Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện (11/02/2024 09:30:02 - Xem: 287)

Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11).

Đức Giê-su Ki-tô – Đường Lòng Chúa Thương Xót (19/12/2023 07:12:56 - Xem: 393)

Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác

Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một (09/10/2023 10:52:58 - Xem: 889)

Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc,

Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình bạn (03/06/2023 05:25:49 - Xem: 1,204)

Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu và đâu là tình bạn.

Hiệp Hành là điều đơn giản (10/05/2023 07:25:18 - Xem: 1,919)

Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này

Đức Giê-su Ki-tô – Đường tạ ơn (05/04/2023 05:43:42 - Xem: 2,111)

Chủ đề tạ ơn được trình bày trong hầu hết các sách Kinh Thánh. Đặc biệt, trong Cựu Ước, tạ ơn được đề cập nhiều ở các Thánh Vịnh.

Thượng Hội Đồng quan tâm gì ở giai đoạn châu lục? (09/03/2023 08:34:50 - Xem: 2,697)

Đâu là 5 ưu tiên cấp bách nhất đối với châu Á cần được gửi tới Đại hội Thượng Hội Đồng vào tháng Mười sắp tới.

Đừng định trước kết quả cho Thượng Hội Đồng (25/02/2023 08:27:18 - Xem: 2,754)

Trên thực tế, có một số người cho rằng đã biết những kết luận của Thượng Hội đồng sẽ là gì. Những người khác muốn áp đặt một chương trình nghị sự lên Thượng Hội đồng

Vai trò của Giám mục trong tiến trình hiệp hành (01/02/2023 14:34:49 - Xem: 3,822)

Tông hiến Episcopalis communio nhắc nhở chúng ta rằng “mỗi Giám mục có trách nhiệm đồng thời và không thể tách rời là chăm sóc mục vụ cho Giáo hội địa phương

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7