Đức Giê-su Ki-tô – Đường tạ ơn
- In trang này
- Lượt xem: 2,299
- Ngày đăng: 05/04/2023 05:43:42
Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên
WHĐ (04.04.2022) -Trong tiếng Do-thái, תּוֹדָה/ todah có nghĩa là tạ ơn. Từ tương đương với תּוֹדָה/ todah của tiếng Hy-lạp là εὐχαριστία/ eucharistia. Trong từ εὐχαριστία, ‘εὐ’ có nghĩa là tốt (good) và ‘χάρις’/ cháris (grace/ grâce) có nghĩa là ân/ơn sủng, ân/ơn huệ, ơn lành, quà tặng. Đặc biệt, từ χάρις/ cháris (grace/ grâce) cũng có nghĩa là tạ ơn (gratitude, thanks), chẳng hạn như “τῷ δὲ θεῷ χάρις τῷ διδόντι ἡμῖν τὸ νῖκος διὰ τοῦ κυρίου ἡμῶν Ἰησοῦ Χριστοῦ” [Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta] (1 Cr 15,57) hay “Χάρις δὲ τῷ θεῷ τῷ δόντι τὴν αὐτὴν σπουδὴν ὑπὲρ ὑμῶν ἐν τῇ καρδίᾳ Τίτου” [Cảm tạ Thiên Chúa đã đặt vào lòng anh Ti-tô một sự nhiệt thành như thế đối với anh em] (2 Cr 8,16). Như vậy, về phía người cho hay ân nhân (benefactor), χάρις có nghĩa là ân sủng; về phía người nhận hay người thụ ơn (recipient), χάρις có nghĩa là tạ ơn. Từ tương đương với εὐχαριστία trong tiếng La-tinh là eucharistia; tiếng Anh là eucharist/ thanksgiving/ thankfulness/ gratitude/ gratefulness.
Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, תּוֹדָה/ εὐχαριστία/ eucharistia/ thanksgiving thường được dịch là tạ ơn, cảm ơn, cảm tạ, tri ân. Theo đó, người thụ ơn nhìn nhận, ý thức rõ ràng và tạ ơn ân nhân của mình. Nói cách khác, tạ ơn biểu lộ thiện tình của người lãnh nhận ân huệ, tình thương hay điều gì đó từ ân nhân và thông thường là từ người có địa vị cao hơn. Tâm tình tạ ơn hướng về người khác, chứ không hướng về bản thân bởi vì không ai lại tạ ơn chính mình. Tâm tình tạ ơn diễn tả tương quan mật thiết giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với các thực thể khác. Người trao ban ân huệ có thể quên hành động của mình nhưng người lãnh nhận có bổn phận phải diễn tả tâm tình tạ ơn đối với người trao ban. Tâm tình tạ ơn thật đa dạng và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống con người. Bài viết này chủ yếu trình bày tâm tình tạ ơn theo nghĩa thần học (đặc biệt là Ki-tô học) hơn là theo nghĩa văn hóa, xã hội hay tâm lý.
Chủ đề tạ ơn được trình bày trong hầu hết các sách Kinh Thánh. Đặc biệt, trong Cựu Ước, tạ ơn được đề cập nhiều ở các Thánh Vịnh. Còn trong Tân Ước, chủ đề này khá phổ biến nơi bốn tác phẩm Tin Mừng, sách Tông Đồ Công Vụ, thư gửi tín hữu Do-thái, sách Khải Huyền và nhất là trong các thư của thánh Phao-lô. Dưới nhãn quan Kinh Thánh, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, ân sủng/ ân huệ hay ơn thánh thuộc về Thiên Chúa, còn tạ ơn/ cảm ơn hay tri ân thuộc về bổn phận của con người. Với nghĩa rộng hơn của hạn từ, thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng tạ ơn được hiểu như là nhớ lại tình nghĩa cũng như lòng quảng đại của người khác đối với mình, đồng thời, mong muốn được đền đáp (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, Q.80, a.1). Cũng theo thánh nhân, tạ ơn gắn liền với đức công bình, trong đó tạ ơn Thiên Chúa là hình thức tạ ơn cao cả nhất mà con người cần phải thực thi (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, Q.106, a.1). Hơn nữa, theo thánh nhân, tạ ơn là một nhân đức đặc biệt (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, Q.107, a.2).
Dưới nhãn quan Kinh Thánh cũng như thần học thời các Giáo Phụ, người tạ ơn Thiên Chúa cũng là người thờ lạy, chúc tụng, tán dương và ngợi khen Người. Nói theo cách tổng quát hơn, tất cả các hình thức phụng tự đích thực đều mang nghĩa tạ ơn. Hơn nữa, tâm tình tạ ơn của con người đối với Thiên Chúa phân biệt với các hình thức tạ ơn khác trong thế giới thụ tạo. Bởi vì, con người được hiện diện, sống và hoạt động cũng như đạt được hạnh phúc viên mãn là bởi tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa. Con người tạ ơn Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa cho ‘con người là’ và cho ‘con người có’, nghĩa là nhờ Thiên Chúa, con người được hiện diện và hoạt động trên trần gian. Đồng thời, Thiên Chúa ban cho con người những điều kiện cần thiết để sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Do vậy, tạ ơn Thiên Chúa là cần thiết nhất, các hình thức tạ ơn khác, chẳng hạn như tạ ơn cha mẹ, người thân hay bạn bè được xem là dẫn xuất từ việc tạ ơn Thiên Chúa.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa được trình bày từ rất sớm trong Cựu Ước, chẳng hạn, A-ben biểu lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa qua việc dâng những con đầu lòng của bầy chiên cho Người (St 4,4); Nô-ê biểu lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa qua việc dựng bàn thờ và lấy những động vật thanh sạch làm lễ toàn thiêu dâng kính Người (St 8,20-21); Áp-ra-ham biểu lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa bằng nhiều hình thức khác nhau (St 12,6-9; St 14,17-24; St 22,1-14). Nhìn chung, các lý do để tạ ơn Thiên Chúa trong Cựu Ước thật đa dạng. Chẳng hạn, vua Đa-vít tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã cứu vua khỏi chết: “Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30,13); Đa-vít cũng tạ ơn Thiên Chúa vì Người chống lại phường miệng lưỡi thâm độc: “Lạy Chúa, con nguyện tạ ơn Ngài luôn mãi, vì Ngài đã ra tay. Trước mặt những người hiếu trung với Chúa, con trông đợi danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo” (Tv 52,11); tạ ơn Thiên Chúa bởi vì được Người thử thách: “Chúng ta hãy tạ ơn Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, Người đã thử thách chúng ta cũng như đã thử thách cha ông chúng ta” (Gđt 8,25); tạ ơn Thiên Chúa vì Người nhân từ: “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sb 16,34); tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương và lòng thành tín của Người: “Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ, giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca. Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (Tv 57,10-11); tạ ơn Thiên Chúa vì Người luôn đồng hành, hướng dẫn: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài” (Tv 67,5-6); tạ ơn Thiên Chúa vì Người nhân hậu, yêu thương và thành tín: “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100,4-5); tạ ơn Thiên Chúa vì những kỳ công Người thực hiện: “Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần. Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa, cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm” (Tv 107,21-22); tạ ơn Thiên Chúa vì tai qua nạn khỏi: “Được Thiên Chúa giải thoát khỏi những tai họa lớn lao, chúng tôi hết lòng tạ ơn Người, vì Người đã chiến đấu chống lại nhà vua” (2 Mcb 1,11).
Cựu Ước cho chúng ta biết nhiều khuôn mặt điển hình diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và người đặc biệt nhất là ông Gióp: “Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái. Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông” (G 1,1-3). Tuy nhiên, những tai họa không ngừng giáng xuống: Gia sản của ông bị lửa thiêu, súc vật và các đầy tớ cũng như con cái của ông đều bị giết chết. Ông chịu muôn vàn hình thức đau khổ về tâm hồn, thể xác (chẳng hạn như thân đầy ghẻ lở, đau yếu, bị vợ đay nghiến, hắt hủi, xa lánh, bạn bè khinh chê) nhưng: “Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1,22). Giữa cảnh đau thương, tối tăm mù mịt, ông Gióp vẫn lên tiếng tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa. Ông nói: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa Cha lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,21). Trong mọi hoàn cảnh, ông không ngừng tạ ơn Thiên Chúa và đặt trọn niềm hy vọng nơi Người. Cuối cùng, ông được Thiên Chúa khôi phục tài sản, sinh nhiều con cái, hậu duệ sum vầy và qua đời trong bình an với tuổi thọ đáng mơ ước (G 42,10-17).
Dân Do-thái có ba ngày lễ quan trọng trong năm là Lễ Vượt Qua (Pesach/ Passover), Lễ Ngũ Tuần (Shavuot/ Pentecost) và Lễ Lều (Sukkoth/ Tabernacles). Đây là những ngày tạ ơn giúp họ tưởng nhớ bao kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để củng cố giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với tổ tiên mình. Trong các ngày đó, dân Do-thái dâng lễ tạ ơn hay lễ kỳ an và dành trọng tâm tình hướng Thiên Chúa vì Người đã giải phóng dân tộc họ ra khỏi ách nô lệ Ai-cập cũng như nuôi dưỡng dân tộc họ bốn mươi năm trong sa mạc trên đường về với Đất Hứa. Đồng thời, họ tạ ơn Thiên Chúa vì cho họ được tự do, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu. Đặc biệt, họ tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban lề luật (Torah) cũng như muôn ơn lành khác mà cha ông họ lãnh nhận qua dòng lịch sử cũng như trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta có thể khẳng định rằng các hình thức tạ ơn trong Cựu Ước báo trước hình thức tạ ơn cao cả nhất mà Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, thực hiện trong Tân Ước.
Theo trình thuật của thánh Gio-an, Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Lời đã trở thành người phàm và hiện diện trong gia đình nhân loại (Ga 1,14; 1 Ga 1,1). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cũng cho chúng ta biết rằng, trong lịch sử, Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách phán dạy cha ông họ qua các ngôn sứ nhưng vào thời sau hết đã phán dạy qua Đức Giê-su là Thánh Tử chí ái của Người (Dt 1,1-2). Với Biến Cố Nhập Thể, Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu (the eternal Word), Lời khôn ngoan (the Word of wisdom), Lời sáng tạo (the Word of creation) của Thiên Chúa đã trở thành ‘Lời tạ ơn’ bởi vì Người nhân danh mọi người trong gia đình nhân loại tạ ơn Thiên Chúa. Với Biến Cố Thập Giá, Đức Giê-su đã dâng Lời tạ ơn ‘εὐχαριστήσας’ (having given thanks) cùng với Hy Lễ tạ ơn là chính mình Người (Lc 22,19; 1 Cr 11,24). Nói cách khác, trong thân phận con người, Đức Giê-su là Lời tạ ơn và cũng là Hy Lễ tạ ơn cao cả và hoàn hảo nhất dâng lên Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su trong thân phận con người là Lời và Hy Lễ tạ ơn, mọi người được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm, được tha thứ tội lỗi, được ơn cứu độ, được đưa vào vương quốc ánh sáng của Thiên Chúa (Cl 1,13-14).
Trong ba năm loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su dành nhiều thời gian cho những người dân vùng Ga-li-lê. Theo trình thuật của thánh Lu-ca, Đức Giê-su chứng kiến nhiều người Do-thái ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um không sẵn lòng đón nhận sứ điệp của Người. Đồng thời, khi chứng kiến những thành công của các môn đệ trong việc loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Kết hợp với trình thuật song song theo thánh Mát-thêu, chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa nhưng nhiều người Do-thái lãnh đạm với sứ mệnh cũng như sứ điệp của Người (Mt 11,20-27). Đức Giê-su cảm tạ Chúa Cha bởi vì mầu nhiệm Nước Trời mà Người diễn tả được những người tầm thường đón nhận. Trong khi đó, những người cho mình là thông thái tài giỏi lại không quan tâm. Phải chăng họ lấy làm đủ vì những kiến thức họ sở đắc? Họ tự định hình chương trình của Thiên Chúa và đúc khuôn chân dung Đấng Mê-si-a theo ý họ. Do đó, họ đóng mình trước mầu nhiệm Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng cuộc sống của Người.
Trong khi Đức Giê-su luôn sống, giảng dạy và diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa thì nhiều người được Đức Giê-su thi ân giáng phúc lại không biểu lộ tâm tình đó. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật về chuyện mười người phong hủi được Người chữa khỏi nhưng chỉ một người quay lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta không phải là người Do-thái mà là người Sa-ma-ri (Lc 17,11-19). Chúng ta biết rằng người Do-thái và người Sa-ma-ri không giao thiệp với nhau, thậm chí coi nhau là địch thù nhưng trong nhóm mười người phong hủi lại có một người Sa-ma-ri. Đây thật là điều đáng được chúng ta quan tâm bởi vì những người Do-thái và những người Sa-ma-ri khỏe mạnh thì không giao thiệp với nhau nhưng những người bệnh tật lại liên kết với nhau, nâng đỡ nhau, sống chết có nhau trong cảnh khốn cùng. Mười người phong hủi tâm đầu ý hợp về hoàn cảnh éo le của mình. Tuy nhiên, họ đã không tâm đầu ý hợp trong việc tạ ơn Thiên Chúa. Thật trớ trêu, người Sa-ma-ri là người ngoại giáo (những người Do-thái thường gọi họ như vậy), người ‘không có đạo’ lại trở thành người ‘có đạo’, người thuộc về Nước Thiên Chúa. Chín người Do-thái khác là những người ‘có đạo’ nhưng thực tế họ là những người ‘vô đạo’, những người hữu danh vô thực, những người ngoại giáo trước mặt Thiên Chúa bởi vì họ không có tâm tình tạ ơn theo thánh ý Người. Trong khi đó, người Sa-ma-ri lại tạ ơn vì nhờ Đức Giê-su mà được khỏi bệnh. Chắc rằng những năm tháng còn lại của cuộc đời mình, người Sa-ma-ri không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đức Giê-su và loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng loại.
Nhiều trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết tâm tình tạ ơn trổi vượt của những người ngoại đạo, chẳng hạn như câu chuyện về ông Na-a-man, người xứ Xy-ri, bị phong hủi. Sau khi nghe lời ngôn sứ Ê-li-sa, ông xuống sông Gio-đan tắm bảy lần và được khỏi. Ông đã biểu lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và nói: “Nay tôi biết rằng trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây. Ông Ê-li-sa nói: Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả. Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. Ông Na-a-man nói: Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa” (2 V 5,15-17). Trong Tân Ước, trước sự cứng lòng của dân Do-thái, nhất là giới lãnh đạo, Đức Giê-su đã nhắc họ về câu chuyện ông Na-a-man trong Cựu Ước. Tương tự như vậy, chúng ta cũng nhận ra tâm tình tạ ơn của viên sĩ quan cận vệ nhà vua khi Đức Giê-su cho con trai của ông được khỏi bệnh hay tâm tình tạ ơn của người đàn bà Ca-na-an ở vùng đất dân ngoại diễn tả tâm tình tạ ơn khi Đức Giê-su trục xuất quỷ ra khỏi con gái của bà (Ga 4,46-54; Mt 15,21-28).
Các trình thuật Tân Ước cho chúng ta thấy hai hình ảnh trái ngược của dân Do-thái: Thông thường, những người nhận ra tội lỗi của mình diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, còn những người cho mình là thánh thiện, công chính thì không. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca giúp chúng ta hiểu thêm điều này: Đức Giê-su đến nhà một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu (tên là Si-môn) dùng bữa. Một người phụ nữ tội lỗi trong thành đã đến nhà này. Chị khóc lóc, nước mắt tưới ướt chân Đức Giê-su và chị lấy tóc mình mà lau rồi hôn chân Người cũng như đổ dầu thơm lên đó. Người Pha-ri-sêu nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: Một người tội lỗi!” (Lc 7,39). Đức Giê-su biết vậy liền nói với người Pha-ri-sêu về một chủ nợ có hai con nợ, một người nợ ít, một người nợ nhiều và chủ nợ tha cho cả hai. Đức Giê-su hỏi người Pha-ri-sêu: Ai sẽ yêu mến chủ hơn? Ông trả lời: Người được tha nhiều hơn (Lc 7,40-43). Sau khi giải thích thêm cho người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Quả thực, người phụ nữ tội lỗi nhưng nhận ra Đức Giê-su đang thực thi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa cũng như diễn tả niềm tin tưởng và tâm tình tạ ơn Người, còn người Pha-ri-sêu thì không. Rõ ràng cách cư xử của Đức Giê-su đối với người phụ nữ tội lỗi khác với cách cư xử của người Pha-ri-sêu hay các tầng lớp người khác trong xã hội Do-thái.
Khi công bố và triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45) hay “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35). Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy tỏ lòng nhân hậu với những người vô ơn, tiếp tục sống tốt với những người vô ơn, làm ơn cho những người vô ơn với mục đích giúp họ hoán cải, biến họ thành những người biết sống trong tâm tình tạ ơn. Nói cách khác, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ lấy tâm tình tạ ơn để cảm hóa những người vô ơn, lấy tình yêu để đáp trả hận thù, lấy điều tốt để che lấp điều xấu. Sau này, chính thánh Phao-lô cũng căn dặn các tín hữu thực thi như vậy, chẳng hạn, thánh nhân viết: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
Trong bối cảnh Kinh Thánh, bất cứ hình thức cầu nguyện nào cũng mang nghĩa tạ ơn. Khi các môn đệ xin Đức Giê-su chỉ bày cách thức cầu nguyện, Người đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Mặc dù từ ‘tạ ơn’, ‘cảm ơn’ hay ‘biết ơn’ không xuất hiện trong kinh này, chúng ta vẫn thấy toát lên tâm tình tạ ơn khi Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện. Kinh này không bắt đầu với việc ‘xin’, nhưng bắt đầu với việc hướng về Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, đó chính là tâm tình tôn vinh hay tạ ơn Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Như vậy, Kinh Lạy Cha không bắt đầu với ‘tâm tình sở hữu’, tâm tình muốn có những điều tốt lành hầu thỏa mãn cái tôi của mình nhưng bắt đầu với tâm tình của người con thảo ý thức về Thiên Chúa là Cha, Đấng đáng mọi lời tôn vinh, chúc tụng, tạ ơn. Phần sau của Kinh Lạy Cha là việc bày tỏ những nhu cầu thiết yếu của bản thân cũng như cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Kinh Lạy Cha trở thành kinh nguyện tiêu biểu cho các Ki-tô hữu luôn mãi với ưu tiên là tâm tình tạ ơn hướng về Thiên Chúa trước khi hướng về nhu cầu của bản thân mình.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ hay dấu lạ để minh chứng cho mọi người biết rằng Người từ Thiên Chúa mà đến và thực thi những công việc của Thiên Chúa. Đồng thời, sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa (Lc 11,20; Ga 5,18; Ga 6,41-42). Thông thường, các thính giả của Đức Giê-su gồm ba nhóm: (1) Những người với tâm hồn chai cứng không tin tưởng Đức Giê-su, thậm chí còn lên án Người. Chẳng hạn, thánh Mát-thêu trình thuật rằng khi Đức Giê-su xua đuổi quỷ câm ra khỏi nạn nhân thì những người Pha-ri-sêu nói: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun” (Mt 12,24); (2) những người không bao giờ thỏa mãn với những phép lạ hay dấu lạ mà Đức Giê-su thực hiện. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật rằng: “Khi đám đông tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11,29-30). (3) Những người tin tưởng và tạ ơn Đức Giê-su qua các phép lạ hay dấu lạ Người thực hiện. Chẳng hạn, thánh Gio-an trình thuật rằng sau khi Đức Giê-su làm cho nước trở thành rượu tại tiệc cưới Ca-na thì các môn đệ đã tin vào Người hay người mù từ lúc mới sinh tạ ơn Đức Giê-su và trở thành người loan báo Tin Mừng (Ga 2,1-11; Ga 9,1-41).
Theo trình thuật của thánh Gio-an, khi nghe tin La-da-rô lâm bệnh nặng, Đức Giê-su còn lưu lại hai ngày tại nơi đang ở. Sau đó, Người cho các môn đệ biết rằng La-da-rô đã chết và Người đến thăm gia đình La-da-rô. Khi tới nơi, cô chị là Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11,21). Đức Giê-su nói với Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11,25-26). Cô Mác-ta thưa với Đức Giê-su rằng cô tin như vậy. Trước sự chứng kiến của chị em Mác-ta và Ma-ri-a cũng như nhiều người khác, Đức Giê-su ngước mắt cầu nguyện cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con. Nói xong, Người kêu lớn tiếng: Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ! Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11,41-44). Lời tạ ơn của Đức Giê-su đối với Chúa Cha cho chúng ta biết ba điều quan trọng (1) Đức Giê-su không đơn độc trong hành trình trần thế bởi vì Người luôn hiệp thông với Chúa Cha, (2) quyền năng Đức Giê-su thực hiện là quyền năng từ trời chứ không phải từ bất cứ thế lực nào khác thuộc thế giới thụ tạo và (3) quyền năng Đức Giê-su thực hiện nhằm gia tăng niềm tin cho các tín hữu. Thông thường, trong thinh lặng, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha nhưng ở đây Người đã cầu nguyện công khai để cho mọi người nhận biết tỏ tường hơn về tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại qua sự hiện diện và hoạt động của Người.
Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật việc Đức Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá (Mt 14,19-21; Mc 6,41-43; Lc 9,16-17). Theo thánh Mác-cô: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư” (Mc 6,41-43). Chúng ta cũng gặp trình thuật tương tự trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6,11-13). Ở đây, Đức Giê-su tạ ơn trong việc hóa bánh ra nhiều để nuôi sống thể xác con người. Noi gương Đức Giê-su, các môn đệ của Người cũng làm như vậy, nghĩa là diễn tả tâm tình tạ ơn trước bữa ăn vì Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày. Chẳng hạn, sau vụ đắm tàu, thánh Phao-lô nói với mọi người: “Cho đến hôm nay là mười bốn ngày, các bạn nhịn đói chờ đợi, không ăn gì cả. Vậy tôi khuyên các bạn nên ăn uống, vì có thế các bạn mới được cứu. Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu. Nói thế rồi, ông cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mặt mọi người, bẻ ra và bắt đầu ăn. Mọi người lấy lại được can đảm và họ cũng ăn uống” (Cv 27,33-36). Thánh Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hóa những thứ đó” (1 Tm 4,4-5).
Các phép lạ hay dấu lạ mà Đức Giê-su thực hiện để nuôi dưỡng thể xác con người hầu báo trước việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể nhằm nuôi sống tâm hồn mọi người. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20). Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Theo trình thuật của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, tâm tình tạ ơn của Đức Giê-su trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể liên quan đến ‘máu’, ‘giao ước’, ‘hiến tế’, ‘tha tội’. Thánh Phao-lô truyền lại việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể cách tỏ tường hơn: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25). Trong các trình thuật này, Đức Giê-su đều dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì thế, Bí tích Thánh Thể còn có tên gọi là ‘Lễ tạ ơn/ Eucharist’ (GLGHCG 1328). Quả thực, đây là hình thực tạ ơn Thiên Chúa cách hoàn hảo và đặc biệt nhất bởi vì Đức Giê-su cầm bánh và nói ‘đây là Mình Thầy’; Người cũng cầm chén rượu và nói ‘đây là Máu Thầy’. Hình thức tạ ơn này không còn theo nghĩa thông thường nữa mà là nghĩa siêu nhiên, nghĩa nhiệm mầu, nghĩa bí tích. Bởi vì, nhờ lời của Đức Giê-su, bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất và công lao của con người, đã trở thành Mình và Máu thánh Người hầu nuôi dưỡng tâm hồn các tín hữu trong hành trình trần thế. Vâng theo lệnh truyền của Đức Giê-su ‘anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’, trong Giáo Hội sơ khai, các môn đệ đã thực thi như vậy. Chẳng hạn, tác giả sách Tông Đồ Công Vụ viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Qua muôn thế hệ, Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, vẫn tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể để diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình bởi vì ở đâu Bí Tích Thánh Thể được cử hành thì ở đó có Giáo Hội.
Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 116 viết: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116,12-13). Cảm thức của tác giả Thánh Vịnh trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Ơn lành của Thiên Chúa làm sao con người có thể đền đáp cho cân xứng bởi vì con người bất xứng, tội lỗi, xấu xa. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa đã hiện diện trong gia đình nhân loại. Người là Ân Sủng Bất Thụ Tạo (Gratia Increata/ Uncreated Grace/ Grâce Incrée), là Nguồn ân sủng và là Đấng ban ân sủng đã trở nên người phàm để tạ ơn Thiên Chúa thay cho con người. Như đề cập ở trên, từ εὐχαριστία bao gồm ‘εὐ’ có nghĩa là tốt (good) và ‘χάρις’ vừa có nghĩa là ân sủng (grace) vừa có nghĩa là tạ ơn (gratitude). Khi con người rước Mình và Máu Đức Giê-su là rước lấy chính Đức Giê-su là Ân Sủng (Χάρις) và cùng với Đức Giê-su tạ ơn Thiên Chúa. Trong Bí Tích Thánh Thể, các tín hữu ‘ăn’ Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và là con người thật. Đây là hình thức ăn huyền diệu, vượt trên mọi hiểu biết hay lý giải của con người qua mọi thời đại. Vì Nguyên Tổ ăn trái cấm, tội lỗi đã xâm nhập trần gian và làm cho mọi người phải chết. Nhờ ‘ăn’ Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, các tín hữu được thông hiệp sự sống vĩnh cửu ngay trong hành trình trần thế này. Nói cách khác, ‘của ăn vô ơn’ với hình ảnh trái cây biết điều thiện điều ác mà Nguyên Tổ nhân loại đã ăn và hậu quả là mọi người phải chết đã được thay thế bằng ‘Của Ăn Tạ Ơn’ là Mình và Máu Đức Giê-su dưới hình bánh rượu là của ăn đem lại sự sống đời đời. Như vậy, trong chương trình tái tạo của Thiên Chúa, con người được mời gọi ‘ăn Đức Giê-su’ để được sống muôn đời như lời Người dạy: “Thật, tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,53-56). Giáo huấn này của Đức Giê-su cho chúng ta biết Người không chỉ nhập thế, sống thân phận con người, chịu muôn hình thức đau khổ, chịu chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển để cứu độ muôn người mà còn ở lại với gia đình nhân loại mọi ngày cho đến tận thế theo nhiều hình thức khác nhau, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể.
Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh Lễ Vượt Qua của Người Do-thái. Trở lại với lịch sử, chúng ta biết rằng Thiên Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ của người Ai-cập và nuôi dưỡng họ bằng man-na trong sa mạc bốn mươi năm trên đường về với Đất Hứa. Hằng năm, trong tâm tình tạ ơn, dân Do-thái vẫn tưởng niệm biến cố vĩ đại này. Lễ Vượt Qua của người Do-thái là hình ảnh hướng tới Lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su thực hiện để dẫn đưa mọi người về với Đất Hứa là Nước Thiên Chúa. Trong hành trình này, mọi người được mời gọi rước lấy Mình và Máu của Người cho đời sống tâm hồn mình. Khi Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng ‘hãy làm việc này mà nhớ đến thầy’, Người muốn các môn đệ tiếp tục hiện tại hóa Hiến Tế Tạ Ơn mà Người đã thực hiện nhân danh toàn thể gia đình nhân loại. Hiến Tế được Đức Giê-su thực hiện một lần cho tất cả và được hiện tại hóa trong đời sống Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế.
Các trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng trong bối cảnh Lễ Vượt Qua của người Do-thái, tâm tình tạ ơn của Đức Giê-su đạt tới đỉnh điểm khi Người chịu chết trên cây thập giá với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Sự kiện này trùng với thời gian mà dân Do-thái sát tế chiên để lấy máu rảy lên bàn thờ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem trong Lễ Vượt Qua. Nhờ Đức Giê-su, cây trái cấm, cây kiêu ngạo, cây vô ơn đã được thay thế bằng cây thập giá, cây khiêm hạ, cây tạ ơn hầu đem lại sự sống vĩnh cửu cho mọi người. Trong tâm tình tạ ơn, thánh Phao-lô viết: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15,55-57). Quả thực, Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết để biểu lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa nhân danh mọi người. Nhờ Đức Giê-su đến với nhân loại trong tâm tình tạ ơn, nhân loại được cứu độ, được thứ tha tội lỗi. Đặc biệt, nhờ Đức Giê-su phục sinh, nhân loại có được chiếc cầu bắc qua thung lũng sự chết để đến với sự sống trong Nước Thiên Chúa. Tâm tình tạ ơn của Đức Giê-su trên thập giá diễn tả tình yêu cao cả nhất mà Người dạy các môn đệ khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể (Ga 13,34; Ga 15,13-15).
Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết rằng qua dòng lịch sử, dân Do-thái không ngừng giết chiên bò để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa: “Năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội. Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,3-7). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10). Hiến tế tạ ơn mà Đức Giê-su dâng lên Thiên Chúa diễn ra một lần trong dòng lịch sử nhưng hiệu quả của hiến tế này đem lại ơn cứu độ cho mọi người trong mọi thời và khắp mọi nơi. Hiến tế này tiếp tục được hiện tại hóa trong đời sống Giáo Hội khi Bí Tích Thánh Thể được cử hành. Đây là bí tích bao gồm cả ‘ba thì’ (quá khứ, hiện tại và tương lai) của hiến tế duy nhất mà Đức Giê-su đã biểu lộ. Do đó, lời của Đức Giê-su ‘hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’ không chỉ mời gọi mọi người nhớ về hiến tế Người đã dâng tiến mà còn hiện tại hóa hiến tế này, đồng thời, hướng tâm hồn mọi người về sự kiện toàn viên mãn của hiến tế này trong thời cánh chung.
Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người có kinh nghiệm sâu xa về Đức Giê-su là Lời tạ ơn liên lỉ dâng lên Thiên Chúa nhân danh mọi người. Các thư của thánh nhân cho chúng ta biết rằng từ khi gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh trên đường Đa-mát, thánh nhân không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đức Giê-su và mời gọi mọi người sống tâm tình tạ ơn (Rm 14,6; Ep 1,16; 2 Tx 1,3). Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân viết: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Tx 5,18). Thánh nhân còn chỉ dạy cách cụ thể hơn: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,19-20). Sở dĩ thánh Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh là vì ngài cảm nhận được tình yêu huyền diệu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giê-su (Rm 8,38-39). Thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16). Thánh nhân không chỉ mời gọi mọi người tạ ơn Thiên Chúa mà còn trở nên mẫu gương trong việc tạ ơn anh chị em mình nữa. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân viết: “Tôi xin gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Ki-tô Giê-su; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị” (Rm 16,3-4).
Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, ân sủng (χάρις/ grace) của Thiên Chúa và tâm tình tạ ơn (εὐχαριστία/ gratitude) của con người liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa luôn đi bước trước. Thánh nhân minh định điểm này khi viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1,4-7). Với thánh Phao-lô, gẫm suy về muôn vàn ân sủng mà Thiên Chúa rộng ban cho bản thân mình cũng là cách thức giúp con người sống trong tâm tình tạ ơn Người. Quả thực, trong tâm tình tạ ơn, con người nhận thức rằng Thiên Chúa là nguồn mạch ân sủng và Người thông ban ân sủng cho mọi người. Dĩ nhiên, người vô ơn thì không thể đón nhận ân sủng cách xứng hợp và không thể làm cho ân sủng của Thiên Chúa sinh hoa kết trái theo thánh ý Người. Do đó, ân sủng của Thiên Chúa cần được nhìn nhận, được sống và gia tăng thiện ích. Ai không nhận ra ân sủng của Thiên Chúa thì cũng không thể diễn tả tâm tình tạ ơn đối với Người cách xứng hợp.
Trở về với mặc khải Kinh Thánh, những chương đầu của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng A-đam và E-và được Thiên Chúa phú ban những điều kiện cần thiết để sống xứng đáng với phẩm giá của mình trong bầu khí hòa hợp với muôn vật muôn loài và tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Tuy nhiên, A-đam và E-và đã sa chước cám dỗ bởi vì đã lắng nghe và làm theo sự xúi dục của ma quỷ. Quả thực, A-đam và E-và đã vô ơn bội nghĩa, bất tuân phục mệnh lệnh của Thiên Chúa. Trước câu hỏi ‘Tội Nguyên Tổ là tội gì?’, chúng ta thường trả lời là tội kiêu ngạo hay bất tuân phục Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thức rằng nguyên nhân sâu xa mà Nguyên Tổ kiêu ngạo hay bất tuân phục là vô ơn. Quả thực, nếu Nguyên Tổ sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa thì chắc chắn rằng Nguyên Tổ đã không kiêu ngạo, không bất tuân phục. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng người vô ơn cũng là người kiêu ngạo, người bất tuân phục, người mở đường cho muôn hình thức sự dữ xâm nhập đời sống và mọi hoạt động của mình.
Mang trong mình ‘dòng máu A-đam’, con người thường quan tâm đến những gì mình sở hữu, quan tâm đến của cho hơn là người cho, quan tâm đến ‘ân’ hơn là ‘ân nhân’. Thực ra, con người cần hướng sự quan tâm về phía Thiên Chúa hơn là về phía những gì mình lãnh nhận, nghĩa là hướng về ‘người cho’ và ‘cách cho’ hơn là ‘của cho’. Con người tạ ơn Thiên Chúa vì Người là Đấng sáng tạo, cứu độ và thánh hóa; con người tạ ơn Thiên Chúa vì bao kỳ công của Người trong thế giới thụ tạo; con người tạ ơn Thiên Chúa “bởi vì Người công minh chính trực” (Tv 7,18); con người tạ ơn Thiên Chúa “vì danh Người thiện hảo” (Tv 52,11); con người tạ ơn Thiên Chúa vì Người là Đấng trung thành và công chính (1 Ga 1,9); con người tạ ơn Thiên Chúa vì Người là tình yêu (1 Ga 4,8.16). Tắt một lời, con người cần tạ ơn Thiên Chúa ‘vì Thiên Chúa là’ và tạ ơn Thiên Chúa ‘vì Thiên Chúa làm’ trong mọi hoàn cảnh và ưu tiên là hướng trọn tâm tình về phía Thiên Chúa.
Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng, một mặt, con người không bao giờ tạ ơn Thiên Chúa cách xứng hợp như lời Thánh Vịnh: “Nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?” (Tv 49,8). Mặt khác, khi con người đón nhận và sống trong ân sủng (χάρις/ grace) thì đã diễn tả tâm tình tạ ơn. Vì thế, các hình thức tạ ơn của con người thật đa dạng, chẳng hạn: Khi con người ý thức rằng mình bất xứng với ân sủng của Thiên Chúa cũng là tạ ơn; ngạc nhiên trước sự hài hòa của vũ trụ cũng là tạ ơn; tán dương Thiên Chúa vì bao việc kỳ diệu người làm cũng là tạ ơn; tin tưởng vào Thiên Chúa cũng là tạ ơn; hy vọng vào Thiên Chúa cũng là tạ ơn; kể cho người khác nghe về lòng nhân hậu của Thiên Chúa cũng là tạ ơn; ăn chay hãm mình cũng là tạ ơn; trở về và hoán cải cũng là tạ ơn; luôn ý thức mình là Ki-tô hữu cũng là tạ ơn; chịu thương khó vì Thiên Chúa hay vì anh chị em cũng là tạ ơn; bố thí cho người khác cũng là tạ ơn. Tắt một lời, những tư tưởng, lời nói hay việc làm diễn tả sự vâng phục, khiêm hạ, yếu đuối của bản thân trước quyền năng và lòng quảng đại bao dung của Thiên Chúa với tâm hồn hướng về Người, về anh chị em cũng như muôn vật muôn loài, đều mang nghĩa tạ ơn.
Ngược với tâm tình tạ ơn là vô ơn. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng người vô ơn không chỉ không nhận ra ân sủng của Thiên Chúa mà còn xúc phạm Thiên Chúa là Đấng ban ân sủng. Trong nhiều trường hợp, người vô ơn vừa xúc phạm Thiên Chúa, vừa xúc phạm anh chị em mình. Chẳng hạn, chúng ta biết điều đó qua trình thuật của thánh Mát-thêu trong dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót (Mt 18,21-35). Khi con người vô ơn cũng là khi con người phạm tội. Dĩ nhiên, mức độ của tội thuộc về mức độ của sự vô ơn trong những chuyện quan trọng hay bình thường (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, Q.107, a.3). Người vô ơn không bao giờ chúc tụng, tán dương, thờ lạy Thiên Chúa cách xứng hợp. Người vô ơn không chỉ lỗi phạm đức công bình mà còn lỗi phạm các nhân đức khác nữa, nhất là ba nhân đức đối thần: Đức tin, đức cậy và đức mến. Bởi vì, người vô ơn tin tưởng vào những gì phù phiếm hơn là tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ; người vô ơn cậy dựa vào sức mình hay sự trợ giúp của các thế lực đêm tối hơn là sự trợ giúp của Thiên Chúa hằng sống; người vô ơn thì không yêu mến Thiên Chúa cũng như không yêu mến anh chị em mình theo thánh ý Người. Dưới nhãn quan của thánh Tô-ma A-qui-nô, người vô ơn là người thiếu vắng tình yêu hay lỗi phạm đức mến (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, Q.107, a.1).
Ai không quan tâm nuôi dưỡng và thực thi tâm tình tạ ơn thì sẽ chiều theo những thói quen hoặc khuynh hướng xấu và hậu quả là xa rời Thiên Chúa, tự hủy hoại bản thân cũng như gây đau khổ cho anh chị em đồng loại. Do đó, con người cần phải thanh luyện bản thân sao cho tâm tình tạ ơn luôn quán xuyến đời mình. Con người cần biết hướng nhìn lên Thiên Chúa, kết hiệp mật thiết với Người và cộng tác với Người hầu làm cho tâm tình tạ ơn luôn hiện diện và hoạt động cách hiệu quả nhất. Tác giả sách Châm Ngôn viết: “Tâm trí hân hoan [tạ ơn] làm thân xác lành mạnh, tinh thần suy sụp khiến xương cốt rã rời” (Cn 17,22). Như vậy, tâm tình tạ ơn không chỉ dưỡng nuôi, xây dựng tinh thần hay đời sống luân lý, đạo đức mà còn là trợ lực căn bản giúp con người phát triển toàn diện. Đặc biệt, tâm tình tạ ơn của các cá nhân có ảnh hưởng lớn lao đến các hình thức cộng đoàn mà các cá nhân tham dự. Khi một gia đình, một cộng đoàn mà các thành phần trong đó là những người ý thức xây dựng tâm tình tạ ơn thì gia đình hay cộng đoàn đó được hạnh phúc, đồng thời, các thành phần trong gia đình hay cộng đoàn đó cũng biết dưỡng nuôi niềm hy vọng chân thành.
Người vô ơn cũng là người sống trong hy vọng hão huyền. Tác giả sách Khôn Ngoan viết: “Hy vọng của đứa vô ơn bạc nghĩa tan chảy như sương giá mùa đông, trôi đi như dòng nước vô dụng” (Kn 16,29). Còn tác giả sách Huấn Ca thì viết: “Ân huệ người bảo lãnh, kẻ tội lỗi không đếm xỉa gì; người đã cứu mạng mình, đứa vô ơn không buồn nghĩ tới” (Hc 29,16). Những lời giảng dạy của Đức Giê-su trong Tân Ước giúp chúng ta có tầm nhìn rộng mở hơn trong việc ‘làm ơn’ cho anh chị em đồng loại: “Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” (Lc 6,33-35). Quả thực, niềm hy vọng chân thành và tâm tình tạ ơn đích thực đều hướng về Thiên Chúa. Ai sống trong tâm tình tạ ơn đích thực thì người đó cũng đặt niềm hy vọng chân thành vào Thiên Chúa và ai đặt niềm hy vọng chân thành vào Thiên Chúa thì người đó cũng sống trong tâm tình tạ ơn đích thực. Người sống trong tâm tình tạ ơn đích thực và hy vọng chân thành luôn cảm nhận được quyền năng, tình yêu và sự thiện hảo của Thiên Chúa, đồng thời, họ cũng cảm nhận được biết bao ân sủng hay quà tặng mà Thiên Chúa thông ban cho mình.
Người ta thường nói đến các hình thức quyền lực trong thế giới thụ tạo. Tuy nhiên, quyền lực của tâm tình tạ ơn thật là mạnh mẽ. Quyền lực này giúp con người có thể vượt qua những giới hạn của bản thân để kết hiệp với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Quyền lực tâm tình tạ ơn giúp con người biết trút bỏ những lợi lộc thấp hèn hầu có thể hướng đến những giá trị cao thượng. Quyền lực của tâm tình tạ ơn giúp con người thoát khỏi nanh vuốt của kiêu ngạo để biết sống đời tự hạ trước mặt Thiên Chúa và anh chị em mình. Tâm tình tạ ơn tạo cho con người khả năng đón nhận, sống và chuyển tải năng lượng tích cực cho anh chị em đồng loại. Đôi khi, người diễn tả tâm tình tạ ơn bị người khác cho là yếu thế nhưng thực tế không phải như vậy, bởi vì tâm tình tạ ơn là nguồn lực giúp con người vượt qua chính mình để có thể đối diện với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Do đó, khi tâm tình tạ ơn trở thành đặc tính căn bản, trở thành tiêu chuẩn, trở thành lối sống cũng là khi con người có khả năng thiết lập các tương quan lành mạnh giúp bản thân được hạnh phúc, gia đình được an bình và xã hội được phồn thịnh.
Địa chỉ của tâm tình tạ ơn là cõi thâm sâu nhất của thực thể có tên gọi là ‘con người’. Ai không có kinh nghiệm về tâm tình tạ ơn thì cũng không thể thiết lập các tương quan thích hợp với các thực thể khác. Như đề cập ở trên, tâm tình tạ ơn cho phép con người thiết lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa, với tha nhân và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Con người không thể trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa nếu thiếu vắng tâm tình tạ ơn khởi đi từ trái tim mình. Thánh Phao-lô viết: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17). Khi trái tim vắng bóng tâm tình tạ ơn cũng là khi trái tim chứa đầy những gì là nhỏ nhen, ích kỷ, hận thù và người mang trái tim như thế cũng là người hay oán trời trách đất, oán thân trách phận và thường xuyên gắt gỏng, kêu ca, phàn nàn với người khác.
Trong mọi hoàn cảnh, tâm tình tạ ơn của con người chỉ có thể diễn tả cách đúng đắn và phù hợp khi thông hiệp với tâm tình tạ ơn của Đức Giê-su bởi vì ‘chính nhờ Người, với Người và trong Người’ mà con người mới có thể đến với Chúa Cha. Quả thực, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Chẳng hạn, trong dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) hay: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,37-38). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ thân tín: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Như vậy, với tâm tình tạ ơn, con người được liên kết, hiệp nhất, nên một với Đức Giê-su và nhờ đó, được liên kết, hiệp nhất, nên một với Chúa Cha ngay trong hành trình trần thế này (Ga 17,25). Tâm tình tạ ơn sẽ ngày càng lớn lên khi con người biết gắn bó với Đức Giê-su là Lời tạ ơn và noi gương Người sống tinh thần vâng phục, khiêm hạ, trút bỏ giữa thế giới đầy cám dỗ, thách đố cũng như muôn vàn hình thức bất hòa hợp.
Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người là Đường (Ga 14,6). Câu hỏi đặt ra: ‘Đường của Đức Giê-su là Đường gì vậy?’ Thưa, đó là Đường Tạ Ơn. Nhân danh nhân loại, Đức Giê-su đã đi ngược lại đường của A-đam đã đi. Đường của A-đam là đường vô ơn, đường làm cho con người xa rời chính mình, xa rời Thiên Chúa, xa rời anh chị em đồng loại, xa rời muôn vật muôn loài. Như đề cập ở trên, Đức Giê-su luôn diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời Người và dạy mọi người sống trong tâm tình tạ ơn. Cao điểm của tâm tình tạ ơn mà Đức Giê-su biểu lộ là Biến Cố Vượt Qua. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và phục sinh vinh hiển hầu giải thoát mọi người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Đường Tạ Ơn là Đường để cho ân sủng (χάρις/ grace) đến với con người và cũng là Đường dẫn con người tới sự thật và sự sống vĩnh cửu bởi vì Đường này giúp con người hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Hơn nữa, nhờ Đức Giê-su là Đường Tạ Ơn, không chỉ con người được biến đổi mà muôn vật muôn loài cũng được biến đổi cho đến khi Thiên Chúa quy tụ tất cả trong Đức Giê-su (Ep 1,9-10). Với Đức Giê-su là Đường Tạ Ơn, mọi người mới có thể nhận thức rằng mình cần biết chấp nhận, biết khiêm tốn, biết trút bỏ, biết hướng về Thiên Chúa cách chân thành và nhìn nhận rằng bất cứ hình thức vô ơn nào cũng đều làm cho phẩm giá của mình thương tổn.
Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng biết quan tâm xây dựng các đức tính nhân bản quan trọng (khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ) cũng như các nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến). Ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng biết ngạc nhiên trước bao kỳ công của Thiên Chúa trong hoàn vũ; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng ý thức rằng mình là người yếu đuối, khiếm khuyết, tội lỗi; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng luôn cảm nhận được tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với bản thân mình; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng dễ dàng nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống, đọc được những dấu chỉ đó và hành động theo những dấu chỉ đó cách trung tín nhất; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng không bao giờ cô đơn dù sống một mình; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì luôn cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và bình an giữa những gian nan khốn khó của cuộc đời; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng luôn ý thức về sự cần thiết phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi bản thân sao cho ngày càng được công chính, thánh thiện hơn; ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng biết đối xử với mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó, bị loại trừ, bị bỏ rơi theo cách thức của Người. Tắt một lời, ai đi Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su thì cũng thiết lập được mối tương quan liên vị với Người, với tha nhân và ý thức hơn về việc chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên mà Thiên Chúa ban tặng.
Vì sự vô ơn của Nguyên Tổ, ‘nền văn hóa vô ơn’ đã xâm nhập trần gian. Mọi người trong gia đình nhân loại đều bị chi phối bởi nền văn hóa này. Do vậy, ai cũng có kinh nghiệm về sự vô ơn và hậu quả tai hại của sự vô ơn trong đời sống trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Bao lâu nền văn hóa tạ ơn chưa bao trùm gia đình nhân loại thì bấy lâu hận thù, chia rẽ, chiến tranh cũng như nhiều hình thức đau khổ mà con người gây nên vẫn còn tiếp diễn. Nhờ Đức Giê-su là Đường Tạ Ơn, nền văn hóa tạ ơn được thiết lập hầu đem lại bình an và hạnh phúc đích thực cho mọi người trong hành trình trần thế. Nền văn hóa tạ ơn được xây dựng dựa trên những giá trị của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã loan báo và làm chứng bằng đời sống, cái chết và sự phục sinh của Người. Sống trong nền văn hóa tạ ơn mà Đức Giê-su thiết lập, mọi người biết tôn trọng sự thật, ý thức hơn về tình yêu, tình liên đới và sẻ chia giữa người với người. Khi tâm tình tạ ơn trở thành văn hóa cũng là khi mọi người luôn được vui mừng, hoan hỷ cho dù phải đối diện với nhiều thử thách trong thế giới thụ tạo vốn bị méo mó, biến dạng bởi Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội này.
Đức Giê-su là Đường Tạ Ơn và Tin Mừng của Người là Tin Mừng Tạ Ơn. Do đó, các môn đệ của Người luôn được mời gọi loan báo Đường Tạ Ơn của Đức Giê-su cho anh chị em đồng loại. Các trình thuật Tin Mừng cho chúng ta biết rằng những ai đón nhận Đức Giê-su, những ai ngạc nhiên trước giáo huấn của Đức Giê-su, những ai đọc được những dấu chỉ mà Đức Giê-su thực hiện và áp dụng vào đời sống mình đều trở thành những người loan báo Tin Mừng của Người cách hiệu quả. Trong thư gửi cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô viết: “Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người” (1 Tm 1,12). Hành trình trần thế của thánh Phao-lô sau khi gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh cũng là hành trình phục vụ Đức Giê-su, phục vụ Tin Mừng của Người. Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân viết: “Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2,13). Giáo huấn của thánh nhân cho chúng ta biết rằng ai không sống tâm tình tạ ơn theo khuôn mẫu Đức Giê-su thì cũng không thể loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cách xứng hợp. Lời của thánh Phao-lô đối với các tín hữu Cô-rin-tô đáng được các Ki-tô hữu quan tâm để ý: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Ki-tô, tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Ki-tô, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi” (2 Cr 2,14).
Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng vì Nguyên Tổ vô ơn bội nghĩa, bất tuân phục Thiên Chúa mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và không ai có thể giải thoát mình hay người khác khỏi cảnh vô ơn, tội lỗi cũng như sự chết. Tuy nhiên, chương trình tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn và cao điểm là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su trong gia đình nhân loại. Với hành trình trần thế, Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu đã trở thành Lời tạ ơn hầu đem lại sự sống viên mãn cho mọi người. Nói cách khác, con người được về với vĩnh cửu nhờ Đức Giê-su hiện diện trong thời gian, con người được vinh quang nhờ Đức Giê-su cưu mang đau khổ, con người được danh dự nhờ Đức Giê-su luôn khiêm tốn, con người được mạnh mẽ nhờ Đức Giê-su phải yếu đuối, con người được sự sống viên mãn nhờ Đức Giê-su đã chịu chết. Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Tạ Ơn. Do đó, mọi người được mời gọi đến với Đường Tạ Ơn, đi theo Đường Tạ Ơn và hành động theo Đường Tạ Ơn trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Ước gì điệp khúc ‘hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’ (1 Sb 16,34; Tv 106,1; Tv 118,1; Tv 136,1; Gr 33,11) luôn vang vọng trong cõi lòng chúng ta như khúc tâm ca trên Đường Tạ Ơn mà chúng ta đang tiến bước.
Bài cùng chuyên mục:
Đức Giê-Su Ki-Tô - Đường trút bỏ chính mình (19/08/2024 14:57:15 - Xem: 210)
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường củng cố đức tin (09/06/2024 10:47:57 - Xem: 409)
Đức tin của các Ki-tô hữu gắn liền với mặc khải Thiên Chúa trong dòng lịch sử mà cao điểm là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng (06/04/2024 08:01:43 - Xem: 645)
Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu, đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường cầu nguyện (11/02/2024 09:30:02 - Xem: 860)
Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều từ mang nghĩa ‘cầu nguyện’ với Thiên Chúa, một trong những từ khá phổ biến là ‘פָּלַל/ palal’. Động từ này có nghĩa gốc là ‘phân xử’ (Xh 21,22) hay ‘nghĩ về’ (St 48,11).
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Lòng Chúa Thương Xót (19/12/2023 07:12:56 - Xem: 924)
Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác
Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một (09/10/2023 10:52:58 - Xem: 1,314)
Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc,
Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian (29/08/2023 13:54:08 - Xem: 1,131)
Theo các trình thuật Tân Ước, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với thế gian, đến với gia đình nhân loại.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình bạn (03/06/2023 05:25:49 - Xem: 1,405)
Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu và đâu là tình bạn.
Hiệp Hành là điều đơn giản (10/05/2023 07:25:18 - Xem: 2,167)
Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này
Thượng Hội Đồng quan tâm gì ở giai đoạn châu lục? (09/03/2023 08:34:50 - Xem: 3,029)
Đâu là 5 ưu tiên cấp bách nhất đối với châu Á cần được gửi tới Đại hội Thượng Hội Đồng vào tháng Mười sắp tới.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 28 TN năm B - 2024
Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan...
-
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân...
-
Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...