Suy tư - Cảm nghiệm

Sám Hối

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,618
  • Ngày đăng: 15/03/2022 08:58:03

SÁM HỐI

Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm C : Lc 13, 1-9

 

 

Suy niệm

Cùng một biến cố, nhưng người ta lại có những cái nhìn khác nhau. Mỗi cái nhìn nói lên quan niệm và thực chất của tâm hồn mình. Người ta không thể nhìn cao hơn nếu tâm hồn còn quá thấp; không thể nhìn rộng hơn nếu tâm hồn còn quá hẹp; không thể nhìn ra sự thật khi tâm hồn còn gian dối; không thể nhìn ra Chúa nếu tâm hồn vắng bóng Ngài. Mọi cái nhìn đều phản ánh tình trạng nội tâm, nhưng điều ngặt nghèo là đứng trước mọi biến cố, người ta hay phóng chiếu tình trạng tiêu cực của tâm hồn mình lên người khác, khiến cho cuộc sống thêm oan khiên.

 

Cũng vậy, hôm nay Chúa Giêsu nói đến cái nhìn rất sai lạc của người Do Thái, khi họ giữ một cái quan niệm cứng ngắt về “ác giả ác báo”. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người nổi loạn, thì người Do Thái cho rằng những người đó đáng chết vì họ là những người tội lỗi. Khi tháp Silôe đổ xuống làm một số người chết, thì họ cũng nói đó là những người xấu xa đáng bị Chúa trừng phạt. Sự thật có phải vậy không? Chúa Giêsu trả lời ngay:“Không phải thế, nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Câu trả lời cho thấy ta đừng suy đoán về người khác một cách hàm hồ, mà hãy coi những tai nạn đó là tiếng nhắc nhở ta xét lại lương tâm mình để sám hối.

 

Điều khiến chúng ta khó lòng xét lại bản thân mình là vì thấy mình nằm trong tình trạng an toàn, không bị tai họa gì. Đã an toàn nên có cảm tưởng mình không có tội, vì thấy mình không có tội nên chẳng cần sám hối. Thật ra, tình trạng an toàn đó nhiều khi là do sự chủ quan và ảo tưởng của mình. Cũng giống như trường hợp cây vả trong dụ ngôn nằm trong tình trạng an toàn. Nó không cho trái độc, không làm hại những cây cối xung quanh, không phá cảnh quang. Nó chỉ có một tội làm hại đất, tội sử dụng đất mầu mỡ mà không sinh trái. Tình trạng an toàn của chúng ta cũng giống như cây vả lá cành sum suê nhưng lại không sinh trái.

 

Tự hào vì mình không làm điều gì xấu, nhưng đã không làm điều tốt, những điều có thể làm và phải làm mà đã không làm. Không tích cực làm điều tốt lành thì rõ ràng là tiếp sức cho sự dữ tung hoành. Quả thực,“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.” (Napoléon). Một Kitô hữu chỉ lo sống an phận hoặc chỉ lo bao bọc cho bản thân mình là một phản chứng. Sống không phải là lo tránh tội, mà là lo thể hiện tình yêu. Chính tình yêu không cho phép chúng ta sống cằn cỗi, khô khan, biến mình trở thành kẻ vô ích giữa cuộc đời. Thế giới cần những Kitô hữu dám dấn thân để sống cho tha nhân. Chúng ta được kêu gọi góp phần để xây dựng Nước Chúa ngay trong cuộc đời này, nên phải sinh hoa kết quả như Chúa mong đợi, vì Đức Kitô đến là để mọi người được sống và sống dồi dào.

 

Sám hối, hoán cải, còn là biết đón nhận những săn sóc tế nhị của Chúa, là đừng lãng phí bao ơn lành Chúa ban. Sám hối không chỉ là nhận ra những lầm lỗi và thiếu sót của mình nhưng còn để thấy những cằn cỗi, khô khan, thờ ơ nguội lạnh, và vô tình của mình đối với những người xung quanh. Đang khi bao nhiêu người khác luôn phải cực nhọc lo việc chung, còn mình thì cứ sống ung dung hưởng thụ.

 

Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa là chủ vườn, Đấng kiên nhẫn trước tình trạng khô cằn của cây đời chúng ta. Quyết định chặt cây chỉ đến sau nhiều lần hụt hẫng, sau khi đã làm đủ cách để lay động trái tim ta. Chúa Giêsu, người làm vườn cũng kiên nhẫn không kém: “xin ông để lại một năm nữa”. Ngài tiếp tục nuôi hy vọng dù rất mong manh, là để “vun xới bón phân, may ra sang năm có trái”. Nhưng rồi ta đừng quên lời cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”. Chúa kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, chờ đợi, nhưng cũng đòi ta phải mau hoán cải.

 

Lịch sử đầy dẫy những thí dụ về những người nhờ được người khác kiên nhẫn cho thêm cơ hội nên về sau trở thành những vĩ nhân. Có nhiều người phát triển rất chậm và muộn màng, nhưng lại là những nhân tài. Những người như thế cần có ai đó tin tưởng họ, kiên nhẫn chờ đợi họ và tạo cơ hội cho họ. Nếu không, thì kho tàng tài năng của họ sẽ bị vùi dập và mai một đi. Chúa đã tạo cho ta thêm cơ hội, thì ta cũng hãy tạo thêm cơ hội cho người khác. Cuộc sống ý nghĩa biết bao khi biết sống cho mình mà lại vừa lo sống cho người khác.

 

Cầu nguyện                                                             

Lạy Chúa!
Sám hối là điều không dễ dàng,
khi tâm hồn con chưa khiêm tốn,
khi thấy mình vẫn được an toàn,
chẳng có gì phải sợ sệt lo toan.

 

Con thấy bao người gặp cảnh tai ương,
con cho là hậu quả của tình trường,
phần con vẫn được luôn sung sướng,
nên nghĩ mình tội lỗi chẳng lụy vương.

 

Nhưng xem ra con chủ quan và ảo tưởng,
vì đã không suy xét lại cho tường,
cũng giống như cây vả trong vườn,
cánh lá xanh um nhưng lại không cho trái,
và như vậy chỉ làm hại đất đai.

 

Con cũng nghĩ mình không làm gì tội,
nên chẳng cần phải sám hối ăn năn,
nhưng tội đâu chỉ là làm điều xấu,
mà còn là đã không làm điều tốt,
những điều phải làm con đã không làm,
như thế là tiếp tay cho sự dữ lan tràn,
khiến bao người phải khốn khó lầm than,

Khi con chỉ lo cho mình được an toàn,
là con làm cho thế giới bất an,
cho cuộc sống thêm hoang mang bất ổn,
vì sống không phải là lo tránh tội,
mà là lo thể hiện tình yêu,
thiếu tình yêu nên con khô cằn suy yếu,
khiến quanh con nên hoang vắng tiêu điều.

 

Chúa kiên nhẫn để đời con sinh trái,
xin cho con hằng ngày biết hoán cải,
mở rộng trái tim thể hiện lòng nhân ái,
góp phần làm tươi đẹp cõi trần ai. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 122)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 169)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 204)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 402)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 262)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 607)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 687)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 253)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 512)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7