Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ CN lễ Thánh Gia năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,500
  • Ngày đăng: 24/12/2021 06:08:39

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm C

 

 

1/ ÔNG BÀ LÀ MỘT KHO BÁU

Đức Thánh Cha Phanxicô kể rằng khi còn nhỏ, ngài đã nghe câu chuyện về một gia đình có cha mẹ, nhiều con cháu và một người ông nội sống chung. Người ông mắc bệnh Parkinson thường làm rơi vãi thức ăn trên bàn ăn, làm vỡ chén bát và bôi thức ăn lên khắp mặt mũi khi ông ăn. Con trai ông coi đó là điều kinh tởm. Vì vậy, một ngày nọ, người con của ông mua một cái bàn nhỏ, một cái bát, và một cái thìa bằng gỗ và đặt nó ở bên cạnh phòng ăn để ông nội có thể ăn riêng, không làm bừa bộn và không làm phiền những người còn lại trong gia đình. Đức Giáo hoàng nói tiếp: Một ngày nọ, con trai của ông nội trở về nhà và thấy một trong những người con của mình đang chơi với một mảnh gỗ. Ông hỏi con trai mình: “Con đang làm cái gì vậy?” Cậu con trai trả lời: “Một cái bàn,” “Tại sao?” Người cha hỏi. “Nó dành cho bố, thưa bố. Khi nào bố già như ông nội, con sẽ tặng bố chiếc bàn này”. (Trong phiên bản tiếng Việt của câu chuyện, cậu bé đang làm một cái bát ăn bằng gỗ). Sau ngày hôm đó, cụ ông được con trai và con dâu dành cho một chỗ ngồi đàng hoàng trong bàn ăn và mọi sự giúp đỡ ông trong việc ăn uống. Đức Giáo hoàng, người vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 85 của mình vào ngày 17 tháng 12 năm 2021 nói: “Câu chuyện này đã luôn nhắc nhở tôi trong suốt cuộc đời của tôi: ông bà là một kho báu. Thường thì tuổi già chẳng có gì hay đẹp, phải không? Phải mang bệnh tật và tất cả những gánh nặng của nó, nhưng sự khôn ngoan và đức độ mà ông bà chúng ta có được là những thứ chúng ta phải chào đón như một cơ nghiệp”. “Một xã hội hoặc cộng đồng không coi trọng, tôn kính và quan tâm đến những thành viên cao tuổi của nó thì ‘không có tương lai vì nó không có kí ức, nó đã đánh mất kí ức,’” Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm.

 

2/ UNG THƯ, BỆNH TIM VÀ MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH

Một vài năm trước, một nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra thành phố nào ở Hoa Kỳ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư và bệnh tim thấp nhất. Nơi chiến thắng là thành phố Rosetto, thuộc bang Pennsylvania. Ngay sau đó, các chuyên gia y khoa đã đổ xô đến thành phố để hy vọng tìm thấy một thị trấn có dân số không hút thuốc, những người ăn uống đúng cách, tập thể dục thường xuyên và theo dõi chặt chẽ lượng cholesterol của họ. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên lớn của họ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng không có điều nào ở trên là đúng. Thay vào đó, họ nhận thấy rằng tình trạng sức khỏe tốt của người dân  thành phố gắn liền với mối quan hệ gia đình khăng khít vốn luôn được duy trì trong cộng đồng. Điều này cho thấy rằng mối quan hệ gia đình thân thiết và yêu thương còn có rất nhiều điều để người ta tìm hiểu.  (Robert Duggan & Richard Jajac).

 

3/ CHẾT VÌ CÔ ĐƠN

Trong một buổi tiếp kiến, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã kể về việc một ngày nọ, khi còn là Tổng Giám mục giáo phận Milan, ngài đã đi thăm mục vụ giáo xứ. Trong khi đi thăm viếng, ngài ghé thăm một bà cụ sống một mình. Ngài hỏi bà: “Bà có khỏe không?” “Không đến nỗi tệ,” bà ấy trả lời. “Con có đủ thức ăn và không phải chịu lạnh.” Đức tổng nói: “Vậy thì bà cũng khá hạnh phúc rồi?” Bà ấy bỗng òa khóc và rưng rưng nói: “Không, không phải như đức cha nghĩ đâu”. “Đức cha thấy đấy, con trai và con dâu của con không bao giờ đến thăm con. Con đang chết vì cô đơn.” Sau buổi tiếp xúc đó, Đức tổng bị ám ảnh bởi cụm từ “Con đang chết vì cô đơn”. Và Đức Giáo hoàng kết luận: “Thức ăn và sự ấm áp bên ngoài tự nó vẫn chưa đủ. Mọi người đều cần một thứ gì đó nhiều hơn. Họ cần sự hiện diện của chúng ta, thời gian của chúng ta, tình yêu của chúng ta. Họ cần được chạm vào, được đảm bảo rằng họ không bị lãng quên”. (Flor McCarthy in New Sunday and Holy Day Liturgies).

 

4/ BÁN CHO CON MỘT CHÚT THỜI GIAN

Một cậu bé chào bố khi đi làm về với câu hỏi: “Bố ơi, bố kiếm được bao nhiêu tiền một giờ?” Người cha ngạc nhiên nói: “Này con trai, ngay cả mẹ con cũng không biết điều đó. Đừng làm phiền bố, bố đang mệt mỏi.” Cậu bé nài nỉ tiếp: “Nhưng bố ơi, hãy nói cho con biết đi! Bố kiếm được bao nhiêu một giờ?”. Người cha cuối cùng nhẫn nhịn và trả lời: “Hai mươi đô la.” Cậu bé tiếp tục: “Được rồi, bố,” “Bố có thể cho con mượn 10 đô được không?” Người cha hét vào mặt cậu: “Vậy, đó là lý do con hỏi bố kiếm được bao nhiêu, phải không? Bây giờ, đi ngủ đi và đừng làm phiền bố nữa!” Vào ban đêm, người cha suy nghĩ về những gì mình đã nói và bắt đầu cảm thấy có lỗi. Có lẽ con trai ông cần mua một cái gì đó. Cuối cùng, ông đi đến phòng của con trai mình. Người cha hỏi: “Con ngủ chưa, con trai?” Cậu bé đáp: “Chưa, thưa bố. Có gì vậy?” “Đây là số tiền con đã yêu cầu trước đó,” người cha nói. “Cám ơn bố!” Cậu bé trả lời và nhận tiền. Cậu với tay dưới gối và đưa ra một số tiền nữa. “Bây giờ con có đủ! Bây giờ con có hai mươi đô la!” Cậu nói với cha mình: “Cha ơi, cha có thể bán cho con một giờ thời gian của bố, có được không?”

 

5/ NHỮNG LỜI NÓI GÂY TỔN THƯƠNG

Cách đây vài năm, giáo sĩ Marc Gafni đã có một buổi nói chuyện tại một trại hè của trẻ em ở New York. Vào lúc buổi chiều, vị giáo sĩ hỏi bọn trẻ: “Lần cuối cùng ai đó nói với con rằng con xinh đẹp là lúc nào?” Câu trả lời của lũ trẻ đã làm cho ông cảm thấy đau lòng. Rất ít đứa trong số chúng có thể nhớ được những lời động viên chân thành của cha mẹ chúng. Nhiều đứa chỉ nghe thấy những lời lên án và lời mắng chửi. Một cô gái trẻ nói: “Hôm thứ bảy, mẹ con nói với con rằng con là con bé xấu xí nhất mà bà biết.” Một cậu bé khác kể lại một cuộc trò chuyện đau lòng với mẹ của mình. Cậu ta nói: “Mẹ con đã ở trong trại tập trung. Và bà nói rằng nếu bà mà biết rằng con sẽ là con trai bà, bà đã không làm việc chăm chỉ như vậy để tồn tại.” [Marc Gafni, The Mystery of Love (New York: Atria Books, 2003), trang 120-121.]

* Những bậc cha mẹ như vậy cần phải dừng lại để xem xét tác động những lời nói của mình. Thật khó mà tưởng tượng có điều nào đau đớn hơn để nói với một đứa trẻ như thế.

 

6/ SÁU MƯƠI NĂM XA CÁCH

Câu chuyện về Boris và Anna Kozlov rất cảm động. Boris và Anna Kozlov kết hôn năm 1946. Sau ba ngày, Boris phải ra chiến trường cùng với đơn vị Hồng quân của mình. Vào thời điểm ông quay trở lại quê hương, Anna đã biến mất; bà bị Stalin bắt đi  lưu đày ở Siberia cùng với những người khác trong gia đình. Không ai biết được gia đình Anna Kozlov ở đâu, hay chuyện gì đã xảy ra với bà… Boris trở nên gần như điên rồ. Ông đã cố gắng mọi cách để mong tìm ra vị hôn thê của mình nhưng đều vô ích. Bà ấy đã biệt tích. Sau 60 năm, một ngày nọ, Anna Kozlov bắt gặp hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi đang bước ra khỏi ô tô tại ngôi làng Borovlyanka, quê hương của bà ở Siberia. Ở đó, trước mặt bà, đúng là Boris. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến cả hai trở về quê hương của họ vào cùng một ngày. 60 năm xa cách khiến cuộc đoàn tụ của họ trở nên vui mừng khôn tả .

* Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã nghe lời kể của Luca  rằng Gia Đình Thánh đã phải tan nát cõi lòng khi họ lạc mất Chúa Giêsu; nhưng sau khi tìm thấy Người họ vui mừng khôn xiết.

 

7/ MẸ NÓI DỐI HAY HƠN

Một người mẹ đã bị sốc khi nghe con trai mình nói dối. Đặt cậu bé sang một bên để nói chuyện tâm tình, bà ấy giải thích một cách sống động những gì sẽ xảy ra với những kẻ nói dối. “Một người đàn ông đen đủi cao lớn với đôi mắt đỏ rực và hai chiếc sừng sắc nhọn sẽ tóm lấy những đứa trẻ nói dối và mang chúng đi vào ban đêm. Hắn đưa chúng đến sao Hỏa, nơi chúng phải lao động trong một hẻm núi tối tăm trong năm mươi năm..!” Và bà kết luận: “Con không được nói dối lần nào nữa, con nhé?” “Không, thưa mẹ,” cậu con trai nghiêm giọng trả lời: “Nhưng… Nhưng…Mẹ nói dối còn tuyệt hơn cả con đó, mẹ!”

* Trẻ em học cách nói dối từ những người lớn tuổi. Với chúng, không có tác dụng gì khi nói: “Hãy làm như tôi nói và đừng làm những gì tôi không làm.” (G. Francis Xavier trong Những câu chuyện đầy cảm hứng; trích dẫn bởi cha Botelho).

 

8/ HÀI NHI ĐƯỢC ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE HƯỚNG DẪN

Vào ngày 14 tháng 10 năm 1943, những người lao động nô lệ Do Thái trong trại tập trung Sobibor, ở biên giới Ba Lan và Nga, đã thực hiện một cuộc nổi dậy được lên kế hoạch khá hoàn hảo. Trong số 700 tù nhân tham gia cuộc vượt ngục, 300 người đã vượt qua được bãi mìn giữa hàng rào thép gai của nhà tù và khu rừng rậm bên kia. Trong số đó, khoảng 100 người được biết là đã sống sót sau các cuộc truy tìm của Đức Quốc xã. Một người trong số này là Thomas Blatt, được 15 tuổi khi gia đình anh bị lùa đến Sobibor. Cha mẹ anh bị hành quyết trong phòng hơi ngạt, nhưng Thomas, trẻ và khỏe mạnh, bị đưa đi lao động nô lệ. Thomas và hai người bạn đồng hành đã vượt qua được những đe dọa hiểm nghèo và bắt đầu cuộc hành trình dài qua những khu rừng rậm rạp, sau khi len lỏi xuyên qua các bãi mìn. Vào lúc bình minh, họ vùi mình trong rừng để ngủ. Còn ban đêm, họ băng qua những tán cây và bụi rậm. Sau bốn đêm lang thang trong khu rừng lạnh giá, họ nhìn thấy một tòa nhà in bóng trên nền trời đen kịt ở đằng xa. Với nụ cười trên môi, họ háo hức tiếp cận nó, hy vọng có được nơi trú ẩn khỏi kẻ thù. Khi đến gần hơn, họ nhận thấy rằng tòa nhà mà họ đã thấy là một tòa tháp – cụ thể là tòa tháp phía đông của trại tập trung Sobibor! Họ đã thực hiện một vòng tròn khổng lồ xuyên qua khu rừng và kết thúc chính nơi họ bắt đầu. Quá kinh hãi, ba chàng trai lại lao vào rừng. Nhưng sau đó chỉ có Thomas sống sót để kể về trải nghiệm khủng khiếp của họ.

* Khi chúng ta từ chối sự hướng dẫn của các điều răn của Thiên Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta giống như những con người lang thang trong rừng vào ban đêm mà không có người hướng dẫn, và chúng ta không thể đạt được hạnh phúc lâu dài mà chúng ta hằng mong ước.

 

9/ CÔ BÉ SẮC SẢO

Một ngày nọ, một cô bé ngồi nhìn mẹ mình rửa chén bát ở chậu rửa bát. Cô đột nhiên nhận thấy mẹ có vài lọn tóc trắng tương phản lộ ra trên đầu. Cô nhìn mẹ và tò mò hỏi: “Tại sao một số sợi tóc của mẹ lại trắng vậy, mẹ?” Mẹ cô trả lời: “Chà, mỗi khi con làm điều gì sai hoặc khiến mẹ không vui, một sợi tóc của mẹ lại bị bạc trắng.” Cô bé suy nghĩ một chút rồi nói: “Mẹ ơi, vậy sao đầu của bà nội toàn tóc trắng vậy mẹ?”

 

10/ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIA ĐÌNH THÀNH ĐẠT

Những đặc điểm nổi bật của những gia đình thành đạt. Theo một nghiên cứu của hơn 500 chuyên gia tư vấn về gia đình, sau đây là những đặc điểm hàng đầu của những gia đình thành đạt: * Biết giao tiếp và lắng nghe, * Khẳng định và hỗ trợ các thành viên trong gia đình, * Tôn trọng lẫn nhau, * Phát huy cảm giác tin cậy, * Chia sẻ thời gian và trách nhiệm, * Biết đúng sai, * Thực hành lễ giáo và truyền thống, * Chia sẻ niềm tin tôn giáo, * Tôn trọng quyền riêng tư. (Tiêu điểm trên Bản tin Gia đình, tháng 12 năm 1988). Cha Kayala.

 

        Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 51)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 119)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 199)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 402)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 261)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 607)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 687)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 252)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 511)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7