Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 MC năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,949
  • Ngày đăng: 23/03/2022 06:19:26

TRỞ VỀ

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C : Lc 15,1-3. 11-32

 

 

Suy niệm

Những người biệt phái và kinh sư vẫn coi khinh những người thu thuế và tội lỗi, khi thấy Chúa Giêsu lui tới với những hạng người đó thì họ xầm xì khó chịu. Trước cái nhìn ngặt nghèo của nhóm biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu nêu lên dụ ngôn Thiên Chúa như “Người cha nhân hậu”. Đó là người cha chấp nhận chia gia tài để người con thứ ra đi, dù biết nó sẽ rơi vào cảnh sa đà, trụy lạc, nhưng tin nó sẽ quay về sau khi vỡ mộng. Thế nên người cha từng ngày mong nó sẽ trở về, và chuẩn bị mọi thứ để đón rước. Thông thường, cha mẹ chỉ chuẩn bị đón rước và ăn mừng đứa con sắp thành tài, sắp thăng quan tiến chức; chứ ai lại mừng cho một thằng nghịch tử; một đứa con bất hiếu bao giờ!

 

Đúng như người cha dự đoán, sau một thời gian “sống phóng đãng, phung phí hết tài sản”, rơi vào cảnh cùng cực, người con đã hồi tâm chuyển ý, thấy mình quá đắc tội với cha nên đã quay về. Tưởng đâu cha sẽ trách mắng, nghiêm phạt, ai ngờ khi vừa thấy bóng dáng con từ xa, thì ông động lòng thương, chạy ra ôm chầm lấy anh và hôn lấy hôn để. Lòng yêu thương và chờ đợi từng ngày khiến ông quên hết lỗi lầm của đứa con hoang đàng. Ông thật là một người cha phung phí vì đã chia gia tài cho một đứa con còn non lòng trẻ dạ. Và giờ đây ông lại đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng cho con. Hơn nữa còn vui mừng mở tiệc liên hoan, đàn ca múa hát để ăn mừng. Một cuộc đón tiếp quá nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Ông đã phung phí tình yêu thương cách quá độ đến mức vô lý. Đúng là “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hề biết đến.” (Pascal).

 

Người anh cả đi làm về thấy cảnh tượng như vậy liền nổi giận, không chịu vào nhà, nặng lời trách móc cha già, vì hành xử như vậy là bất công với anh ta. Anh cho cha thấy bao nhiêu công lao của mình đối với cha mà chưa từng được khen thưởng, đang khi “thằng con của cha đó”, nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì lại ăn mừng. Anh không thể vui với cha, nên càng không thể vui với em. Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm. Anh đối chọi với cha và không muốn vào nhà để gặp em. Anh nghĩ cha đã sai lầm khi thưởng kẻ đáng phạt mà không thưởng người đáng công.

 

Người cha phải ra tận cổng phân trần và năn nỉ anh ta vào nhà chung vui với ông “vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Nhưng xem ra người anh không chấp nhận cho em trở về, vì sợ chiếm mất những gì thuộc về mình. Người cha đã khẳng định với cậu rằng: “Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 13,31). Hoá ra cả hai người con khác nhau về cách sống bên ngoài nhưng lại rất giống nhau về tâm thế bên trong, vì cả hai đều ở ngoài trái tim của cha, người con thứ vô tình, mà người con cả cũng vô tâm, không cảm nhận được tình yêu thương của cha mà chỉ muốn sống thỏa mãn theo ý riêng mình. Cả hai đều có lối sống như người làm công chứ không phải làm con. Người anh xem ra còn nặng tội hơn em, vì không chấp nhận cha mà cũng không chấp nhận em. Người anh cả phải chăng đại diện cho nhóm Pharisêu và các kinh sư, luôn tự hào về đời sống đạo đức của mình, và muốn cho những kẻ tội lỗi phải chết hơn là được cứu chữa.

 

Người cha có hai đứa con thật éo le. Người con thứ có vẻ như tượng trưng cho lối sống của những kẻ đang chạy theo của cải vật chất, đang tôn thờ ngẫu tượng, suy tôn vị lãnh tụ lên làm Chúa. Đó cũng là những người đang mất dần đức tin, không còn sống hiệp thông trong Giáo hội; là những người trẻ bỏ gia đình đi bụi đời; là những thanh niên đang chạy theo tiền tài danh vọng; là những thiếu niên đang nghiện ngập và lo tìm thỏa mãn đam mê dục vọng.

 

Phải chăng người anh cả tượng trưng cho những người giữ đạo để cho mình được an thân yên vị, chứ không vì tình yêu mến. Không có tình yêu với Chúa nên cũng chẳng có tình yêu với nhau, nên không gần gũi, không thân thiện, không chia sẻ, không cảm thông, và càng không muốn tha thứ. Người con cả phải chăng là những tín hữu xưng mình là đạo dòng nhưng lại lười biếng, tự ái, kiêu căng, ích kỷ?

 

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài yêu chúng ta bằng một thứ tình yêu mà lý trí không tài nào hiểu được. Hãy để cho tim mình ra mềm mại và tan chảy trước tình yêu cao siêu đó. Hãy vào hưởng niềm vui của một đứa con hiếu thảo với Cha và đầy tình huynh đệ với nhau.

 

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa tình yêu!
dù con đã bao lần sa lạc và lầm lỡ,
nhưng Cha vẫn luôn nâng đỡ thứ tha,
con cảm thấy bước chân Cha vội vã,
khi ra đón đứa con sa ngã trở về.

 

Cha chẳng nề khi thân con ô uế,
giang tay ôm ấp với tình thương tràn trề,
vẫn như thuở đầu con từng được yêu quí,
nhưng vì bất hiếu con đã bỏ ra đi.

 

Cha chẳng chấp tội nặng con đã phạm,
mà lại vui làm tiệc đám linh đình,
để cho thấy vẫn một tình cha con,
chẳng có gì làm sứt mẻ hao mòn.

 

Tình thương Cha chẳng thể nào sánh ví,
thế mà lại có những lần con ganh tị,
khi có người trong sa lạc trở về,
con lại tìm mọi cách để khinh chê,
không đón nhận vì sợ mình lép vế.

 

Con quên rằng tình Cha luôn thi thố,
mỗi người có một chỗ trong tim Cha,
Cha yêu con chỉ vì con là con,
cho dù con ngoan hiền hay hư hỏng.

 

Xem ra con cũng như người anh cả,
ở trong nhà nhưng tấm lòng lạc xa,
chưa hiểu nổi mối tình Cha sâu thẳm,
mà chỉ nhắm tới công bằng và hợp lý,
không biết cho đi và bao dung nhân hậu,
đúng là bản thân con vẫn còn thô lậu.

 

Xin cho con một trái tim cháy sáng,
để biết sống tình yêu Cha vô hạn,
một trái tim tha thứ rất dịu dàng.
một cách ứng xử nhẹ nhàng và thanh thoát,
để tạo an bình và hạnh phúc hòa chan. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 108)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 155)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 203)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 402)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 262)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 607)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 687)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 253)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 511)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7