Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,326
  • Ngày đăng: 27/12/2022 15:29:12

GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG

Ngày 01 tháng 01: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa: Lc 2, 16-21

 

 

Suy niệm

Sau khi chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, thì hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Tín điều Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) là tín điều đầu tiên về Đức Mẹ, được tuyên tín vào ngày 22/6/431 bởi Công đồng chung Êphêsô. Khi Công đồng tuyên tín Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, thì mục tiêu chính không phải là đề cao một tước hiệu của Đức Maria, song là để bảo vệ chân lý về Thiên Chúa nhập thể. Thiên Chúa muốn trở thành người như chúng ta, làm con của một người phụ nữ (Gl 4,4). Thiên Chúa muốn đến với nhân loại qua một gia đình, chấp nhận điều kiện của con người, từ thai nhi yếu ớt và lớn dần, chứ Ngài không hóa thân từ trên trời mà xuống cách ngẫu nhiên giống như những câu chuyện thần thoại.

 

Từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể, nên Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa với hai bản tính. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Bản tính Thiên Chúa và loài người của Ngài không thể tách rời nhau được. Vì Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người (Cl 2,9), nếu Ðức Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, thì Ðức Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa. Chắc chắn Đức Maria không thể hiểu thấu ngay mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, nên khi các mục đồng kể lại việc sứ thần báo tin Đấng Cứu Thế giáng sinh ở Belem, thì Mẹ đã “ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng”. Mẹ không vội vàng nắm bắt sự việc bằng trí hiểu, nhưng bằng sự cảm nếm trong lòng. Đó là điều rất đặc biệt nơi Mẹ mà chúng ta cần học hỏi và đào sâu trong cuộc đời mình.

 

Để khám phá ra phần nào mầu nhiệm, cần ơn soi sáng của Chúa, nhưng cũng cần một thái độ lắng nghe, khiêm nhường, suy tư và nghiền ngẫm trong thinh lặng. Giữa một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động bên ngoài của bon chen, tranh chấp, những tai ác và chết chóc hàng ngày; tiếng động bên trong của những lo lắng, toan tính, yêu-ghét và ham muốn không ngừng. Chúng ta cần bắt chước Đức Mẹ, khắc ghi mọi biến cố trong tâm hồn bằng sự chiêm niệm, để dần dần ngộ ra chân lý, nhận ra quyền năng và tình thương sâu thẳm của Thiên Chúa, thấy Ngài vẫn đang hành động lạ lùng trong cuộc sống. Chỉ trong thinh lặng, Chúa mới có thể ngỏ lời một cách nào đó. Nhờ đó, tâm trí ta mới được sáng lên và sống khác đi, không còn nằm lì trong lối sống thường tình, mà bước ra khỏi mình để dấn thân phục vụ vì tình yêu.

 

Chính nhờ chiêm niệm mà Mẹ Maria nhìn mọi sự ở đời này bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ thế mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống của Mẹ đều có ý nghĩa cứu độ. Chẳng có gì ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Tất cả đều nằm trong tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Đời ta vui buồn, sướng khổ, hay dù ra sao đi nữa thì hãy nhìn tất cả những điều đó với con mắt đức tin, với con mắt của Thiên Chúa, Đấng hằng che chở ta bằng tình thương và ân sủng, Đấng vì yêu thương mà có thể biến điều dữ thành sự lành cho những ai tin tưởng nơi Ngài.

 

Hôm nay, ngày khởi đầu năm dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Sáng kiến này do Đức Phaolô VI khởi xướng năm 1968, để kêu gọi, cổ vũ và hành động để cho mọi dân nước được sống trong hòa bình. Điều này giúp ta ý thức lại đời sống mình, điều chỉnh những gì còn đang gây trở ngại và bất ổn cho đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội, Giáo hội. Đời sống ngay chính, công bình và bác ái là phương thế tốt nhất để chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu, Vua Hòa Bình, và mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng là Nữ Vương Hòa Bình, vì Mẹ đã trao hiến chính con yêu của mình cho nhân loại.

 

Hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, hay không còn những xô sát bên ngoài, nhưng trước tiên phải là sự an bình trong tâm hồn của mỗi người. Sự bình an này được ban cho tất cả những người thiện tâm, như các thiên thần đã hát vang trong đêm Chúa giáng sinh. Hòa bình chính là hoa trái của tình yêu phục vụ, của sự hy sinh hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân, như Đức Giêsu và Mẹ Maria. 

 

Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu nơi hang đá, nhưng Mẹ cũng đã sinh ra chúng ta dưới chân thập giá. Qua thánh Gioan, Chúa Giêsu đã ủy thác Đức Maria cho chúng ta, và trao gửi cuộc đời chúng ta cho Đức Maria. Yêu mến và tôn sùng Mẫu Tâm, mời gọi chúng ta trở nên giống Mẹ mình, là góp phần làm nên một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa, nơi chỉ có yêu thương, bình an và hạnh phúc viên mãn.  

 

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Dù thiên sứ đã tận tình giải thích,
trước khi Mẹ thụ thai Chúa Ngôi Hai,
nhưng rồi mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm.

 

Bao biến cố trong đời còn nối tiếp,
Mẹ cũng chẳng hiểu được bao nhiêu,
nhưng quan trọng là Mẹ đã yêu nhiều,
nên ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại.

 

Có những điều trong đời Mẹ rất thiếu,
nhưng ân sủng nơi Mẹ lại đầy dư,
vì Mẹ hằng lắng nghe và tuân giữ
những Lời Thiên Chúa đã phán truyền,
tin vào Lời Chúa, Mẹ không xao xuyến,
sẵn sàng sống một cuộc đời tận hiến,

 

Con có người Mẹ thật thánh thiện,
nhưng bản thân con lại yếu hèn,
sa đi ngã lại đã bao phen,
tuổi trẻ lại đam mê chè chén,
háo danh ham lợi đã thành quen,
cuốn theo vật chất sống ươn hèn.

 

Con có người Mẹ quá sáng trong,
nhưng bản thân con còn hư hỏng,
tâm trí suy tư thường trống rỗng,
nên đời con sống cũng như không.

 

Cho con biết hằng suy đi nghĩ lại,
khám phá ra ân sủng Chúa tràn đầy,
qua những lúc vui vầy hay đau khổ,
để mỗi ngày thấy mình nên giống Mẹ,
luôn cất lời ca ngợi Chúa khắp nơi,
đem an vui và ân phúc cho đời. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 428)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 409)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 235)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 431)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 290)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 623)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 706)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 261)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 522)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7