Suy tư - Cảm nghiệm

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót

  • In trang này
  • Lượt xem: 455
  • Ngày đăng: 28/03/2024 07:44:50

THÁNH GIÁ - NGUỒN MẠCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một tượng Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Giá nổi tiếng được chạm trỗ vào khoảng năm 1350. Nghệ nhân là ai, rất tiếc không thể xác định danh tánh.

 

Hiện nay chúng ta có thể chiêm ngắm và cầu nguyện trước bức tượng này. Bức tượng được đặt ở phía bên trái gần phía giữa nhà thờ.

 

Có một vài giai thoại về bức tượng này.

 

Giai thoại đầu tiên nói rằng: Vào một ngày kia có một tên trộm đột nhập vào nhà thờ và anh ta muốn lấy cắp vương miện bằng vàng trên đầu Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Khi anh trộm đụng tới vương miện của Chúa, thì đôi tay Chúa đang chịu đóng đinh trên thập giá bỗng chợt lìa khỏi thập giá cùng với hai cây đinh trên hai bàn tay, và đôi tay Chúa ôm chặt lấy anh trộm kia, đến nỗi anh ta không thể vùng vẫy ra được. Anh ta chịu trận đứng yên trong vòng tay Chúa cho đến sáng hôm sau. Khi ông Từ giúp nhà thờ mở cửa nhà thờ, ông nhìn thấy cảnh tượng đó, ông liền đến giúp anh trộm thoát ra khỏi vòng tay của Chúa Giê-su đang ôm chặt anh.

 

Giai thoại thứ hai nói rằng: Có một tội nhân hết lòng sám hối ăn năn, xin Chúa thứ tha tội lỗi. Nhưng vì tội ông quá lớn, quá nhiều nên ông vẫn còn nghi ngờ lòng thương xót của Chúa. Chúa liền đưa tay ra ôm chầm lấy ông trong vòng tay âu yếm để bày tỏ lòng Chúa khoan dung hải hà, thương xót và thứ tha.

 

 

Với hai giai thoại trên, giờ đây chúng ta chiêm ngắm bức tượng của Chúa Giê-su.

 

Bạn muốn đặt tên cho bức tượng là gì?

 

Nghệ nhân vô danh đã diễn tả một nét rất đặc biệt của Chúa Giê-su. Hai cánh tay của Chúa đã rút khỏi lỗ đinh của Thánh Giá. Trên hai tay hai cây đinh vẫn còn dính chặt. Chúa Giê-su vòng ra phía trước như bồng ẵm và ôm ấp một con người. Đôi mắt Chúa mở và đang nhìn xuống từng người ở dưới. Đôi môi Chúa mở như đang muốn nói lời thương xót người nguyện cầu.

 

Theo truyền thống của thần bí, có thể bức tượng này dựa vào một trải nghiệm thần bí của thánh Bê-na-đô (Bernhard Clairvaux). Trong một lần chìm sâu trong cầu nguyện thánh nhân đã cảm nhận được Chúa Giê-su chịu đóng đinh ôm ấp ngài vào lòng.

 

Bồng ẵm và ôm ấp vào lòng. Cử chỉ tràn đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh dành cho mỗi phận người chúng ta.

 

Có những bối cảnh của cuộc sống, dù muốn hay không, thập giá vẫn đến với đời người. Không thể chạy trốn và cũng không thể chối từ. Sức nặng của thập giá làm cho đời người “trùng xuống”. Đau khổ và sợ hãi đến, đôi khi thật dã man và tàn nhẫn. Rồi còn phải đối diện với “ngõ cụt” đưa tới thất vọng và buông xuôi. Làm sao đây với khổ đau và sức nặng đang đè trên đôi vai này?

 

Phần nhiều sẽ tự chiến đấu và chống cự các đau khổ và thập giá không hẹn mà đến. Thái độ chống cự này cần thiết lắm, vì từ nguyên thuỷ khi Đấng Yêu Thương dựng nên con người đâu có Thánh Giá cùng đi theo.

 

Nhưng vì chính lòng ham muốn trở nên giống như Chúa, mà con người muốn bước vào trung tâm điểm của cuộc sống, muốn điều khiển không chỉ bản thân, mà điều khiển cả mọi người xung quanh cùng muôn loài muôn vật.

 

Chính lúc này con người đã chối bỏ chính mình.

Chính lúc này, khi con người đẩy Thiên Chúa ra khỏi đời mình,

con người rơi vào vũng lầy của đêm đen.

Từ tội lỗi của kiêu căng và ham muốn làm chủ mọi sự của con người,

một vết nức xuất hiện và tạo nên vực thẳm ngăn cách giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật.

 

Trật tự nguyên thuỷ không có hình bóng thập giá đã bị đảo lộn.

Từ đó không chỉ một thập giá, mà rất nhiều thập giá xuất hiện ở khắp mọi nơi.

 

Tình yêu và lòng thương xót không bao giờ thua cuộc.

Tình yêu và lòng thương xót luôn bền vững với hai chữ “tín trung”.

 

Đức Giê-su Ki-tô vâng lời Cha trên trời,

mặc lấy thân phận con người đang bị biết bao thập giá bao quanh.

Ngài xuống trần chia sẻ mọi nỗi niềm.

Cũng hãi sợ và cũng muốn tránh né như muôn người trước chén đắng, trước thập giá, nhưng cuối cùng tình yêu vâng phục và tình yêu tín trung vẫn toả sáng.

 

“Xin vâng” để cầm chén đắng lên,

nâng ly và cụng ly với muôn người,

uống cạn mọi thứ trong chén đắng và không để bất cứ một giọt nào rơi ra.

 

Cúi mình bước vào con đường thập giá,

Sau những trận roi đòn đau đớn trên thân xác,

Sau những sỉ nhục khinh khi làm tan nát tâm hồn,

Đấng Yêu Thương đón nhận thập giá vô tâm và dã mãn của kiếp người.

 

Thập giá đè nặng trên vai,

Ngài bước đi lúc thì vững chãi, lúc thì yếu đuối lê bước và rồi ngã gục.

Cái ngã của kiếp người đầy giới hạn với sức tàn lực kiệt.

Cái yếu của đời người không thể làm chủ được chính mình.

 

Rồi cũng đến được đồi cao.

“Xin vâng” lại được cất cao từ trái tim Đấng Yêu Thương.

Xin vâng cho đến cùng như yêu cho đến cùng.

 

Bị lột áo, bị bỏ rơi, bị người ta căng thân thể trên thập giá,

Bị những cây đinh xuyên thủng da thịt,

Bị người ta dựng đứng thập giá treo thân hình của kẻ tôi trung,

“mặt mày tan nát chẳng ra người,

không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14).

Bị người qua kẻ lại xỉ vả, chế diễu và thách thức.

 

Ôi Đấng Yêu Thương tự ý mặc lấy phận loài người,

lại bị biết bao điều ác độc của ác nhân bao phủ.

 

“Xin vâng” trong im lặng của trái tim tràn đầy yêu thương và hiến dâng.

Yêu cho đến cùng và yêu trong đau khổ.

Đau khổ và yêu thương hoà quyện lẫn nhau,

để lời cầu nguyện của Đấng Yêu Thương được cất lên

và tâm tình với Cha trên trời,

nhưng không phải để cầu cho mình, mà là cầu cho kẻ hãm hại mình:

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

 

Tình yêu thiếu vắng tha thứ sẽ không bao giờ là tình yêu.

Ôi tha thứ, “người yêu” của tình yêu.

Ôi tha thứ, “bạn tri kỷ” của lòng thương xót.

Thương cho đến cùng và thương trong đau khổ.

Đau khổ và lòng thương xót hoà quyện với nhau,

để rồi cung điệu của bài ca thương xót đẹp nhất từ thập giá “rung lên”

từ đôi môi hé mở của Đấng Yêu Thương:

“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

 

Ôi lời cao đẹp của Đấng Chịu Đóng Đinh.

Với lời này, đôi tay Ngài như lìa khỏi cây gỗ của thập giá,

Ôm choàng và bồng ẵm anh trộm lành tốt số kia.

Đôi mắt Ngài từ trên cao nhìn xuống phận hèn.

Ánh mắt thương xót của Đấng Chịu Đóng Đinh toả rạng hương thơm Phục Sinh.

Anh trộm lành tốt số đã được “vượt qua”, đã chạm được bến bờ Phục Sinh.

Ngay ngày hôm nay chứ không phải ngày mai, thiên đàng thuộc về anh rồi đó.

 

Xin vâng, trung tín, yêu thương và lòng thương xót

ôm lấy nhau và hòa quyện trong nhau,

một cung đàn réo rắt du dương được cất lên ca tụng Đấng Chịu Đóng Đinh,

Ngài sẵn sàng “dứt tay” ra khỏi gỗ thập giá kia,

để bồng ẵm và ôm ấp mọi người,

để trao ánh mắt dịu hiền nhân hậu

để nói lời ủi an tràn đầy xót thương.

 

Trước Ngài, xin dâng lên một phận người đang đau đớn vì ung thư,

đang chịu nhiều đau đớn trong thân xác

và phải đối diện với cái chết sẽ đến nay mai.

Xin Chúa “dứt tay” ra khỏi gỗ thập giá kia,

ôm ấp và bồng ẵm người đau yếu trên tay,

xin Chúa trao ánh mắt dịu hiền yêu thương,

xin Chúa nói lời “mọi sự hoàn tất”.

Lời hoàn tất để được chữa lành căn bệnh ung thư,

Và đời người khoẻ lại tiếp tục bước đi trong cuộc sống,

Hay lời hoàn tất theo ý của Chúa muốn,

Xin được “xin vâng” thánh ý Chúa, Chúa của con ơi !

 

Trước Ngài, xin dâng lên một phận người từ mấy tuần qua,

vì covid đang nằm bất động trong nhà thương,

không xa thánh đường này đâu, chỉ vài cây số thôi.

Mọi bộ phận của cơ thể bắt đầu “báo động”.

Người người cần phải chuẩn bị “tin xấu” có thể đến nay mai.

Xin Chúa “dứt tay” ra khỏi gỗ thập giá kia,

ôm ấp và bồng ẵm người đau yếu trên tay,

xin Chúa trao ánh mắt dịu hiền xót thương,

xin Chúa nói lời “mọi sự hoàn tất”.

Lời hoàn tất để được chữa lành Covid cùng mọi bệnh hoạn trong thân xác,

và đời trẻ khoẻ lại tiếp tục bước đi trong cuộc sống,

hay lời hoàn tất theo ý của Chúa muốn,

Xin được “xin vâng” với lòng thương xót của Chúa, Chúa ơi !

 

Trước Ngài, xin dâng lên một phận người từ mấy năm qua,

Đang vật lộn với thần dữ và với các cảm xúc tiêu cực trong tâm hồn,

Không làm chủ được mình và dễ dàng gây ra những hành động đầy bạo lực,

Làm tổn hại thân xác của mình, và cả thân xác của người thân.

Nhưng không chỉ thân xác,

mà tinh thần cũng bị chao đảo bởi cảm xúc tiêu cực đeo bám.

Xin Chúa “dứt tay” ra khỏi gỗ thập giá kia,

ôm ấp và bồng ẵm người đau yếu trên tay,

xin Chúa trao ánh mắt dịu hiền xót thương,

xin Chúa nói lời “mọi sự hoàn tất”.

Lời hoàn tất giải thoát người đau yếu ra khỏi bóng đêm của sự dữ,

và cuộc sống thanh thoát an bình tiếp tục bước đi trong cuộc sống,

hay lời hoàn tất theo ý của Chúa muốn,

Xin được “xin vâng” với quyền năng và tình yêu Chúa.

 

Trước Ngài, xin dâng lên những cặp vợ chồng đang bên bờ vực đổ vỡ.

Lửa yêu thương đã lạnh, tình yêu vợ chồng như đã “hết rượu” rồi.

Biết sao đây để giữ lửa yêu thương trong gia đình?

Sống chung trong một mái nhà,

nhưng khoảng cách giữa hai người đã từng yêu sao mà xa đến vậy!

Nằm chung trên một giường, nhưng “cái lạnh” của hai trái tim

làm tê cứng mọi thớ thịt.

Xin Chúa “dứt tay” ra khỏi gỗ thập giá kia, ôm ấp và bồng ẵm cả hai vợ chồng,

xin Chúa trao ánh mắt dịu hiền xót thương để trao ban lửa mới của tình yêu,

xin Chúa nói lời “mọi sự hoàn tất”.

Lời hoàn tất sưởi ấm hai trái tim đang tê cứng,

Lời hoàn tất rung lên cung điệu của thứ tha, cảm thông và đón nhận,

Lời hoàn tất của hàn gắn và yêu.

Vâng yêu cho đến cùng,

Yêu với trung tín cho đến cuối đời.

Yêu để tỉnh táo, khiêm tốn

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có,

Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

 

Trước Ngài, con xin dâng lên từng anh chị em con gặp trên đường

vào ngày hôm qua, trong ngày hôm nay và cả ngày mai nữa.

Anh chị emn của con đang cần Chúa,

họ đang ao ước nằm trong vòng tay của lòng Chúa thương xót.

Chúa ơi, chúng con luôn cần Chúa,

chúng con luôn khao khát lòng Chúa xót thương.

 

Lời hoàn tất tràn đầy lòng thương xót của Chúa thật đẹp.

Xin hoàn tất mọi điều Chúa thấy cần hoàn tất trong từng đời người chúng con,

để niềm vui của Chúa và của chúng con trở nên một,

nhờ đó cuộc sống của chúng con trở nên dồi dào hơn,

dồi dào trong lòng thương xót của Đấng Tạo Dựng nên chúng con,

Đấng Thương Xót chúng con trên dương thế,

Đấng Cứu Độ chúng con trên Thánh Giá,

Đấng là Vua trên hết các Vua cho chúng con hưởng vinh quang trên vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Amen.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 234)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 265)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 210)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 408)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 267)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 608)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 693)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 255)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 513)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7